Phim điện ảnh hầu hết đều đi theo một trong sáu tuyến cảm xúc. Tuyến nào bán được nhiều vé nhất?
Gần đây nhất bạn xem phim gì ngoài rạp? Người viết hiếm khi đi xem phim
nữa, một phần vì thích phim truyền hình hơn — đặc biệt là các phim bộ
hành động gián điệp. Nhưng người viết vẫn đến rạp để xem những phim bom
tấn thực sự, chẳng hạn như
Dune. Phải thừa nhận rằng xem một câu chuyện hoành tráng trên màn ảnh rộng vẫn là một trải nghiệm đặc biệt.

Năm 2020, lượng người đi xem phim giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch
COVID. Trong những năm sau đó, lượng khán giả đã tăng lên ở nhiều nơi
trên thế giới nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Lạm phát, dịch vụ
phát trực tuyến như Netflix lên ngôi và sự chuyển dịch sang phim bộ
truyền hình danh giá có lẽ đều có phần trong xu hướng này. Do đó, hơn
bao giờ hết ngành công nghiệp điện ảnh chịu nhiều áp lực phải thu hút
mọi người đến rạp chiếu phim. Không chừng toán học giúp được chuyện này.
Năm
2020, nhà khoa học dữ liệu người Anh Ganna Pogrebna và các đồng nghiệp
đã công bố một bài báo phân tích doanh thu, chi tiêu và xếp hạng mức độ
phổ biến của hơn 6.000 bộ phim khác nhau. Những phát hiện này đã vạch ra
các dạng cốt truyện trong phim và tương quan giữa các dạng cốt truyện
đó với sự chấp thuận của khán giả và số tiền kiếm được.
Kể chuyện: Từ Aristotle đến Hollywood

Babe, chú lợn con trong bộ phim cùng tên, chật vật tìm vị trí của
mình trong trang trại nhưng đã xoay chuyển tình thế khi bắt đầu học chăn
cừu
|
Công trình của các nhà nghiên cứu này dựa trên một phân tích các tác
phẩm văn học trước đó của các nhà nghiên cứu từ Đại học Vermont ở Mỹ và
Đại học Adelaide ở Australia. Cả hai nghiên cứu đều dựa trên tiền đề
rằng phần lớn các câu chuyện có thể được chia thành các nhóm tuyến
truyện.
Ý tưởng này đã có từ lâu. Khoảng 2.300 năm trước, nhà
thông thái Aristotle đã nghĩ về cấu trúc của các câu chuyện và cách
chúng tác động đến khán giả. Và vào thế kỷ 20, Kurt Vonnegut đã nghiên
cứu tiến triển cảm xúc của những câu chuyện nổi tiếng bằng cách lập biểu
đồ cảm xúc buồn vui mà mỗi câu chuyện truyền tải từ đầu đến cuối.
Lấy
cảm hứng từ “hình hài câu chuyện” của Vonnegut, nhóm nghiên cứu của Đại
học Vermont và Đại học Adelaide đã đưa 1.327 câu chuyện từ tuyển tập
sách hư cấu của Dự án Gutenberg vào một thuật toán và xác định sáu tuyến
cảm xúc chủ đạo trong các câu chuyện (sẽ có tiết lộ nội dung các bộ
phim và sách kinh điển):
Khổ trước sướng sau

Những câu chuyện này bắt đầu bằng hoàn cảnh tiêu cực và một nhân vật chính dần phải tự mình thoát ra. Một ví dụ kinh điển là
Groundhog Day,
trong đó nhân vật chính gặp tình huống khó xử kỳ lạ khi phải sống đi
sống lại một ngày duy nhất, và anh ta cải thiện hoàn cảnh của bản thân
khi ngày càng học hỏi từ đó.
Bi kịch (hay sướng trước khổ sau)

Đây là tuyến ngược lại. Trong các bi kịch, mọi thứ bắt đầu tích cực và kết thúc tiêu cực. Hãy nghĩ đến
Romeo và Juliet: ban đầu cặp đôi nhân vật chính hạnh phúc trong tình yêu, nhưng đến cuối, cả hai đều chết.
Thoát khỏi hố sâu

Trong những câu chuyện này, nhân vật chính đang ổn thì mọi thứ chuyển
sang hướng tệ, nhưng đến cuối, họ thường ở trong tình cảnh tốt đẹp hơn
so với ban đầu. Một ví dụ kinh điển là
The Godfather. Khi phim
bắt đầu, gia đình tội phạm Corleone đang ở đỉnh cao quyền lực, nhưng sau
đó người đứng đầu gia đình bị trọng thương và con trai cả của ông bị
sát hại. Người con trai út, nhân vật chính, sau đó giành được quyền lực
vô song khi đảm nhận vai trò lãnh đạo và trở thành bố già mới.
Icarus*

