Nhân vật & Sự kiện

Liệu Steven Spielberg còn nhớ làm phim vui vẻ là thế nào không?

31/03/2018

Steven Spielberg, 71 tuổi, sửa lại cặp mắt kính lúc người viết đặt câu hỏi.

Người viết và Spielberg ngồi đối diện nhau trong phòng họp nhỏ ấm cúng ở Universal Studios. Nãy giờ ông nghịch điếu xì gà (dạo này ông chỉ cầm xì gà thôi chứ không đốt hút) trong lúc nói về sự phấn khích đón chào sử thi khoa học giả tưởng Ready Player One của ông, tại Liên hoan phim South by Southwest. Người ta gọi bộ phim kinh phí lớn này là sự huy hoàng của Jurassic ParkE.T. the Extra-Terrestrial trở lại.

Steven Spielberg nói ông không thích đay đi ngẫm lại thành bại: “Thỉnh thoảng vài năm trước thì tôi còn dám xem lại bộ phim, và được chừng năm phút là tôi tắt mất.” Do Ryan Pfluger thực hiện cho The New York Times

“Ôi Chúa ơi, một đêm tuyệt vời,” Spielberg nói, rạng rỡ. “Tôi cảm tưởng mình trở lại tuổi lên 10 lần nữa!”

Nhưng không có cách nào tránh câu hỏi làm mất hứng này: Có phải ông bắt đầu hành trình chứng minh mình không đánh mất đẳng cấp tay nghề?

Nếu người xem buổi chiếu ra mắt Ready Player One ra về nói rằng ma thuật kinh điển của Steven Spielberg đã trở lại, thì có nghĩa họ tin nó đã từng bị mất đi — rằng một vài bộ phim “vui vẻ” gần đây nhất của ông, bao gồm The BFGIndiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull, không được vui vẻ mấy.

Người viết hình dung thạch cao trên tường đổ xuống rầm rầm và một tảng đá lăn về phía mình, kiểu Raiders of the Lost Ark.

Thay vào đó, Spielberg trả lời bằng một giọng nhẹ nhàng, không biện hộ. “Tôi thực sự quá bận rộn, cả trong cuộc sống riêng tư và cuộc sống nghề nghiệp, không có thời gian đay đi đay lại thành công hay thất bại,” ông nói. “Tôi luôn di chuyển thật nhanh, và tôi không nhìn lại. Đó là lý do tại sao tôi không ngồi xuống xem phim của mình trên màn ảnh rộng sau khi làm xong. Thỉnh thoảng vài năm trước thì tôi còn dám xem lại, và được chừng năm phút là tôi tắt mất.” Ông nhìn ra ngoài cửa sổ.

Wade Watts (Tye Sheridan) sống trong một bãi đậu xe bẩn thỉu, quá tải ở Columbus, Ohio

“Tôi bị hình ảnh đáng sợ này ám ảnh, hình ảnh Gloria Swanson ngồi trong phòng khách xem thời vinh quang của cô ấy,” ông nói tiếp, nhắc đến Sunset Boulevard. “Và tôi luôn tự nhủ, ‘Mình sẽ không bao giờ để bản thân hoài niệm quá khứ.”

Trừ khi ông đang làm một bộ phim hoài niệm quá khứ.

Ready Player One là chuyển thể cuốn tiểu thuyết năm 2011 của Ernest Cline, tràn ngập những liên hệ văn hóa đại chúng thập niên 1980 — một kỷ nguyên điện ảnh do Spielberg thống trị, cả đạo diễn lẫn sản xuất (Back to the Future, The Goonies, Poltergeist). Cái tựa “Ready Player One” xuất phát từ những từ nhấp nháy trên các trò chơi điện tử Atari. Do Zak Penn và Cline biên kịch, kịch bản tưởng nhớ các phim của John Hughes và đưa vào bộ trang phục màu đỏ của Michael Jackson trong Thriller, Mechagodzilla và Chucky. Các giai điệu của Twisted Sister, Van Halen và Joan Jett là nhạc nền bông đùa được ưa chuộng.

