Việt Nam

Buồn cho phim Việt buổi trưa

24/01/2011

Dù là phim xem được, phim hay hoặc phim hứa hẹn hấp dẫn như thế nào chăng nữa, nếu phát sóng vào giờ trưa thì kết quả thường là… một dấu lặng!

Khoan đề cập đến lượng người xem, chỉ cần lướt sơ trên các diễn đàn về phim ảnh hoặc có đề tài về phim ảnh trước-trong lúc-sau khi phim giờ trưa phát sóng (11 giờ, 11 giờ 15 phút, 11 giờ 50 phút, 13 giờ...), sẽ thấy ngay lượng thông tin mà khán giả, báo chí phản ánh ít hơn nhiều so với các phim Việt được chiếu vào buổi tối (chính xác là rất hiếm thấy bài ghi nhận phim Việt giờ trưa nào trên báo). Song, ít đề cập ở đây không phải vì phim không hay, bởi hầu như các phim phát sóng giờ trưa này, khi được phát lại vào giờ tối sau đó, đều nhận được nhiều lời khen lẫn tiếc vì phim hay nhưng không được phát vào giờ… đẹp. Lý do vì sao phim giờ trưa ít gây “xôn xao” hơn các giờ phim Việt khác, có lẽ ai cũng biết: đó là giờ nếu không đi đón con thì các bà mẹ, các bà nội trợ cũng bận vào bếp; nếu là dân văn phòng thì 11 giờ vẫn còn làm việc, 13 giờ thì lại sắp hết giờ nghỉ trưa! Vậy nên, rất khó để phim trưa níu bước người xem.

Cảnh phim Cocktail cho tình yêu - đang phát vào giờ trưa

Lâu nay, sự thành công của một bộ phim truyền hình thường được nhìn nhận ở khía cạnh: đó phải là phim có lượng người xem cao. Vì thế, dù phim giờ trưa có được cho là hay, hấp dẫn đến mức nào mà tỷ suất người xem chỉ bằng một phần ba, một phần tư lượng người xem buổi tối thì cũng hoài công. Và nói như một biên kịch từng có phim phát sóng vào giờ trưa: “Bản thân những người làm phim bao giờ cũng mong muốn phim của mình có khán giả, nên việc phát sóng vào giờ trưa sẽ là một thiệt thòi. Tuy nhiên, theo tôi được biết, thời gian gần đây tỷ suất người xem phim Việt giờ trưa đang được nâng dần. Và tôi nghĩ nếu được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của khán giả cũng như báo chí thì giờ phim Việt buổi trưa có thể sẽ được chú ý nhiều hơn.”

Đâu chỉ buồn vì sản phẩm của mình bị thiệt thòi, được biết, có đạo diễn còn từ chối lời mời nếu biết đó là phim sẽ phát vào giờ trưa; và cả một số diễn viên ngôi sao cũng vậy - rất ngại nhận lời khi phim mình sắp đóng không phát vào giờ vàng. Thế nên, đâu phải cứ đáp ứng được số spot quảng cáo, đảm bảo tỷ suất người xem, mà các công ty sản xuất phim bây giờ còn phải cạnh tranh nhau ở mặt đấu thầu để phim được phát trong giờ đẹp. Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực - đại diện nhà sản xuất phim Cocktail cho tình yêu (đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thanh Vân, là phim khá thú vị, với nội dung hấp dẫn cùng dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tốt, đang phát trên HTV7) cho biết: “Dù rất muốn phim của mình được phát vào buổi tối nhưng cuối cùng vì không tìm được giờ nên phải chấp nhận giờ trưa, dẫu biết đấy là thời điểm không thuận lắm.” Đạo diễn Mỹ Khanh thì động viên tinh thần bằng quan điểm: “Nếu phim hay thì sau đó chắc chắn sẽ có đơn vị khác mua lại để phát vào giờ đẹp thôi, trên nhiều kênh khác, đài khác” (ví như Trí Việt Media vừa mua bản quyền phim Bước nhảy xì tin, từng phát trên VTV3 lúc 14 giờ 30 phút trong năm 2009, để phát lúc 21 giờ trên HTV3 vào tháng 11/2010). Dẫu vậy, “lần phát sóng đầu tiên bao giờ cũng quan trọng hơn,” chị bày tỏ.

Thực tế, trong giờ vàng phim Việt trên các kênh của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đài truyền hình Việt Nam, không ít phim bị cho là dở, là nhạt, thậm chí quá tệ. Nói vậy để thấy, đâu phải cứ phim giờ vàng thì chất lượng cũng cao, và không hẳn phim nào “bị” chiếu vào giờ không vàng là thiếu “vàng”. Cũng từng có những phim Hàn Quốc chiếu vào giờ trưa nhưng đã thu hút đông đảo khán giả, họ bàn tán rôm rả từ giờ ăn đến giờ cà phê, từ trong nhà đến công sở, chẳng hạn Lối sống sai lầm, hay trước đó rất lâu là Tình si... Do đó, nếu phim thực sự hay, cuốn hút thì “không đến nỗi sợ khán giả hờ hững dù phát vào giờ trưa,” như đạo diễn Trần Lực khẳng định.

Nguồn: Thanh Niên Online