Tin tức

Từ Charlie Chan đến Crazy Rich Asians: Lịch sử phức tạp của người gốc Á ở Hollywood

13/08/2018

Vài tháng trước khi Crazy Rich Asians ra mắt, bộ phim đã được vinh danh là phim Hollywood hiếm hoi mà tất cả các diễn viên chính đều là người gốc Á. Được chuyển thể từ cuốn sách ăn khách của Kevin Kwan, bộ hài lãng mạn phù hoa này có các ngôi sao Constance Wu, Henry Golding, Awkwafina và Dương Tử Quỳnh.

Nhưng đạo diễn Jon Chu đã nói rằng trong mục tiêu của anh Crazy Rich Asians không chỉ là một bộ phim mang tính bước ngoặt, mà là bắt đầu một phong trào đại diện cho người Mỹ gốc Á ở Hollywood.

Crazy Rich Asians

Đây là một nhiệm vụ nản lòng, đặc biệt xét rằng người Mỹ gốc Á (và người dân các đảo ở Thái Bình Dương, những người thường được đưa vào danh mục rộng lớn hơn là “người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương”) tiêu biểu cho một loạt nền tảng văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và kinh tế mênh mông.

Và Hollywood đã có một lịch sử gập ghềnh khi nói đến những vai diễn của người Mỹ gốc Á, từ những vai diễn gương mặt-da vàng ban đầu đến những ví dụ hiện tại về tẩy trắng.

Nhưng cũng có nhiều điều để ngưỡng mộ. Dưới đây là dòng thời gian của một số cột mốc sự kiện quan trọng và những bước lùi dẫn đến Crazy Rich Asians, phim sẽ ra rạp ở Việt Nam từ ngày 17/8 với tựa Con nhà siêu giàu châu Á.

1918: Sessue Hayakawa thành lập hãng phim

Sessue Hayakawa (trái) trong phim The Bridge on the River Kwai, vai diễn đưa ông nhận một đề cử Oscar

Diễn viên phim câm Sessue Hayakawa được coi là ngôi sao điện ảnh người Mỹ gốc Á đầu tiên, và, được cho là không có ngôi sao nào lớn hơn kể từ đó. Đến năm 1918, ông đã có đủ lực để thành lập hãng phim riêng, Haworth Pictures Corp, thôi thúc bởi sự thất vọng của ông trước những miêu tả xúc phạm và không chính xác về người châu Á của Hollywood.

Trong thời gian vận hành Haworth, ông đã sản xuất 23 phim và là một trong những diễn viên được trả lương cao nhất thời của ông. Ông rời Hollywood năm 1922 do quan điểm bài-châu Á ngày càng tăng, cuối cùng đã trở lại sau Thế chiến hai. Năm 1957, ông nhận đề cử Oscar cho vai diễn trong The Bridge on the River Kwai.

1935: Anna May Wong mất vai người Mỹ gốc Hoa về tay Luise Rainer

Anna May Wong (Hoàng Liễu Sương)

Anna May Wong là ngôi sao phim câm thập niên 1920, nhưng cô thường thấy mình bị giới hạn trong những vai châu Á khuôn mẫu. Khi cuốn tiểu thuyết The Good Earth của Pearl Buck được phát hành năm 1931, Hoàng Liễu Sương đã công khai mong muốn được tham gia vào bộ phim chuyển thể, bởi vì đó là một cơ hội hiếm có để đóng vai một nhân vật Trung Quốc ở Hollywood.

Sau này cô mới biết rằng cô không bao giờ được xét vì các nhà sản xuất muốn có một nam diễn viên da trắng cho nhân vật nam chính người Trung Quốc, và đạo luật cấm hôn nhân khác chủng tộc đã ngăn cản một phụ nữ không phải người da trắng được chọn đóng cặp với một người đàn ông da trắng. Thay vào đó, Hoàng Liễu Sương được giao vai người vợ lẽ, nhưng từ chối. Luise Rainer đã giành được giải Oscar cho vai diễn người phụ nữ Trung Quốc trong phim này.

Đây cũng là thập kỷ đã mang đến cho chúng ta những nhân vật da vàng Fu Manchu và Charlie Chan, đó là những vai diễn người châu Á rập khuôn do các diễn viên da trắng đóng và được tạo ra do trí tưởng tượng của phương Tây.

1961: Flower Drum Song là phim Hollywood đầu tiên với người Mỹ gốc Á trong các vai chính

Cảnh trong phim Flower Drum Son, chuyển thể vở nhạc kịch Broadway Rodgers & Hammerstein, do nữ diễn viên Hồng Kông Quan Gia Thiến đóng chính cùng nam diễn viên gốc Nhật James Shigeta

Vào thời điểm đó, làm phim về người Mỹ gốc Á là một lựa chọn mạo hiểm; đây cũng là năm việc Mickey Rooney vào vai một người hàng xóm Nhật Bản răng hô trong Breakfast at Tiffany’s là có thể chấp nhận được.

Bao năm, người Mỹ gốc Á có cảm xúc lẫn lộn về phiên bản điện ảnh của vở nhạc kịch Rodgers & Hammerstein, bởi vì nó do những người không phải châu Á sáng tạo ra và thể hiện những khuôn mẫu châu Á, bao gồm một cô dâu vâng lời và gái nhảy đào mỏ. Nhưng những năm gần đây, bộ phim nhạc kịch này (được đề cử cho năm giải Oscar) đã được chấp nhận nhiều hơn, một phần vì 57 năm sau, chúng ta vẫn chưa thấy người Mỹ gốc Á hát múa trên sân khấu lớn ở Hollywood.

1973: Long tranh hổ đấu khiến Lý Tiểu Long trở thành tượng đài sau khi qua đời

Lý Tiểu Long trong phim Long tranh hổ đấu năm 1973

Sau khi đóng vai Kato trong phim bộ truyền hình The Green Hornet, Lý Tiểu Long cố gắng tìm vai chính ở Hollywood, thậm chí còn phát triển một dự án truyền hình cho chính mình, được cho là đã bị gỡ và tái dựng thành Kung Fu, với sự tham gia của David Carradine. Anh về Hồng Kông, ở đây anh quay ba phim thành công, trước khi nhận được sự chú ý của Warner Bros., hãng phim đã mời anh vai chính trong Long tranh hổ đấu / Enter the Dragon. Lý Tiểu Long qua đời sáu ngày trước khi bộ phim được phát hành, đúng lúc sự nghiệp của anh ở Mỹ sắp cất cánh.

Điều đó nói rằng, Lý Tiểu Long không chỉ trở thành một huyền thoại toàn cầu, mà đã đặt vũ đài cho các ngôi sao võ thuật như Thành Long và Lý Liên Kiệt.

1982 và 1984: Gandhi The Killing Fields giành chiến thắng lớn tại giải Oscar

Haing S. Ngor (trái) trong phim The Killing Fields / Cánh đồng chết, vai diễn đem lại cho anh giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc

Bộ phim tiểu sử Mohandas Gandhi đã giành được tám giải Oscar, bao gồm phim hay nhất, và nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Ben Kingsley (mang nửa dòng máu Anh, nửa Ấn Độ). Hai năm sau, The Killing Fields, kể việc hai nhà báo thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, đã đem về giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Haing S. Ngor. Kingsley, Ngor và Miyoshi Umeki (đã từng đoạt Oscar với Sayonara năm 1957) vẫn là ba diễn viên gốc Á duy nhất từng đoạt giải Oscar diễn xuất.

Sau này, Slumdog Millionaire (2008) là một phim khác của Anh về Ấn Độ được vinh danh tại giải Oscar.

1993: Joy Luck Club là một phim tìm thấy thành công

Đạo diễn Wayne Wang đã giành được sự công nhận với Chan Is Missing năm 1982, được coi là bộ phim độc lập đầu tiên do một người Mỹ gốc Á đạo diễn cộng hưởng với cộng đồng người Mỹ gốc Á bên ngoài. Nhưng Joy Luck Club, dựa trên cuốn sách của Amy Tan, là phim Hollywood chính thống đầu tiên của ông và thành công về mặt thương mại lẫn phê bình.

1993: The Wedding Banquet bắt đầu triều đại của Lý An ở Hollywood

Lý An với tượng vàng Oscar Đạo diễn xuất sắc thứ hai của ông năm 2012 cho phim Life of Pi

Bộ phim hài The Wedding Banquet của Lý An trở thành phim có lãi nhất trong năm khi xét tỷ suất chi phí, kiếm được 23,6 triệu đôla Mỹ từ ngân sách 1 triệu đôla. Sau đó, ông làm nên lịch sử với tư cách là nhà làm phim không phải người da trắng đầu tiên giành giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất, với Brokeback Mountain năm 2005, và lấy giải thưởng thứ hai năm 2012 với Life of Pi.

Bộ phim võ thuật năm 2000 Ngoại hổ tàng long của Lý An vẫn là bộ phim tiếng nước ngoài có doanh thu cao nhất ở Mỹ.

1998: Mulan là phim hoạt hình đầu tiên của Disney được lồng tiếng chủ yếu bởi người Mỹ gốc Á

Truyền thuyết Hoa Mộc Lan của Trung Quốc về con gái của một lão tướng cải nam trang thay cha tòng quân. Cho bản chuyển thể hoạt hình, Disney thuê một biên kịch người Mỹ gốc Trung Quốc (Rita Hsiao) và thuê hầu hết người Mỹ gốc Á lồng tiếng, bao gồm Ming-Na Wen, B. D. Wong, James Hong, Pat Morita và George Takei.

Về sau Disney ghi được nhiều thành công nữa với các câu chuyện của người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Lilo và Stitch, Big Hero 6Moana. Một bản chuyển thể Mulan người đóng nằm trong số các tác phẩm cho năm 2020.

