2010 là một năm sôi động của điện ảnh Việt Nam với số lượng phim ra rạp
lên tới 13 phim. Tuy nhiên, điện ảnh Việt 2010 cũng có những dấu ấn chưa
đẹp, nhiều vụ kiện tụng lùm xum vẫn chưa có hồi kết.
Năm 2010
được coi là một năm thành công của điện ảnh Việt khi mà phim Việt ra lò
không cần đợi Tết và vẫn nhận được sự đón nhận của công chúng. Nhiều
phim Việt đã cạnh tranh được với các bom tấn Hollywood về độ nóng và
doanh thu như: Cánh đồng bất tận, Giao lộ định mệnh, Để Mai tính…
Năm qua, khán giả cũng được thưởng thức nhiều thể loại phim đa dạng của điện ảnh trong nước, từ tình cảm hài (Để Mai tính), âm nhạc (Vũ điệu đam mê), hành động hài (Em hiền như ma sơ) cho tới tâm lý xã hội (Cánh đồng bất tận), tâm lý rùng rợn (Giao lộ định mệnh), cổ trang - lịch sử (Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long).
Cùng Laodong.com.vn điểm lại một số “vết đen” trong năm qua của điện ảnh Việt:
1. Kiện tụng xung quanh vấn đề bản quyền phim Khát vọng Thăng Long
Khát vọng Thăng Long
là bộ phim điện ảnh duy nhất về đề tài vua Lý Công Uẩn công chiếu trong
dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ phim do Nghệ sĩ ưu tú Lưu
Trọng Ninh làm đạo diễn, được thực hiện theo nguồn kinh phí xã hội hóa
do một nhóm các nhà đầu tư, đứng đầu là Công ty Kỷ nguyên sáng đảm nhận
vai trò nhà sản xuất. Tuy nhiên, bộ phim gặp rắc rối lớn trong chuyện
“tranh giành” kịch bản.
Nhà văn Phạm Tường Vân, người từng được mời xây dựng kịch bản cho Khát vọng Thăng Long đang chuẩn bị hồ sơ kiện nhà đầu tư xung quanh dự án phim nhựa duy nhất về vua Lý Công Uẩn. Theo nhà văn, Khát vọng Thăng Long có thể đã sử dụng ý tưởng và một số chi tiết trong kịch bản của chị.
Đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long ra mắt
Về phía đạo diễn Lưu Trọng Ninh, anh khẳng định kịch bản Khát vọng Thăng Long là tâm huyết của anh và Charlie Nguyễn.
Kỷ
nguyên sáng sau đó cũng cho biết sẽ kiện lại nhà văn Tường Vân tội vu
khống. Kỷ nguyên sáng cho rằng những phát biểu của nhà văn Tường Vân là
không đúng sự thật và ít nhiều gây ảnh hưởng đến bộ phim Khát vọng Thăng Long. Kỷ nguyên sáng cũng khẳng định đã trả tiền nên có toàn quyền sử dụng đề cương kịch bản do nhà văn Tường Vân viết.
Cùng với Khát vọng Thăng Long, nhiều dự án phim chào mừng Đại lễ khác cũng có nhiều lùm xum và ra mắt muộn hơn nhiều so với dự kiến.
2. Megastar bị các doanh nghiệp chiếu phim trong nước khiếu kiện
Hồi
tháng 5/2010, Megastar đã bị các doanh nghiệp chiếu phim trong nước
khiếu kiện vì nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành. Sự
việc này cũng khiến dư luận bức xúc vì cho rằng Mega đã thực hiện những
phương án cạnh tranh không lành mạnh.
Theo phân tích của các
doanh nghiệp đứng đơn, hiện nay 90% các phim nhựa chiếu rạp là phim nước
ngoài, được các doanh nghiệp nhập khẩu từ các hãng sản xuất phim nước
ngoài. Với mỗi phim, hãng sản xuất phim nước ngoài ký hợp đồng với một
doanh nghiệp để doanh nghiệp này nhập khẩu và phân phối lại phim cho các
doanh nghiệp khác trong nước. Các doanh nghiệp này cũng thống kê rằng
Megastar thường chiếm khoảng 50% số phim nhập khẩu.
Cụ thể, tổng
phim nhập khẩu trong năm 2009 là 106 phim. Trong đó, riêng Megastar nhập
50 phim. Bên khiếu nại cũng cho rằng doanh thu từ hoạt động phân phối
phim nhựa nhập khẩu của Megastar trong thời gian qua dao động từ 34% đến
75% tổng doanh thu trên thị trường phân phối phim nhựa nhập khẩu tại
Việt Nam.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Cạnh tranh, một
doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần
từ 30% trở lên, hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng
kể.
Chính sách của Megastar bị cho là vi phạm luật cạnh tranh,
đe dọa xóa sổ các cụm rạp bình dân, tác động trực tiếp tới giá vé, ngăn
cản nhu cầu thưởng thức phim ảnh của một bộ phận khán giả.
Sáu tháng sau, Megastar mới lần đầu công khai giải trình về vụ việc, nhưng vẫn bác bỏ cáo buộc của các doanh nghiệp chiếu phim.
3. Nghi án đạo phim của Giao lộ định mệnh
Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ sau một tháng hốt bạc, vào giữa tháng 10 đã bị tố là "hàng đạo" từ bộ phim Shattered
của Hollywood. Không chỉ giống nhau về mặt nội dung câu chuyện mà đến
cả kết cấu và những chi tiết như tai nạn thảm khốc của người chồng,
người vợ đã giết chồng mình khi bị phát hiện ngoại tình, người đàn ông
đồng lõa với vợ để giết người chính là ông ta và khi bị tai nạn, ông đã
được phẫu thuật gương mặt thành gương mặt của chồng cô ấy...
Không
chỉ có vậy, sự giống nhau kỳ lạ này còn xảy ra ở tình tiết và nhân vật
phụ của phim. Từ chuyện người tình của cô vợ cũng có bạn gái; người
chồng cũng từng qua lại với một cô thư ký trong công ty của mình trước
khi bị tai nạn... đến những dự án đất đai, hay chi tiết đào xác người
chồng...
Đến bây giờ, thực hư câu chuyện này ra sao vẫn là một ẩn số
Sau sự cố Giao lộ định mệnh bị cho là "hàng đạo" phim Shattered
của đạo diễn nổi tiếng Wolfgang Petersen, Victor Vũ đã lên tiếng "thanh
minh". Theo đó, vị đạo diễn Việt Kiều này giải thích rằng, sở dĩ có sự
giống nhau như vậy vì Giao lộ định mệnh được lấy cảm hứng từ
phong cách làm phim của bậc thầy Alfred J.Hitchcock (1899-1980) và được
làm giống các thủ pháp dàn dựng của Hitchcock.
Anh cũng cho biết điều lạ là anh chưa hề xem Shattered
và phim này trên thực tế cũng lấy cảm hừng từ Hitchcock. Anh nói anh
làm phim theo thể thức (formula) của Hollywood và phong cách của
Hitchcock, nên trong khoảng 50% các thủ pháp là giống nhau.
4. Xôn xao vụ kiện bản quyền poster của Đặng Minh Tùng
Sau khi được trình chiếu cũng trong khoảng một tháng, Cánh đồng bất tận lại gây xôn xao với vụ bản quyền ảnh trên poster.
Đặng
Minh Tùng - tác giả những bức ảnh - làm việc cho BHD theo hợp đồng ghi
nhật ký đoàn làm phim bằng hình ảnh. Tuy nhiên, sau đó những bức ảnh của
anh được dùng làm poster quảng cáo phim Cánh đồng bất tận, nhưng không thấy đề tên anh là tác giả, mà chỉ có tên ông Hoan. Chính vì thế, Đặng Minh Tùng đã đòi quyền lợi cho mình.
Đặng Minh Tùng vẫn để ngỏ khả năng kiện nếu không thấy thiện chí từ nhà sản xuất
Về
phía Đặng Minh Tùng, anh khẳng định phía nhà sản xuất đã cố tình lập lờ
mọi chuyện sau khi có phản hổi của BHD rằng anh đã kiện nhầm địa chỉ và
hãng phim Việt thì cho rằng anh không đủ cơ sở pháp lý. Đặng Minh Tùng
cũng tỏ ra không phục về việc Hãng phim Việt đưa ra lý lẽ không nêu tên
anh trong poster nhưng lại đề tên nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan.
Đặng
Minh Tùng cho biết, anh cần một buổi nói chuyện thẳng thắn với BHD -
Hãng phim Việt - nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan chứ không muốn mọi việc đi
quá xa. Tuy nhiên, anh cũng vẫn để ngỏ khả năng kiện nếu không nhìn thấy
thiện chí từ nhà sản xuất phim.
5. Nhiều sạn tại Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam
Đây
là Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam đầu tiên diễn ra trong bốn ngày từ
ngày 17 đến ngày 21/10. Tuy nhiên, có lẽ vì cũng là lần đầu tiên nên
khâu tổ chức của liên hoan phim vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Các
buổi chiếu phim tham dự liên hoan phim gặp nhiều lỗi về phụ đề, âm
thanh, cách tiếp đón các nghệ sĩ nước ngoài chưa được chu đáo. Những
buổi hội thảo thường trễ giờ và khâu dịch thuật vẫn chưa được hài lòng.
Nhiều buổi gặp mặt sao lộn xộn và không có sự tổ chức, sắp đặt rõ ràng.
Mặt khác, nhiều sao Việt dù được mời nhưng vắng mặt, nên Ban tổ chức đã
phải sắp xếp cho các vị khách tới tham dự đi lại hai lần trên thảm đỏ.
Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam yếu ở khâu tổ chức
Khâu
dịch thuật cũng là một "hạt sạn" lớn của liên hoan phim. Đêm bế mạc
được truyền hình trực tiếp nhưng phải thay phiên dịch nhiều lần giữa
chừng. Khi tài tử Hồng Kông Ngô Ngạn Tổ phát biểu trên sân khấu mà không
có ai phiên dịch, MC Lại Văn Sâm buộc phải ứng biến dù không thông thạo
tiếng Anh và đã gây ra một sự cố dở khóc dở cười cho Ban tổ chức.
Nguồn: Laodongonline