Tin tức

Người mẹ Saoirse Ronan cùng con trai trong Blitz tái hiện London bị chiến tranh tàn phá

20/11/2024

Bộ phim mới nhất của Steve McQueen bối cảnh thủ đô Anh trong mưa bom của Đức Quốc xã năm 1940, lấy nhiều chi tiết từ những ảnh chụp thời đó và được quay cả trong và ngoài London.*

Cảnh trong phim, George (Elliott Heffernan), giữa bên phải, tìm đường rời London để trở về với mẹ mình, Rita (Saoirse Ronan), giữa bên trái

Trong một nhà ga xe lửa ở London, cậu bé da đen cầm chiếc vali bằng cả hai tay. Trùm áo khoác kín người, cậu đội chiếc mũ dẹt và sải bước với vẻ mặt nghiêm nghị trước tương lai trong thân phận người di tản. Bức ảnh được chụp thời Thế chiến II khi các thành phố nước Anh chịu đựng những cuộc oanh tạc kéo dài tám tháng của quân đội Đức, là một trong những bức ảnh truyền cảm hứng cho bộ phim Blitz của Steve McQueen, đang trình chiếu tại một số rạp chiếu phim ở Mỹ.

Bộ phim được kể theo góc nhìn của George (Elliott Heffernan), cậu bé lai 9 tuổi rời London sơ tán về vùng nông thôn khi bom rơi xuống thành phố quê hương. Giữa hành trình, cậu trốn khỏi tàu hỏa, bỏ lại chiếc vali và tìm đường trở về với mẹ mình, Rita (Saoirse Ronan), ở phía đông London.

Bức ảnh chụp cậu bé cầm chiếc vali nhỏ của mình khi di tản khỏi London năm 1940 đã truyền cảm hứng cho nhân vật George trong Blitz

Khi nghiên cứu để làm phim, McQueen và nhà thiết kế bối cảnh Adam Stockhausen đã liên tục ấn tượng trước “sự phi lý và đau lòng” trong những bức ảnh chụp đời sống ở London dưới mưa bom, Stockhausen cho biết trong một phỏng vấn gần đây. McQueen nhìn thấy bức ảnh chụp một người phụ nữ đang quét dọn ngôi nhà đổ nát của bà hoặc bức ảnh chụp một người đàn ông đang ngồi trên ghế hút thuốc, ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn xung quanh anh, và dựng một cảnh theo bức ảnh đó, Stockhausen nói thêm.

Thiết kế bối cảnh cho bộ phim rất tỉ mỉ — Stockhausen trước đây đã hợp tác với McQueen trong 12 Years a SlaveWidows — và qua góc nhìn của George, London những năm 1940 là một mê cung rộng lớn. Stockhausen cho biết miêu tả sự rộng lớn của thành phố là cần thiết cho câu chuyện, nhưng nếu quay toàn bộ bộ phim ở London thì quá khó khăn và tốn kém, và đoàn phim muốn tránh dựng cảnh bằng đồ họa vi tính.

Adam Stockhausen, trái, nhà thiết kế bối cảnh của bộ phim, và Steve McQueen, đạo diễn, làm việc trên phim trường

Thế nên, Blitz được quay một phần ở London và hai thị trấn khác của Anh — Hull và Chatham — và trên một phim trường. Stockhausen giải thích cách nhóm của ông xây dựng London thời Blitz cho bộ phim và sau đó tàn phá nó.

Hành trình bắt đầu ở ga Paddington London

George và Rita ở ga Paddington, trước khi George lên tàu

Đầu phim, Rita đưa George miễn cưỡng đến Nhà ga Paddington đang hỗn loạn, từ đây những người di tản thật đã đi sơ tán trong thời Blitz. Chen qua đám trẻ em, cuối cùng Rita cũng đưa được George lên tàu.

Trẻ em chuẩn bị di tản khỏi London vào khoảng năm 1939, một năm trước chiến dịch Blitz. Nhiều đứa trẻ đeo thẻ tên và đôi khi là các thông tin cá nhân khác, giống tấm thẻ mà George đeo ở cổ trong phim

Người ta vẫy tay tiễn người thân ở ga Paddington, khoảng năm 1942

Rita nhìn theo George rời đi trên chuyến tàu di tản

McQueen đã quyết định cảnh này sẽ được quay tại một nhà ga tàu hỏa thực sự, Stockhausen cho biết, và sau khi khảo sát hồ sơ các nhà ga chính của Anh và các bến dừng của chúng, họ quyết định chọn Nhà ga Hull Paragon ở East Yorkshire, cách London hơn 170 dặm về phía bắc.

Mái vòm cao, làm bằng đá và kính của nhà ga này là yếu tố quyết định: “Nó mang lại cảm giác giống các nhà ga lớn ở London,” Stockhausen nói.

Bên trong một nhà máy chế tạo bom

Doris (Erin Kellyman), một trong những lao động nữ làm việc với Rita tại nhà máy chế tạo bom trong Blitz

Sau khi đưa con trai đi, Rita quay lại làm việc cho một nhà máy sản xuất đạn dược. Stockhausen cho biết, bên cạnh thực tế nghiệt ngã của những kinh hoàng trong thời kỳ Blitz, quan trọng là cũng phải thể hiện tinh thần yêu nước thời đó đã được ghi lại.

Công nhân tại một nhà máy thuộc Công ty Máy bay Bristol, tạo ra vật liệu cho bộ sản xuất máy bay, ở phía bắc nước Anh vào khoảng năm 1941

Những người phụ nữ nghỉ giải lao trong căngtin một nhà máy ở phía tây bắc nước Anh vào khoảng năm 1945

Rita và các đồng nghiệp của cô trong phòng vệ sinh ở nhà máy chế tạo bom

“Cùng với việc đoàn kết,” ông nói, người Anh cũng “chế tạo bom và ném bom xuống Đức. Người dân ở cả hai bên chiến tuyến đều chết.” Ông và McQueen đã lục kho tư liệu 0him Pathé để tìm các thước phim lịch sử và tài liệu về các nhà máy chế tạo bom của Anh.

Công nhân sử dụng máy tiện tại một nhà máy sản xuất đạn dược ở Yorkshire, Anh, khoảng năm 1942

Nhà máy chế tạo bom mà Rita làm việc trong Blitz

“Chúng tôi cố gắng tìm hiểu xem quy trình ra sao. Người đó đang làm gì với chiếc máy đó?” Stockhausen nói. “Những xe cút kít chở kim loại tròn đó là gì?”

Xây hầm trú bom

George trong hầm trú bom, cùng những thường dân khác đang tìm nơi an toàn để trú qua đêm

Ife (Benjamin Clementine), một dân quân chống không kích tốt bụng, đưa George đến hầm trú bom của chính phủ ở tầng hầm tòa nhà Royal Exchange. Hầm trú bom này được thiết kế bằng những thanh dầm thép chéo nhau trông ngăn nắp hơn so với hầm trú bom ở một khu vực nghèo của thành phố nơi Rita đang làm tình nguyện, Stockhausen cho biết.

Một dân quân chống không kích đi thăm hầm trú ẩn ở Poplar, phía đông London vào khoảng năm 1941

Ife, do Benjamin Clementine thủ vai, đội mũ bảo hiểm rất giống trong ảnh tư liệu, dẫn George đi trong hầm trú ẩn

Mặc dù vẫn còn một hầm trú bom thật thuộc biên chế Bảo tàng Giao thông London, Stockhausen cho biết đoàn làm phim không sử dụng nó vì nó có từ năm 1944, do đó sẽ không chính xác cho bối cảnh năm 1940 của bộ phim.

Những người phụ nữ đắp chăn cho trẻ em ngủ trong một hầm trú ẩn dành cho trẻ em vô gia cư và trẻ mồ côi ở Mill Hill, tây bắc London, khoảng năm 1940

Ife đắp chăn cho George trong hầm trú bom khi cậu dừng chân trú qua đêm

Thay vào đó, đoàn làm phim đã xây hầm trú bom của chính phủ bên trong một nhà kho dài, hẹp chuyên sản xuất dây thừng ở Chatham, đông nam nước Anh.

Các hộp đêm ở London

Marcus, do CJ Beckford thủ vai, và Rita ở hộp đêm trong một cảnh hồi tưởng

Một cảnh hồi tưởng kể mối quan hệ của Rita với cha của George, Marcus (CJ Beckford), người gốc Grenada, đưa người xem đến một hộp đêm ở London. “Phải thể hiện một thực tế không thường thấy, rằng có một cộng đồng người da màu đang sinh hoạt nhộn nhịp ở London vào thời điểm đó, là hết sức quan trọng” Stockhausen cho biết.

Bộ phim cũng miêu tả khung cảnh hộp đêm trong thời kỳ Blitz tại Café de Paris nổi tiếng ở West End của London, và màn trình diễn của nhạc sĩ kiêm vũ công Ken Johnson, biệt danh “Snakehips” (do Devon McKenzie-Smith thủ vai). Johnson ngoài đời thực đã thiệt mạng khi Café de Paris bị đánh bom năm 1941.

Khiêu vũ tại Café de Paris ở London vào khoảng năm 1933

Một buổi biểu diễn tại Café de Paris trong Blitz

Trong thời kỳ Blitz, London “tối tăm và yên tĩnh trên đường phố, nhưng vẫn có đời sống dưới bề mặt,” Stockhausen nói về hoạt động hộp đêm phát triển mạnh mẽ dưới lòng đất. Trên quan điểm thiết kế, sự tương phản đó “thật hấp dẫn”, ông nói thêm.

Các cảnh cháy nổ

Lính cứu hỏa và người điều khiển đèn pha chạy trên đường phố London trong phim

Mặc dù diễn ra trong bối cảnh oanh tạc, phim rất hạn chế cháy nổ. Đoàn làm phim đã lên kế hoạch cho hai cảnh chính liên quan đến lửa: cảnh mở đầu phim và cảnh George chạy dọc bờ sông Thames tránh xa cầu London đang bốc cháy, đi xuống lòng một ga tàu điện ngầm.

