Việt Nam

Lôi báo - Bộ phim Việt đầu tiên về siêu anh hùng: Xem xong khó nhớ

23/12/2017

Tối 20/12, Lôi báo - bộ phim siêu anh hùng đầu tiên ở Việt Nam được quảng bá rầm rộ của đạo diễn Victor Vũ - đã ra mắt tại Hà Nội.

Thông điệp nhà làm phim gửi gắm: “Trong mỗi chúng ta đều có một anh hùng” nghe hay nhưng có vẻ như sự nhồi nhét các yếu tố kinh dị, viễn tưởng, hành động, kỹ xảo đã tạo ra... một nồi lẩu thập cẩm, “hít hà” khi ăn nhưng ăn xong không đọng lại nhiều dư vị.

Thời sự, đương đại

Victor Vũ - một đạo diễn luôn nhạy bén với thời cuộc, cập nhật bắt lấy rất nhanh các vấn đề đương đại, từng thể hiện rõ khả năng qua các phim Scandal: Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu, Cô dâu đại chiến... và lần này anh chọn cho mình một hướng đi mới: Làm phim viễn tưởng về siêu anh hùng. Một chủ đề đòi hỏi rất nhiều tiền, nhiều kỹ xảo mà trước anh chưa đạo diễn phim Việt nào dám xông vào. Đó là chưa kể chủ đề siêu anh hùng tiêu diệt cái ác, cứu giúp người thiện để thực thi công lý đã quá nổi bật trong các phim thành danh của Hollywood như Superman.

Vì thế Victor Vũ muốn thể hiện một siêu anh hùng thuần Việt không pha tạp và gần gũi với người dân. Sự hình thành ra siêu anh hùng được bắt nguồn từ chuyện cấy ghép đầu người. Victor Vũ tự nhận ngay sau khi đọc bài báo về ca cấy ghép đầu người của giáo sư người Italia Sergio Canavero được thực hiện trên một xác chết ở Trung Quốc, anh đã nảy ra ý tưởng làm Lôi báo.

Tâm (Cường Seven thủ vai) là một họa sĩ vẽ truyện tranh có cậu con trai bụ bẫm, đáng yêu với Linh, người vợ hiền dịu, xinh đẹp (Nhã Phương đóng) bị ung thư phổi và được bác sĩ Mã phẫu thuật ca đầu người kỳ bí, để cứu mạng. Thế nhưng đầu của Tâm khi được ghép vào thân thể Nghĩa, một sát thủ bị bắn chết thì mọi thứ đã thay đổi bất ngờ. Và sự “lai tạo” đó đã tạo ra sự đột biến gen để tạo nên một siêu anh hùng. Và không dừng lại ở đó, Tâm đột nhiên bị lôi vào quá khứ bí ẩn để bị cuốn theo bác sĩ Tuệ (Vũ Ngọc Anh), một cô gái xinh đẹp, lẳng lơ. Tâm như không còn là mình nữa, để rồi mọi ngã rẽ bất ngờ dẫn đến một tổ chức tội phạm, buôn bán nội tạng con người... Và bộ mặt khác của ông Mã hiện ra...

Lôi báo có tiết tấu nhanh trong cắt cảnh và dựng phim, câu chuyện khéo léo dẫn dắt người xem suốt gần 2 giờ đồng hồ. Và đặc biệt mãn nhãn là những màn hành động, kỹ xảo ở mức độ chuyên nghiệp cao do chuyên gia Vincent Wang ở Hollywood đảm trách. Nhưng nếu Victor Vũ áp dụng đưa thêm một môn võ cổ truyền nào của Việt Nam vào phim hẳn sẽ thú vị hơn là những cảnh đánh nhau, bắn nhau như phim Mỹ này. Những pha hành động được xây dựng trên nền một câu chuyện gia đình, đang êm ấm, hạnh phúc thì sự biến xảy ra.

Khó bắt bẻ được những chi tiết nào không hợp lý và thừa thãi trong phim, cũng khó nói phim không hấp dẫn, khi Victor Vũ là một đạo diễn học bài bản ở Mỹ và có khá nhiều kinh nghiệm làm phim thị trường với các thủ pháp ngón nghề. Những cú gây bất ngờ cho khán giả vẫn được sử dụng như vai trò thật của bác sĩ Tuệ hay ông Mã, dù không tạo hiệu ứng như mong đợi.

Ca khúc Chỉ có tình yêu ở lại được sáng tác bởi nhạc sĩ Dương Khắc Linh và Shin Hồng Vịnh, do ca sĩ Trọng Hiếu trình bày, được đạo diễn Victor Vũ chọn cho phim nhưng cũng không nổi bật.

Bên cạnh các vai chính do Cường seven, Nhã Phương tròn vai thì một loạt diễn viên quen thuộc khác như NSƯT Chánh Tín trong vai ông Đào - trùm xã hội đen, Quách Ngọc Ngoan - vai trợ thủ đắc lực của ông Đào, Hoàng Sơn vai ông Mã... diễn xuất nhịp nhàng tạo không khí cho bộ phim.

“Nếu...”

Lôi báo đúng là một phim giải trí, nó vẫn bộc lộ sự lão luyện, chuyên nghiệp của một đạo diễn rất giỏi làm phim thị trường có chất nghệ thuật. Nó cho thấy sự “ổn định” của Victor Vũ nhưng lại không đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ.

Giá như Victor Vũ chỉ tập trung xoáy sâu vào mâu thuẫn xung đột giữa cái đầu Tâm và thân Nghĩa kiểu như “hồn Trương Ba, da hàng thịt” đến chỗ bùng nổ và đi tới một bước ngoặt bất ngờ. Hay Victor Vũ làm một phim viễn tưởng thực sự, mở rộng cho sự tưởng tượng bay cao không giới hạn hơn là chỉ dừng ở việc ghép đầu người là “viễn tưởng” ở Việt, nhưng đã là hiện thực ở Tây thì hay hơn.

Còn việc xây dựng một siêu anh hùng, nếu Vũ làm trọn được những gì như anh tâm sự với báo giới: “Lôi báo mong muốn đánh thức người anh hùng trong mỗi chúng ta. Có những người thích những siêu anh hùng với sức mạnh phi thường đi giải cứu thế giới, có người lại xem người trong gia đình mình là người hùng của họ...” thì Lôi báo sẽ ở một tầm cỡ khác.

Nhưng Victor Vũ lại làm một phim nửa vời, mông lung với nhiều ý tưởng, ngõ hầu mong tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau. Tuy nhiên, trong nghệ thuật nhiều khi nói rất nhiều lại thành ra chẳng nói gì cả...

Nguồn: Lao động online