Việt Nam

Phim Đào, phở và piano là 'hiện tượng' của mùa phim Tết 2024?

19/02/2024

Bộ phim điện ảnh Đào, phở và piano tạo nên cơn sốt phòng vé trước thềm kết thúc kỳ nghỉ Tết. 

Đào, phở và piano là bộ phim được sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa và Du lịch - Cục điện ảnh Việt Nam nhân dịp tết Giáp Thìn 2024.

Phim khắc họa một giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng bi tráng của Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947. Hiện tại, Đào, phở và piano gây sốt trong cộng đồng giới trẻ Việt.

Đào, phở và piano: Hà Nội bi hùng và tình yêu trong những ánh lửa tàn

Đào, phở và piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm cầm chân giặc Pháp của Hà Nội giai đoạn 1946-1947. Sau khi quân ta rút về chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, vẫn có người lựa chọn ở lại chiến lũy.

Những người chọn ở lại giữa một Hà Nội ‘vườn không, nhà trống’. Có anh vệ quốc quân kiên trì bảo vệ thành lũy. Có vợ chồng hàng phở chần chừ đi lánh nạn vì muốn các anh lính có được bát phở ngon.

Có người họa sĩ già bị chiến tranh kiềm nén đam mê,... những mảnh đời nhỏ bé đó đã hòa vào Hà Nội trong khói lửa.

Hình ảnh đàn piano là một trong những biểu tượng chính của bộ phim

Giữa Hà Nội hoang tàn, tình yêu nước, yêu đời và tình cảm lứa đôi không ngừng nảy nở. Đám cưới của anh chàng cảm tử quân (Doãn Quốc Đam đóng) và cô tiểu thư Hà Thành (Cao Thuỳ Linh đóng) thắp nên tia sáng hy vọng trong những bức tường đã đổ xuống. Hai cô đào bất chấp mưa bom bão đạn để đem một cành đào mùa xuân về cho những người lính ngoài chiến lũy.

Mùa xuân của năm 1947 là mùa xuân khắc nghiệt nhất của Hà Nội, không hoa đào, không pháo nổ, không có tiếng cười đùa ca tụng. Không ai biết ngày mai sẽ thế nào, nhưng quân và dân ta vẫn luôn thắp nên một hy vọng về một tương lai hoà bình, đất nước độc lập.

Giới trẻ Việt ráo riết săn vé Đào, phở và piano

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ than vãn về tình trạng không săn được vé Đào, phở và piano và tìm cách mua vé qua bên thứ ba để xem được phim.

Có thể nói đây là lần đầu tiên có một bộ phim khiến trang web bán vé của Trung tâm chiếu phim quốc gia sập vì quá tải. Bên cạnh đó, nhiều khán giả các tỉnh thành khác cũng mong mỏi phim sẽ được chiếu ở các cụm rạp khác ngoài Hà Nội.

Phim 20 tỉ đồng Đào, phở và piano: Hà Nội chất chơi đến kiệt cùng

Trong phim 20 tỉ đồng do nhà nước đặt hàng, hình ảnh đào, phở, piano liên tục xuất hiện như một cách giải mã sự hồn nhiên và đầy chất chơi của người Hà Nội một thời.

Một cảnh trong phim Đào, phở và piano

Chia sẻ với Tuổi Trẻ trong buổi ra mắt phim Đào, phở và piano vào tối 24 tháng 9 năm 2023 tại Hà Nội, đạo diễn-tác giả kịch bản Phi Tiến Sơn nói: “Tôi muốn làm một bộ phim để trả nợ cho Hà Nội của tôi. Nếu bố tôi còn sống, chắc chắn cụ sẽ hài lòng.”

Ông cũng tiết lộ phim do nhà nước đặt hàng có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng.

Phim về Hà Nội chất chơi

Đào, phở và piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội.

Trong những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội năm 1947 lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, một số người vẫn chọn ở lại chiến lũy.

Họ, có tên hoặc không có tên, cùng nhau kể một câu chuyện bi tráng mà không kém phần lãng mạn về “tâm hồn Hà Nội” trong khói lửa.

Người lính cảm tử (Doãn Quốc Đam đóng) băng qua lửa đạn để mang về một cành hoa đào nơi chiến lũy

Đó là một cảm tử quân (Doãn Quốc Đam đóng) băng qua lửa đạn để mang về một cành hoa mùa xuân bởi “ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp.”

Anh có một đám cưới cảm động với tiểu thư xinh đẹp Hà thành (Cao Thùy Linh đóng) giữa một Hà Nội đổ nát. Họ trèo tít lên cao để ngắm nhìn thành phố của họ trong đêm hạnh phúc cuối cùng (17 tháng 2 năm 1947).

Có mặt trong lễ cưới là họa sĩ già (NSƯT Trần Lực đóng) ở lại để hương khói cho những người đã hy sinh.

Ông có một bức tranh cần hoàn thành và một vị linh mục (NSND Trung Hiếu đóng) “không muốn chiến tranh”, “cần yên bình”. Hai người đã cùng ăn phở, nói về nghệ thuật, uống rượu vì ngày mới - ngày “tận hiến”.

Vị linh mục “không muốn chiến tranh”, “cần yên bình” của NSND Trung Hiếu

Đó là một cậu bé đánh giày mơ yên vui ngày cũ, hãnh diện đội chiếc mũ cảm tử quân trên đầu; một ông phán Tây học (ca sĩ Tuấn Hưng đóng) mê ca trù theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn đến tận cùng.

Và hai vợ chồng hàng phở (Anh Tuấn và Nguyệt Hằng thủ vai) nấn ná chưa đi vì muốn nấu cho anh em chiến lũy bát phở. Thời buổi chiến loạn, họ vẫn chờ một nắm hành thơm Nhật Tân cho đủ vị, thong thả xay bột bằng cối đá, tráng bánh phở, chờ miếng nạm nhừ.

“Nóng quá ăn mất ngọt, nguội quá mất thơm”, :Cho ít hành, giấm tỏi, ớt vào.” Khán giả xem phim mà mùi thơm của phở “xộc” vào tâm trí như một lát cắt sắc lẹm về cái chất chơi “tới bến” của người Hà Nội.

Vợ chồng nhà bán phở của Anh Tuấn và Nguyệt Hằng

“Lâu rồi mới có một phim nhà nước xem được”

Đào, phở và piano có mùi súng đạn, có hoang tàn, đổ nát, có cả máu và nước mắt nhưng cũng có tiếng đàn piano chạy dài như một khúc trữ tình của Hà Nội, có những cánh hoa đào bay phấp phới trong gió réo gọi tự do, có mùi thơm của phở, có môi thắm má hồng và tình yêu đôi lứa.

Phòng chiếu phủ kín người, khán giả yên lặng theo dõi. Thỉnh thoảng có tiếng cười khẽ trước những tình tiết, đoạn đối thoại hài hước, nhẹ nhõm, xoa dịu không khí căng thẳng của cuộc chiến.

Cũng có lúc nín thở, giật mình, toang hoang cùng nhân vật và câu chuyện của họ. Đặc biệt, ở phân cảnh kết phim, nhân vật nữ mặc áo dài trắng ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch đẹp đến rụng rời, đẩy chất sử thi của phim lên cao.

Trong đại cảnh bề bộn, ngổn ngang, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã hướng ống kính vào những con người nhỏ bé nhất. Đó chính là những “tiểu tự sự”, những phân mảnh của Hà Nội, qua đó lột tả tận cùng thân phận của đời riêng trong đời chung.

Ông phán Tây học của ca sĩ Tuấn Hưng (trái) mê ca trù theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn đến tận cùng

Cách kể chuyện phi tuyến tính, đan cài hiện thực và ký ức. Cuộc chiến giữa “sắt” và “hoa” được xây dựng một cách cảm động.

Chủ đề lòng yêu nước hòa trong chủ nghĩa nhân văn một cách tự nhiên, dung dị. Tiếng động, âm thanh, khói lửa, hóa trang... được đầu tư kỹ càng, không có sạn.

Đáng chú ý, âm nhạc Việt Nam (bản ca trù Chí làm traiĐời đáng chán của Nguyễn Công Trứ, ca khúc Hồn tử sĩ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Suối mơ của Văn Cao) đặt bên cạnh những bản nhạc Tây phương (La vie en rose của Édith Piaf, bản Liebestraum của Franz Liszt, bản Bridal Chorus của Richard Wagner) hòa hợp, đồng điệu đưa khán giả tham dự vào một không gian thâm trầm, lãng mạn, hào hoa, yêu và biết thưởng thức cái đẹp của người Hà Nội xưa.

Đào, phở và piano có mùi súng đạn, có hoang tàn, đổ nát, có cả máu và nước mắt nhưng cũng có tiếng đàn piano chạy dài như một khúc trữ tình của Hà Nội

Một điều đáng tiếc nhất, có lẽ là hạn chế của Đào, phở và piano cũng như phim Việt nói chung, là bối cảnh.

Mặc dù đã cố gắng “liệu cơm gắp mắm” để có một phim trường hoành tráng nhất, chân thực nhất so với mặt bằng phim Việt làm về đề tài này, nhưng ở mặt nào đó, bối cảnh nhỏ bé đã phần nào hạn chế tầm vóc mà nó nên có.

Nói như đạo diễn Phi Tiến Sơn, “khi làm xong phim, lúc nào ta cũng có cảm giác giá thế này thế kia. Nhưng thực ra tôi đã làm hết tất cả những gì mà mình có thể.”

Dầu vậy, trong sự “chật chội” đó, Đào, phở và piano đã vượt thoát khỏi tính chất của một phim đề tài chiến tranh cách mạng được nhà nước đặt hàng để trở thành một bộ phim điện ảnh đích thực, thú vị. Như một khán giả chia sẻ, “lâu rồi mới có một phim nhà nước xem được như vậy.”

Trong sự “chật chội” đó, Đào, phở và piano đã vượt thoát khỏi tính chất của một phim đề tài chiến tranh cách mạng được nhà nước đặt hàng để trở thành một bộ phim điện ảnh đích thực, thú vị

Phim tụng ca tình yêu và cái đẹp. Đi vào thân phận con người trong những tình huống ngặt nghèo của số phận, bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn như khúc tráng ca về một thời, dành tặng cho Hà Nội của ông và của tất cả mọi người.


Nguồn: Mực tímTuổi Trẻ