Việt Nam

Điều làm nên thành công của Những đứa con biệt động Sài Gòn

22/09/2011

Tái hiện rõ nét phi vụ làm ăn của trùm Năm Cam và Dung Hà; miêu tả sinh động cuộc đấu trí thế hệ con em các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; cảnh quay hoành tráng; pha hành động gay cấn; tình tiết hấp dẫn... những yếu tố đó góp phần làm nên thành công của Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Một cảnh trong phim

Phim hình sự với những đề tài xã hội nóng bỏng luôn được khán giả truyền hình Việt Nam ưu ái và chờ đợi. Sau hàng loạt tập phim trong series Cảnh sát hình sự lên sóng, khán giả tiếp tục được đón xem những pha hành động gay cấn, những vụ án lớn, những tình tiết nóng bỏng trong bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Có thể nói, thời gian gần đây, giờ vàng phim Việt phát sóng nhiều những bộ phim mang tính hình sự. Mặc dù thế, nhưng dường như khán giả không cảm thấy bội thực với thể loại phim này mà còn hào hứng đón nhận khi phim lên sóng.

Để nói đến thành công của bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn không thể không nhắc đến dấu ấn một thời của bộ phim Biệt động Sài Gòn. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng khán giả truyền hình Việt Nam không thể quên nhân vật ni cô Huyền Trang, không thể quên Tư Chung trong Biệt động Sài Gòn. Chính vì thế, khi nhắc đến tên họ trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, khán giả lại càng hồi hộp mong chờ sự xuất hiện của họ, và mong muốn xem cuộc đấu trí thế hệ con em của họ sẽ chiến đấu như thế nào?

Liệu rằng, thế hệ sau có dũng cảm, có mưu trí như thế hệ đi trước. Và liệu, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình khác gì nhiều so với thời chiến... Có lẽ, chính sự tiếp nối thành công của Biệt động Sài Gòn đã phần nào làm cho tên tuổi của bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn đến gần hơn nữa với khán giả.

Cũng phải nói rằng, tác giả thật tài tình khi kết hợp được tiếng vang của phim Biệt động Sài Gòn với những đề tài nóng bỏng trong xã hội hiện đại, kết hợp những vụ án lớn mà cả nước biết đến, đưa những nhân vật như Năm Cam, Dung Hà... vào phim cùng với sự kết hợp những pha hành động được tạo dựng như thật, gay cấn... Đây cũng là điều làm nên thành công lớn cho bộ phim.

Một điều mà khán giả rất quan tâm ở bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn chính là việc xây dựng lại những phi vụ làm ăn trong trọng án của trùm Năm Cam và Dung Hà. Mặc dù, vụ án đã đi qua lâu, nhưng khi nhắc đến tên Năm Cam và Dung Hà, nhiều người vẫn không khỏi giật mình.

Sau khi những tập đầu của Những đứa con biệt động Sài Gòn lên sóng, rất nhiều khán giả đã gửi thư chia sẻ về sự thành công của bộ phim.

Phía sau Những đứa con biệt động Sài Gòn

Bảy Xoài và Phượng “đê”, hai nhân vật trong Những đứa con Biệt động Sài Gòn

  • Cơ duyên

Đã từng là tác giả kịch bản cả chục bộ phim truyền hình và phim nhựa, nhưng nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải chưa từng nghĩ tới việc sẽ viết kịch bản cho một bộ phim về đề tài hình sự. Chuyện ông đến với phim Những đứa con biệt động Sài Gòn như là cơ duyên, bắt nguồn từ một cuộc trò chuyện tình cờ giữa ông cùng Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Anh Thái và đạo diễn Long Vân. Đạo diễn Long Vân đưa cho ông một tập hồ sơ vụ án Năm Cam dày gần nghìn trang, in màu với lời đề nghị “viết đi”.

Lời đề nghị đó đã khiến nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải trăn trở rất nhiều đêm. Viết thì viết thế nào, bởi vụ án này quá điển hình, đã có nhiều người viết về nó, hoặc mang “hơi hướng” của nó. Rồi Nguyễn Xuân Hải quyết định ngồi vào bàn viết với ý nghĩ “Mình sẽ viết theo kiểu của mình”. Nhan đề Những đứa con biệt động Sài Gòn phần là để nói về một thế hệ tiếp theo của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, phần là để kéo dài thêm tên tuổi của đạo diễn Long Vân (cũng là đạo diễn chính của bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn) - người đã gắn liền với các bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Biệt động Sài Gòn, Người không mang họ

  • Tìm số phận cho nhân vật

Nói là bộ phim được làm theo diễn biến của chuyên án Z5.01 và cuộc đời của “ông trùm” Năm Cam thì cũng đúng, bởi bóng dáng của Năm Cam, Dung Hà, Hải “bánh”, hay Lâm “chín ngón” vẫn hiển hiện qua các vai diễn Bảy Xoài, Phượng “đê”, Mộc “già”… Nhưng nếu cứ theo hồ sơ chuyên án mà dựng, chắc sẽ khô cứng và thiếu hấp dẫn. Vì thế, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải cùng đạo diễn Long Vân đã “thổi” cho mỗi nhân vật một số phận. khán giả xem truyền hình có thể thấy, 10 tập đầu là những mưu toan quyền bính, tranh chấp lãnh địa làm ăn. Nhưng sau đó, tác giả đã để cho người xem thấy được chiều sâu nội tâm của nhân vật. Không áp đặt toàn bộ cuộc đời Năm Cam lên nhân vật, trong đời Bảy Xoài có thiện ác đan xen. Ngay cả trong đám đàn em của Phượng “đê” cũng có tuyến nhân vật được lý giải do bối cảnh gia đình mà sa chân lỡ bước. Mọi nhân vật đều đi đến tận cùng của luật nhân - quả.

  • Hào hứng nhập cuộc

Ngay sau khi nhận được kịch bản, đạo diễn Long Vân liền lên đường vào TPHCM, bỏ tiền túi ra để thành lập Hãng phim Long Vân. Mất cả thời gian dài phim mới quay được, nhờ Đài Truyền hình Vĩnh Long đầu tư với mức kinh phí vừa phải. Chính vì thế, phim lên sóng Đài Truyền hình Vĩnh Long đầu tiên, nhưng bản quyền thuộc về Long Vân. Hai tuần sau khi lên sóng, Đài Bình Dương lập tức mua để phát sóng. Sự chân thật trong những cảnh “đấm đá” đã hấp dẫn khán giả. Khi phim chiếu hết 39 tập, thị trường đã xuất hiện đĩa nén của toàn bộ 39 tập phim. Một vài người quen làm ở Hải quan thỉnh thoảng gọi cho nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải thông báo rằng, đã phát hiện nhiều trường hợp mang đĩa phim ra nước ngoài. Nhận được tin, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải cười: “Thì cũng phải mang ra nước ngoài cho bà con xem.”

  • Bối cảnh thật

Với sự giúp đỡ của Bộ Công an, đoàn làm phim Những đứa con biệt động Sài Gòn đã mời được Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 - đơn vị từng thực hiện vây bắt Năm Cam tham gia trong một số cảnh quay. Các chiến sĩ đặc nhiệm, từng trải qua thực tế bước vào khung hình rất tự nhiên và chân thực. Đội khám nghiệm tử thi Dung Hà đêm xảy ra án mạng trên đường Bùi Thị Xuân, TPHCM cũng được mời tham gia với vai trò Đội khám nghiệm tử thi nhân vật Phượng “đê”. Đạo diễn Khương Đức Thuận kể, từng chi tiết nhặt mẩu giấy, vỏ viên đạn, đeo găng tay… đều được các thành viên của đội thực hiện y như một vụ án thật. Quay phim chỉ việc lia máy theo. Chính vì thế kỹ thuật hình sự được tái hiện sinh động theo từng góc quay.

Mới lên sóng VTV1 chưa đầy 10 tập, nhưng đoàn làm phim đã rục rịch chuẩn bị cho phần hai. Theo tiết lộ của nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải, hiện ông đã hoàn thành đề cương chi tiết cho phần hai đó sẽ là cuộc đấu trí với tội phạm ma túy và buôn bán phụ nữ ra nước ngoài.


Nguồn: VTV và An ninh Thủ đô