Giải thưởng - LHP

Đường dài đến khủng hoảng của Oscar 2019: Vì đâu nên nỗi?

22/02/2019

Chúng ta thường dành phần lớn mùa giải Oscar để tranh luận về các bộ phim: liệu chúng có được đề cử không, phim nào bị hất hủi, phim X là kiệt tác hay bắt chước. Nhưng năm nay, chừng có vẻ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, tổ chức trao giải thưởng Oscar, đã quyết định rằng họ sẽ gây mất tập trung vào bản thân các bộ phim bằng cách làm rối beng việc truyền hình trực tiếp lễ trao giải, kích động sự phản đối không ngừng từ ‘fan’ điện ảnh, các nhà quan sát trong ngành, và thậm chí các thành viên của viện.

Sau một loạt sẩy chân và sai lầm, công bố rồi rút lại, và dường như rất nhiều lỗi giao bóng, hình thức cuối cùng của Oscar 2019 rốt cuộc xem ra đã được cố định. Sau phản ứng dữ dội và gần như nổi loạn từ trong đội ngũ của mình, Viện Hàn lâm tuyên bố vào ngày 15 tháng 2, trái với kế hoạch đã tuyên bố trước đó về việc trao bốn giải thưởng trong thời gian nghỉ dành cho quảng cáo và sẽ phát sóng các phát biểu nhận giải tương ứng sau đó, giờ đây Viện Hàn lâm sẽ truyền hình trực tiếp tất cả 24 giải thưởng — có khả năng dẫn đến một chương trình phát sóng dài hơn một chút so với ba tiếng đồng hồ mà họ đã hứa vào mùa hè năm ngoái.

Nhưng đến thời điểm này đã có rất nhiều thất vọng từ các thành viên Viện Hàn lâm và người hâm mộ Oscar, và dường như mọi người đều bất mãn. Có nhiều cách để khắc phục tình hình. Nhưng lặp đi lặp lại sai lầm trên đường đến buổi lễ ngày 24 tháng 2, sự tín nhiệm đã mất. Và tổ chức này sẽ phải nghĩ cách lấy lại niềm tin trong tương lai cho thấu đáo.

Các vấn bắt đầu với hạng mục “Phim đại chúng xuất sắc nhất” và các thay đổi khác được công bố cho lễ trao giải Oscar hàng năm

Rắc rối bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, khi Hội đồng quản trị Viện Hàn lâm công bố ba thay đổi lớn đối với lễ trao giải Oscar hàng năm:

1. Bắt đầu từ năm 2020, giải Oscar sẽ theo tiến độ chặt hơn. Ngày phát sóng cho buổi lễ năm 2020 sẽ đầy sớm một vài tuần, lên đầu tháng 2, bỏ truyền thống trao giải vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 và rút ngắn thời gian từ lúc đề cử (thường được công bố vào giữa tháng 1) và buổi lễ.
2. Bắt đầu từ năm 2019, chương trình truyền hình lễ trao giải Oscar hàng năm sẽ được giới hạn trong thời lượng ba tiếng. (Thông thường, chương trình kéo dài khoảng ba tiếng rưỡi, tuy nhiên một trong những phiên bản dài nhất của nó cho đến nay kéo dài bốn giờ và 23 phút vào năm 2002. Buổi lễ năm 2018 đã diễn ra gần bốn tiếng.)
3. Cũng bắt đầu từ năm 2019, giải Oscar sẽ bao gồm một hạng mục mới: Phim đại chúng hay nhất.

Black Panther đang săn giải Phim hay nhất năm nay. Có phải hạng mục Phim đại chúng hay nhất đã gây trở ngại cho chuyện đó?

Thay đổi lớn nhất trong ba thay đổi này — hạng mục Phim đại chúng hay nhất — ngay lập tức kích hoạt phản đòn. Hoàn toàn không có thông tin chi tiết nào được đưa ra tại thời điểm thông báo về việc một bộ phim như thế nào thì đủ điều kiện được coi là “đại chúng” — mặc dù có lẽ, việc phân loại sẽ dựa trên doanh thu phòng vé. Các câu hỏi chưa được trả lời khác: ý nghĩa của từ “hay nhất” trong hạng mục đó là gì, hạng mục Phim đại chúng hay nhất sẽ tương tác với hạng mục Phim hay nhất hiện có như thế nào, và tại sao lại cần một hạng mục mới (đặc biệt là trong một chu kỳ giải thưởng khi một số bộ phim có doanh thu cao nhất, bao gồm Black Panther, dường như hướng đến một đề cử Phim hay nhất).

Các phản ứng tiêu cực nhanh chóng lan tràn dữ dội. Tạo ra hạng mục Phim đại chúng hay nhất là một ý tưởng tồi.

Phản ứng cuối cùng của Viện Hàn lâm trước sự chỉ trích rộng rãi đối với hạng mục mới là trì hoãn né tránh. Vào tháng 9 năm 2018, Viện Hàn lâm đã hoãn việc thực hiện hạng mục mới (và hoãn phổ biến chi tiết về hạng mục này). Và trong một cuộc họp báo vào tháng 11 năm 2018 về quyết định trì hoãn đó, chủ tịch Viện Hàn lâm John Bailey nói rằng sau khi dời lại, “hội đồng quản trị đã cân nhắc lại và bàn sau — không có nghĩa là ý tưởng đó đã chết. Có chết đi nữa thì cũng có ích.”

Liên quan đến thảm họa Phim đại chúng hay nhất, kế hoạch tổ chức lễ trao giải sớm hơn trong năm và giữ nó trong thời lượng đúng ba tiếng dường như chưa chắc chắn. Dù sao đến năm 2020 mới trao giải vào đầu tháng 2. Và mặc dù Viện Hàn lâm đã giải thích rằng họ sẽ cắt ít nhất 30 phút ra khỏi chương trình truyền hình Oscar điển hình bằng cách trao “các hạng mục chọn lọc” tại nhà hát trong thời gian nghỉ dành cho quảng cáo và biên tập những khoảnh khắc chiến thắng để phát “sau đó trong chương trình phát sóng”, Viện Hàn lâm không quy định hạng mục nào sẽ bị ảnh hưởng — một chi tiết sẽ trở thành kịch tính quan trọng trong một vài tháng sau.

Rồi Kevin Hart được công bố là người dẫn chương trình — bị phản ứng, và dẫn đến lễ trao giải Oscar không người dẫn đầu tiên trong vòng ba thập kỷ trở lại đây

Vào tháng 12/2018, bất kỳ rung chấn mở màn nào về chương trình truyền hình Oscar rút ngắn — và cách nó sẽ được rút ngắn — cũng đều bị cắt cơn bởi thông báo của Viện Hàn lâm rằng Kevin Hart sẽ dẫn chương trình lễ trao giải và tiếp theo đó, sụp đổ trước bàn dân thiên hạ.

Chỉ vài ngày sau thông báo làm người dẫn, Hart đã rời khỏi buổi biểu diễn. Các ‘tweet’ về người đồng tính mà anh đăng tải vài năm trước đó nổi lên lại, và thay vì thừa nhận và xin lỗi, Hart đã chỉ trích những kẻ chơi xấu trên mạng mà anh ta nói là đang tìm cách hạ bệ anh, và từ chức. Cuộc tranh luận sau đó về việc liệu Hart có nên dẫn chương trình hay không và ngay từ đầu lẽ ra Viện Hàn lâm phải thẩm tra trước khi tuyển anh ta làm mất hơn một tháng và, trong một thắt nút quái đản, kết thúc bằng việc cựu người dẫn Oscar Ellen DeGeneres thay mặt Hart kêu gọi thông cảm.

Chỉ vài ngày sau thông báo làm người dẫn, Kevin Hart đã rời khỏi buổi biểu diễn

Đến lúc chắc như đinh đóng cột Hart không dẫn chương trình, thì đã là đầu tháng 1 — chỉ còn tám tuần trước ngày trao giải.

Thế nên Viện Hàn lâm tuyên bố buổi lễ sẽ diễn ra không có người dẫn lần đầu tiên sau 30 năm; lần cuối cùng lễ trao giải Oscar không người dẫn, vào năm 1989, buổi lễ diễn ra hầu như suôn sẻ, nhưng một phần của nó — lại là phần mở màn mới đáng nói chứ, trong đó Rob Lowe song ca với Bạch Tuyết — đã đánh đắm lễ trao giải Oscar trong hổ thẹn.

Về lý thuyết, một lễ trao giải Oscar không người dẫn có thể giúp chương trình giữ giới hạn thời lượng ba tiếng, vì rất có khả năng sẽ không có màn độc thoại hay kiểu làm trò mà Jimmy Kimmel thể hiện khi anh dẫn chương trình năm 2017 và 2018. Nhưng ngay cả khi không có người dẫn chương trình được chỉ định, các nhà sản xuất giải Oscar chắc chắn sẽ nhắm đến việc thêm một số nội dung xen kẽ giữa các giải thưởng. Và nghe nói họ đã chuyển sang một loạt các ngôi sao đình đám làm người trao các danh hiệu cá nhân — bao gồm dàn Avengers (hoặc ít nhất là những người đóng vai họ).

Kế hoạch cắt giảm các màn biểu diễn Ca khúc trong phim hay nhất và không mời những người thắng giải diễn xuất năm ngoái bị phản đối

Một số “giải pháp” phù du yểu mệnh đã được xem xét trong nỗ lực rút ngắn thời lượng phát sóng của Viện Hàn lâm.

Cuối tháng 1 Variety đưa tin một lựa chọn là cho trình diễn hai trong số năm đề cử Ca khúc trong phim hay nhất, là hai ca khúc được yêu thích nhất trên bảng xếp hạng: All the Stars, từ phim Black Panther (do Kendrick Lamar và SZA thể hiện cho phần nhạc nền của bộ phim, mặc dù cặp đôi chưa được xác nhận có biểu diễn cho buổi lễ hay không [theo tin mới cập nhật là họ không tham gia - ND]), và Shallow, từ A Star Is Born (do chính Lady Gaga và Bradley Cooper trình diễn trong phim, hai người cũng sẽ song ca trong buổi lễ).

Lady Gaga và Bradley Cooper trong phim A Star Is Born

Phản ứng với cái tin này của Variety — mà miêu tả hay nhất là hoang mang — dẫn đến một thông báo nhanh chóng vào ngày hôm sau; tất cả năm ca khúc đều sẽ được trình diễn, nhưng ở dạng “rút ngắn còn 90 giây”. Jennifer Hudson sẽ trình diễn một hợp tuyển từ I’ll Fight, từ phim tài liệu RBG; Gillian Welch và Dave Rawlings sẽ trình bày ca khúc When a Cowboy Trades His Spurs for Wings, từ bộ phim The Ballad of Buster Scruggs. The Place Where Lost Things Go từ Mary Poppins Returns, vốn do Emily Blunt thể hiện nhưng sẽ được Bette Midler trình bày tại lễ trao giải Oscar.

Một sai lầm khác: đầu tháng 2, nổi lên tin Allison Janney, Frances McDormand, Gary Oldman và Sam Rockwell — những người chiến thắng năm ngoái trong bốn hạng mục diễn xuất — chưa được mời giới thiệu giải thưởng về diễn xuất năm nay, truyền thống lâu đời của Oscar. Có người suy đoán rằng lý do là để Viện Hàn lâm tìm những người giới thiệu giải danh giá hơn có thể thu hút sự quan tâm của người xem nhiều hơn.

Theo The Hollywood Reporter, đại diện cho Janney và Rockwell đã liên hệ với Viện Hàn lâm và được thông báo rằng Janney và Rockwell sẽ không được mời làm người trao giải trong buổi lễ. Trong một bài đăng trên Instagram vào ngày 6 tháng 2 đã bị xóa sau đó, Janney nói rằng việc Viện Hàn lâm dường như không tôn vinh truyền thống này “làm tan nát trái tim” cô ấy.

Từ trái qua theo chiều kim đồng hồ: Frances McDormand, Sam Rockwell, Allison Janney và Gary Oldman

Mạng xã hội lập tức la làng phản đối, và một lần nữa, Viện Hàn lâm trở lại các kế hoạch rõ ràng, thông báo rằng bộ tứ đó sẽ nằm trong số những người trao giải Oscar 2019 — tất nhiên là không thành cặp.

Nhưng vẫn chưa đến màn hỗn mang lớn nhất đâu.

Sau khi Viện Hàn lâm công bố hạng mục nào sẽ được trao giải trong thời gian nghỉ dành cho quảng cáo, cuộc nổi loạn bắt đầu

Hồi tháng 8/2018, khi Viện Hàn lâm công bố kế hoạch rút ngắn thời lượng phát sóng chương trình Oscar, họ đã không úp mở rằng một số giải thưởng sẽ được trao trong lúc nghỉ quảng cáo để tiết kiệm thời gian. Nhưng họ không cung cấp thêm chi tiết cho biết cách làm sẽ thế nào.

Vào ngày 11 tháng 2, còn chưa đầy hai tuần là tới buổi lễ trao giải, những chi tiết đó cuối cùng đã xuất hiện: bốn hạng mục bị cắt khỏi chương trình phát sóng trực tiếp là Quay phim, Biên tập, Phim ngắn, và Trang điểm và Tạo mẫu tóc. Theo The Hollywood Reporter, thông báo được gửi qua email từ chủ tịch Viện hàn lâm Bailey đến các thành viên của tổ chức. Ông lưu ý các giải đó vẫn sẽ được phát trực tuyến trên Oscar.com và trên các kênh mạng xã hội của Viện Hàn lâm — lần đầu tiên cho chương trình trao giải này — và giải thích rằng các phiên bản trao giải của từng hạng mục đó được ghi lại, được biên tập để bao gồm phần giới thiệu giải thưởng và phát biểu nhận giải của người chiến thắng, vẫn sẽ phát sau trong buổi phát sóng trực tiếp.

Chủ tịch Viện Hàn lâm John Bailey, trên sân khấu Oscar năm 2018

Theo Bailey, các ủy viên điều hành sáu trong số 17 phân ban của Viện Hàn lâm đã tình nguyện để được cân nhắc cắt, và viện đã chọn bốn. Theo các nguồn tin nói với The Hollywood Reporter, các ủy viên điều hành đó đã được cho xem một phiên bản mẫu giới thiệu trao giải được biên tập sẽ như thế nào, và một vài người trong số họ nói là “tôn trọng”.

Bailey đã viết, “Kiểu xem Giải thưởng Viện Hàn lâm đang thay đổi nhanh chóng trong thế giới đa phương tiện hiện tại của chúng ta, và chương trình của chúng ta cũng phải tiến hóa để tiếp tục quảng bá thành công phim ảnh đến với khán giả trên toàn thế giới.”

Nhưng nếu phản ứng liên quan đến những thay đổi được công bố trước đó đã là ầm ĩ, thì lần này, mới thực sự gây điếc tai. Giới trong nghề chỉ trích gay gắt, gọi động thái này là một “cái tát vào mặt”. Một số nhà quan sát trong ngành soi kỹ quyền sở hữu ABC của Disney, nhà đài phát sóng lễ trao giải Oscar, và lưu ý rằng bốn hạng mục bị cắt không truyền hình trực tiếp tình cờ lại thuộc trong số ít hạng mục mà Disney hoặc các công ty con của Disney không có đề cử nào.

Từ trái qua: Quentin Tarantino, Spike Lee và Martin Scorsese

Ngay lập tức, các nhà làm phim nổi tiếng và các thành viên khác của Viện Hàn lâm — những nhân vật như Spike Lee, Martin Scorsese và Quentin Tarantino — đã ký tên vào một bức thư ngỏ chỉ trích động thái này “không gì khác hơn là xúc phạm đến những người trong chúng tôi đã cống hiến cả cuộc đời và niềm đam mê cho nghề nghiệp mà chúng tôi đã chọn.”

Bức thư bày tỏ nỗi sợ hãi của nhóm — trích một tuyên bố từ nhà đồng sản xuất chương trình Glenn Weiss rằng ông “phải định đoạt sẽ chọn khoảnh khắc nào là ‘cộng hưởng cảm xúc’ từ bốn phát biểu của người chiến thắng để phát sóng sau đó trong chương trình” — rằng giải Oscar sẽ không tôn vinh thỏa đáng các phát biểu nhận giải. “Chúng tôi coi sự rút ngắn và việc kiểm duyệt có khả năng xảy ra này là đi ngược lại với tinh thần sứ mệnh của Viện Hàn lâm,” họ viết.

“Khi sự công nhận dành cho những người chịu trách nhiệm sáng tạo điện ảnh xuất sắc lại bị lược bỏ bởi chính tổ chức có mục đích bảo vệ họ, thì chúng tôi không còn ủng hộ tinh thần lời hứa hẹn của Viện Hàn lâm tôn vinh điện ảnh là một loại hình nghệ thuật mang tính hợp tác nữa,” bức thư kết luận.

Alfonso Cuarón (sau máy quay) trên phim trường Roma, đã làm nên lịch sử trở thành người đầu tiên được đề cử ở cả hai hạng mục Đạo diễn và Quay phim

Trong khi việc loại bỏ bất kỳ hạng mục nào ra khỏi buổi phát sóng trực tiếp giày vò các thành viên Viện Hàn lâm, thì việc bao gồm hạng mục Quay phim và Biên tập — hai hạng mục tay nghề nền tảng nhất đối với nghệ thuật điện ảnh — dường như làm chạm tự ái hết sức. (Bạn có thể có một bộ phim không có âm thanh, không có diễn viên, không có câu chuyện — nhưng bạn không thể có một bộ phim mà không có hình ảnh.)

Alfonso Cuarón, đạo diễn của Roma, phim của ông được đề cử Phim hay nhất và ông đã làm nên lịch sử trở thành người đầu tiên được đề cử ở cả hai hạng mục Đạo diễn và Quay phim, nói lên nỗi quan ngại cộng hưởng với nhiều người: “Trong lịch sử ĐIỆN ẢNH, có những kiệt tác tồn tại mà không có âm thanh, không màu sắc, không có câu chuyện, không có diễn viên và không có âm nhạc. Không một bộ phim nào từng tồn tại mà không có QUAY PHIM và không cần biên tập chỉnh sửa.”

Đáp lại phản ứng dữ dội đó, lãnh đạo Viện Hàn lâm đã gửi một bức thư khác cho thành viên của viện, trong đó nói rằng “tin tức và các bài đăng trên mạng xã hội không chính xác” đã tạo ra “một chuỗi thông tin sai lệch gây nên những bức xúc có thể hiểu được cho nhiều thành viên Viện Hàn lâm.” Rồi bức thư này giải thích việc giới thiệu các giải thưởng đó được biên tập như thế nào. (Trái ngược với bức thư, miêu tả của Viện Hàn lâm chính xác khớp với tin tức hiện thời.)

Trong khi việc loại bỏ bất kỳ hạng mục nào ra khỏi buổi phát sóng trực tiếp giày vò các thành viên Viện Hàn lâm, thì việc bao gồm hạng mục Quay phim và Biên tập — hai hạng mục tay nghề nền tảng nhất đối với nghệ thuật điện ảnh — dường như làm chạm tự ái hết sức

Ngoài ra, trong một câu trả lời rõ ràng cho trích lời của Weiss trong bức thư ngỏ, nhà đồng sản xuất chương trình trao giải Oscar Donna Gigliotti đã nói với Variety rằng phát biểu của những người chiến thắng trong các hạng mục bị cắt sẽ không bị biên tập — trừ khi họ nói lố 90 giây được phân bổ.

“Tôi ước gì tất cả họ gọi tôi lên và tôi sẽ cho họ thấy chuyện đó vận hành như thế nào,” Gigliotti nói. “Khi tôi tiếp nhận công việc này [sản xuất chương trình trao giải Oscar], Hội đồng quản trị Viện Hàn lâm đã đưa ra quyết định [về việc rút ngắn thời lượng phát sóng]. Và tại thời điểm đó, họ đã thử nghiệm ý tưởng này. Mọi người đều sẽ lên sóng. Tôi cảm thấy tồi tệ vì người ta bức xúc đến như vậy, vì tôi nghĩ nếu họ mà đã xem bản thử nghiệm, thì sẽ lắng dịu rất nhiều nỗi quan ngại của họ.”

Tính đến thời điểm người viết nháp xong bài này, thì chỉ còn hơn một tuần là đến lễ trao giải Oscar, không có sự thay đổi lớn nào sẽ xảy ra. Nhưng như để nhấn mạnh sự hỗn mang, khoảng nửa tiếng sau khi người viết nộp bản nháp của mình cho tòa soạn, Viện Hàn lâm lại thông báo rằng sau cuộc họp với các nhà quay phim hàng đầu, một lần nữa họ quyết định rút lại, và sẽ phát sóng tất cả 24 hạng mục Oscar.

Theo một nguồn tin nói với Variety, điều này có nghĩa là chương trình phát sóng gần như chắc chắn sẽ dài hơn ba tiếng.

Ngay từ đầu vì sao mà có cả đống thay đổi này?

Có bất kỳ thay đổi nào trong sự hỗn mang trên thậm chí là cần thiết? Giải Oscar đã thay đổi nhiều năm qua, nhưng tại sao năm nay lại có quá nhiều thay đổi như vậy? Và tại sao những thay đổi đó lại gây tranh cãi đến thế?

Hãy quay lại với các Avenger, những người có thể cứu thế giới (mà cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra), nhưng có lẽ không phải là chương trình truyền hình trực tiếp lễ trao giải Oscar. Tin đồn dàn diễn viên sẽ xuất hiện trong thời gian phát sóng là một lời nhắc nhở về những gì rất có khả năng đứng đằng sau sự khăng khăng của Viện Hàn lâm đối với rất nhiều thay đổi như vậy. The Avengers là một tài sản của Marvel; Marvel Studios thuộc sở hữu của Disney. Và ABC cũng vậy, nhà đài đã ký hợp đồng phát sóng lễ trao giải Oscar cho đến ít nhất là năm 2028.

Hồi tháng 8/2018, Variety đưa tin các nhà điều hành nhà đài ABC đã gặp lãnh đạo Viện Hàn lâm chỉ vài ngày sau lễ trao giải Oscar 2018, ghi nhận tỷ suất người xem thấp nhất trong bất kỳ lễ trao giải Oscar nào cho đến nay và giảm 19% so với lễ trao giải năm 2017. Lượng người xem trong nhóm dân số từ 18 đến 34 tuổi — tức là thế hệ thiên niên kỷ — giảm 29% so với năm 2017 và 56% so với năm 2014, khi Ellen DeGeneres dẫn chương trình và 12 Years a Slave đoạt giải Phim hay nhất.

Còn nhớ khi Ellen dẫn chương trình, và Bradley Cooper chụp ảnh selfie? Đó là năm cuối cùng lễ trao giải Oscar thắng lớn về tỷ suất người xem

Chừng như hốt hoảng trước những con số này, nghe nói các nhà điều hành của đài ABC bảo Viện Hàn lâm rằng cần phải thay đổi chương trình không thì có nguy cơ lỗi thời, và sau đó đề xuất một số thay đổi, bao gồm ngày phát sóng sớm hơn, buổi lễ rút ngắn, và đề xuất hạng mục “Phim bom tấn hay nhất”. Tất cả những đề nghị này cuối cùng đã được đưa vào thông báo hồi tháng 8/2018 của Viện Hàn lâm. Và theo Variety, các nhà điều hành của đài ABC đã khấp khởi nhẹ nhõm.

Nhưng không có gì chắc chắn rằng một buổi lễ kết thúc lúc 11 giờ tối thay vì 11 giờ 30 ở Bờ Đông nước Mỹ, hay một buổi lễ có các diễn viên đóng vai các siêu anh hùng nổi tiếng, hoặc một buổi lễ có thể trao danh hiệu Phim đại chúng hay nhất cho, một phim Nhiệm vụ bất khả thi (hoặc một phim Avengers) chẳng hạn, sẽ thu hút nhiều người xem hơn, nói gì đến người xem trong nhóm dân số trẻ hơn. Tỷ suất người xem giảm đối với các sự kiện truyền hình trực tiếp nói chung. Số lượng người xem giải Grammy 2019, được phát sóng hai tuần trước lễ trao giải Oscar, tăng nhẹ so với năm 2018 nhưng đã giảm xuống mức thấp mới trong số những người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 đến 49. Ngay cả giải đấu Super Bowl năm nay mà còn chạm đáy thấp nhất trong 10 năm đổ lại đây kia mà.

Không cần phải là thiên tài thống kê mới thấy rằng người ta xem truyền hình trực tiếp ít hơn trước đây họ từng xem — đặc biệt là người trẻ. Không có lý do gì ngồi suốt một sự kiện được truyền hình kéo dài hàng giờ để chờ đợi điều gì đó thú vị xảy ra khi bạn có thể “cày liên tục” cái gì đó trên Netflix hoặc đi chơi buổi tối, rồi xem những điểm nhấn nổi bật trên YouTube vào ngày hôm sau. Có một vài trường hợp ngoại lệ; thể thao vẫn thu hút khán giả xem trực tiếp một cách đáng tin cậy, và trong vài năm qua, các xuất phẩm âm nhạc phát trực tiếp như Greas Jesus Christ Superstar đôi khi hút mạnh người xem, đặc biệt là khán giả trẻ. Nhưng nói chung, số lượng khán giả mạnh cho truyền hình dựa trên sự kiện đã là quá khứ.

Vì vậy, cắt nửa tiếng chương trình phát sóng trao giải Oscar, hoặc tạo ra một hạng mục được cho là thu hút người xem rộng hơn, hoặc công bố những người trao giải đình đám tất thảy dường như toàn là những giải pháp không hoàn hảo, dù không có gì lạ khi nghe nói những giải pháp đó do các nhà điều hành ABC thúc đẩy, những người có khả năng để mắt đến các cơ hội thâu tóm doanh nghiệp, cả hiện tại và trong tương lai. (Ngoài việc sở hữu ABC và Marvel Studios, Disney còn sở hữu Pixar, và sẽ sớm sở hữu các tài sản điện ảnh của Fox, bao gồm cả chuỗi phim X-Men.)

Giám đốc ABC Entertainment Karey Burke nói không lo lắng về lễ trao giải Oscar 2019

Có thể khắc phục mớ bòng bong này được không?

Con đường dài, đầy những cơn bốc đồng đến Oscar này chỉ ra hai vấn đề bên trong Viện Hàn lâm. Một là, ở mức tối thiểu, Viện Hàn lâm làm quá dở việc truyền đạt ý định của mình đến thành viên, những người rõ ràng cảm thấy bị bất ngờ bởi nhiều trong số những thông báo này. Những người ra quyết định dường như không hề giữ liên lạc với phần còn lại của tổ chức; Variety đưa tin lãnh đạo Viện Hàn lâm đã “chưng hửng” với phản ứng trước quyết định chuyển bốn hạng mục trao giải vào lúc nghỉ dành cho quảng cáo, vì “thành viên của viện đã bỏ phiếu chấp thuận quyết định này vào tháng 8 năm ngoái.” Và quả thật, thông báo hồi tháng 8/2018 bao gồm tuyên bố rằng một số giải thưởng sẽ được trao trong lúc nghỉ dành cho quảng cáo để giữ buổi lễ diễn ra trong vòng ba tiếng.

Nhưng ngày càng rõ ràng rằng các thành viên của viện chỉ bỏ phiếu cho ý tưởng về mặt lý thuyết, chứ không phải trên một kế hoạch cụ thể — và khi được biết rõ chi tiết, họ đã nổi loạn. Như IndieWire lưu ý, “Thay đổi không được truyền đạt thỏa đáng, biến thành thảm họa PR vượt ngoài tầm kiểm soát.”

Điều đó nhấn mạnh vấn đề nghiêm trọng trong truyền đạt thông tin trong bản thân Viện Hàn lâm. Một tổ chức có chiến lược quan hệ công chúng mạnh mẽ hơn sẽ không bao giờ công bố hạng mục Phim đại chúng hay nhất mà không có bất kỳ chi tiết nào kèm theo. Nó cũng sẽ đào sâu vào các ‘tweet’ của ai đó trước khi thuê anh ta làm người dẫn, để tránh phải đối phó với phản ứng chỉ trích. Nó có thể đã dự đoán được tác dụng ngược từ các quyết định về người trao giải và chặn trước bằng cách tuyên bố rõ ràng cơ sở hợp lý. Và chắc chắn sẽ rõ ràng hơn về những gì đang xảy ra với các hạng mục được chuyển vào thời gian nghỉ dành cho quảng cáo — không chỉ với thành viên, mà còn với báo chí.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.