Tin tức

Neil Gaiman du hành đến phương đông để viết kịch bản Tây du ký

17/03/2011

Neil Gaiman, tác giả từng đoạt giải thưởng của bộ truyện tranh The Sandman và tiểu thuyết ngắn Coraline đã ký hợp đồng viết kịch bản tiếng Anh cho loạt phim 3D ngân sách lớn dựa trên Tây Du Ký, cuốn tiểu thuyết về cuộc hành trình của Hầu vương (Monkey King).

Gaiman, lớn lên ở nước Anh, đã đọc bản dịch cuốn tiểu thuyết sử thi giả tưởng thế kỷ 16 này và xem bản phim của Nhật trên kênh BBC; ông bắt tay cùng một trong các nhà sản xuất phim truyền hình nổi bật nhất của Trung Quốc là Trương Kỷ Trung để thực hiện bộ ba phim điện ảnh đã được lên kế hoạch từ lâu, thế chỗ một nhà biên kịch trước đó.

Tác giả Neil Gaiman và đạo diễn Trương Kỷ Trung

Gaiman, 50 tuổi, cho biết phần hay ho nhất trong chuyến thăm Trung Quốc trong 10 ngày gần đây từ nhà ông ở gần Minneapolis là tranh luận với Trương Kỷ Trung, 59 tuổi, về việc những đoạn nào trong câu chuyện phức tạp dài 2.000 trang giấy mà Trương Kỷ Trung giữ lại trong bộ phim truyền hình năm ngoái sẽ tiêu tốn 300 triệu USD để làm thành phim điện ảnh.

Khán giả Trung Quốc từng xem đi xem lại các bộ phim kinh điển Trung Quốc và thúc đẩy doanh thu phòng vé lên 64% khi bỏ ra 1,5 tỉ USD mua vé xem phim trong năm 2010.

Giờ đây áp lực của Gaiman là phải viết ra phần đại cương trong vòng tháng tới sao cho thu hút đủ số đầu tư cần thiết để Trương Kỷ Trung chọn đạo diễn phù hợp, chọn diễn viên Trung Quốc và phương tây và nhóm đồ họa vi tính thích hợp để cho dự án này một chuyến bay vòng quanh thế giới.

“Chúng tôi phải làm được những gì Peter Jackson đã làm với Lord of The Rings,” theo lời Gaiman. “Chúng tôi phải làm phim này theo chất điện ảnh, không phải truyền hình. Câu chuyện này đã nằm trong gen của 1,5 tỉ người rồi.”

Gaiman và Trương Kỷ Trung, phải giao tiếp với nhau qua phiên dịch viên, cho biết loạt phim này sẽ tìm phần lớn nguồn vốn ở Trung Quốc nhưng cũng không loại trừ các nhà đồng sản xuất ở nước ngoài.

Gần đây khi đem chào dự án này vòng quanh Hollywood, hai người đã gặp gỡ đạo diễn của Avatar James Cameron và Trương Kỷ Trung cho biết Cameron đã đồng ý giúp họ tính ra cách tốt nhất để truyền tải câu chuyện về những nạn kiếp của một nhà sư Phật giáo trong cuộc hành trình băng qua Trung Quốc để đến Ấn Độ. Bạn của Gaiman là Guillermo Del Toro cũng đang được mời về làm đạo diễn.

Ở Bắc Kinh, trong cuộc gặp thứ ba với Trương Kỷ Trung sau khi hai người cùng đi du lịch khắp Trung Quốc tìm cảm hứng, Gaiman cho biết không có gì trong Tây du ký vốn dĩ thuộc Trung Quốc, cũng như không có gì trong Romeo and Juliet vốn dĩ của Anh vậy.

Khi ước định những thách thức khi chắt lọc một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc lên màn ảnh rộng, Gaiman ngập ngừng: “Với phương tây, Tây du ký không có gì là không thú vị. Tác phẩm này có những kẻ xấu hay ho nhất. Đó tuyệt đối là một tác phẩm toàn cầu.”

Và Hầu vương đã du hành khắp nơi. Năm 2007, vở opera Monkey King của nhà soạn nhạc Damon Albarn và nghệ sĩ Jamie Hewlett, hai nhà đồng sáng lập ban nhạc pop sôi động Gorillaz, đã thành công rực rỡ ở Anh trước khi dạo qua châu Âu và Mỹ.

