Đối với người chưa từng xem
Doctor Who (ở các nước khác, chứ
nếu ở Anh thì dù chưa xem cũng đã nghe nói ít nhiều về nó rồi) đây sẽ là
một tập phim đầy cảm xúc và có khả năng gợi lên hứng thú tìm hiểu phim
thông qua nguồn cảm hứng từ những nhà sản xuất phần lớn còn trẻ vào thời
điểm ấy, còn với 'fan' thì đây thật là một bản tình ca tuyệt vời dành
cho lịch sử
Doctor Who, dành cho những con người hết tâm hết
sức dựng con đường ban đầu mà không hề dự đoán được, và cũng không thể
ngờ đến, hậu vận huy hoàng của nó.
Bộ phim mở đầu bằng một thứ quá thân quen với 'fan'
Doctor Who,
chiếc buồng điện thoại cảnh sát xanh dương. Tuy nhiên, đó không phải là
chiếc TARDIS quen thuộc của họ, hay đúng hơn, đó chưa trở thành hình
ảnh gần như độc quyền của
Doctor Who. Đó quả thực chỉ là một
chiếc buồng điện thoại cảnh sát thông thường, vào thời điểm mà nhiệm vụ
của nó chỉ là nơi cảnh sát Anh gác và nơi người dân có thể gọi an ninh
khi cần. Người cảnh sát tan ca trực, tiến gần đến một chiếc xe đậu lì
bên đường chưa chịu di chuyển để xem xét. Máy quay chuyển qua người đàn
ông đứng tuổi đang ngồi trong xe, mắt không rời chiếc buồng điện thoại
ngoài kia. Và cảnh chuyển về trong phòng thay đồ của diễn viên, nơi
người đàn ông nọ chuẩn bị trước khi ra trường quay. Rồi khán giả nghe
được cái tên thân thuộc họ luôn muốn nghe kể từ khi tập phim này có
thông cáo báo chí: William Hartnell. Ông có vẻ cáu bẳn và thoáng chút
buồn khi ra đến trường quay. Máy quay lại lia từ trên trần xuống một
William Hartnell trong trang phục Doctor đầu tiên đang suy tư, và chiếc
cột trung tâm của TARDIS di chuyển, đồng thời biển báo thời gian quay về
năm 1963 – năm mọi chuyện bắt đầu.
Các poster của An Adventure in Space and Time
Năm 1963, BBC đang tìm một chương trình lấp chỗ trống 25 phút giữa hai
chương trình thu hút, để đảm bảo tỷ suất người xem cao cho đài. Giám đốc
bộ phận Drama lúc bấy giờ là Sydney Newman có ý tưởng làm phim khoa học
viễn tưởng và ông tìm đến người từng cộng tác với mình là Verity
Lambert để mời làm nhà sản xuất. Vai trò đạo diễn được giao cho Waris
Hussein. Ngày đầu của
Doctor Who – một chương trình khó bị qua
mặt ở độ kỳ quái – được dựng lên từ bàn tay và khối óc của ba con người
bị xem là kỳ quái không kém vào thập niên 60. Sydney Newman: một người
“có thớ” trong ngành truyền hình có niềm yêu thích khoa học viễn tưởng,
thứ phim bị nhiều người xem là dành cho đám choai choai. Verity Lambert:
nhà sản xuất nữ đầu tiên của truyền hình Anh, mạnh bạo và gốc Do thái.
Waris Hussein: đạo diễn người Ấn Độ đồng tính bị kỳ thị ít nhiều.
Với dàn nhân sự như vậy, và thuộc một thể loại như vậy, có thể đoán trước
Doctor Who không được lãnh đạo BBC (vốn theo kiểu cổ điển truyền thống) mặn mà gì vào lúc đó. Những ai chỉ tiếp cận với một
Doctor Who
được BBC đầu tư không tiếc tiền thời nay chắc khó mà không thấy sốc khi
thấy Verity và Waris cất công đi thuyết phục William Hartnell nhận vai.
Hai người họ cố gắng thể hiện sự hồ hởi và đầu tư của BBC cho phim bao
nhiêu trong bữa ăn tối với Hartnell, thì ở trụ sở BBC, hình ảnh chuẩn bị
thực sự tàn tạ bấy nhiêu. Họ “được” cấp cho một trường quay cũ kỹ bụi
bám nhện giăng, máy móc thường xuyên trục trặc, và những bộ phận khác hờ
hững chẳng thèm nhấc tay hỗ trợ. Có thể thấy ngoài mặt hai người “cứng”
bao nhiêu thì trong lòng lo toan bấy nhiêu, như Verity đã nói với Waris
“I’m shaking like a leaf" (tạm dịch: "Tôi đang run như cầy sấy đây
này"). Không ít lần Sydney phải tự mình trấn an Hartnell giùm cho Verity
và “nắn gân” cho cô vững bước thêm.
(từ trái qua) Sydney Newman (Brian Cox), Verity Lambert (Jessica Raine), và Waris Hussein (Sacha Dhawan)
Rồi ngày công chiếu cũng đến. Tiếc thay, chuyện đã khó nay càng thêm khó.
Nếu bạn có từng đọc qua vài dòng lịch sử
Doctor Who
sẽ biết ngày phim lên sóng lần đầu cũng chính là ngày báo chí quốc tế
đồng loạt đưa tin về cái chết của Tổng thống Kennedy. Một bộ phim giả
tưởng non nớt có là gì so với tầm vóc và độ nghiêm trọng của vụ ám sát
đó, và mọi người, trừ những ai trong bộ phận sản xuất, đều chẳng màng
nhớ đến một tập phim 25 phút vừa được chiếu.
Cùng lúc đó, hai thử thách đến cùng một lượt cho
Doctor Who. Một, các nhà lãnh đạo BBC tóm ngay tin tỷ suất người xem nhàn nhàn của
Doctor Who
mà yêu cầu Sydney dừng chương trình (ở đây có chút hư cấu so với thực
tế; ngoài thực tế, phim đã được cho phép quay 16 tập an toàn trước khi
có quyết định tiếp theo). Dù vẫn biết chương trình này không chấm dứt ở
đó, tôi vẫn hụt một nhịp tim khi ba chữ lạnh lùng được thốt vào mặt
Sydney Newman “Kill
Doctor Who.“ Thử thách tiếp theo, dù không
nghiêm trọng như thử thách đầu, nhưng mang đến một vấn đề sâu xa hơn:
cái mới như thế nào thì được chấp nhận. Thử thách này, nghiệt thay, đến
từ Sydney Newman. Thuở ban đầu, Sydney đã làm rõ với Verity là không làm
về rôbô mắt to với vũ khí quái đản. Nay Verity lại trình một kịch bản
đầy những con rôbô còn quái đản hơn những gì Sydney từng tưởng tượng.
Những con mà Sydney gọi là rôbô đó chính là Dalek, cái tên không lạ gì
với tất cả những ai từng xem
Doctor Who. Và đây lại là cuộc
chiến “cân máu liều” giữa hai người chung chiến tuyến. Rốt cục, như
chúng ta ai cũng biết, Verity thắng. Kết quả là 10 triệu lượt xem cho
loạt phim
Dalek, một con số không ai tưởng tượng nổi.
Các mẫu Dalek qua thời gian đang được trưng bày tại Doctor Who Experience ở Cardiff
Từ đó, thời huy hoàng đầu tiên của
Doctor Who đã đến. Sách báo,
đồ chơi, rất nhiều thứ khác đều ăn theo loạt phim và đều thành công rực
rỡ. William Hartnell trở nên nổi tiếng với toàn thể trẻ em nước Anh.
Ông không còn cau có như trước mà như được hồi sinh, với nhiệt huyết và
niềm vui không giấu nổi trong từng hành động. Tôi nhớ mình đã chảy nước
mắt khi thấy ông vui đùa ở công viên cùng các 'fan' nhỏ tuổi của mình.
Đó là một cảnh phim đẹp, từ ý tứ đến cảnh quay. So với mạch phim dồn dập
những thử thách trước đó, nay ta có một cảnh thật yên bình, yên bình
đến mức không ai nghĩ đến những thử thách sắp đến.
Thế nhưng thời gian lại không hề "nương tay" với một loạt phim về thời gian. Đội ngũ sản xuất
Doctor Who
cũng lần lượt ra đi theo thăng tiến trong nghề nghiệp, đến gần năm 1966
thì chỉ còn một mình William Hartnell ở lại. Áp lực công việc và những
biến đổi tâm lý theo các thay đổi đó làm ông kiệt sức, và dẫn đến một
trong những thử thách lịch sử đối với
Doctor Who: thay diễn
viên chính. Những ai xem phim vào lúc sự thay đổi đã được ghi vào lịch
sử sẽ khó hình dung được mức chấn động của quyết định này lúc đó. Làm
sao để thuyết phục khán giả rằng nhân vật họ yêu mến vẫn còn đó, nhưng
là một người có tính cách khác, và do diễn viên khác vào vai? Làm sao để
thuyết phục Hartnell rằng đây là quyết định cần thiết để duy trì loạt
phim? Làm sao để không tự tay mình kết liễu kho báu mình đang có? Và vào
năm 1966, một tính chất không lẫn vào đâu được của Doctor Who đã thành
hình: thay đổi là tất yếu. William Hartnell rời cuộc chơi, nhường trường
quay lại cho Patrick Troughton, để rồi trong suốt hơn 40 năm sau đó,
vòng xoay này tiếp tục, giữ cho
Doctor Who tồn tại và phát triển.
William Hartnell (trái) và David Bradley cùng trong trang phục Doctor đầu tiên
Tuy bộ ba kỳ lạ đã nói là những người tạo dựng nên loạt phim nhưng trong
tập này, William Hartnell mới chính là vai chủ đạo. Tôi thấy từng bước
thay đổi trong tâm lý của ông, thực ra không khác gì từng bước mà 'fan'
Doctor Who
ai cũng đã trải qua. Tôi thấy ông dè dặt chưa muốn nhận một vai quá mơ
hồ và kỳ lạ, như tôi từng e dè không muốn đặt chân vào phim này. Tôi
thấy ông từ từ mở lòng và trở thành bạn thân với Verity, một tình bạn
không màng tuổi tác, như tôi từng thấy yêu các nhân vật trong phim. Ông
không thường cho người khác gọi mình là Bill, chỉ trừ bạn thân. Nhưng
ngay lần gặp đầu tiên, ông không phàn nàn gì khi Verity dùng tên đó để
gọi ông. Một già một trẻ về diện mạo, nhưng thẳm sâu trong họ vẫn là hai
con người liều lĩnh và táo bạo như trẻ con. Tôi thấy ông xuống tinh
thần khi từng người xung quanh ra đi, như tôi từng buồn bã khi các bạn
đồng hành của Doctor rời TARDIS. Tôi thấy ông cẩn trọng với từng chi
tiết phim, như bất kỳ 'fan' nào. Tôi thấy ông gần như ngã quỵ khi biết
mình phải rời cuộc chơi, như 'fan'
Doctor Who chúng tôi lưu
luyến bất kỳ Doctor nào sắp hết con đường bước cùng TARDIS. Tôi thấy ông
rưng rưng như một đứa trẻ cạnh lò sưởi, môi mấp máy “I don’t want to
go”, như tôi từng mấp máy “I don’t want you to go”. Tôi thấy ông chấp
nhận sự thật, và nở nụ cười với Patrick Troughton, như tôi và các 'fan'
khác học cách chấp nhận một Doctor mới. David Bradley quả không hổ danh
diễn viên kỳ cựu, từng chuyển đổi tinh tế trong cảm xúc của William
Hartnell đều được ông chuyển tải tài tình. Tôi thấy được chính mình, một
'fan'
Doctor Who trong đó, với tất cả tình cảm dành cho series
này – một series không còn chỉ là sở thích nữa, mà đã là một phần trong
cách nhìn cuộc sống của tôi.
Như mọi tập khác của
Doctor Who,
An Adventure in Space and Time
không thiếu những khoảnh khắc xúc động làm người xem nức nở. Nếu bạn
không phải là 'fan', tôi nghĩ bạn cũng sẽ sụt sịt một vài lần. Nếu bạn
là fan, tôi dám chắc bạn không kiềm nổi nhiều lần phải khóc, vì vui và
cũng vì buồn, trong tập phim này. Đó là khi Hartnell quá tận tâm cho
công việc dù sức khỏe của ông ngày càng yếu đi, ông động viên vợ cũng
chính là đang động viên chính mình đi tiếp với tình yêu này. Đó là khi
Verity chia tay Hartnell lúc rời vị trí công tác, cùng câu nói kinh điển
giữa Sarah Jane và Doctor nay được lặp lại “Till we meet again”. Đó là
khi Hartnell mất dần nét vui trẻ trung khi xưa lúc TARDIS ngày càng
nhiều người mới. Đó là khi dường như chỉ còn một mình Hartnell xem
Doctor Who
như một tình yêu, chứ không phải công việc làm cho xong. Đó là khi một
người thẳng thắn mạnh bạo như Sydney Newman cũng phải tìm mọi cách nhẹ
nhàng nhất để báo tin dữ cho Hartnell. Đó là khi Hartnell dừng xe giữa
đường nhìn chằm chằm vào chiếc buồng cảnh sát xanh, diện mạo của ngôi
nhà tinh thần cho ông trong suốt ba năm. Và đó là khi ông tự tay bật
công tắc bàn điều khiển lần cuối, và ngước lên nhìn thấy được tương lai
của loạt phim mà ông đang tận tâm tận sức vì nó.
Mark Gatiss, biên kịch của An Adventure in Space and Time
Cảnh quay trong phim rất đẹp và sáng tạo. Nhạc phim không phải quá đặc
sắc nhưng vẫn phải nói là hay. Lời thoại của phim thì bản thân đã hay,
nhưng sẽ còn hay hơn và có ý nghĩa hơn gấp bội khi bạn đã là fan. Tôi
không mấy thích kịch bản của Mark Gatiss trong
Doctor Who,
nhưng tập này là một ngoại lệ. Tôi dành cho Mark lời cảm ơn trân trọng
nhất vì đã viết nên những dòng kịch bản đẹp như thơ. Và nếu bạn có xem,
xin đừng tắt vội khi thấy phim đã hết. Vì phần phỏng vấn phía sau về tâm
sự của những người từng tham gia
Doctor Who cũng quý giá không
kém gần 90 phút phim trước. Và hãy xem lại nếu sau đó bạn đã trở thành
'fan' của loạt phim này, vì còn rất nhiều những “món quà” bé tí nhưng
rất ý nghĩa với 'fan'
Doctor Who đã được biên kịch lồng vào từng lời thoại. Hay nói đúng hơn là món quà mà tất cả 'fan'
Doctor Who
dành cho nhau, vì loạt phim này đã truyền cảm hứng cho quá nhiều con
người để giờ đây, những người đang góp tay tạo nên nó cũng chính là
những 'fan' đang say mê dõi mắt theo bước đi của Doctor cùng thời gian.
Thực ra với kịch bản, hình ảnh và diễn xuất ổn thế này,
An Adventure in Space and Time (độ dài 90 phút, tương đương với phim dài điện ảnh) hoàn toàn có thể là một phim ra rạp độc lập, giống như
Saving Mr.Banks.
Day of the Doctor (tập đặc biệt kỷ niệm 50 năm
Doctor Who
đã ra rạp có chọn lọc) gắn liền với lịch sử dài của loạt phim và có
kiểu "xoắn não" đặc trưng đôi khi sẽ gây khó khăn cho người không quen
với thể loại phim này. Còn
An Adventure in Space and Time, với tôi, nếu có được ra rạp sẽ là một phim "chuyện thật" có thể hấp dẫn từ người lớn đến trẻ nhỏ, ở bất cứ quốc gia nào.
Một cảnh trong phim
Tôi đặc biệt thích tập này không chỉ vì thích
Doctor Who mà còn
vì phim nhắc cho tôi nhớ đến một giấc mơ khác của một tập thể "điên rồ"
theo bước bộ ba của BBC ngày trước, chính là tập thể đứng đằng sau
trang Quái vật Điện ảnh này. Phim gợi cho tôi nhớ lại nhiều thăng trầm
ban đầu của trang web, và dù không thể so quaivatdienanh với
Doctor Who được vì quá khập khiễng, cả hai vẫn là những con tàu của những giấc mơ kỳ quặc và trẻ trung.
Doctor Who
thuộc dạng phim mà những tóm tắt chính thức (dựa trên thể loại và sơ
lược về nhân vật chính) hoàn toàn thất bại trong việc chuyển tải tinh
thần phim. Ngay cả sau khi xem phim, mỗi lần đọc lại các tóm tắt đó tôi
vẫn tự hỏi mình vì sao ngày trước lại đi xem một loạt phim có tóm tắt
thiếu thu hút đến vậy. Có lẽ, lời giới thiệu hay nhất cho
Doctor Who
thuộc về chính người "mẹ đẻ" của nó, Verity Lambert (đã được đưa vào
phim): "He's CS Lewis meets HG Wells meets Father Christmas." Vô cùng kỳ
ảo về ý tưởng và chi tiết nhưng không hề tách rời với hiện thực về bình
diện thông điệp và chủ đề, đầy tính biểu tượng, màu nhiệm và tươi vui
dù khi xét về chiều sâu thì đầy những vấn đề cần suy ngẫm, và dẫn tất cả
khán giả về lại với thời trẻ thơ yêu cái đẹp, tin vào cái lạc quan, và
rộng lòng bao dung với những gì lạ lẫm.
© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi