Tin tức

Vụ bê bối ánh trăng dựa trên câu chuyện có thật?

23/07/2024

Fly Me to the Moon xây dựng câu chuyện xung quanh việc tạo ra một cuộc đổ bộ giả lên mặt trăng — nhưng có đúng là vậy không?

Jim Rash và Scarlett Johansson trong Fly Me to the Moon

Fly Me to the Moon khai thác thuyết âm mưu cho rằng việc đáp xuống mặt trăng là một trò lừa đảo. Nhưng không, đây không phải dựa trên câu chuyện có thật. Chí ít, không hẳn vậy.

Phim dựa trên những sự kiện lịch sử có thật, cụ thể là chương trình Apollo và cuộc đua giữa Mỹ và Liên Xô, thường được gọi là Cuộc chạy đua vào không gian, nhằm đưa người lên mặt trăng. Đúng là NASA đã gặp khó khăn về kinh phí và hình ảnh công chúng trước khi phóng tàu Apollo 11 và đổ bộ lên mặt trăng, nên họ mới thuê một chuyên gia quan hệ công chúng (PR) nhằm biến nhiệm vụ này thành chuyện được đại đa số người dân Mỹ ủng hộ.

Nhiều chi tiết trong phim, bao gồm hợp tác với các công ty như Omega, Tang, và Fruit of the Loom đều có thật — cũng như sự nổi tiếng của các phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin, và Michael Collins, đã vang danh bằng năng lực của họ.

Giám đốc Cole Davis (Channing Tatum) trong Fly Me to the Moon

Nhưng câu chuyện trung tâm — về mối tình giữa chuyên gia PR vốn là kẻ lừa đảo Kelly Jones (Scarlett Johansson) và giám đốc Cole Davis (Channing Tatum) — hoàn toàn là sự sáng tạo của nhà làm phim, bao gồm biên kịch Rose Gilroy và đạo diễn Greg Berlanti. Tương tự, người ta giả định rằng chính phủ Mỹ đã thuê chuyên gia PR để dàn dựng và quay một phiên bản giả của việc đổ bộ lên mặt trăng phòng khi sứ mạng Apollo 11 thất bại.

“Chúng tôi đã nhận được giúp đỡ thực sự từ NASA,” Berlanti giải thích về giao thoa giữa sự thật và hư cấu trong câu chuyện lịch sử. “Chúng tôi muốn đảm bảo mọi kỹ thuật, yếu tố của NASA [chính xác] để nếu làm phim về việc giả mạo một chuyện có thật, thì phải có được cảm giác thực về các chi tiết thực. [Chúng tôi có] tự do sáng tạo trong hư cấu lịch sử, và cũng có tự do kể câu chuyện phổ biến, ngay cả với một số sự kiện đã xảy ra, gia cố một chút nếu hữu ích cho câu chuyện của chúng tôi. Ví dụ, camera và buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên là trên Apollo 8, nhưng chúng tôi đã đổi thành Apollo 11 vì điều đó sẽ ý nghĩa hơn cho câu chuyện. Đã có những chi tiết như thế mà chúng tôi thay đổi, nhưng phần lớn sự thật lịch sử thì chúng tôi không thay đổi.”

Chuyên gia PR vốn là kẻ lừa đảo Kelly Jones (Scarlett Johansson)

Tất nhiên, tự do kể chuyện lớn nhất là sự tồn tại của Dự án Artemis, còn được gọi là cuộc đổ bộ giả lên mặt trăng. Kể từ khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, các thuyết âm mưu đã rộ lên rằng phép màu khoa học được phát sóng khắp nước Mỹ hoàn toàn là giả mạo. Một trong những thuyết phổ biến nhất cho rằng Stanley Kubrick đã quay cảnh đáp xuống mặt trăng, phần lớn là vì thành công gần đấy của ông với 2001: A Space Odyssey (một số người tin rằng The Shining là lời thú nhận gián tiếp của Kubrick về việc ông tham gia vào trò lừa đảo này). Phim đã tôn vinh điều này với nhiều đề cập đến việc thuê Kubrick làm phim.

Mặc dù thực tế là thuyết âm mưu này sẽ cần sự tham gia của gần 400.000 người trong suốt 10 năm của dự án Apollo, vẫn có khoảng 5 đến 10 phần trăm dân Mỹ khẳng định việc đáp xuống mặt trăng là trò bịp. Phim cũng đề cập đến số lượng người tham gia vào chương trình Apollo, với nhân viên Moe Berkus (Woody Harrelson) thực hiện các biện pháp an ninh nghiêm ngặt và một nhóm nhỏ để đảm bảo NASA hầu như không phát hiện ra kế hoạch này.

Câu chuyện trung tâm về mối tình giữa chuyên gia PR Kelly Jones (Scarlett Johansson) và giám đốc Cole Davis (Channing Tatum) hoàn toàn là sự sáng tạo của nhà làm phim

Nhưng Berlanti hy vọng thông điệp thực sự của bộ phim sẽ là khát vọng tìm ra sự thật của các nhân vật lẫn khán giả. “Một điều tôi không nhận ra cho đến khi bắt đầu làm phim là thuyết âm mưu này đã tồn tại từ lâu,” Berlanti suy ngẫm. “Rõ ràng là việc mất lòng tin vào chính phủ Mỹ từ đó và sự xuất hiện của mạng xã hội đã làm cho những thuyết này ngày càng lan rộng. Nhưng đó cũng là lý do để kể chuyện về một trong những thuyết âm mưu đầu tiên.”

“Mục đích câu chuyện của chúng tôi thực sự là về lý do tại sao sự thật lại quan trọng," ông tiếp tục. "Khi đọc kịch bản ban đầu, trước khi tôi nhận công việc này, cuối cùng tôi có cảm giác, ‘Ôi trời, tôi muốn sự thật là sự thật, và tôi muốn cái chuyện thực sự đã xảy ra.’ Và tôi nghĩ, sẽ tuyệt vời nếu tôi có thể khiến khán giả cũng cảm thấy như vậy.”

Từ trái qua: Scarlett Johansson, Woody Harrelson, Greg Berlanti và Channing Tatum trên trường quay Fly Me to the Moon. Đạo diễn Berlanti hy vọng thông điệp thực sự của bộ phim sẽ là khát vọng tìm ra sự thật của các nhân vật lẫn khán giả

Một phần của điều đó là tôn vinh những khía cạnh có thật không thể phủ nhận của chương trình Apollo. “Một người của NASA đã chỉ ra rằng hai phần ba số tiền và thời gian thực sự đã được chi tiêu chỉ để phóng phi thuyền rời trái đất,” Berlanti nói. “Không ai nghi ngờ điều đó vì mọi người đều đã tận mắt nhìn thấy, và đó cũng là một thành tựu khoa học vĩ đại.”

Berlanti không quá lo lắng, dù rằng những người theo thuyết âm mưu sẽ coi sự tồn tại của bộ phim này củng cố cho niềm tin của họ. “Là người kể chuyện, tôi có trách nhiệm với công việc của mình và tôi muốn giải trí, nhưng bạn không thể chịu trách nhiệm về mọi thành phần của khán giả,” ông suy ngẫm. “Hy vọng rằng, khi mọi người xem phim này, điều họ nhận được từ nó cuối cùng là sự tôn vinh những gì đã đạt được.”

Greg Berlanti (đứng) chỉ đạo Channing Tatum và Ray Ramano trên trường quay Fly Me to the Moon

Fly Me to the Moon ra rạp ở Việt Nam từ ngày 9 tháng 8 với tựa Vụ bê bối ánh trăng.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Entertainment Weekly