Tuyến này đảo ngược cốt truyện Thoát khỏi hố sâu. Hãy nghĩ đến nhân vật của Leonardo DiCaprio trong
Titanic: chàng trai nghèo rơi vào lưới tình trong chuyến phiêu lưu xa hoa nhưng cuối phim lại chết cóng. Nhân vật chính của
The Great Gatsby cũng có hành trình từ nghèo khổ đi lên giàu sang và câu chuyện kết lại khi anh ta bị giết.
Lọ Lem

Những câu chuyện Lọ Lem bắt đầu với nhân vật chính ở trong tình huống
tồi tệ, được cải thiện một tí rồi đi xuống về mặt cảm xúc nhưng kết thúc
có hậu. Hãy nghĩ đến Babe, chú lợn con trong bộ phim cùng tên, chật vật
tìm vị trí của mình trong trang trại nhưng đã xoay chuyển tình thế khi
bắt đầu học chăn cừu. Không may sau đó chú rơi vào tình huống nguy hiểm
khi bảo vệ đàn cừu. Vui thay đến cuối câu chuyện, mọi thứ đều ổn thỏa và
Babe giành chiến thắng trong một cuộc thi chăn cừu.
Oedipus**

Tuyến cảm xúc Oedipus ngược lại với Lọ Lem. Mọi thứ bắt đầu tốt đẹp,
nhưng sau đó là một chuỗi xui xẻo. Nhân vật chính vực mình dậy nhưng
cuối cùng lại rơi vào tình cảnh tồi tệ. Ví dụ cho các nhân vật đi theo
tuyến truyện kiểu này gồm các nhân vật chính bạc phận trong
Frankenstein,
Moby Dick hoặc
Hamlet.
Nhóm
của Pogrebna muốn tìm hiểu xem phim có tuân theo sáu tiến trình cảm xúc
này không và nếu có thì cấu trúc nào mang lại hiệu quả nhất. Các nhà
nghiên cứu đã tải phụ đề tiếng Anh của 6.174 bộ phim và sau đó phân tích
— từng câu một — để tìm nội dung cảm xúc của chúng. Họ gán cho mỗi từ
một điểm dựa trên trạng thái cảm xúc: –1 cho tiêu cực, 0 cho trung tính
và +1 cho tích cực. Sau đó, các nhà nghiên cứu gán cho mỗi câu một giá
trị cảm xúc dựa trên các từ và điều chỉnh giá trị câu để nằm trong
khoảng từ –1 đến +1. Để so sánh các bộ phim có thời lượng khác nhau, họ
đã xử lý dữ liệu sao cho mỗi câu chuyện được cô đọng lại thành 100 điểm
dữ liệu riêng lẻ.
Để nhóm các tuyến truyện lại với nhau, các nhà
nghiên cứu cần một phương pháp đo khoảng cách giữa các tuyến cảm xúc của
bất kỳ hai bộ phim nào. Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt giữa hai
tuyến căng thẳng với các tập dữ liệu X và Y tương ứng có thể được tính
như sau:

Với phương trình đó, các nhà nghiên cứu có thể so sánh độ lệch quỹ đạo
cảm xúc của hai bộ phim tại bất kỳ thời điểm nào (t) trong câu chuyện.
Vì giá trị tuyệt đối trong căn bậc hai được bình phương, nên dấu không
đóng vai trò gì trong phép so sánh; do đó, việc một đường cong ở trên
hay dưới đường cong kia không đáng kể — chỉ có khoảng cách giữa chúng
với nhau là quan trọng.
Sử dụng phép đo này, các chuyên gia có
thể nhóm các bộ phim có các tuyến tương tự nhau. Theo cách đó, họ xác
nhận rằng tất cả các bộ phim mà họ nghiên cứu đều thuộc vào một trong
sáu tuyến cảm xúc mà nghiên cứu trước đó đã xác định.
Điều thú vị
họ phát hiện ra là thể loại phim thường tương quan với tiến triển cảm
xúc của câu chuyện. Ví dụ, phim kinh dị thường có cấu trúc bi kịch,
trong khi phim hài sẽ theo tuyến truyện Thoát khỏi hố sâu hoặc Lọ Lem.
Phim tiểu sử thường là Khổ trước sướng sau, và phim ly kỳ thường theo
cấu trúc Thoát khỏi hố sâu.
Những bộ phim nào thành công nhất?Nhóm của Pogrebna sau đó đã thu thập dữ liệu ước tính về kinh phí và doanh thu từ trang web dữ liệu ngành công nghiệp phim
The Numbers, cùng với xếp hạng phim từ Internet Movie Database (IMDb).
Đầu
tiên, các chuyên gia đã xem xét doanh thu nội địa mỗi bộ phim mang về —
đây là thông tin duy nhất có sẵn cho tất cả các xuất phẩm được nghiên
cứu. Thể loại Thoát khỏi hố sâu đạt thành tích tốt nhất, thu về trung
bình 37,48 triệu USD, so với 33,63 triệu USD của thể loại thành công thứ
hai, Lọ Lem.

