Tin tức

Thanh bình nhạc: Phim bộ khơi dậy sự quan tâm thời Phục hưng của Trung Hoa cổ

15/05/2020

Serenade of Peaceful Joy / Thanh bình nhạc, phim truyền hình lịch sử về cuộc đời của một vị hoàng đế của nhà Tống (960-1279), đã bất ngờ thành ‘hit’ ở Đại lục.

Không giống như nhà Thanh (1664-1901), vốn quen thuộc hơn do gần với thời hiện đại và được sử dụng làm bối cảnh cho các phim bộ cổ trang được yêu thích, nhà Tống (960-1279), mệnh danh là thời Phục hưng Trung Hoa, không hiểu sao ít được người xem Trung Quốc ngày nay biết đến, đặc biệt là các thế hệ trẻ.

Poster phim

Nhưng Thanh bình nhạc, được phát hành vào ngày 7 tháng 4, đã đạt hơn 3,26 tỉ lượt xem trực tuyến tính đến ngày 11/5, theo Maoyan, cơ sở dữ liệu phim và truyền hình lớn của Trung Quốc, đưa tin. Với sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng và dày dạn kinh nghiệm Vương Khải, pha trộn hoàn hảo lãng mạn và chính trị, Thanh bình nhạc đã thu hút nhiều sự chú ý của người xem vì miêu tả văn hóa tinh tế của thời Tống.

Biên niên bốn thập kỷ triều đại thứ tư của nhà Tống (1022-1063), bộ phim cung cấp cái nhìn lướt qua về nghệ thuật, văn hóa và đời sống xã hội thời Tống Nhân Tông trong một miêu tả hấp dẫn dẫn đến hàng triệu bài đăng và bình luận trên mạng xã hội.

Hãy xem xét kỹ bộ phim Thanh bình nhạc này và thưởng thức văn hóa và nghệ thuật rực rỡ thời đó trong suốt bộ phim.

Gốm sứ đời Tống

Một cảnh trong phim với rất nhiều đồ sứ men ngọc được bày biện

Nhiều khán giả đã ngạc nhiên trước đồ sứ xinh đẹp thanh nhã thể hiện trong phim. Thời nhà Tống đã chứng kiến một bước nhảy vọt trong cả nghệ thuật và công nghệ làm đồ gốm. Lịch sử cho rằng đã có hơn 1.000 lò gốm ở Trung Hoa thời Tống. Thợ thủ công cạnh tranh nhau để thúc đẩy công nghệ lò nung cũng như lùng kiếm xa rộng các loại đất sét tốt và mới cũng như màu men ngoại lai.

Trong số tất cả các lò gốm sứ, Ngũ đại Danh diêu – Nhữ, Quân, Quan, Định, và Ca – nổi bật vì sản xuất đồ sứ tốt nhất cho hoàng gia sử dụng. Chịu ảnh hưởng bởi tính thẩm mỹ phổ biến của Nho giáo, những người coi trọng sự tối giản và tự nhiên, gốm sứ đời Tống nổi tiếng với hình dáng đơn giản, màu trầm, sắc tinh tế và họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên.

Nổi bật với lớp men màu xanh lục nhạt hiếm có, độ khéo tinh xảo và độ bóng như ngọc bích, đồ sứ Nhữ Diêu được giới thiệu rất nhiều trong phim cùng sứ tráng men đen của Định Diêu.

Từ của đời Tống

Một cảnh đặc tả các văn nhân tụ họp bình từ với nhau trong phim

Từ, vốn nổi tiếng là một thể hiện nghệ thuật khác của thi, bắt nguồn từ cuối đời nhà Đường (618-907), nhưng nở rộ và đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Tống.

Mỗi bài từ dựa trên một trong số 800 điệu từ, tên của điệu từ chính là đề tài của tác phẩm, ấn định từ phổ, luật bằng trắc, số chữ trong câu và số chữ trong bài. Do đó, người ta thường bắt gặp một số bài từ do các nhà thơ khác nhau sáng tác về các chủ đề khác nhau có cùng tựa đề.

Thanh bình nhạc, tựa đề của bộ phim bằng tiếng Trung, là một điệu từ thường được sử dụng trong thơ đời Tống. Các nhà thơ đời Tống tên tuổi, cũng là những quan to - như Án Thù, Phạm Trọng Yêm và Âu Dương Tu - đã được giới thiệu trong bộ phim, với nhiều cảnh đặc tả họ ngâm tác phẩm của mình.

Hội họa đời Tống

Một cảnh trong phim thể hiện một bức tranh lớn chim-và-hoa đặc trưng thẩm mỹ hội họa đời Tống

Nói đến những kiệt tác trong hội họa của Trung Hoa cổ, không người sành điệu nào không nhắc đến Thanh minh thượng hà đồ hay Thiên lý giang sơn đồ. Cả hai đều được sáng tác vào thời nhà Tống, thời đại mà nhiều học giả tin rằng, hội họa Trung Hoa đạt đến đỉnh cao, với Tống Huy Tông (1082-1135), hoàng đế nhà Tống thứ tám, một họa sĩ tài ba và cũng là người bảo trợ cho nghệ thuật.