Năm 2008, bộ phim Kungfu chi vương (The Forbidden Kingdom) do Thành Long và Lý Liên Kiệt đóng vai chính và cũng là lần hợp tác đầu tiên giữa hai người, thu về 128 triệu USD trên toàn thế giới, bao gồm 52 triệu USD ở Mỹ, tại đây phim mở màn ở vị trí đầu bảng, do Lionsgate và The Weinstein Co. phân phối. Hãng phim có trụ sở ở Bắc Kinh Hoa Nghị huynh đệ, nơi Trương Kỷ Trung làm nhà sản xuất phim truyền hình theo hợp đồng, phân phối bộ phim ở Trung Quốc. Phim đứng trong số 20 bộ phim nội địa Trung Quốc thành công nhất mọi thời đại với doanh thu 185,5 triệu nhân dân tệ (28,2 triệu USD).

Bản phim truyền hình Tân Tây du ký năm 2010 của Trương Kỷ Trung

Gaiman cho biết Trương Kỷ Trung xuất hiện ngay khi ông thấy hết hứng thú viết một cuốn sách về Tây du ký. “Ông ấy đấy, công việc thứ ba của tôi,” Gaiman nói, thêm rằng ông dự định chuyển công việc ông làm với Trương Kỷ Trung thành cái kết của cuốn sách ông viết cho HarperCollins năm 2007.

Năm đó, tại một hội nghị của các nhà biên kịch ở Thành Đô, Gaiman nếm mùi vị bị lạc trong bản dịch thời trung cổ khi đang tuyên truyền cho bản tiếng Hoa của cuốn sách American Gods (Những vị thần Mỹ) của ông.

“Khán giả bắt đầu la ó người phiên dịch và anh ta la ngược lại. Dường như anh ta thuyết phục mọi người rằng tôi đã viết cuốn sách có tựa đề American Dogs (Những con chó Mỹ),” ông vừa cười vừa nói.

Gaiman cho biết kịch bản của ông sẽ bắt đầu với ít thoại và phụ thuộc vào kỹ thuật đồ họa vi tính Trung Quốc đã gây ấn tượng với ông trong bản phim truyền hình Tây du ký của Trương Kỷ Trung.

“Ở Trung Quốc, các bạn có vô số người có thể sử dụng vô số thời gian. Nền đồ họa vi tính của các bạn tiến rất xa,” Gaiman nói.

Trương Kỷ Trung cho biết mỗi tập phim truyền hình của ông tốn 200.000 USD, bằng khoản tiền mà BBC dùng để làm chỉ vài phút phim Dr. Who, theo lời Gaiman nói về bộ phim truyền hình mà gần đây ông đã viết kịch bản một tập.

Bản phim điện ảnh mới nhất của Tây du ký với vai trò là cơ sở văn hóa của Bắc Kinh đã hứa hẹn thu hút đầu tư trong và ngoài nước để quảng bá văn hóa Trung Hoa. Hoa Nghị, với giá niêm yết 176 triệu USD trên sàn chứng khoáng Thâm Quyến và hồi năm rồi từng giúp Disney và Fox làm phim Hoa ngữ, đã hứa sẽ hỗ trợ dự án mới của Trương Kỷ Trung bằng mọi cách có thể.

Với mỗi bề nổi của nghề làm phim ở Trung Quốc thì đều có mặt trái của nó, thường là những giới hạn trong việc quản lý sáng tạo. Tại buổi họp báo công bố bộ phim hồi tháng 5 vừa rồi, giám đốc của Film Bureau Tong Gang ngồi ngay bên cạnh Trương Kỷ Trung, đây một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nhà nước sẽ theo dõi cách ông xử lý một báu vật văn hóa.

Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy các nhà kiểm duyệt Trung Quốc sẽ cố bảo cho ông biết cách diễn giải một tác phẩm kinh điển, Gaiman nói đơn giản: “Tôn Ngộ Không không thể kìm chế được. Vào khoảnh khắc bạn muốn kiểm duyệt Ngộ Không thì cậu ta đã không còn là Ngộ Không nữa.”


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter