Việt Nam

Giấc mơ trên núi Cấm

19/01/2011

Tuổi thơ dữ dội của cậu bé Ngô Liêm trong bộ phim Ngã rẽ được giao cho một cậu học trò lớp sáu ở núi Cấm – An Giang vốn chưa từng biết đến phim ảnh và đau khổ là gì. Vậy mà Nguyễn Trí Thảo vẫn mang đến cho nhân vật một sức sống thật mãnh liệt.

Gương mặt buồn, hằn nét chịu đựng, đau xót và những giọt nước mắt rất thật của cậu bé Ngô Liêm trong bộ phim Ngã rẽ (đạo diễn Tường Phương, đang phát sóng trong giờ phim chiều trên kênh HTV9) đã khiến người xem phải rơi nước mắt cho tuổi thơ đầy sóng gió của em. Làm nên linh hồn cho nhân vật này là một gương mặt mới toanh, lần đầu đóng phim nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

“Con thấy mình đóng cũng hay hay...”

Đó là diễn viên nhí Nguyễn Trí Thảo, một cậu bé nghèo sống trên núi Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang. Tuổi thơ dữ dội của cậu bé Ngô Liêm ấy được giao cho cậu học trò lớp sáu vốn chưa từng biết đến phim ảnh và đau khổ là gì. Vậy mà Nguyễn Trí Thảo vẫn mang đến cho nhân vật một sức sống thật mãnh liệt.

Trí Thảo hóa thân thành nhân vật Ngô Liêm trong Ngã rẽ [Ảnh: Tường Phương/Người Lao Động Online]

Gần như mọi khoảnh khắc cảm xúc của nhân vật Ngô Liêm đều được cậu bé có gương mặt buồn buồn, khắc khổ này thể hiện thật xuất thần. Cái dáng loắt choắt, lủi thủi kéo chiếc xe tải đồ chơi đi mua hàng cho mẹ trên cung đường xa xôi; cái mím môi giận dữ, căm thù nhưng đành bất lực khi nhìn thấy những kẻ chỉ biết vung tiền ra rồi hành hạ mẹ; khuôn mặt thẫn thờ, buồn bã của những ngày sống lầm lũi bên hốc đá; đôi mắt thất thần ngơ ngác, rồi cả những giọt lệ tuôn rơi từ đôi mắt trong veo và lăn dài trong nỗi đau đớn, xót xa trước những bất hạnh của đời...

Tất cả những cận cảnh ấy đều khiến người xem thắt lòng, cứ như Trí Thảo đang sống cùng tuổi thơ dữ dội của Ngô Liêm để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật trên phim.

Ngã rẽ đã đi được nửa chặng đường - một khoảng đời của tên tướng cướp Ngô Liêm. Nguyễn Trí Thảo đã nhường vai lại cho đàn anh Huỳnh Đông đảm nhận nhân vật Liêm lúc lớn, nhưng gương mặt nhí này đã làm sáng bừng nhân vật, dẫn dắt khán giả đi theo cuộc đời của Ngô Liêm sau này bằng những dấu ấn cảm xúc khó quên.

Đạo diễn Tường Phương cho biết có lúc Trí Thảo khiến cả đoàn làm phim phải rơi nước mắt ở những phân cảnh xúc động. “Trí Thảo rất thông minh. Ở mỗi cảnh diễn cần sự thể hiện cảm xúc, tôi ôm cháu vào lòng và nhẹ nhàng bảo: “Con hãy tưởng tượng nếu thật sự ở trong hoàn cảnh của Liêm thì cảm xúc của con như thế nào”. Chỉ cần như thế thôi nhưng Trí Thảo đã tự biết điều chỉnh cảm xúc rất đúng với tâm trạng của nhân vật” - đạo diễn phim Ngã rẽ nhớ lại.

Còn Trí Thảo, sau này xem lại hình ảnh mình trên phim đã hồn nhiên nhận xét: “Con thấy mình đóng cũng hay hay. Con thấy Liêm giống Liêm chứ không phải giống con.”

Duyên may bất ngờ

Đạo diễn Tường Phương tiết lộ chuyện ông chọn Trí Thảo vào vai Ngô Liêm trong phim hoàn toàn là một duyên may bất ngờ và cũng khá mạo hiểm. Trước đó, ông đã cất công tìm kiếm khắp nơi, từ các lò đào tạo diễn viên nhí, rạp xiếc đến nhiều trung tâm trẻ mồ côi nhưng vẫn không thể tìm được gương mặt nào phù hợp cho nhân vật.

Đến ngày bấm máy, đạo diễn Tường Phương quyết định ghi hình các nhân vật người lớn trước. Và rồi, trong một cảnh quay tại núi Cấm, ông đã bất ngờ phát hiện Trí Thảo khi em cùng bạn bè đến xem đoàn làm phim.

Trí Thảo sống cùng tuổi thơ sóng gió của nhân vật Ngô Liêm [Ảnh: Người Lao Động Online]

“Tôi cần một gương mặt mang nét mộc mạc, chai lì, hằn nét chịu đựng nhưng cũng đầy yêu thương. Khi chọn Trí Thảo vào vai Ngô Liêm, tôi cũng rất đắn đo nhưng khi cháu diễn thử một vài phân đoạn trong Ngã rẽ, tôi biết đã tìm được Liêm nhỏ rồi.” - đạo diễn Tường Phương cho biết. Vậy là Trí Thảo khăn gói lên đường theo đoàn làm phim rong ruổi đến dải đất miền Trung.

Sau hai tháng xa nhà để “sống cuộc đời của Ngô Liêm”, Trí Thảo trở về với cuộc sống thường nhật của mình trong căn nhà nhỏ nằm cheo leo nơi sườn dốc trên núi Cấm. Mỗi ngày, Trí Thảo vẫn cuốc bộ gần 5km đến trường.

Học xong về nhà, cậu phụ giúp mẹ giặt quần áo, nấu cơm; khi rảnh rỗi mới chơi đùa với bạn bè quanh núi. Nhưng những ngày Ngã rẽ lên sóng truyền hình, xóm nhỏ bên núi Cấm của Thảo cũng rộn ràng hơn. Mỗi chiều về, mọi người cùng tập trung lại xem “phim của thằng nhỏ Thảo đóng”.

Núi cao, sóng truyền hình yếu, cáp cũng chưa lên tới, nhà Trí Thảo lại không có tivi nên em và cha mẹ phải đến nhà hàng xóm xem nhờ. Bà Lê Thị Mai, mẹ Trí Thảo, không giấu được niềm tự hào: “Không ngờ cháu có thể diễn tốt như vậy. Hàng xóm xem phim, ai cũng khen và xúc động.”

Nhớ ơi là nhớ...

Bạn bè Trí Thảo giờ cũng hay đem chuyện Ngô Liêm phải đi bán cốm, bẻ khóa trộm xe trên phim ra trêu chọc cậu bé. Những lúc ấy, em chỉ cười cười, gương mặt vẫn mộc mạc, hằn nét chịu đựng nhưng cũng đầy tình cảm.

Đối với Trí Thảo, vai diễn nhỏ đầu đời trong Ngã rẽ đã nhen nhóm cho em một “ngã rẽ” ước mơ lớn trong tương lai: “Con thích đóng phim lắm nhưng đạo diễn Tường Phương dặn là phải học cho thật giỏi, sau này mới thành tài được và con sẽ nghe lời bác ấy.”


Trí Thảo cùng cha mẹ và anh trai tại An Giang [Ảnh do gia đình cung cấp]

“Con sẽ cố gắng học rồi sau này nếu có cơ hội, sẽ lại được đóng phim.” Trí Thảo cũng hồn nhiên khoe em vừa đoạt giải nhì cuộc thi An toàn giao thông và cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ do Trường THCS An Hảo, nơi em đang theo học, tổ chức.

Duyên may tình cờ đã cho Trí Thảo cơ hội một lần tỏa sáng nhưng rồi em lại tiếp tục trở về với những tháng ngày của một cậu học trò nghèo nơi miền quê yên tĩnh. Không như Ngô Liêm, Trí Thảo có một gia đình đầm ấm. Ở đó, ước mơ của em được ươm mầm trong gian khó nhưng được vun đắp từng ngày từ tình yêu thương của cha mẹ.

Bên ngọn đèn dầu leo lét mỗi đêm, cậu bé Trí Thảo vẫn cần mẫn với trang sách. Trí Thảo tâm sự: “Có những lúc nằm gác tay lên trán, con lại nhớ ơi là nhớ những ngày nằm bên hốc đá đùa giỡn với chú chó Bin; sống trong yêu thương của đoàn làm phim. Con nhớ cả bạn Ngô Liêm.”

Tuổi thơ dữ dội

Trong phim Ngã rẽ, Ngô Liêm được sinh ra trong sự vô thừa nhận của người cha và cả gia đình hai bên nội - ngoại.

Mẹ Liêm - Thơm (do Đinh Y Nhung đóng) lủi thủi ôm con sống nhọc nhằn, tủi nhục trong ngôi nhà tranh dựng tạm trên sườn dốc, bán nước và cả bán thân cho cánh tài xế xe tải đường dài để nuôi con.

Liêm lớn lên trong gian khổ và đơn độc, chỉ có chú chó làm bạn và luôn trốn vào hốc đá để không phải nhìn thấy những cảnh mẹ lả lơi, tơi tả cùng người khác.

Trong một lần vì cần tiền chuộc lại chú chó, người bạn duy nhất của mình, Liêm đã ăn cắp tiền của bạn cùng lớp và bị đuổi học.

Từ đó, Liêm trở thành đứa trẻ sớm lăn lộn vào cuộc mưu sinh. Rồi mẹ qua đời, Liêm lang bạt sống ở vỉa hè cho đến khi gặp được người cưu mang lại là một tay anh chị chuyên đi móc túi, lừa đảo.

Cậu bé Liêm được dạy cách tồn tại với đời. Từ những mánh khóe nhỏ chỉ để ăn cắp vặt, Liêm dần dần trở thành một tay giang hồ khét tiếng tàn bạo, lạnh lùng và lòng đầy thù hận...

Nguồn: Người Lao Động Online