Tin tức

Gift of Fire: Hiroshi Kurosaki làm phim về thử nghiệm hạt nhân của Nhật Bản

13/09/2021

Có rất nhiều phim điện ảnh và truyền hình về vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, bao gồm phim bộ truyền hình năm 1991 của Akira Kurosawa Rhapsody in August và phim tài liệu truyền hình năm 2015 Ishibumi của Hirokazu Kore-eda.

Tuy nhiên, chưa có phim nào đề cập đến nỗ lực chế tạo bom nguyên tử của chính Nhật Bản trong Thế chiến II, cho đến Gift of Fire của Hiroshi Kurosaki.

Là đạo diễn của đài truyền hình trung ương NHK, có những phim bao gồm phim bộ truyền hình buổi sáng nổi tiếng Hiyokko (2017) và phim bộ truyền hình Reach Beyond the Blue Sky, đang phát sóng vào tối chủ nhật, hơn một thập kỷ trước Kurosaki đã bắt đầu nghiên cứu để làm Gift of Fire, lấy cảm hứng từ nhật ký của một nhà khoa học của dự án chế tạo bom.

Kịch bản đã hoàn thành của anh, sau đó có tựa Prometheus’ Fire, thắng giải đặc biệt tại Sundance Institute/NHK Awards 2015 và giám khảo của cuộc thi, nhà sản xuất NHK Katsuhiro Tsuchiya, đã đề nghị giúp đưa tầm nhìn của Kurosaki lên màn ảnh. Sau đó họ mời thêm nhà sản xuất và nhà phân phối kỳ cựu có trụ sở tại Los Angeles, Ko Mori, người muốn làm một bộ phim có thể chiếu ở các thị trường quốc tế cũng như Nhật Bản.

Những nỗ lực của họ đã được đền đáp: Gift of Fire được phát sóng trên đài NHK vào ngày 15 tháng 8 năm ngoái và ra rạp trên khắp Nhật Bản vào tháng 8 năm nay. Phim cũng đã được chọn cho mùa thứ 13 của Asian Pop-Up Cinema, một liên hoan phim châu Á diễn ra nửa năm một lần tại Chicago. Tuy nhiên, với kịch tính vốn có trong câu chuyện có thật này, với những người tham gia dự án đều biết chiến thắng hay thất bại của Nhật Bản đang bị đe dọa, tại sao lại mất nhiều thời gian như vậy mới có người dựng nó thành phim?

Ba nhân vật chính của bộ phim: Shu (Yuya Yagira, trái), Hiroyuki (Miura Haruma, phải), anh trai của Shu, và Setsu (Kasumi Arimura), người bạn từ thời thơ ấu của hai anh em

Phần lớn liên quan đến sự tàn phá kinh hoàng của Hiroshima và Nagasaki. Kurosaki giải thích sau vụ đánh bom nguyên tử năm 1945, năng lượng hạt nhân là hình ảnh tiêu cực.

“Cả thế giới coi nó là thứ xấu xa,” anh nói. “(Dự án bom nguyên tử của Nhật Bản) đã không trở thành một mục tin tức lớn. Thay vào đó, trở thành như một thứ cấm kỵ mà bạn đừng nên nói tới.”

Nhưng sau chiến tranh, Mỹ đã trở thành siêu cường hạt nhân mạnh nhất thế giới, đã làm việc với Nhật Bản để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

“Đó là một chiến dịch rất hiệu quả,” Kurosaki nói. “Năng lượng hạt nhân đã trở thành cái tốt. … Nhưng việc Nhật Bản tìm cách chế tạo một quả bom nguyên tử đã bị che đậy, mặc dù những người biết thì đều đã biết.”

Shu là một sinh viên nghiên cứu háo hức tham gia dự án chế tạo bom

Còn có một vấn đề là cách Nhật Bản được miêu tả trong tiểu thuyết và phim về chiến tranh. Kurosaki nói: “Trong các phim chiếu cho khán giả Nhật Bản, Nhật Bản đã bị Mỹ tấn công. Họ không bao giờ thấy ai bị trúng đòn không kích của Nhật Bản, thay vào đó là Tokyo bị ném bom nặng nề. Trong các câu chuyện, người Nhật hoàn toàn là nạn nhân. Việc người Nhật cũng cố gắng chế tạo bom nguyên tử không hợp với lối kể chuyện đó.”

Thậm chí nhiều thập kỷ sau, thay đổi cách kể chuyện đó không hề đơn giản.

“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc huy động vốn,” Kurosaki nói. “Một số người bảo tôi rằng tốt hơn hết nên từ bỏ việc làm một bộ phim nguy hiểm như vậy.” Theo anh, khán giả Nhật Bản sẽ cảm thấy đau lòng khi xem. “Thực tế, chúng tôi không thể tìm thấy nhà sản xuất nào đồng ý làm, cho đến khi chúng tôi gặp Mori,” anh nói thêm.

Hiroyuki, anh trai của Shu, người lính từ tiền tuyến trở về

Đối với Kurosaki, bộ phim trở thành một sứ mệnh phải hoàn thành, bất chấp nhiều năm bị từ chối. “Đã 76 năm sau khi chiến tranh kết thúc,” anh nói. “Những người biết về thời đó đang nhanh chóng chết hết và những ai trực tiếp biết về chiến tranh chẳng mấy nữa sẽ biến mất. Đối với người Nhật, chiến tranh sắp trở thành thứ gì đó giống như chuyện dân gian. Tôi đã nghĩ mình phải làm phim ngay bây giờ không thì có thể mãi mãi không còn cơ hội.”

