Tin tức

Tham vọng làm phim của Trung Quốc không xứng với Hollywood

08/02/2017

Trung Quốc đã có cú hích điện ảnh ấn tượng, nhưng sẽ còn mất một thời gian nữa trước khi các phòng vé Đại lục có thể đạt được ma thuật của hệ thống điện ảnh Hollywood.

Carrie Fisher qua đời trong những ngày cuối cùng năm 2016 có thể mang đến một không khí tối tăm nhưng có phần hợp với bài Inside Out cuối cùng của người viết bài này trong năm 2016. Rất nhiều người đã qua đời. Và đây là một năm được đánh dấu bằng rất nhiều sự kiện đáng để khóc than – như Trump, Brexit và Syria.

Disney đưa tour quảng bá quốc tế Rogue One: A Star Wars Story đến Trung Quốc với đạo diễn Gareth Edwards và các ngôi sao Felicity Jones, Diego Luna, Chân Tử Đan và Khương Văn tại sự kiện chiếu ra mắt bộ phim ở Bắc Kinh ngày 21/12/2016

Nhưng hãy sử dụng sự qua đời của bà cho những mục đích tích cực. Với vai Công chúa Leia của hào quang Star Wars bà đem lại cái nhìn hăng hái vào thế giới điện ảnh lúc nào cũng quan trọng, thường xuyên giải thoát – một thế giới mà cả đời người viết đã bị chi phối bởi Mỹ và Hollywood.

Nhưng trên đầu mũi 2017, và với việc Trung Quốc trở thành một thế lực có sức mạnh về nhiều mặt của nền kinh tế toàn cầu, có hợp lý không khi hỏi điều này sẽ còn tiếp diễn bao lâu nữa?

Star Wars của George Lucas, ra mắt lần đầu tiên gần 40 năm trước, vẫn là một trong những loạt phim thành công nhất thế giới về thương mại – đứng thứ ba sau khi tính lạm phát, khoảng 2,8 tỉ USD về doanh thu phòng vé, so với Gone with the Wind 3,4 tỉ USD và Avatar 3 tỉ USD.

Trong một danh sách khi 9/10 phim đầu bảng doanh thu mọi thời đại được thực hiện ở Hollywood (Dr Zhivago là ngoại lệ duy nhất), Hollywood vẫn có vẻ chắc chắn giữ vững vị trí là xưởng làm phim chủ đạo của thế giới. Và cũng như Hollywood vẫn ngự trị ở vị trí tối cao, loạt phim Star Wars vẫn tiếp tục là một sự hấp dẫn tuyệt vời thống trị toàn cầu. Cái tên mới nhất của Lucas Films – Star Wars: Rogue One – đã thu được con số ước tính 573 triệu USD từ khi ra mắt ở Mỹ và Canada.

Thế nên có thể còn hơi sớm để nói về sự thoái vị của Hollywood. Nhưng như trong rất nhiều lĩnh vực của hoạt động kinh tế, có những tin đồn từ Trung Quốc đưa tới câu hỏi: bao giờ sự thống trị này mới bị xói mòn?

Câu hỏi xảy đến khi người viết bài này đọc tin rằng Trung Quốc năm nay đã vượt qua Mỹ về tổng số phòng chiếu phim. Với gần 27 phòng chiếu mới mở mỗi ngày, Trung Quốc đã trở thành xứ sở của ít nhất 41.500 phòng chiếu – so với hơn 40.000 phòng ở Mỹ.

Và rồi đương nhiên có những xúc tu bạch tuộc của Vương Kiện Lâm và Tập đoàn Wanda, tập đoàn giải trí đi săn mồi dữ dội của Trung Quốc, công ty (chưa thỏa mãn với việc trở thành một thế lực trong giới bóng đá châu Âu) đang trong giai đoạn trở thành bá chủ rạp chiếu phim thế giới, một thế lực quan trọng trong ngành làm phim toàn cầu. Không có gì ngoài tham vọng, mục tiêu của ông Vương là kiểm soát 40-50% thị trường phim chiếu rạp thế giới đến năm 2026.

Sau khi thôn tính AMC và Starplex ở Mỹ, và sau đó là Odeon và UCI ở châu Âu, Vương Kiện Lâm khoe khoang rằng Wanda hiện đã chiếm 15% doanh thu phòng vé toàn cầu, với mục tiêu đưa con số này lên 20% năm 2020. Cùng lúc ông này cũng nhắm mục tiêu đầu tư vào cả sáu hãng phim lớn của Mỹ, và đang nhắm vào hãng Dick Clark đơn vị quản lý chuỗi giải thưởng điện ảnh và truyền hình Quả cầu vàng.

Chủ tịch tập đoàn Wanda Vương Kiện Lâm

Với số lượng rạp chiếu phim và người đi xem phim lớn nhất thế giới, bạn đọc hẳn phải hỏi còn bao lâu trước khi Trung Quốc và các nhà làm phim Trung Quốc trở thành những thế lực phòng vé toàn cầu như George Lucas hay Stephen Spielberg? Người viết đồ rằng câu trả lời – bất chấp tham vọng lớn lao của Vương Kiện Lâm – sẽ không sớm đâu.

Dù Trung Quốc có nhiều phòng chiếu hơn bất cứ nước nào, dân số lớn hơn, điều này không trực tiếp hay tự động đưa nước này thành kẻ thống trị phòng vé. Trung Quốc có thể đã đạt tới 1,26 tỉ lượt vé bán trong năm 2015, nhưng sự thật rằng người Mỹ xem ít nhất gấp bốn lần số lượng phim hằng năm có nghĩa phòng vé Mỹ vẫn vượt Trung Quốc (1,36 tỉ lượt năm ngoái). Và đương nhiên Ấn Độ và Bollywood vẫn bỏ xa Mỹ và Trung Quốc, bán được hơn 9 tỉ lượt năm ngoái.

Cho dù có sự giúp đỡ can trường của Matt Damon, và một Cảnh Điềm lanh lợi, bộ phim bom tấn Giáng sinh của Trương Nghệ Mưu Great Wall – ra mắt bởi hãng phim Legendary của Wanda cùng ngày ở Trung Quốc với Rogue One ở Mỹ – thu về con số đáng thất vọng 66 triệu USD trong tuần mở màn. Với việc bộ phim chiếm 70% thị trường toàn quốc, nó vẫn đứng sau phim bom tấn khác của Legendary năm 2016 là Warcraft, và còn kém xa bộ phim của Alibaba, The Mermaid, là phim có doanh thu phòng vé lớn nhất mọi thời đại của Trung Quốc với 554 triệu USD đến hiện tại.

Steven Spielberg (trái), chủ tịch Amblin Partners, và Jack Ma, CEO của Alibaba Group, tại buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác tại Bắc Kinh ngày 9/10/2016

Về tầm nhìn, bất chấp dẫn đầu phòng vé Trung Quốc, The Mermaid vẫn không vào nổi tốp 50 phim đứng đầu phòng vé thế giới. Và bất chấp danh tiếng bên trong Trung Quốc của các nhà sản xuất như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ và Phùng Tiểu Cương, chỉ một số ít thu hút người xem bên ngoài châu Á. Vài người như đạo diễn gốc Đài Loan Lý An, với Wedding Banquet, Life of PiNgọa hổ tàng long có lẽ nổi tiếng hơn với các tác phẩm từ Mỹ của ông và một ngôi nhà ở New York. Trong khi Trung Quốc ra mắt hơn 600 phim mới năm 2014 (năm gần nhất có con số cụ thể), Mỹ vẫn vượt với hơn 700 phim – và một lần nữa, Ấn Độ làm lu mờ tất cả. Bollywood sản xuất 1.966 phim.

Trong khi Wanda có lẽ là cái tên nổi bật nhất ngành điện ảnh Trung Quốc, chúng ta không thể đánh giá thấp thách thức cạnh tranh đến từ những hãng khác đang theo sát gót – như Alibaba cùng hợp tác tài chính với Amblin của Stephen Spielberg, Hoa Nghị góp vốn với STX của Mỹ và Tang Media của Tencent đầu tư vào IM Global ở Mỹ. Thực sự, có thể qua những sáng kiến đồng bỏ vốn như vậy mà sự hiện diện của Trung Quốc được cảm nhận mạnh mẽ nhất.

Từ năm 2014, các tập đoàn giải trí Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 5 tỉ USD trực tiếp vào ngành điện ảnh Mỹ – đủ để dấy lên lo ngại an ninh ở quốc hội Mỹ. Với việc thách thức từ Trung Quốc ở thị trường phim toàn cầu là thực sự, cảm giác lo lắng ở tầm quốc hội này khiến người viết thấy lố bịch đến bất ngờ, giống với bản năng văn hóa theo chủ nghĩa dân tộc ở Pháp đã khiến nhiều phim Mỹ không vào được Pháp, cho phép rất nhiều nhà làm phim hạng xoàng người Pháp tiếp tục làm những phim hạng xoàng.

Bất chấp thành công vang dội ở Trung Quốc, The Mermaid vẫn không vào nổi tốp 50 phim đứng đầu phòng vé thế giới

Khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, hãy để chúng ta cùng hy vọng rằng kết quả là một sự đa dạng phong phú hơn và những bộ phim hay cho phép chúng ta thưởng thức trong những thời gian nghỉ ngơi nhàn rỗi. Sau cùng, những người xem phim Trung Quốc xứng đáng được thoát ly thực tế như bất cứ ai.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post