“Trong khoảnh khắc tuyệt vọng này của George, quan trọng là phải thấy được quy mô sự tàn phá,” Stockhausen nói.

Lính cứu hỏa đang phun nước vào tòa nhà bốc cháy sau đợt oanh tạc London trong Thế chiến II

Một cảnh tương tự trong Blitz

Vụ cháy được dựng cảnh ở Cảng Chatham, một cơ sở hải quân cũ ở miền đông nước Anh. “Không thể làm điều này trên đường phố của bất kỳ thành phố nào, London hay bất cứ đâu,” Stockhausen nói. “Bạn không thể thực hiện mức độ cháy này mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của con người.” Đoàn phim đã tiếp quản một dãy tòa nhà thật và tạo mặt tiền bằng gỗ ở phía bên kia đường làm nơi tạo ra đám cháy.

Trú ẩn trong ga tàu điện ngầm

Trong Blitz, người dân trú ẩn bên trong một ga tàu điện ngầm sau khi còi báo động không kích vang lên

Khi bom rơi bên ngoài, George trú ẩn trong ga tàu điện ngầm London Bridge chật cứng dân thường. Để tạo cảm giác không gian rộng hơn thực tế, đoàn làm phim đã xây dựng đường tàu và đường hầm của nhà ga theo đường cong.

Người dân London trú ẩn trong ga tàu điện ngầm Aldwych vào khoảng năm 1940. Nhiều người cố gắng ngủ trên đường tàu, George cũng cố gắng làm như vậy trong phim

Trong một cuộc không kích khi các ga tàu điện ngầm được dùng làm nơi trú ẩn, mọi tấc không gian đều bị chiếm dụng, kể cả thang cuốn

Phía sau George mọi người ngồi chen chúc trên các bậc thang cuốn của ga London Bridge

Đoàn làm phim cũng phải cho George phiêu lưu vào hệ thống tàu điện ngầm của London thành hành trình mà khán giả cũng có thể bị lạc một chút. “Tàu điện ngầm London nằm sâu hơn nhiều so với hệ thống tàu điện ngầm của New York,” Stockhausen cho biết, và để nhấn mạnh điều này, đoàn làm phim đã xây dựng một hệ thống thang cuốn cho phim.

Cách làm ngập một nhà ga

Trong một cảnh trong phim, người dân hoảng sợ cố gắng kéo người khác ra khỏi đường tàu chìm ngập trong nước

Vào tháng 10 năm 1940, một quả bom đã rơi trúng con phố phía trên ga tàu điện ngầm Balham, khiến một chiếc xe buýt đâm xuống hố bom và làm vỡ đường ống nước chính. Nước tràn ra sau đó đã giết chết gần 70 người đang trú ẩn trong ga tàu điện ngầm. Thảm họa này đã truyền cảm hứng cho một trận ngập lụt tương tự trong Blitz.

Một trong những sân ga của ga tàu điện ngầm Balham, sau khi bị bom xuyên thủng, giết chết gần 70 người

Thông thường, để tạo cảnh ngập lụt, loại bối cảnh sẽ được dựng trong một hồ bơi khổng lồ mà đoàn làm phim có thể bơm đầy và xả nước tùy ý. Nhưng “ở London, không có bể chứa nào đủ lớn” để làm bối cảnh nhà ga bị ngập, Stockhausen cho biết, và ở phim trường mà đoàn làm phim đang sử dụng cũng không có bể chứa nào.

Vì vậy, giám sát chỉ đạo nghệ thuật Oli van der Vijver và giám đốc xây dựng Dan Marsden đã dựng bối cảnh tàu điện ngầm trên một phim trường khô ráo, sau đó biến nó thành một bể nước. “Chúng tôi nghĩ rằng, ‘Chúng tôi sẽ chống thấm hoàn toàn và thêm hàng tấn thép bên ngoài để chịu áp lực nước, và chúng tôi hy vọng bao nhiêu thứ đó giữ được nước mà không vỡ tan tành,’” Stockhausen nói.

Sau khi trúng bom, thang cuốn nhà ga trong Blitz ngập một phần trong nước và đầy mảnh vụn

Vào ngày đầu tiên quay cảnh này, khi giám sát kỹ xảo Hayley Williams sử dụng hệ thống bơm để làm ngập không gian, nguy cơ nó không chịu được là “cực kỳ khủng khiếp,” Stockhausen cho biết.

Tạo ra một bối cảnh có thể làm ngập nước thay vì nhúng bối cảnh vào bể chứa ngập nước “là cách suy nghĩ trái ngược hoàn toàn,” ông cho biết. “Nhưng cuối cùng, thực sự là hiệu quả.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


*Giai đoạn London bị Đức Quốc xã oanh tạc trong Thế chiến II gọi là Thời kỳ Blitz.