1999: Giác quan thứ sáu là hiện tượng văn hóa

M. Night Shyamalan (giữa) trên trường quay The Last Airbender

Câu nói “Cháu nhìn thấy người đã chết” của Haley Joel Osment khắc vào ký ức của một thế hệ, và cái tên của đạo diễn M. Night Shyamalan giờ đây đồng nghĩa với một thể loại phim kinh dị siêu nhiên nào đó kết thúc bằng thắt nút cao trào rơi hàm.

Dù ông có một số thất bại – đáng chú ý nhất là thất bại của The Last Airbender, mà ông đã bị quy lỗi tẩy trắng các nhân vật người Inuit và người châu Á trong loạt phim hoạt hình gốc – ông đã hoàn thành bộ ba phim Unbreakable thành công, kết thúc với Glass năm 2019.

2004: Harold & Kumar là phim chuỗi Hollywood đầu tiên do diễn viên người Mỹ gốc Á dẫn dắt

John Cho và Kal Penn (từ phải qua) trong A Very Harold & Kumar Christmas

Khi Harold & Kumar Go to White Castle, một bộ phim hài do John Cho và Kal Penn đóng chính, được công chiếu vào năm 2004, nó không phải là thành công ‘khủng’ ở phòng vé. Nhưng khi ra đĩa DVD, phim được sùng bái và đã sinh thêm hai phần tiếp theo, Harold & Kumar Escape From Guantanamo Bay năm 2008 và A Very Harold & Kumar Christmas năm 2011.

2009: Justin Lin giúp biến Fast and Furious thành cỗ máy kiếm tiền quốc tế

Justin Lin (phải) chỉ đạo Vin Diesel trên trường quay Fast and Furious

Sau khi Justin Lin ghi được điểm với phim độc lập Better Luck Tomorrow, anh đã đạo diễn bộ phim Fast and Furious: Tokyo Drift năm 2006. Trong phần tiếp theo này, dàn diễn từ phim gốc Fast & Furious không ai quay lại trừ vai khách mời xuất hiện chớp nhoáng của Vin Diesel. Nhưng phim Fast and Furious kế tiếp của Lin năm 2009, Paul Walker, Michelle Rodriguez và Jordana Brewster năm 2009 đều trở lại, và đến nay chuỗi phim này đã thu hơn 1,5 tỉ USD.

Lin đã tạm nghỉ vài năm với chuỗi phim này, nhưng anh sẽ trở lại với phim thứ 9 và 10, dự kiến sẽ là hai phần cuối cùng.

2016: Dwayne Johnson trở thành diễn viên được trả thù lao cao nhất thế giới

Dwayne Johnson mang di sản Polynesia của mình tự hào lồng tiếng cho bán thần Maui

Nhiều người vẫn biết anh là The Rock, từ những năm anh là nhà vô địch đấu vật chuyên nghiệp, và một số đánh giá thấp anh khi anh chuyển sang diễn xuất trong The Mummy Returns năm 2001. Nhưng 15 năm sau, anh trở thành diễn viên được trả thù lao cao nhất thế giới, một phần nhờ Moana, trong đó anh mang di sản Polynesia của mình tự hào lồng tiếng cho bán thần Maui.

2017: Ghost in the Shell gây tranh cãi vì tẩy trắng

Việc chọn Scarlett Johansson vào vai Thiếu tá Motoko Kusanagi gây phản ứng dữ dội

Các nhà hoạt động người Mỹ gốc Á lâu nay đã lên tiếng phản đối việc tẩy trắng của Hollywood – Short-Circuit 2, 21, Aloha, Dragonball: Evolution, Dr Strange; danh sách còn tiếp tục – nhưng cuộc tranh cãi xung quanh việc chọn Scarlett Johansson vào vai Thiếu tá Motoko Kusanagi trong phim chuyển thể bộ truyện tranh Nhật Bản Ghost in Shell có vẻ là lần đầu tiên Hollywood đã lắng nghe.

Giám đốc điều hành của Paramount, Kyle Davies, thừa nhận rằng những lời chỉ trích về việc tẩy trắng là không hay cho công việc kinh doanh.

2017: The Big Sick đưa Kumail Nanjiani thành sao

Kumail Nanjiani (trái) trong phim The Big Sick

Kumail Nanjiani và Emily Gordon đã viết kịch bản dựa trên câu chuyện tình trong đời thực của họ và cuối cùng đã giành được đề cử Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất – lần đầu tiên cho một câu chuyện đào sâu vào trải nghiệm của người Mỹ gốc Á. Mặc dù được ca ngợi, bộ phim nhận lãnh những lời chỉ trích cho sự khắc họa rập khuôn về phụ nữ Nam Á. (The Joy Luck Club cũng bị chỉ trích sự khắc họa đàn ông châu Á.)

Phê bình này nhấn mạnh nhiệm vụ bất khả thi của việc có một câu chuyện đại diện cho toàn bộ cộng đồng – và vẫn còn một loạt các câu chuyện đa dạng cần được kể.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post