Đồng thời, cả Kurosaki lẫn dàn diễn viên đều không ai có bất kỳ kinh nghiệm cá nhân nào về chiến tranh, buộc đạo diễn phải sử dụng trí tưởng tượng của mình nhiều hơn bình thường. Trong suy nghĩ của anh, bối cảnh của bộ phim về Kyoto thời chiến không phải là một nơi hoàn toàn tăm tối.

“Khi chúng ta vén rèm cửa vào buổi sáng và thấy thời tiết tốt, tâm trạng chúng ta cũng tốt lên,” anh nói. “Với những người thời đó có thể còn hơn vậy nữa vì mỗi ngày đều rất quan trọng. Với họ thời tiết đẹp, một cơn gió nhẹ nhàng và cái đẹp của đường phố Kyoto quý giá hơn chúng ta có thể tưởng tượng bây giờ.”

Setsu chỉ nghĩ về cuộc sống sau chiến tranh — còn Hiroyuki chỉ nghĩ đến cô

Cảm giác sống trong khoảnh khắc đó được phản ánh trong lời nói và hành động của ba nhân vật chính của bộ phim: Shu (Yuya Yagira), một sinh viên nghiên cứu háo hức tham gia dự án chế tạo bom; Hiroyuki (Miura Haruma), anh trai của Shu, người lính từ tiền tuyến trở về; và Setsu (Kasumi Arimura), người bạn chơi cùng thời thơ ấu của hai anh em hiện làm việc trong một nhà máy kéo sợi quân sự, tuy nhiên cô chỉ nghĩ về cuộc sống sau chiến tranh — còn Hiroyuki chỉ nghĩ đến cô.

“Cả ba đang sống những cuộc đời khác nhau, nhưng họ đang sống hết mình với đam mê. Tôi muốn truyền đạt điều đó cho khán giả,” Kurosaki nói. “Tôi nghĩ nếu xem phim, khán giả sẽ hiểu rằng đó là một bộ phim tích cực.”

Bên cạnh câu chuyện cá nhân là câu chuyện về nỗ lực chế tạo bom nguyên tử, được dẫn dắt bởi một giáo sư bí ẩn tên Bunsaku Arakatsu (Jun Kunimura). Tuy nhiên, so với Dự án Manhattan của Mỹ, vốn sử dụng hàng nghìn người và tiêu tốn hàng triệu USD, Arakatsu có nguồn lực eo hẹp và không có thông tin về tiến trình của kẻ thù.

“Thực sự, những gì (các nhà nghiên cứu) đang làm lúc đó không có hiệu quả thực tế,” Kurosaki nói

“Thực sự, những gì (các nhà nghiên cứu) đang làm lúc đó không có hiệu quả thực tế,” Kurosaki nói. “Họ đã có bản thiết kế máy ly tâm và rotor, nhưng tôi không tin họ đã làm ra được bất cứ gì. Họ còn đường rất dài phía trước, vì họ đang cố gắng chế tạo một quả bom từ những cỗ máy thí nghiệm. Tôi nghĩ họ biết họ không bao giờ có thể làm được trong lúc đang có chiến tranh.”

Bộ phim không khắc họa các nhà nghiên cứu như những anh hùng hay nhân vật phản diện một chiều. Arakatsu muốn bảo vệ các nhà khoa học sinh viên của ông không phải ra trận và chết, mặc dù một số người đang khao khát được ra đi. Điều này khiến ông, như Kurosaki lưu ý, là “một kẻ phản bội đất nước mình theo tiêu chuẩn thời đó.”

“Ông ấy có hai bộ mặt, tất cả họ đều có hai bộ mặt,” đạo diễn nói. “Trong trái tim họ là sự pha trộn giữa công lý và cái ác. Họ không chỉ nghĩ đến hòa bình. Thay vào đó, họ chỉ nghĩ đến khoa học. Đối với họ khoa học là quan trọng nhất. Mọi người có thể chết vì khoa học, nhưng họ nghĩ rằng đó là chẳng đặng đừng.”

Chuyến đi nghiên cứu của họ tới Hiroshima sau vụ ném bom nguyên tử, thu thập các mẫu vật giữa những xác người chết và bị thương

Thái độ này được thể hiện bằng chuyến đi nghiên cứu của họ tới Hiroshima sau vụ ném bom nguyên tử, với việc Arakatsu và nhóm của ông thu thập các mẫu vật giữa những xác người chết và bị thương. “Họ không cố gắng giúp đỡ những người bị thương, họ không đến đó để làm vậy. Họ đến đó để làm thí nghiệm,” Kurosaki nói.

Anh so sánh hành động của họ với lưỡng nan đạo đức là liệu một nhà làm phim chẳng hạn như ông có nên cứu nạn nhân khi đi làm phim về hỏa hoạn hay sóng thần không.

Đối với Kurosaki (phải), bộ phim trở thành một sứ mệnh phải hoàn thành

“Chúng tôi có sứ mệnh của mình, đó là quay phim chứ không phải cứu hộ,” anh nói. “Ưu tiên số một của (các nhà nghiên cứu) là khoa học. Chúng tôi đang làm phim, vì vậy chúng tôi có hơi giống nhau. Đó là một sự thật đáng sợ.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Times