Một công ty xấu xa muốn chiếm đoạt thế giới 3D giả lập Oasis do một tỉ phú lập dị sáng tạo ra

Phát hành ở Việt Nam ngày 30/3 với tựa Đấu trường ảo, phim đi theo chàng trai Wade Watts (Tye Sheridan, nổi tiếng với phim độc lập Mud) sống trong một bãi đậu xe bẩn thỉu, quá tải ở Columbus, Ohio. Đó là năm 2045, và hầu hết người Mỹ đã bỏ cuộc. Giờ đây, người ta dành tất cả thời gian để đeo kính thực tế ảo và thiết bị nhận cảm giác, cho phép họ khám phá một thế giới 3D giả lập gọi là Oasis như thể họ thực sự ở đó. Oasis, do một tỉ phú lập dị sáng tạo ra, chốn tuyệt vời mà bạn có thể là bất cứ gì — giới tính khác, loài khác — và một Wade mê thập niên 1980 cùng người yêu của mình, Samantha Cook (Olivia Cooke, từ Me and Earl and the Dying Girl), tranh đua giải quyết cuộc săn kho báu ba phần trước khi một công ty xấu xa, trong cả hai thế giới thực và ảo, chiếm được.

Viết về Spielberg sau buổi chiếu ra mắt, nhà phê bình Eric Kohn của IndieWire đã ‘tweet’: “Riêng về mặt hình ảnh, đây là điều lạ thường nhất mà ông đã làm.”

Là nhà làm phim, Spielberg luôn luôn tới lui qua lại giữa phim danh giá và bắp rang — chẳng hạn, đem đến Schindler’s ListJurassic Park trong cùng một năm, và chuyển thẳng từ Indiana Jones and the Temple of Doom đến The Clor Purple.

Samantha Cook (Olivia Cooke) và Wade Watts trong cuộc đua săn kho báu

Nhưng gần đây không còn cân xứng giữa phim danh giá và phim bắp rang. Ba phim chính kịch lịch sử gần đây nhất của Spielberg (The Post năm ngoái, Bridge of Spies năm 2015 và Lincoln năm 2012) đều thành công, nhận được đề cử Oscar phim hay nhất và bán thêm được nhiều vé. Cùng thời gian đó, ba phim mới nhất của ông nhắm đám đông ở rạp chiếu đã không đạt kỳ vọng. Gần đây nhất, The BFG, bộ phim kỳ ảo chuyển thể từ cuốn sách của Roald Dahl, là bom xịt phòng vé năm 2016, thu về 55,5 triệu đôla ở Bắc Mỹ. The Adventures of Tintin, dựa theo nhân vật truyện tranh của Bỉ và được làm hoạt hình bắt chuyển động, khiến Paramount thua lỗ năm 2011. Kingdom of the Crystal Skull là cỗ máy bán vé năm 2008, nhưng người hâm mộ nói chung ghét câu chuyện; nó trở thành máy lấy tiền trơ tráo cho tất cả các bên liên quan.

Khiến cho War of the Worlds trở thành phim bom tấn cuối cùng của Spielberg mà hầu hết mọi người xem là một thành công toàn diện, và đó là năm 2005 — một kỷ nguyên hoàn toàn Hollywood khác.

“Càng có tuổi, anh ấy càng trở nên ít quan tâm đến việc làm những chuyến đi ly kỳ cho khán giả và tập trung vào thử nghiệm nhiều hơn,” Jeanine Basinger, người sáng lập chương trình nghiên cứu điện ảnh của Đại học Wesleyan, nói. “Và không phải thử nghiệm nghệ thuật nào cũng hiệu quả. Mong đợi khác đi là không công bằng.”

Spielberg làm việc với Tom Cruise trong War of the Worlds (2005), phim bom tấn cuối cùng thực sự thú vị của đạo diễn

“Thế mới nói,” cô tiếp tục, “ông đã cho chúng ta rất nhiều cái gọi là phim ‘vui vẻ’ trong một loạt phim thiếu một thứ gì đó. The BFG tẻ nhạt một cách khó hiểu. Tintin không tệ, nhưng quá kỳ lạ với khán giả gia đình. Và Indiana Jones cuối cùng chẳng hay gì cả. Không hay. Không. Kết thúc thảo luận.”

Spielberg chưa sẵn sàng đi xa tới mức đó. (Không cả từ xa.) Nhưng ông đồng ý với nhận xét của Basinger.

“Trong tất cả các bộ phim thời kỳ đầu của tôi, từ Jaws đến Raiders đến E.T., tôi kể câu chuyện từ chỗ ngồi trong rạp — từ khán giả, cho khán giả — và đã một thời gian dài tôi không làm vậy nữa,” Spielberg nói. “Thực sự tôi đã không còn làm vậy kể từ sau Jurassic Park, và đó là những năm 90.”

Tại sao không làm?

“Vì tôi già đi,” ông cười lớn nói. “Giờ tôi cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc hơn phải kể những câu chuyện có ý nghĩa xã hội nào đó.” Ông nói thêm: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa một bộ phim 100% dành cho khán giả và một bộ phim nói về quá khứ — cộng hưởng với tôi hoặc nâng tầm một cuộc đối thoại có thể đã bị lãng quên, như với Munich — tôi sẽ luôn luôn chọn lịch sử hơn là văn hóa đại chúng. Dù đầy rẫy bắp rang trong một bộ phim như Ready Player One, nó vẫn có ý nghĩa xã hội.”

Mark Rylance, trái, và Ruby Barnhill trong bom xịt The BFG năm 2016

Chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác là một chủ đề lớn trong Ready Player One. Hoạt động nền tảng là những motif kinh điển của Spielberg (vắng mặt cha mẹ, những đứa trẻ thông minh hơn người lớn). Nhưng bộ phim còn có chức năng là câu chuyện cảnh giác về thực tế ảo, một công nghệ tiếp tục tiến thành trào lưu, khi các công ty công nghệ giới thiệu những bộ nghe nhìn có giá phải chăng hơn, những công ty khởi nghiệp như Dreamscape Immersive (Spielberg là nhà đầu tư) đưa trải nghiệm thực tế ảo tới rạp chiếu phim, và các hãng phim Hollywood tìm ra cách tận dụng loại hình truyền thông này.

“Tôi rất quan tâm đến công nghệ cho phép vũ trụ thay thế này tồn tại — bộ tai đeo nghe nhìn, găng tay phản ứng xúc giác, ủng, bộ đồ toàn thân — bởi vì tôi thực sự tin rằng nó sẽ là siêu dược phẩm của tương lai,” Spielberg nói.

Có một khoảnh khắc trong Ready Player One, một đứa trẻ trông coi lò sưởi trong khi mẹ nó, đeo bộ thiết bị nghe nhìn VR gần đó, lạc vào một thế giới khác. Mọi người trở nên nghiện Oasis, nói dối và trộm cắp trong cuộc sống thực để thỏa mãn ám ảnh ảo của họ. Spielberg nói rằng với thế hệ kế tiếp, “sau 5 phút trò chuyện, có 20 phút cầu nguyện.”

“Và là những cầu nguyện vào iPhone và các thiết bị Samsung, Galaxies và iPads,” ông nói.

Steven Spielberg trên trường quay Ready Player One

Ready Player One có thể bao gồm các cảnh báo về nghiện V.R., nhưng bộ phim cũng làm nhiệm vụ quảng cáo lớn nhất cho công nghệ này đến nay. Nếu hình ảnh Oasis ngoạn mục không làm cho người bình thường muốn mua một cặp kính thực tế ảo, thì chắc không có gì làm họ chịu mua.

Mô tả những gì xảy ra bên trong Oasis mà không tiết lộ phim thì khó lắm. Nhưng có một cảnh Warner đã sử dụng trong chiến dịch tiếp thị miêu tả Wade — hay ít nhất là hiện thân đại diện của anh, Parzival — lái một chiếc xe thời gian DeLorean phóng nhanh ở Manhattan. Cảnh quan thành phố tự sắp xếp lại trong lúc anh chạy xe. King Kong tàn phá. Đường phố đột nhiên uốn theo nhạc nền trò chơi đua xe Hot Wheels.

“Đó là dự án tham vọng nhất mà I.L.M. đảm nhận,” Roger Guyett, giám sát hiệu ứng hình ảnh của Industrial Light & Magic, làm việc với Spielberg và nhà dựng phim đoạt giải Oscar Adam Stockhausen (The Grand Budapest Hotel) để đưa Oasis ra đời.

Ready Player One, tốn kinh phí khoảng 150 đến 175 triệu đôla, đến với Spielberg qua Donald De Line, một nhà sản xuất ở Warner đã mua quyền làm phim vào năm 2010 thậm chí trước khi cuốn sách của Cline được xuất bản. Sau khi trải qua 5 năm phát triển kịch bản, De Line đã gửi cuốn sách và kịch bản cho Spielberg và đan tay cầu nguyện.

Thế thân của hai nhân vật chính trong thế giới ảo của trò chơi

“Ông ấy luôn là nhà đạo diễn trong mơ cho một bộ phim như thế này,” De Line nói. “Nhưng, thực tế, có ông thì bạn sẽ được lợi thế gì?"

Thật vậy, địa vị như thần thánh của Spielberg ở Hollywood không bị ảnh hưởng bởi hưởng ứng nhạt nhẽo dành cho những bộ phim kỳ ảo gần đây của ông. Ông bận rộn hơn bao giờ hết, với một danh sách những phim phải làm bao gồm một phim Indiana Jones thứ năm và West Side Story làm lại, trong số các dự án khác.

Trước sự ngạc nhiên và vui sướng của De Line, Spielberg ngỏ ý làm Ready Player One, một phần bởi vì tính liền kề của hai thế giới. Cũng là một thách thức cực kỳ to lớn. Theo nghĩa nào đó, Ready Player One đòi hỏi ông cùng một lúc phải làm hai phim: Oasis, được làm bằng thiết bị bắt chuyển động và thực tế ảo, một số được phát triển riêng cho Spielberg, chiếm khoảng 50% thời lượng phim hoàn chỉnh. Phần còn lại của Ready Player One diễn ra ở Ohio hậu tận thế.

Trong một lần xuất hiện tại Comic-Con International mùa hè năm ngoái, Spielberg đùa, “Tôi đọc cuốn sách, và tôi nói, ‘Họ sẽ cần một đạo diễn trẻ hơn cho phim này.”

Nếu hình ảnh Oasis ngoạn mục không làm cho người bình thường muốn mua một cặp kính thực tế ảo, thì chắc không có gì làm họ chịu mua

Khi nói chuyện với người viết tại văn phòng của ông, Spielberg đã gọi Ready Player One là bộ phim khó thứ ba trong sự nghiệp của ông. “Jaws (1975) vẫn là khó nhất, chủ yếu vì có quá nhiều thời gian để cắn móng tay chờ đại dương và cá mập máy tương thích,” ông nói. “Phim khó thứ nhì là Saving Private Ryan (1998), với mô tả choáng ngợp, rối ren cuộc đổ bộ D-Day lên bờ biển Omaha.

Không thể biết khán giả đại trà sẽ phản ứng thế nào với Ready Player One, được Village Roadshow (Mad Max: Fury Road) đồng bỏ vốn. Buổi chiếu ra mắt đã diễn ra rất tốt, nhưng là được tổ chức dành cho ‘fanboy’ tại Liên hoan phim South by Southwest. Có lẽ phản ánh những thách thức marketing mà phim phải đối mặt — một dàn diễn viên thiên về nam giới không tên tuổi — từ sau The Sugarland Express năm 1974, Ready Player One là phim đầu tiên của Spielberg phát hành vào mùa xuân ít cạnh tranh hơn.

Bất kể kết quả thế nào, là một nhà làm phim Spielberg nói Ready Player One có ảnh hưởng dân túy với ông, khiến ông muốn lại làm thêm nhiều phim ly kỳ nữa.

Steven Spielberg cùng tác giả Ernest Cline (thứ hai từ phải qua) trong buổi ra mắt Ready Player One tại Liên hoan phim South by Southwest

“Bộ nhớ cơ của việc làm những phim này đã trở lại trong trải nghiệm đạo diễn Ready Player One và nhắc tôi nhớ làm phim vui thế nào hồi tôi còn trẻ.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.