Tin tức

Nếu được sống lần thứ hai? Lý do Độ hoa niên gây bão với người xem

25/07/2024

“Đội vương miện không dễ chịu chút nào.”

Câu nói nổi tiếng này trong vở kịch Henry IV của William Shakespeare thường được dùng để miêu tả những gánh nặng và khó khăn của công việc lãnh đạo. Một công chúa Trung Hoa cũng thấy đúng vậy.

Triệu Kim Mạch trong vai công chúa Lý Dung

Xoay quanh câu chuyện nàng công chúa và phò mã gia của cô trong một triều đại hư cấu, khi phép màu mang đến cho họ cơ hội sống lần thứ hai, phim bộ cổ trang Trung Quốc Độ hoa niên / The Princess Royal đã thống trị các cuộc thảo luận trên mạng xã hội kể từ khi ra mắt trên nền tảng phát trực tuyến Youku của Trung Quốc vào tháng 6.

Các thẻ (hashtag) liên quan đến bộ phim đã thu hút hơn 2 tỉ lượt xem trên Sina Weibo, mạng xã hội theo dõi mức độ phổ biến ở Trung Quốc. Bộ phim cũng đã mở rộng phạm vi tiếp cận các thị trường quốc tế và hiện có sẵn trên các nền tảng nước ngoài, bao gồm Netflix và Viki, gây được tiếng vang với người xem trên 190 quốc gia và khu vực.

“Đây chắc chắn là phim bộ phải xem. Bao nhiêu cũng không đủ,” một cư dân mạng ở nước ngoài bình luận.

Trương Lăng Hách vai Bùi Văn Tuyên

Vậy, Độ hoa niên đã chiếm được cảm tình của khán giả toàn cầu ngày nay như thế nào?

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết mạng nổi tiếng của Mặc Thư Bạch (bút danh), đã được dịch và xuất bản ở Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia khác. Cốt truyện xoắn xuýt xoay quanh Lý Dung, trưởng công chúa hoàng gia muốn tranh giành quyền lực và thay đổi vận mệnh của mình.

Giống như nhiều công chúa trong lịch sử thực, Lý Dung bị buộc phải kết hôn với phò mã Bùi Văn Tuyên vì lý do chính trị. Sau khi sống trong oán hận vì hiểu lầm suốt hai thập kỷ, cả hai đều bị giết trong một âm mưu cung đấu tranh quyền đoạt vị.

Lý Dung bị buộc phải kết hôn với phò mã Bùi Văn Tuyên vì lý do chính trị

Tuy nhiên, cái chết không phải là kết thúc cuộc đời họ mà là khởi đầu cho một hành trình mới.

Một điều kỳ diệu xảy ra, khiến đồng hồ quay ngược về thời điểm Lý Dung và Bùi Văn Tuyên gặp nhau lần đầu nhưng lại mang theo ký ức về kiếp trước của họ. Biết rõ tương lai của mình, Lý Dung quyết tâm viết lại số phận và tìm hiểu đến cùng hàng loạt âm mưu chốn hoàng cung.

Theo Mặc Thư Bạch, khi miêu tả triều đại hư cấu này, cô đã dựa trên nhiều hiện tượng xã hội khác nhau từ các triều đại nhà Ngụy, nhà Tấn, Nam Bắc triều (220-589) cũng như nhà Đường (618-907), gồm cả hệ thống khoa cử của Trung Hoa cổ và xung đột giữa giới quyền thế và thường dân trong triều đình.

Nếu một ngày bạn có thể thức dậy là chính mình lúc trẻ của 20 năm trước, bạn sẽ sống lại cuộc đời mình như thế nào?

Tuy nhiên, đây không phải là trò chơi do nam giới thống trị. Mặc Thư Bạch nói: “Trong thế giới kỳ ảo nhấn mạnh đến dòng dõi hơn là giới tính này, đấu trường chính trị luôn rộng mở cho nữ nhân hoàng tộc tài năng.”

Ví dụ, trong tập cuối, cuối cùng Lý Dung đã giành chiến thắng trong cuộc binh biến và cai trị đất nước với tư cách là Trường công chúa Giám quốc, đạt được khát vọng chính trị của mình là tạo ra một xã hội công bằng hơn, dựa trên công lao phẩm chất.

Ngoài những động cơ quyền lực bất ổn chốn cung đình, một điểm nhấn khác trong phim gây được tiếng vang với khán giả là khắc họa những cảm xúc tinh tế trong bối cảnh thẩm mỹ phương Đông.

Một điểm nhấn khác trong phim gây được tiếng vang với khán giả là khắc họa những cảm xúc tinh tế trong bối cảnh thẩm mỹ phương Đông

Trong con mắt của Viên Ngọc Mai, giám chế bộ phim, cốt lõi câu chuyện là điều mà tất cả chúng ta đều mơ ước: nếu một ngày bạn có thể thức dậy là chính mình lúc trẻ của 20 năm trước, bạn sẽ sống lại cuộc đời mình như thế nào?

