Tin tức

Tại sao cộng đồng mạng đã sẵn sàng ghét bỏ Ready Player One

27/03/2018

Ready Player One có thể là bộ phim bị ghét nhất năm 2018. Thật là một thành tích ghê gớm, xét rằng đây là một phim của Spielberg với những đánh giá tương đối kính trọng.

Cũng giống như Fifty Shades of Grey (50 sắc thái), bộ phim dựa theo một cuốn sách ăn khách được trích dẫn lan truyền chóng mặt trên mạng. Ready Player One đã đi đến chỗ đại diện cho một loại tâm lý ‘fanboy’ độc hại, và có bao nhiêu bình luận tích cực đi nữa cũng chẳng thể thay đổi được điều đó lúc này.

Do một Ernest Cline công khai thừa nhận mình là ‘fanboy’ sáng tác, cuốn tiểu thuyết phiêu lưu tương lai này nói về một chàng trai trẻ cạnh tranh trong đấu trường thực tế ảo, nơi người chơi giành chiến thắng bằng cách thu thập kiến thức văn hóa đại chúng thập niên 1980. Cuốn sách thành công vang dội, nhưng qua năm tháng nó đã thu hút một phản ứng ngày càng tăng. Những chỉ trích tập trung vào hai vấn đề: hoài niệm lập dị không thực chất, và sự kỳ thị giới tính dai dẳng của nó. (Trong máu của rất nhiều câu chuyện phiêu lưu của những chàng trai trẻ khờ dại, nhân vật nữ chính là một giải thưởng để giành lấy.)

Đến thời điểm trailer xuất hiện năm ngoái, thủy triều Twitter đã hoàn toàn quay lưng với bộ phim. Bộ phim vấp phải sự nhạo báng và khinh miệt — kiểu khinh miệt chỉ xảy ra khi bị ‘chạm nọc’. Những ai không phải là dân ghiền không có lý do gì để cảm xúc mạnh về Ready Player One. Khi mọi người thể hiện sự chế giễu đối với bộ phim này, chuyện đó phản ánh một điều đáng xấu hổ và khó chịu về toàn cảnh cộng đồng ‘fan’ của chúng ta.

Tye Sheridan trong vai Parzival/Wade

Mười năm trước, Ready Player One chắc không phải chịu sự thịnh nộ như vậy. Đó là trước khi chúng ta trải qua sự thừa mứa những liên hệ văn hóa đại chúng, được minh họa rõ nhất bởi phim bộ truyền hình Big Bang Theory. Trong 11 mùa, Big Bang Theory đã bảo vệ ý tưởng rằng các tham khảo lập dị có thể thay cho hài hước và tính cách thực sự. Nó tôn vinh một thương hiệu cộng đồng ‘fan’, nơi mà đàn ông chế nhạo phụ nữ là “giả sành điệu”, tự xem mình là người giữ cửa cho một nhóm những kẻ đam mê giả hiệu. Một số đoạn văn nổi tiếng nhất của Ready Player One phản ánh hiện tượng này, trong đó nhân vật chính xác định toàn bộ bản sắc của mình bằng khả năng thưởng thức Back to the Future hoặc Pac-Man.

Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 2011, ngay đỉnh của làn sóng phim khởi động lại. Star Trek của J.J. Abrams đã được phát hành, với The Force Awakens, Jurassic World, Man of Steel và nhiều phim khác đang trên đường ra rạp. Chúng châm dầu cho các cuộc chiến văn hóa tích tụ trên mạng, nơi mà một số người hâm mộ nhất định (chủ yếu là da trắng và nam giới) sẽ bùng nổ trong giận dữ khi bất kỳ khởi động lại nào dám đi chệch nguồn tư liệu. Những phim chọc giận dữ dội nhất là những phim chào đón một khán giả đa dạng hơn: Ghostbusters The Last Jedi.

Đáng chú ý, hai bộ phim được loại khán giả này khen “độc đáo” là Deadpool Guardians of the Galaxy. Cả hai phim đều tươi mới so với, chẳng hạn, Ant-Man, nhưng cũng dựa rất nhiều vào liên hệ văn hóa đại chúng. Cả hai ngôi sao người da trắng độ tuổi 30 có khiếu hài hước trung học cấp hai, và Guardians of the Galaxy sẽ không đứng vững nếu không có nền nhạc pop thập niên 80. Hai phim này nhấn cùng một nút để cho chúng ta những liều dopamine của sự quen thuộc dễ chịu.

Ready Player One và văn hóa ‘fanboy’ độc hại

Khi những khổng lồ của văn hóa sùng bái như Batman v Superman nhận lãnh phê bình tiêu cực, ‘fan’ liền bênh vực bằng cách gây rối và nêu lên thuyết âm mưu về các nhà phê bình chơi xấu. Cùng một thái độ đó đã dành cho Ready Player One, đóng khung các ‘tín đồ’ như thể tầng lớp bị áp bức xứng đáng được đại diện tốt hơn.

Nói thẳng thắn, khi một đám đông to còi công khai ghét cái gì bạn yêu thích thì bực mình thật — nhất là khi họ thậm chí còn chưa xem. Nhưng chất lượng của Ready Player One gần như không liên quan gì đến phản ứng dữ dội này. Những người phản đối sẽ theo đuổi khái niệm cơ bản, bởi vì đó là một minh họa hoàn hảo cho văn hóa ‘fanboy’ độc hại và sự ám ảnh của nó với những tiểu tiết tự sướng. Nó dung dưỡng ý kiến cho rằng những ‘tín đồ’ người da trắng là nạn nhân của sự bất công đồng thời chứng minh họ thực sự là lực lượng áp đảo ở Hollywood. Đó là lý do tại sao rất nhiều người đang lấy Jupiter Ascending làm điểm so sánh.

Trong khi Ready Player One nhắm khán giả mục tiêu bằng dàn diễn viên của Big Bang Theory, Jupiter Ascending nhắm khán giả nữ lớn lên với Công chúa Disney và fanfiction (tạm dịch: tiểu thuyết do ‘fan’ viết). Là phiên bản nữ tính hơn của The Matrix hay Star Wars, đây là một phim kỳ ảo trong đó nữ anh hùng trở thành công chúa không gian và yêu người sói Channing Tatum. Bị giới phê bình nhạo báng và hãng phim tiếp thị kém, phim phát triển một lượng ‘fan độc’ bởi vì khán giả của nó thực sự không được Hollywood chú ý nhiều. Trong khi đó, những phim khởi động lười biếng và đáng quên như Jurassic World lại có thẻ thông hành, vì sự hoài niệm thắng thế trước nhu cầu về một khái niệm sâu sắc, tức là, bạn biết đấy, một thái độ thỏa đáng dành cho phụ nữ.

Chúng ta đã đạt đến điểm mà khi một diễn viên hay đạo diễn nào xuyên phá được những cộng đồng fan lớn như vậy, mọi người ngay lập tức bắt đầu đồn đoán xem họ sẽ làm phim chuỗi siêu anh hùng nào. Có một khao khát tư liệu mới dựa trên các nguồn cũ, mà đôi khi kết quả là cái gì đó mới mẻ thật (Black Panther) nhưng hầu hết đều thúc thủ trước quy luật “mới, nhưng không phải là quá mới”. Ready Player One là ví dụ điển hình, với Spielberg đạo diễn một câu chuyện “nguyên bản” hoàn toàn dựa vào việc dặm lại văn hóa đại chúng. Một loại hình văn hóa đại chúng rất cụ thể, bởi vì trong khi cuốn tiểu thuyết về cốt lõi bị ám ảnh với thập niên 1980, nó không hề đề cập đến nhạc rap. Giống như Stranger Things, Guardians of the Galaxy, và bộ phim Pixels của Adam Sandler, khán giả nguyên mẫu của nó là thành viên da trắng của thế hệ Ghostbusters bản gốc.

Đây không phải là văn hóa mọt phim đương đại. Không có bất cứ điều gì đương đại. Để xem cái gì đã định hình toàn cảnh văn hóa đối trọng ngày nay, bạn cần phải hiểu ‘fanfic’, Homestuck, và sự nổi lên của 4chan.* Có lẽ may thay, đây không phải là điều mà Hollywood tìm cách kiếm tiền. Lúc này thì chưa.

Olivia Cooke trong vai Art3mis/Samantha

Ready Player One sẽ ra rạp ở Việt Nam từ ngày 30/3 với tựa Đấu trường ảo.


Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Dot


* Homestuck: cộng đồng 'fan' lớn của một bộ truyện tranh; 4chan: web diễn đàn hình ảnh (imageboard) [Wiki]