Bốn bộ phim tài liệu Việt Nam đã chính thức được nghiệm thu và dự kiến
phát sóng trên Discovery khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng
tháng 5-2011, trên chuyên mục có chỉ số người xem cao nhất: Travel &
Living.
Sau hơn một năm thực hiện dự án phim tài liệu The First Filmmaker Việt
Nam với sự tài trợ của Quỹ Ford, đây là một tin vui không chỉ với các
nhà làm phim tài liệu Việt Nam mà cả với các nhà quảng bá du lịch và
cộng đồng.
Một cái nhìn về Hà Nội
Cảnh trong phim Thành phố 1.000 tuổi của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà
Từ 86 kịch bản, dự án The First Filmmaker Việt Nam đã chọn ra năm kịch
bản có ý tưởng tốt nhất để cấp kinh phí đầu tư. Tiền cho mỗi bộ phim tài
liệu (24 phút) là 20.000 USD với những tiêu chí ngặt nghèo về tiến độ,
tiêu chuẩn máy quay, khuôn hình, chi tiết kịch bản...
Đến giờ chót chỉ còn bốn phim được hoàn thành hậu kỳ, đó là: Thành phố 1.000 tuổi của đạo diễn trẻ Nguyễn Mạnh Hà, Những chiến binh chống tắc đường của biên tập viên VTV Phan Duy Linh, Rạp chiếu phim di động của bác Long do bình luận viên thể thao Nguyễn Mạnh Cường đạo diễn và Lễ cải táng của Đào Thanh Tùng - đạo diễn phim tài liệu “chuyên nghiệp” duy nhất.
Không
thể nói tất cả các phim đều xuất sắc, gây ấn tượng mạnh, cũng không thể
nói phim nào hay nhất trong loạt phim sẽ được trình chiếu trên
Discovery đợt này. Điểm sáng nhất của loạt phim chính là bỏ lại sau lưng
những lùm xùm tai tiếng của một vài cá nhân đã bị loại khỏi cuộc chơi
do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của một guồng máy làm
phim chuyên nghiệp và nghiệt ngã.
Với khán giả của Discovery -
những người ưa khám phá những chân trời lạ, những miền đất mới, loạt
phim sẽ mang đến thông điệp về một Hà Nội, đô thị cổ kính nhưng cũng ồn
ào sôi động vào bậc nhất ở Việt Nam, trong cơn chuyển mình từ làng xã
lên “siêu thành phố”, từ hương khói đền chùa miếu phủ sang công nghệ 3D,
từ bốc mộ sang hỏa thiêu, từ rạp chiếu phim di động trong công viên đến
những trung tâm mua sắm cực lớn.
Những “thu hoạch” trước mắt
Cảnh trong phim Lễ cải táng của đạo diễn Đào Thanh Tùng [Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp]
Chưa bàn đến tính nghệ thuật và những điều thu hoạch đầy thú vị của
những người làm phim sau khi phim được Discovery nghiệm thu và phát
sóng, riêng về hiệu quả xã hội - đặc biệt là hiệu quả kinh tế - có thể
nhìn thấy rõ những cái được trước mắt trong việc quảng bá hình ảnh đất
nước.
Trong hai năm 2010 và 2011, ngân sách đã chi ra khoảng
400.000 USD để thuê CNN và BBC làm phim quảng cáo hình ảnh đất nước Việt
Nam như một điểm đến, sau đó phát trên hai kênh này, hiệu quả không thể
nói là không có, nhưng quả thật chưa nhiều. Rất nhiều ý kiến góp ý cho
Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch và Tổng cục Du lịch cho rằng nên phát
quảng cáo đó trên hai kênh chuyên về khám phá và du lịch là Discovery và
National Geographic sẽ hiệu quả hơn.
Và bây giờ, chúng ta đã có
cùng lúc bốn phim (mỗi phim 24 phút) sẽ phát trên màn hình của một
chương trình có 280 triệu khán giả thường xuyên theo dõi. Độ phổ cập của
thông tin cũng như hiệu ứng tự nhiên của nó (trái với hiệu ứng khi xem
quảng cáo) là không phải nghi ngờ.
Mà để có hiệu ứng đó, ngân
sách không hề phải bỏ ra xu nào. Đơn giản chỉ vì các nhà làm phim Việt
Nam đã đáp ứng đúng và đủ yêu cầu kỹ thuật cũng như có nội dung, độ hấp
dẫn phù hợp với tiêu chí của một kênh truyền hình đẳng cấp quốc tế.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Mạnh Hà - tác giả kịch bản và đạo diễn của bộ phim Thành phố 1.000 tuổi
- đã phát biểu khi biết phim của mình lọt vào danh sách bốn phim phát
sóng: “Discovery là nhà sản xuất chương trình truyền hình chuyên nghiệp
và họ có quy chuẩn riêng. Phim phát trên Discovery phải theo format
(định dạng) của họ. Một người làm phim chuyên nghiệp phải làm được điều
này: tuân thủ format chương trình nhưng phải kể được câu chuyện của
mình. Không theo quy chuẩn, các thông số không tương thích, phim sẽ
không phát sóng được; còn máy móc theo format mà không còn tính cá nhân,
không có tính địa phương hay dân tộc thì cũng không ai xem phim nữa.”
Vì vậy, chúc mừng thành công ban đầu của bốn nhà làm phim “bắt đầu chuyên nghiệp” của Việt Nam!
Nguồn: Tuổi Trẻ online