Việt Nam

Viết tiếp về chuyện "đạo phim": Thuốc nào để chữa?

26/01/2011

Việc sao chép ý tưởng, thậm chí là “đạo” trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật ở ta là căn bệnh đã “ủ” từ lâu.

Không chỉ có phim “đạo” mà nhạc, văn, thơ... đều có sản phẩm là “hàng đạo”. Đáng nói là không ít người đã đi lên, nổi tiếng từ việc đạo văn, thơ, nhạc, phim. Chưa có ai bị xử lý. Chưa có vụ việc nào bị phanh phui tới bến và tác giả phải chịu một “bản án” nghiêm minh. Vì thế mà mức độ “đạo” thời gian gần đây có phần mạnh mẽ tới mức... liều.

Phim Giao lộ định mệnh bị phát hiện là “đạo” từ phim Shattered

Nhìn và thất vọng

Lý giải việc để “lọt” những bộ phim “nhái”, ông Lê Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim nói: “Mỗi năm, Hội đồng duyệt phim thẩm định hơn 150 phim truyện nhựa; hơn 100 phim điện ảnh được chuyển sang đĩa và vài ngàn phim video gia đình...

Trong số này, nhiều phim cùng thể loại (hành động, kinh dị) có mô-típ giống nhau. Không hiếm phim được làm lại từ những bộ phim rất nổi tiếng đã công chiếu từ 20 - 30 năm trước. Để tránh tạo ra sự nhàm chán, mất cân đối về thể loại phim, Hội đồng duyệt đã có công văn gửi các đơn vị nhập phim lưu ý họ về việc đa dạng hóa đề tài phim nhập, tăng số lượng các phim thuộc đề tài tâm lý xã hội có giá trị nhân văn cao.

Xem nhiều, nhưng để phát hiện phim A, B của Việt Nam giống với bộ phim nào đó của nước ngoài đã được làm cách đây vài chục năm, chưa từng được nhập vào Việt Nam thì Hội đồng chưa đủ năng lực kiểm tra chính xác để có quyết định kịp thời trước khi bộ phim được phép công chiếu.

Trên thực tế, việc trùng lặp ý tưởng không phải là chuyện hiếm. Học tập, ảnh hưởng người đi trước thì trong nghệ thuât sân khấu của ta là một ví dụ sống động. Điện ảnh không phải là ngoại lệ. Nhưng đó phải là sự ảnh hưởng về phong cách chứ không phải là sao chép ý tưởng, thậm chí là sao chép cấu trúc, diễn biến câu chuyện trong một bộ phim dài như Giao lộ định mệnh. Nếu phát hiện sớm - thời điểm bộ phim đang trình duyệt, chắc chắn Hội đồng duyệt sẽ cảnh báo đơn vị sản xuất, yêu cầu sửa chữa...

Còn bây giờ, nếu đơn vị sản xuất phim Shattered biết và khởi kiện thì đơn vị sản xuất và đạo diễn phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Nhưng ngay cả khi nhà sản xuất phía Mỹ không kiện thì đơn vị sản xuất và đạo diễn Victor Vũ cũng phải chịu trách nhiệm về sự không coi trọng khán giả.”

Nói về lương tâm và trách nhiệm của đạo diễn, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Ý tưởng để bắt đầu một bộ phim đôi khi vẫn có sự trùng lặp, nhưng cách thực hiện nó thì không thể trùng lặp. Một trường đoạn kịch bản có thể trùng lặp nhưng thực hiện nó thì không thể trùng lặp...

Một kịch bản mà hai đạo diễn cùng làm sẽ cho ra hai bộ phim khác nhau. Tóm lại, có cả ngàn điểm khác nhau về kỹ thuật khi hai đạo diễn cùng thực hiện một cú máy và trên dưới hai ngàn cú máy như vậy sẽ thành một bộ phim.

Bộ phim mang bản ngã của chính người đạo diễn. Một bộ phim có trùng ý tưởng và tình huống đầu, nếu có cả triệu điểm giống nhau bên trong của tính cách một nhóm nhân vật thì mới dẫn tới một kết cục giống nhau. Khả năng giống nhau này dường như tuyệt vọng...

Thật khó khăn để có thể nói ra điều này vì họ có thể là bạn bè tôi, nếu không cũng là đồng nghiệp. Cảm giác thực là rất đáng thất vọng, nhất là đối với khán giả. Họ sẽ mất dần lòng tin và sẽ không còn hào hứng với phim Việt nữa.”

Thuốc nào để chữa?

Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, một trong những nguyên nhân của việc “sao chép”, đánh cắp ý tưởng trong một số phim Việt là bởi... làm phim bây giờ dễ quá. Chúng ta đang ở giai đoạn "nhiễu nhương" về truyền thông, ai cũng có thể viết kịch bản, bán kịch bản, và ai cũng có thể làm đạo diễn phim. “Thật kỳ cục! Tôi biết có người mang tới hãng tôi bán cả những kịch bản đã từng quay rồi.

Áo lụa Hà Đông cũng bị nghi ngờ

Hành vi đó lẽ ra cũng được gọi là lừa đảo. Việc đạo kịch bản, đạo phim tất nhiên sẽ bị dư luận lên án, tuy nhiên, nếu Hiệp hội của những người làm Điện ảnh đủ mạnh để xác lập quyền lực lên những hãng phim, những người làm phim vi phạm thì sẽ hạn chế được tối đa những việc không đáng có trong tư cách hành nghề.

Tôi nghĩ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch và Cục Điện ảnh phải vào cuộc. Phải có một văn bản dưới luật tống đạt tới từng đơn vị sản xuất phim quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, xét ra vẫn là ý thức cá nhân của mỗi biên kịch, đạo diễn" - Bùi Tuấn Dũng tâm sự.

Ở vị trí của một biên kịch - người tạo viên gạch móng đầu tiên cho mỗi bộ phim, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã quả quyết: “Trong 50 năm lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam, chắc không ít lần lãnh đạo hãng phải xử lý những trường hợp “trùng lặp” như thế.

Tuy nhiên, vì Hãng Phim truyện Việt Nam vốn có một hệ thống biên tập tốt, nên sự “trùng lặp” thường được kiểm định ngay từ khâu kịch bản. Chúng tôi thường giải quyết sớm, trước khi đổ tiền để thực hiện bộ phim. Tôi cho rằng đó là một kinh nghiệm đáng kể.”

Với trường hợp những phim đã "bị bắt tận tay, day tận trán" như Giao lộ định mệnh, bà Nhã cho rằng, phản ứng với hiện tượng này theo cách “dư luận bức xúc” thì không có hiệu quả gì, và cũng không phải là ứng xử đúng mực của một xã hội pháp quyền. “Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ. Hãy để cho luật này được thực thi nghiêm túc. Ngoài ra, còn có các trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả của các Hội nghề nghiệp như Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn... (Hội Điện ảnh chưa có một trung tâm tương tự).

Các tổ chức này đủ sức để kiềm chế mọi sự vi phạm bản quyền nếu họ làm đúng và hết trách nhiệm của mình. Cái khó là đôi khi các tác giả bị “đạo” lại là người nước ngoài, tác phẩm gốc đó cũng chưa phổ biến ở Việt Nam, và tác giả cũng không có thông tin về việc bị “đạo” thì người bị hại không có cơ hội đòi bản quyền của mình. Trường hợp đó, chỉ có lương tâm và lòng tự trọng của người “đạo phim” là có tác dụng thôi. Nếu cái “lương tâm” và “tự trọng” đó cũng ngủ yên thì... bó tay”- bà Nhã nói.

Cho thấy, bài thuốc hiệu quả cho căn bệnh “đạo phim” chính là lương tâm và trách nhiệm của các nhà biên kịch, đạo diễn. Nếu không muốn bị khán giả tẩy chay vì... “lừa người xem”, những người đã và sắp mắc vào căn bệnh này phải biết nói không với hành vi đáng xấu hổ trên.

 

Nguồn: Văn Hóa Online