Không xuất hiện trên poster phim và cũng không được nhắc đến trước khi phim công chiếu nhưng ngay ngày đầu tiên Cánh đồng bất tận
ra mắt, Lan Ngọc gần như trở thành một hiện tượng khi gương mặt trẻ lần
đầu tiên chạm ngõ điện ảnh này lại tạo ấn tượng mạnh, chinh phục các
nhà chuyên môn lẫn công chúng qua vai diễn Nương quá xuất sắc.
Diễn như không diễn
Nương
của Lan Ngọc trong phim lấy nước mắt của người xem bằng ánh mắt lúc nào
cũng mênh mang xa vắng và khuôn mặt cứ hằn lên dấu ấn của một tuổi thơ
khắc khoải, đau đớn và thiếu vắng yêu thương.
Lan Ngọc trong vai Nương đã thuyết phục được khán giả
Cái dáng ngồi lặng lẽ nhỏ bé trong ánh hoàng hôn, đôi mắt cứ rưng rưng
không dám khóc khi kể về quá khứ, giọt nước mắt lăn dài trong nỗi đau
nhưng vẫn cố sức kìm nén không dám òa khóc của đứa trẻ chịu đựng mất
mát suốt tuổi thơ qua cách thể hiện của Lan Ngọc như những vết cắt đau
xót chạm vào sâu thẳm trái tim của khán giả.
Lan Ngọc như đã hóa
thân trọn vẹn thành Nương để đưa người xem cùng đi qua cánh đồng bất
tận, đi qua số phận xót xa của nhân vật. Nỗi đau như được nén dần để
rồi cuối cùng bung vỡ trên đỉnh điểm của bất hạnh tê tái sau cùng.
Với
Ngọc, cảnh quay khó nhất là lúc được tía trao cho chiếc nhẫn của mẹ và
nói lời yêu thương mà suốt cả tuổi thơ Nương không hề được nghe. Ngọc
lại không được phép khóc nhiều, cảm xúc phải kìm nén tận tâm can và chỉ
để duy nhất giọt nước lăn dài trên khuôn mặt ngơ ngác, lặng câm.
Nương (Lan Ngọc) cùng với tía của Nương (Dustin Nguyễn)
Lần nào quay, nước mắt Ngọc cũng cứ chảy dài, cho đến lần thứ 10 thì
Ngọc mới có thể “chỉ để rơi một giọt” theo yêu cầu của đạo diễn. Còn ở
cảnh Nương bị cưỡng hiếp, Ngọc nhập tâm đến mức chỉ diễn một lần, quên
cả cái đau do bị cỏ lác cắt vào mặt, xước nát cả cánh tay.
Đến
khi hoàn tất cảnh diễn, Nương cố sức lết về phía cha rồi ngất lịm, mọi
người mới phát hiện Ngọc cũng gần như ngất đi vì kiệt sức và đau đớn do
những vết cắt quá sâu.
“Hóa thân vào nhân vật, em luôn nhớ lời
của đạo diễn: Đừng nhớ rằng mình đang diễn, mà hãy cứ thả hồn nhẹ nhàng
nhất cho nhân vật thì tự khắc nhân vật sẽ đến với mình. Mỗi ngày em đều
học cách thể hiện ánh mắt bằng cách quan sát những vật vô cùng nhỏ, rồi
học cách nuôi cảm xúc, sống cho Nương, sống vì Nương và cuối cùng Nương
đã thật sự đến tìm em,” Lan Ngọc nói.
Hoàn toàn khác với tạo
hình của Nương trong phim, Lan Ngọc ngoài đời mang nét hồn nhiên, trẻ
trung và vô tư đúng với tuổi 20. Có được vai diễn đầy đặn này, Lan Ngọc
nói cô đã học được rất nhiều từ đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, “tía”
Dustin Nguyễn và chị Sương - Đỗ Hải Yến.
Mỗi ngày, Ngọc cùng
Thanh Hòa (chàng trai đóng vai Điền) ngồi lại phân tích tâm lý nhân
vật. Mỗi một cảnh quay dù ngắn ngủi với Ngọc đều là những giây phút
căng thẳng vô cùng, cô rất sợ diễn không tốt lại làm cho mọi người phải
vất vả theo.
Một cảnh của Nương và Điền trong phim
Cảnh diễn mà Lan Ngọc lo lắng nhất là cảnh mình bị hiếp. Cảnh diễn này
nằm ngoài sức tưởng tượng của Ngọc. Cô phải tìm đến những diễn viên đàn
chị có nhiều kinh nghiệm trong những cảnh quay đặc biệt này để nhờ chỉ
bảo và học hỏi. Chính nhờ vậy, Lan Ngọc đã diễn thành công đến ngạc
nhiên một cảnh diễn vượt quá sức của mình.
Đường vẫn còn rất dài
Nhân
vật Nương đến với cô như một duyên may, giống như cái duyên đã đưa cô
vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ngày nào, dù ba Ngọc muốn con gái
nối tiếp truyền thống của gia đình: thi vào ngành công an.
Ngọc
đi thử vai diễn cũng chỉ để thử sức, trong đầu luôn nghĩ “ai lại đi
chọn một gương mặt mới toanh vào vai diễn lớn bao giờ”. Để rồi sau
thành công này Ngọc lại rút ra bài học sâu sắc cho mình: “Nếu ta cứ
ngồi một chỗ thì sẽ không ai có thể nhìn thấy ta được. Cơ hội cũng vậy.
Đừng bao giờ chờ cơ hội đến với mình mà hãy đi tìm nó.”
Thoát khỏi vai diễn Nương, Lan Ngọc lại là cô sinh viên 20 tuổi trẻ trung rạng rỡ
Gặp Lan Ngọc trong những ngày tên tuổi cô được nhắc đến như một hiện
tượng, gương mặt trẻ vẫn còn là sinh viên năm ba của Trường Đại học Sân
khấu Điện ảnh TPHCM nói rằng cô đang trong cảm giác “lúc nào cũng thấy
niềm vui ùa đến với mình, cứ cho phép mình cười suốt.”
Khẳng
định được tên tuổi ngay từ vai diễn đầu tiên khi còn quá trẻ, với Lan
Ngọc đó cũng là một áp lực lớn. Sau những ngày vất vả trên “cánh đồng
bất tận”, Ngọc trở lại với cuộc sống năng động của mình cùng lịch học
dày đặc ở trường, cộng thêm niềm vui “xem lại phim mình đóng rồi rón
rén nghe khán giả nhận xét về vai diễn”.
Ngọc nói vẫn nhớ lời
NSƯT Như Quỳnh dành cho, khi phim ra mắt tại Hà Nội: “Con hãy cứ giữ
nét diễn trong sáng đáng yêu ấy nhé!”, vẫn nhớ những lời khen của đạo
diễn Đặng Nhật Minh và trân trọng lời nói của đạo diễn phim Người Mỹ trầm lặng Phillip Noyce: “Đừng bao giờ quên rèn luyện mình từng ngày, làm gì cũng hãy cố gắng hết mình.”
Nguồn: Người Lao Động Online