Có vẻ như người ta đến rạp nhiều hơn vì những bộ phim mà các nhân vật
chính phải chịu đau khổ nhưng cuối cùng kết thúc có hậu. Thật thú vị,
cốt truyện Khổ trước sướng sau đơn giản hơn nhiều lại tạo ra doanh thu
trung bình thấp nhất.
Vậy biết đâu những bộ phim thắng lớn chỉ
đơn giản là vì tốn kém nhất? Lời giải cho câu hỏi đó có nhiều tầng lớp.
Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan nào giữa kinh phí và thành
công của các câu chuyện Thoát khỏi hố sâu. Những bộ phim này rõ ràng có
doanh thu lớn bất kể kinh phí hay thể loại.
Tuy nhiên, câu
chuyện bi kịch làm ra ít tiền hơn trừ phi chúng có chi phí sản xuất đặc
biệt cao (khoảng 100 triệu USD trở lên). “Điều này có thể giải thích cho
thành công về mặt tài chính của các phim chính kịch lịch sử lớn như
The Last Samurai hoặc các thiên truyện sinh tồn hoành tráng như
Life of Pi,” nhóm của Pogrebna viết trong bài nghiên cứu.
Những bộ phim nào được yêu thích nhất?Khi các chuyên gia xem xét điểm đánh giá của người dùng trên IMDb, một bức tranh khác đã xuất hiện:

Theo thang điểm từ 1 đến 10, với 1 là ít được yêu thích nhất và 10 là
được yêu thích nhất, các bộ phim cốt truyện Thoát khỏi hố sâu có thành
tích kém hơn 0,19 điểm so với các câu chuyện Khổ trước sướng sau. Trên
thực tế, việc xếp hạng các hạng mục phim theo điểm đánh giá tạo ra danh
sách gần như trái ngược với kết quả thu được khi xếp hạng theo doanh
thu.
Dữ liệu trái ngược nhau có thể là vì cốt truyện Thoát khỏi
hố sâu thu hút nhiều người xem hơn và nhìn chung nhận được nhiều đánh
giá hơn — và người dùng IMDb thường để lại đánh giá tiêu cực hơn là đánh
giá tích cực. Nhưng Metascore trên IMDb — điểm số từ công cụ tổng hợp
đánh giá Metacritic dựa trên mức đánh giá trung bình của các nhà phê
bình cho một bộ phim — cũng đồng tình với đánh giá của người dùng cho
thể loại câu chuyện này. “Quỹ đạo cảm xúc Thoát khỏi hố sâu không tạo ra
những bộ phim ‘được yêu thích nhất’, nhưng lại tạo ra những bộ phim
‘được bàn tán’ nhiều nhất,” các nhà nghiên cứu chỉ ra.
Trong khi
đó, phim bi kịch được các nhà phê bình đánh giá cao nhất, họ có vẻ ưu ái
“những bộ phim nghiêm túc” hơn là kết thúc có hậu.

Câu chuyện bi kịch làm ra ít tiền hơn trừ phi chúng có chi phí sản
xuất đặc biệt cao (khoảng 100 triệu USD trở lên). Điều này có thể giải
thích cho thành công về mặt tài chính của các phim chính kịch lịch sử
lớn như The Last Samurai (ảnh)
|
Với thông tin này, ngành phim ảnh có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ
liệu. Để thu hút càng nhiều người đến rạp chiếu phim càng tốt, các nhà
làm phim có thể sản xuất thêm phim theo cấu trúc Thoát khỏi hố sâu. Nếu
nhắm lấy lời khen của giới phê bình, phim bi kịch xúc động vẫn là tốt
nhất. Nhưng nên nhớ rằng khán giả vẫn thích lời hứa lạc quan đơn giản về
một hành trình từ đau khổ đến vui sướng hơn.
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Scientific American
Chú thích của người dịch:
* Trong thần thoại Hy Lạp, Icarus cùng
cha Daedalus bay trên đôi cánh tự chế từ lông vũ kim loại gắn vào khung
da bằng sáp ong. Dọc đường Icarus quên lời cha dặn, cậu bay quá gần mặt
trời khiến sáp ong từ đôi cánh chảy ra làm Icarus rơi xuống biển chết.
Trong bài viết này, Icarus chỉ tuyến truyện của một nhân vật từ khó khăn
vươn tới hạnh phúc nhưng không có cái kết có hậu.
** Oedipus là
người hùng có số phận bi thảm, đại diện cho hai chủ đề thường gặp trong
kịch và thần thoại Hy Lạp là bản chất sai lầm của nhân loại và số phận
của một cá nhân trong dòng chảy số phận nghiệt ngã của vũ trụ. Trong bài
viết này, Oedipus được sử dụng với ý nghĩa của chủ đề thứ hai.