Tin tức

Plastic China hướng sự chú ý đến vấn đề môi trường

15/02/2017

Nhà làm phim độc lập người Trung Quốc Vương Cửu Lương đang khuấy động sự yên ắng với phim tài liệu Plastic China của anh.

Nhà làm phim Vương Cửu Lương

Sau khi phim nhận được giải đặc biệt của ban giám khảo (Special Jury Award) ở hạng mục Lần đầu ra mắt (First Appearance) tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam vào tháng 11/2016, một phiên bản phim ngắn hơn đã phát hành cách đây hai năm tiếp tục nhận được quan tâm của Trung Quốc đang ngày một lo ngại về vấn đề ô nhiễm ở quốc gia này.

Bản phim dài 26 phút, lần đầu ra mắt ở các trang mạng trực tuyến Trung Quốc vào năm 2014, hiện được đánh giá 9,5/10 trên trang bình luận truyền thông Trung Quốc Douban.

Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu rác nhựa lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội nhựa phế liệu Trung Quốc, khoảng 30% nhựa phế liệu thế giới được tái chế ở Đại lục vào năm 2014, tăng từ 20% năm 2010, Tân Hoa xã đưa tin năm 2014.

“Nếu có nhựa, tôi tin rằng giờ đây thị trường chắc chắn đang vẫn hướng đến Trung Quốc,” Daniel Maher, giám đốc tái chế ở Mỹ nói, ở cảnh mở đầu phiên bản ngắn của Plastic China.

Áp phích phim tài liệu Plastic China

Trong khi điều này có thể khiến bạn nghĩ rằng Trung Quốc hẳn có cách tiên tiến nào đấy tái chế nhựa, thực tế lại khác hẳn. Hầu hết việc tái chế ở quốc gia này được thực hiện bằng tay, dẫn đến nhiều công nhân và gia đình họ bị buộc sống trong một môi trường nhiễm độc nhựa. Do trải qua nhiều năm làm viêc trong nhà máy tái chế, nhiều công nhân có thể nhanh chóng phân biệt hàng trăm loại nhựa đơn giản bằng cách đốt cháy một mẩu, quan sát khói tỏa ra và ngửi mùi khói.

Sự giằng xé mà người công nhân đối diện giữa không muốn làm việc với các chất độc hại với nuôi sống gia đình là một trong những chủ đề chính được giới thiệu trong Plastic China.

Trong khi ngành công nghiệp tái chế nhựa trao cơ hội việc làm cho người Trung Quốc sống ở vùng nông thôn, họ biết không thể tiếp tục lâu dài ở tình trạng hiện nay, không phải họ nghĩ rằng chính phủ quan tâm.

“Có quá nhiều thứ đang diễn ra bất hợp lý hoặc phi pháp… Nếu chính phủ quyết định làm gì khác đi, tại sao không làm một cách triệt để?” một người được phỏng vấn nói trong phim.

“Nhìn xem ai vứt nhựa này sang chúng ta. Nhật, Hàn Quốc và Tây Âu, những nước có nền kinh tế phát triển. Làm sao nhựa có mặt ở đây từ lúc đầu?”

“Đằng sau GDP tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc là sự thật đẫm máu mà hầu hết chúng ta phớt lờ đi. Chúng ta đang sống trong thời mà xác chết và xương được phủ bởi vẻ ngoài xinh đẹp,” Chen Chaoyun, một cư dân mạng ở tỉnh Sơn Đông, nhận xét ở bài bình phim trên Douban.

Plastic China không phải là tác phẩm đầu tiên Vương Cửu Lương làm nhằm kêu gọi sự chú ý đến những vấn đề môi trường. Năm 2010, cựu nhiếp ảnh gia này đã lia ống kính vào đống rác xung quanh Bắc Kinh trong phim tài liệu Beijing Besieged by Waste.

Vương Cửu Lương không phải là nhà làm phim duy nhất dấn thân để phơi bày sự thật tàn nhẫn đằng sau thành công của nền kinh tế quốc gia. Đầu năm 2006, Manufactured Landscapes của nhà làm phim Canada Jennifer Baichwal đã cho thấy rác điện tử hoặc kim loại nặng được xử lý thế nào ở Trung Quốc bất chấp gây ra ô nhiễm, trong khi phim tài liệu The Road năm 2015 của nhà làm phim Trương Tán Ba phơi bày việc xây dựng đường cao tốc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

“Một mặt thì người dân thành thị hưởng lợi từ sự phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng. Sự tăng trưởng mà Trung Quốc làm được nổi tiếng khắp thế giới. Mặt khác thì vô số cuộc sống, đạo đức và văn hóa, như cát trong một đồng hồ cát, dần dần biến mất khỏi xã hội,” một bài bình luận về phiên bản sách của The Road viết. Bài bình luận này được cư dân mạng Trung Quốc trích dẫn nhiều lần trong buổi thảo luận về Plastic China của Vương Cửu Lương.

“Ít người muốn dừng lại và nhìn xung quanh hoặc nghĩ về những vấn đề này. Nhiều người, trong đó có nhiều người phương Tây, lơ đi một cách có chủ ý. Chúng tôi thích nhịp sống hối hả nhiều đến nỗi không thể chậm lại. Đây là vấn đề của Trung Quốc,” bài bình luận viết.

Giờ đây khi sương mù dày đặc bủa vây nhiều thành phố ở Trung Quốc, có cả thủ đô Bắc Kinh, thêm một mùa đông nữa, dường như một lượng lớn cư dân thành thị ngày một gia tăng đang bắt đầu hiểu rằng ô nhiễm môi trường không phải là một vấn đề mà chỉ có những ngôi làng hẻo lánh trên khắp đất nước mới phải đối mặt.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times