Giám chế Viên giải thích tựa tiếng Trung của bộ phim, Độ hoa niên, xuất phát từ một câu thơ của nhà thơ Lý Thương Ẩn (813-858) thời Đường: “Tại sao đàn tam thập lục lại có năm mươi dây? Mỗi dây, mỗi cung bậc gợi lên những dòng suối đã tan biến.”

“Nhà thơ đã chiêm nghiệm tuổi trẻ của mình trong câu thơ này và tôi hy vọng mọi người có thể sống trọn vẹn mỗi ngày bên những người thân yêu của mình,” giám chế Viên nói.

Khung cảnh ghi lại được sự quyến rũ của Trung Hoa cổ đại và tinh hoa của tình yêu tuổi xuân thì

Chất thơ này, thấm sâu vào hầu hết mọi khía cạnh của bộ phim, cũng tôn lên tâm trạng của các nhân vật.

“Tôi thực sự ấn tượng với cảnh Lý Dung và Bùi Văn Tuyên nhìn nhau trong một khu chợ đêm nhộn nhịp,” Mặc Thư Bạch nói, đồng thời lưu ý rằng nhiều đạo cụ tái hiện lịch sử nhấn mạnh các giai đoạn biến đổi thẩm mỹ cổ, cho phép khung cảnh ghi lại được sự quyến rũ của Trung Hoa cổ đại và tinh hoa của tinh yêu tuổi xuân thì.

Tuy nhiên, việc khắc họa mọi sắc thái cảm xúc tinh tế đòi hỏi cao nơi diễn viên.

Nữ diễn viên Triệu Kim Mạch đóng vai Lý Dung trên trường quay: “Có chút thách thức khi thể hiện một cô gái tuổi 18 với tâm hồn của tuổi 38”

Nữ diễn viên Triệu Kim Mạch đóng vai Lý Dung trong phim, cho biết: “Có chút thách thức khi thể hiện một cô gái tuổi 18 với tâm hồn của tuổi 38.”

Theo quan điểm của Triệu Kim Mạch, công chúa bị mắc kẹt trong quá khứ ở kiếp thứ hai, với hy vọng sửa chữa nhiều lỗi lầm thời trẻ. Khi nhìn lại những khoảnh khắc đáng tiếc này, cô tiếp tục có những đốn ngộ mới.

“Nhiều người sẽ nói rằng nếu có cơ hội thứ hai trong đời, họ có thể lựa chọn khác. Nhưng sau khi quay Độ hoa niên, tôi tin rằng Công chúa Lệ Dung đã đưa ra những quyết định tốt nhất cho bản thân trong cả hai kiếp sống,” Triệu Kim Mạch nói, thêm rằng việc đưa ra những lựa chọn tốt nhất trong hiện tại mới là điều thực sự quan trọng.

Những vướng mắc tình cảm giữa Lý Dung và Bùi Văn Tuyên kéo dài hai kiếp

Mặc dù những vướng mắc tình cảm giữa Lý Dung và Bùi Văn Tuyên kéo dài hai kiếp, nhưng tình yêu không phải là tất cả với Lý Dung.

Khác với hình tượng công chúa rập khuôn, Lý Dung thông minh và tự chủ, có khả năng tự đứng vững. Cô liên tục chiếm thế thượng phong trong các cuộc tranh giành quyền lực và cuối cùng đẩy sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới.

“Tôi thực sự thích một trong những câu thoại của Lý Dung: ‘Ta không muốn giao số phận của mình vào tay người khác; ta muốn kiểm soát vận mệnh của mình,’” Triệu Kim Mạch nói và cho biết thêm rằng Lý Dung hy vọng có thể sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ nhiều người vô tội hơn.

Trong thế giới kỳ ảo nhấn mạnh đến dòng dõi hơn là giới tính này, đấu trường chính trị luôn rộng mở cho nữ nhân hoàng tộc tài năng

Theo Mặc Thư Bạch, Lý Dung là một minh quân Nho giáo điển hình, hết lòng vì quyền lợi của bách tính.

“Đối với Lý Dung, làm công chúa không có nghĩa là phẩm giá cao quý mà là trách nhiệm lớn lao,” cô nói.

Giám chế Viên tin rằng các giá trị Nho giáo được miêu tả trong bộ phim cũng là nền tảng đạo đức cho các nguyên tắc phổ quát. Cô lưu ý đến tiềm năng tiếp cận khán giả ngoài châu Á của bộ phim.

Đối với Lý Dung, làm công chúa không có nghĩa là phẩm giá cao quý mà là trách nhiệm lớn lao

“Bộ phim bắt nguồn từ văn hóa phương Đông, nhưng câu chuyện của nó mang tính toàn cầu,” cô nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily