Việt Nam

Truyền hình Việt Nam trong cơn khủng hoảng nhân lực

27/01/2011

Thời gian gần đây, chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, những diễn viên có kinh nghiệm tham gia phim truyền hình như Lan Hương, Dũng Nhi, Quốc Khánh, Hương Dung, Bùi Bài Bình, Trung Hiếu, Kiều Thanh, Nguyệt Hằng… đã trở nên "nhẵn mặt" với khán giả. Thậm chí, trong cùng một buổi tối, khán giả phải xem một diễn viên hóa thân vào hai, ba bộ phim khác nhau...

Hiện nay, với tốc độ phủ sóng của phim truyền hình Việt Nam trên các kênh, có khoảng 1.500 tập phim truyền hình được sản xuất mỗi năm. Con số ấy cho thấy, cần phải có một nguồn nhân lực tương đối dồi dào mới đáp ứng được yêu cầu này. Song hiện nay, việc "vét" hết diễn viên chuyên nghiệp ở các nhà hát đổ vào phim truyền hình đã gây ra hiện tượng "nhẵn mặt" diễn viên, còn đạo diễn thì quanh đi quẩn lại cũng vẫn những tên tuổi cũ. Thiếu nhân tố mới có lẽ chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khán giả quay lưng với phim truyền hình Việt.

"Nhẵn mặt" diễn viên

Thời gian gần đây, chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, những diễn viên có kinh nghiệm tham gia phim truyền hình như Lan Hương, Dũng Nhi, Quốc Khánh, Hương Dung, Bùi Bài Bình, Trung Hiếu, Kiều Thanh, Nguyệt Hằng… đã trở nên "nhẵn mặt" với khán giả. Thậm chí, trong cùng một buổi tối, khán giả phải xem một diễn viên hóa thân vào hai, ba bộ phim khác nhau và đều là phim lần đầu xuất hiện trên màn ảnh. Phim truyền hình Việt Nam hiện nay chủ yếu là phim dài tập (từ mười tới hàng trăm tập), vì thế, việc một diễn viên mấy tháng trời cứ "chường" trước mắt khán giả nhiều khi lại gây ra "phản ứng ngược"...


Cảnh trong phim Bí mật của Eva

Cách đây vài tháng, nhiều khán giả vừa xem xong phim Cuồng phong (đạo diễn Bùi Huy Thuần) trên VTV1 có diễn viên Trung Hiếu vào vai tên trùm buôn ma túy và Kiều Thanh vào vai một cô gái ăn chơi; chuyển sang VTV3 thì lại gặp Trung Hiếu vào vai một anh chàng thật thà, chất phác, ngờ nghệch trong tình yêu, còn Kiều Thanh vào vai một cô gái hiện đại nhưng vẫn đầy nữ tính trong phim Vệt nắng cuối trời (đạo diễn Hoài Sơn). Điều này cũng xảy ra với Nguyệt Hằng - một diễn viên của nhà hát Tuổi trẻ, người đã "bén duyên" với phim truyền hình ngay từ khi thể loại phim này mới xuất hiện ở Việt Nam.

Khi bộ phim Bí mật của Eva (Nguyệt Hằng vào vai Bảo Trinh) chiếu trên VTV3 vừa kết thúc, lại thấy cô xuất hiện ngay sau đó trong vai cô gái lụy tình Tuệ Lâm trong Vệt nắng cuối trời và vai bà mẹ trong phim Bộ tứ 10A8 thì vẫn liên tục được chiếu sau 22 giờ trên kênh VTV3. Còn với Dũng Nhi, sau thành công với vai ông thứ trưởng trong loạt phim Chạy án dài hơn 40 tập (đạo diễn Hồng Sơn), anh liên tiếp nhận được những vai diễn "dài hơi". Sau khi thử sức với vai anh Khoái trong Ngõ lỗ thủng (đạo diễn Quốc Trọng) từng gây chú ý của dư luận, nay anh tiếp tục vào vai Bí thư Hoàng Kim trong phim Bí thư tỉnh ủy (đạo diễn Quốc Trọng) dài 50 tập hiện đang chiếu trên VTV1. Có lẽ vì cả ba bộ phim mà Dũng Nhi tham gia vai chính kể trên đều được lần lượt chiếu trên VTV1, nên gương mặt có phần khắc khổ của Dũng Nhi liên tục xuất hiện mỗi tối bắt đầu khiến khán giả có phần... ngúng nguẩy.

Có thể, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên do việc sắp xếp lịch phát sóng các phim là việc của "nhà đài", song nó cho thấy rằng hiện chúng ta đang thiếu một lực lượng diễn viên đảm nhiệm các vai diễn có tính cách, có số phận nên quanh đi quẩn lại, các đạo diễn phía Bắc chỉ nghĩ tới những gương mặt quen thuộc. Không chỉ là những vai chính, mà ngay cả những vai phụ cũng chủ yếu do những diễn viên "quen mặt" thể hiện: Hễ cứ có bà mẹ nhà quê khó nhọc là giao cho Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hiền, có thanh niên nông thôn xấc láo thì giao cho Công Lý; vai thôn nữ hiền lành thì giao cho Thanh Giang; vai người đàn bà lắm tiền nhiều của hoặc vợ quan chức tham lam và nhiều mưu mô thì giao cho Hương Dung…


Cảnh trong phim Đại gia đình

Không chỉ với phim truyền hình phía Bắc, ở phía Nam, việc sản xuất phim truyền hình còn diễn ra với công suất lớn hơn nhiều. Mặc dù các hãng phim, các công ty tư nhân hợp tác sản xuất phim nói rằng họ rất tích cực đi tìm "nhân tố mới", săn lùng gương mặt mới, song vẫn không thể đáp ứng công suất. Vì thế, hiện tượng "nhẵn mặt" diễn viên vẫn xảy ra và diễn viên liên tục trong tình trạng "chạy sô". Chính điều này cũng ảnh hưởng không ít đến tiến độ sản xuất phim vì phải "xếp hàng" đợi các diễn viên thuộc hàng "top" thanh lý các hợp đồng đóng phim đang ngày càng trở nên dày đặc. Nhiều diễn viên đã nhận lời các đạo diễn rồi, nhưng không thu xếp được thời gian lại phải hủy. Với các diễn viên như Phước Sang, Chi Bảo, Minh Thư, Việt Anh, Kim Hiền, Ngân Khánh, Võ Thành Tâm, Lý Nhã Kỳ, Bình Minh, Lan Phương, Huỳnh Đông…, độ phủ sóng của họ dày đặc đến mức nhiều khi khán giả chẳng nhớ hết là họ đóng những phim gì hoặc nhầm lẫn giữa phim nọ với phim kia.

Không chỉ thế, với cường độ làm việc chóng mặt, các diễn viên chẳng có lúc nào ngơi nghỉ, chưa hết phim này đã lao vào phim khác, thậm chí đóng vài phim cùng một lúc là chuyện bình thường. Với cường độ làm việc như vậy, không thể có đủ thời gian để diễn viên "thâm nhập" để hiểu vai, không đủ thời gian thuộc lời thoại. Sự "đụng hàng", lặp đi lặp lại những gương mặt quá quen, quá cũ khiến người xem dần mất đi hứng khởi, thay vào đó là cảm giác mệt mỏi vì phim Việt đang ngày càng trở nên nhàm chán, đơn điệu.

Già hóa đội ngũ "đạo diễn"

Theo một số đạo diễn có thâm niên với phim truyền hình, không chỉ rơi vào tình trạng "khủng hoảng thiếu" diễn viên, phim truyền hình hiện nay còn "khủng hoảng thiếu" ở nhiều khâu: đạo diễn, quay phim, hóa trang, âm thanh, ánh sáng, thư ký trường quay... Tức là khâu nào cũng thiếu, trong đó, việc thiếu đạo diễn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi vì, vai trò của đạo diễn là vô cùng quan trọng với một bộ phim. Quả thực, nhu cầu đổi mới phim truyền hình không thể thực hiện được nếu chỉ gắn mãi với một số cái tên đã quá quen thuộc, như ở phía Bắc là các đạo diễn: Bùi Huy Thuần, Hồng Sơn, Phạm Thanh Phong, Nguyễn Hữu Phần, Quốc Trọng…


Cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy

Tương tự, ở phía Nam, lực lượng đạo diễn phim truyền hình tuy đông đảo hơn nhưng các đạo diễn vẫn luôn "đắt sô", vẫn luôn trong tình trạng làm không hết việc, đang làm dở phim này đã có nhà sản xuất của phim khác hối thúc. Những đạo diễn từng thành công với phim truyền hình như Châu Huế, Nguyễn Minh Chung, Đinh Đức Liêm, Lê Cường, Xuân Cường… nay càng có cơ hội xuất hiện nhiều hơn. Thời gian gần đây, mới thấy xuất hiện một số đạo diễn mới như Hoài Sơn, Quốc Việt, Nguyễn Hữu Trọng… Sự thể hiện của họ vẫn còn ít nhiều hạn chế, song có thể thấy đội ngũ đạo diễn trẻ kế cận này đã bắt đầu tạo ra luồng gió mới trong phim truyền hình miền Bắc. Trước hết, nó trẻ trung hơn, gần với đời sống hiện đại hơn, táo bạo hơn…

Hàng năm, đội ngũ đạo diễn trẻ được đào tạo trong Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh vẫn liên tục "ra lò". Thế nhưng, trong số ấy không phải ai cũng sống được bằng nghề vì rất hiếm khi có một đơn vị nào đó dám mạnh dạn giao phim cho một đạo diễn mới chân ướt chân ráo vào nghề. Vì thế, trong khi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, họ phải làm nhiều công việc để kiếm sống. Những gì họ từng được học vì thế mà dần mai một.

Thực tế là ở nước ta, đội ngũ đạo diễn phim truyền hình hiện nay nhiều người trưởng thành từ nghề… diễn viên. Tức là, họ làm diễn viên tới một "độ" nào đó rồi thấy có nhu cầu muốn làm đạo diễn nên bắt đầu chuyển qua học làm đạo diễn. Vì thế, thông thường, tuy họ là những người "trẻ" trong nghề đạo diễn nhưng ít nhiều đã có chút tên tuổi nên cũng dễ dàng kiếm được những hợp đồng làm đạo diễn hơn. Điều này dễ dẫn đến một hệ lụy, đó là, những đạo diễn ấy thường quay lại tìm đến những gương mặt diễn viên đã từng làm việc với mình. Như thế, dễ dàng cả cho đạo diễn và diễn viên, vì họ ít nhiều đã hiểu năng lực, cung cách làm việc của nhau. Việc này đúng là lợi cả đôi đường. Nhưng cũng chính vì thế mà cái vòng luẩn quẩn của việc "nhẵn mặt" diễn viên lại bắt đầu.

Có một đạo diễn đã thẳng thắn nói rằng, trong khi các nước đang ngày càng chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất phim truyền hình thì ở Việt Nam, người ta lại đang làm ngược lại, đó là phim truyền hình đang ngày càng bị "nghiệp dư hóa". Nếu không quan tâm đúng mức đến sự chuyên nghiệp của đạo diễn, diễn viên bắt đầu từ khâu đào tạo ngay từ bây giờ thì Việt Nam không thể mong có một "ngành công nghiệp" sản xuất phim truyền hình mạnh trong tương lai.

Nguồn: Công an nhân dân