Với tính thẩm mỹ thịnh hành trong thời kỳ đó tuân thủ đúng thế giới vật chất, các bức tranh phong cảnh và chân dung đều miêu tả cao và thậm chí là hiện thực.

Trong phim, các bức tranh phong cảnh và chân dung của những con vật may mắn được treo trên tường hoặc được sử dụng làm phông, mang đến một không khí nghệ thuật và họa pháp cho trang trí cung đình.

Thư pháp

Cảnh Hoàng đế Tống Nhân Tông luyện thư pháp phong cách Phi Bạch Thư trong phim

Cùng với thơ ca, thư pháp trong văn hóa Trung Quốc là một phương tiện quan trọng để thể hiện cá nhân và sáng tạo. Làm lu mờ hội họa, thư pháp còn được ca ngợi là hình thức nghệ thuật thị giác tối cao trong văn hóa Trung Quốc.

Bằng cách tiếp thu tài hoa lỗi lạc của các nhà thư pháp huyền thoại từ thời trước, các nhà thư pháp nổi tiếng đời Tống bao gồm Tô Thức (1037-1101), Hoàng Đình Kiên (1045-1105), Mễ Phất (1051-1107) và cả Tống Nhân Tông, đã phát minh ra phong cách riêng, được đông đảo những người hâm mộ thư pháp ngày nay bắt chước.

Trong phim, Hoàng đế Tống Nhân Tông rất thích luyện thư pháp và xuất sắc theo phong cách thư pháp ít được biết đến nhưng khá đặc trưng có tên là Phi Bạch Thư đòi hỏi sử dụng cọ bẹt. Như tên gọi của nó, phong cách này nhấn mạnh vào lực di chuyển của bút lông và sự phong phú của các vệt trắng trong nét viết.

Cắm hoa

Cảnh Công chúa Huy Nhu, con gái của Tống Nhân Tông, cắm hoa trong phim

Hoa được sắp xếp tinh tế trong những chiếc bình sứ trong phim cũng đem lại sự mãn nhãn.

Cắm hoa truyền thống Trung Hoa có nguồn gốc từ thời Nam-Bắc triều (420-589) và thăng hoa thời nhà Đường và nhà Tống (607-1279). Bên cạnh phục vụ mục đích nghi lễ cung đình và cúng bái, việc cắm hoa được văn nhân đời Tống tôn là một trong “bốn nghệ thuật cuộc sống” cùng với xông hương, uống trà và thưởng tranh, để thể hiện cảm xúc, trau dồi tính cách và giải khuây.

Xông hương

Không như người hiện đại xịt nước hoa để làm thơm không khí và cơ thể, người Trung Hoa cổ rất thích xông hương từ thảo mộc thơm, cho bầu không khí thư giãn và cơ thể thơm tự nhiên.

Đó là lý do tại sao những cảnh có khói bốc lên từ lư hương bằng đồng hình thú hoặc lư hương bằng sứ phổ biến trong bộ phim.

Một lư hương đồng xông hương trong phim

Có từ thời nhà Thương (khoảng 17 đến 11 trước Công nguyên), việc đốt hương ban đầu và về cơ bản cũng là một phần của các hoạt động cúng bái để thể hiện lòng kính trọng thần thánh và tổ tiên. Ngoài ra, người Trung Hoa cổ còn đốt hương để canh giờ, xua đuổi côn trùng và tăng cường sức khỏe bằng hỗn hợp thuốc thơm. Hơn nữa, các văn nhân thời nhà Đường và nhà Tống tổ chức các buổi họp mặt thưởng thức mùi hương để nhâm nhi trà, nghe đánh đàn tam thập lục, sáng tác thơ và luận tranh.

Điểm trà

Văn hóa Trung Quốc đắm chìm vào việc uống trà kể từ khi Thần Nông huyền thoại phát hiện ra thức uống này khoảng năm thiên niên kỷ trước.

Dựa trên sự tiến bộ nhanh chóng trong việc trồng trà, chế biến trà và nghiên cứu văn hóa trà ở các triều đại trước, đời Tống đã chứng kiến một bước đột phá lớn trong cách uống trà.

Một cảnh chuẩn bị thức uống theo kiểu điểm trà

Không giống như người thời nhà Đường nấu trà với các loại gia vị và ăn luôn lá trà sau khi uống, người thời nhà Tống đã cách mạng hóa với một phương pháp uống trà mới gọi là điểm trà, được mọi người từ mọi tầng lớp yêu thích, bằng chứng là số lượng trà quán được miêu tả trong bức tranh nổi tiếng Thanh minh thượng hà đồ, diễn lại cảnh đường phố nhộn nhịp của kinh đô thời Bắc Tống (960-1127) nay là thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam.

Điểm trà, đã truyền cảm hứng cho trà đạo matcha của Nhật Bản, liên quan đến việc trộn hỗn hợp nước và bột trà nghiền bằng bàn chải tre trong một cái bát để tạo ra thức uống có bọt mịn. Những người sành trà thường bị cuốn vào các cuộc thi điểm trà, trong đó người chiến thắng là người có bọt tồn tại lâu nhất.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily