Việt Nam

Phim Bí thư Tỉnh ủy: Khúc tráng ca về niềm tin của con người

01/02/2011

Sau hơn 500 ngày quay, vào ngày 27/9, bộ phim Bí thư tỉnh ủy của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) bắt đầu phát sóng. Lấy nguyên mẫu là bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Kim Ngọc, người tiên phong phong trào khoán hộ, phim sẽ tái hiện không khí một thời lịch sử những năm cuối 1960 và thập niên những năm 70 ở Việt Nam.

Tái hiện không khí thời Đổi mới

Bộ phim kể lại câu chuyện khoán hộ, khoán chui ở tỉnh trung du Vĩnh Phúc dựa theo nguyên mẫu là cố Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Khi ấy, cả miền Bắc bắt đầu xây dựng mô hình hợp tác xã cao cấp đi lên chủ nghĩa xã hội ở tất cả các vùng nông thôn. Đó là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước vào thời kỳ ấy sau khi đã hoàn thành cải cách ruộng đất và cải tạo thương nghiệp.

Nhưng sau một thời gian thực hiện từ hợp tác xã cấp thấp lên hợp tác xã cấp cao, ở hầu hết các địa phương trong toàn miền Bắc đã bộc lộ những khiếm khuyết và hạn chế. Hậu quả của những hạn chế này là những trận đói triền miên của rất nhiều gia đình nông dân, là lề thói làm ăn thiếu trách nhiệm, là tệ cửa quyền quan liêu, vô cảm trước nỗi đau của người dân; là những cánh đồng xơ xác, khô cằn… Bí thư Kim Ngọc không cam tâm ngồi nhìn và chấp nhận tất cả những hậu quả ấy, cho dù việc khoán hộ của ông và những người đồng chí của ông lúc đó là đi ngược với chủ trương lớn của Đảng. Ông hiểu và biết hậu quả sẽ đến với những việc làm của mình, nhưng vẫn từng bước và kiên quyết cải tiến phương thức làm ăn để cởi trói lực lượng lao động là những người nông dân. Với quyết tâm của Bí thư Kim Ngọc, khoán hộ chính thức ra đời ở Vĩnh Phúc vào năm 1968 bằng Nghị quyết 68 của Tỉnh ủy. Ưu điểm của khoán hộ khi đưa vào thực tế là đem lại một sinh khí mới cho người lao động, giúp sản lượng lúa tăng lên rõ rệt. Bí thư Kim Ngọc hiểu, chỉ có cách đó mới giúp người nông dân thoát khỏi cái đói triền miên, chỉ có cách đó mới có thêm người chi viện cho miền Nam đánh giặc, chỉ có cách đó mới đủ lúa gạo để tiếp tế vào chiến trường cho các chiến sỹ, chỉ có cách đó mới thay đổi tư duy, ý thức của những người nông dân quen nhìn sự việc một cách thực tế…


Diễn viên Dũng Nhi (Hoàng Kim), diễn viên Lan Hương (vợ Hoàng Kim)
và diễn viên Mai Hoa (Bí thư Huyện ủy)

Sau nhiều năm nhìn lại, một Bí thư tỉnh ủy như Kim Ngọc mãi là hình mẫu lý tưởng mà cuộc sống luôn cần đến. Ông là một lãnh đạo gắn bó tha thiết với đất, nặng lòng với dân và hơn hết, ông là một con người luôn đi trước thời gian. Cũng chính vì thế, theo diễn viên Dũng Nhi (người vao vai bí thư Hoàng Kim trong phim), việc lột tả được phong thái, nhân cách của ông là cả một áp lực lớn với ông. “Ngay từ khi phim bắt đầu quay, đi tới đâu tôi cũng bị bà con ‘quây’. Điều đầu tiên họ quan tâm là ai là người đóng vai Bí thư Kim Ngọc? Chứng tỏ, sức ảnh hưởng, lan tỏa của con người Bí thư Kim Ngọc tới nhân dân thế nào. Thực sự, đó là một áp lực đối với tôi,” ông nói.

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho biết: “Kịch bản phim đã cuốn hút tôi từ đầu tới cuối. Nhân cách, tâm hồn, lối sống, tri thức của cố bí thư Kim Ngọc đã đi vào lịch sử. Và đó chính là áp lực lớn đối với chúng tôi. Tôi biết, dù có cố gắng mấy nhưng cũng không thể lột tả hết được con người ông và không khí thời đó, tuy nhiên, với sự cố gắng của đoàn, hy vọng bộ phim sẽ phần nào đó thể hiện được tinh thần của kịch bản, về một khúc tráng ca về niềm tin của con người vào những điều tốt đẹp.”

Những chuyện ít người biết

Theo đạo diễn Quốc Trọng, để tái hiện được không khí sôi nổi thời đó, đoàn làm phim đã phải dành cả một năm để chuẩn bị bối cảnh. “Đặc biệt, những cảnh quay ngày vụ mới khiến chúng tôi thực sự khó khăn. Cả đoàn như chạy đua với bà con, nhiều khi chưa kịp quay xong thì nông dân đã gặt xong. Chúng tôi như vắt chân lên cổ vì có khi chỉ buổi sáng quay thì buổi chiều cánh đồng đã trắng trơn…” – ông cho biết. Thêm nữa, vì bối cảnh phim quá xa xưa, nên đoàn đã phải phục dựng hơn 20 căn nhà, trên tấn lúa, trên 10.000 đạo cụ với hơn 300 diễn viên và quần chúng tham gia. Trong khi đó, diễn viên Minh Châu (vai bà Thường - Trưởng ban kiểm tra Tỉnh ủy) chia sẻ: “Chúng tôi đã phải làm quần quật dưới cái nắng 39 độ C với rất nhiều cảnh quay mạo hiểm, nhiều diễn viên đã bị tai nạn nghề nghiệp khi thực hiện các cảnh quay gặt lúa, lội bùn, cày bừa… cùng nông dân... Nhưng trên tất cả, chúng tôi hiểu rằng, đã làm nghề này, không được phép từ chối những khó khăn đó.”

Kỷ niệm không thể quên đối với nghệ sĩ Dũng Nhi là tình cảm mà gia đình bí thư Kim Ngọc và bà con đối với ông. “Cảm động nhất là lần thu hình cuộc họp trong Ủy ban, mấy bà cụ khoảng 80 tuổi ngồi xem đã khóc sụt sùi. Khi tôi hỏi tại sao, các cụ nói, “thấy nhớ ông Kim Ngọc quá”, hóa ra các cụ đều là những cán bộ xã của ông Kim Ngọc năm xưa. Rồi những hôm trời rét căm căm, phải ngâm chân dưới bùn từ sáng tới tối, môi tím bầm vì lạnh, nói líu cả lưỡi vào mới thấy được khó khăn nhưng cả đoàn làm phim ai cũng vui vì có được những cảnh quay như ý,” ông cho biết.

Như vậy, sau hai năm kể từ ngày khởi quay, đến nay bộ phim đã hoàn thành trong sự trông đợi của người xem. Đúng như bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc VFC, bộ phim như một nén hương tưởng nhớ, tri ân cố bí thư Kim Ngọc, đồng thời cũng là một thông điệp gửi tới người xem: Nhân vật chính là một con người có thực, ông có một tư duy sáng tạo vượt ra khỏi khuôn khổ của học thức bởi trái tim lớn dành cho sự nghiệp lớn của dân tọc. Ông là một nhân cách ngời sáng, dũng cảm, quên mình. Và dù ở thời đại nào, đất nước ta cũng đến những đảng viên ưu tú, luôn đi trước như ông - cố bí thư Kim Ngọc.

Phim phát sóng vào 20 giờ 10 phút các ngày thứ hai, ba, tư hàng tuần trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.


Các cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy (ảnh do đoàn làm phim cung cấp)



Nguồn: Kinh tế Nông thôn