Tin tức

Người hưởng lợi - kẻ chịu thiệt trong cơn suy thoái phòng vé Trung Quốc

15/12/2016

Tin xấu về phòng vé Trung Quốc ‘nhỏ giọt’ đều đặn kể từ giữa năm, khi rõ ràng là những dự đoán lạc quan nhất – Trung Quốc bắt kịp Bắc Mỹ trước năm 2017 – đã chệch hướng hẳn.

Song một vài chuyên gia trong ngành công nghiệp điện ảnh giờ đây đang mô tả tốc độ tăng trưởng ở con số một chữ số – sau 49% năm 2015 – là một sự điều chỉnh rất cần thiết. Và nhiều công ty đang trông đợi vào sức sống mới sau một thời gian cắt giảm.

Một rạp chiếu của Wanda ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Tương phản rõ rệt với năm 2015 sôi sùng sục khiến sự suy thoái đặc biệt rõ ràng. Nguyên nhân là do giảm bớt việc hạ giá vé của cả nhà phân phối lẫn đại lý vé trực tuyến, và sự tràn ngập những phim na ná với cùng những ngôi sao.

Khám phá những điểm yếu của danh sách phim luôn là kiểm nghiệm khắt khe thực tế đối với các nhà làm phim và nhà đầu tư, kể từ năm 2012, họ bắt đầu tin rằng mình biết khán giả Trung Quốc muốn gì, và trở nên quen với việc kinh phí gia tăng và doanh thu tăng nhanh hơn.

Năm ngoái 13 phim Trung Quốc vượt qua con số 100 triệu đôla, đến giờ năm 2016 chỉ 10 phim đạt con số đó. Song đó là con số dễ dàng bị bác, xét số rạp hoạt động khắp Trung Quốc đã mở rộng khoảng 20%, từ xấp xỉ 31.500 cuối năm 2015, đến gần 40.000 vào cuối năm nay – không xa con số 43.000 ở Bắc Mỹ.

Thành tích nghèo nàn của phim Trung Quốc đã làm nổi rõ kỹ năng biên kịch và kể chuyện yếu kém, và quyết định phân vai theo thời thượng, theo truyền thông xã hội, và quảng cáo thương mại, hơn là tài năng thực sự.

Phim hoạt hình Trung Quốc đặc biệt thất bại trong năm 2016 - ảnh trên từ phim Big Fish & Begonia, phát hành trong dịp hè không tạo được tiếng vang nào ở phòng vé

Thêm vào đó, nguồn tài chính dài cả thập kỷ từ bên ngoài ngành điện ảnh đổ vào phim Trung Quốc đã bị quy lỗi vì khuyến khích sản xuất vội vàng và nông cạn trong sáng tạo. Nếu dòng tiền nóng này cạn kiệt, kinh phí có thể trở nên hợp lý hơn, những phim yếu kém sẽ biến mất, phim sẽ hay hơn, và tài năng sẽ vươn đến đỉnh cao.

Song không rõ khi nào điểm chuyển biến đó sẽ xảy ra.

Bên lề Liên hoan phim Thượng Hải vào tháng 6, một loạt thông cáo của doanh nghiệp đã ra mắt. Từ danh sách phim lớn, đến sắp xếp tài chính, đến kế hoạch hợp tác quốc tế. Những thông cáo này xuất phát từ những công ty gồm Hoa Nghị Huynh Đệ, Alibaba Pictures Group, Imax China, và CJ Entertainment của Hàn Quốc – và từ các nhà làm phim như Lý An, Renny Harlin, và Michael Uslan.

Gần đây, tuyên bố về những phim đình đám tiếp tục từ Tencent Pictures, công ty sản xuất chuyển thành công ty bán vé Weiying, và Trinity Pictures của Ấn Độ với China Film Group.

Tencent Pictures hợp tác với Turner Asia-Pacific làm phim hoạt hình Tuzki, chú thỏ hoạt hình emoticon nổi tiếng sử dụng trên WeChat

Nhưng những dấu hiệu khác chỉ rõ khởi đầu của một sự cải tổ đang triển khai.

Rõ ràng nhất là ở lĩnh vực phân phối, đã chứng kiến sự tăng trưởng phòng vé không đúng với sự mở rộng rạp chiếu, và sự sáp nhập giờ đang diễn ra.

Một vài chuỗi rạp nhỏ hơn đã được thu mua: 217 rạp của Antaeus nằm trong tay của công ty game chuyển sang làm phim ảnh Perfect World; chuỗi 18 rạp phức hợp ủa Shimao nằm trong tay Wanda Cinema Line; và chuỗi rạp Hangzhou Star thuộc về Alibaba Pictures.

Đáng nói là, động thái của Perfect World và Alibaba tiêu biểu cho sự đa dạng hóa sang lĩnh vực phân phối, cho thấy các tập đoàn giàu kếch xù đang sử dụng điểm yếu kém mới này để theo đuổi sự hội nhập xa hơn theo chiều dọc.

Alibaba cũng đã mua cổ phần nhỏ trong chuỗi rạp Dadi và nói sẽ xây dựng rạp riêng.

Với việc Allied được phát hành ở Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa rồi, Brad Pitt đã đến Thượng Hải (ảnh) dự buổi chiếu ra mắt

Còn có sự hợp nhất giữa công ty tiếp thị và bán vé trực tuyến: ông lớn trực tuyến Meituan và Dianping tuyên bố sáp nhập hồi đầu năm nay, công ty chuyên bán vé WePiao sáp nhập với Gewarra; và Wanda thu mua Mtime, một trang tiếp thị và thông tin đồng thời bán vé. Alibaba đã chuyển Taobao Movie thành Alibaba Pictures để sáp nhập tốt hơn.

Trong một sự thay đồi thú vị, Hollywood có thể hưởng lợi từ sự suy thoái của Trung Quốc. Việc phân phối phim nhập khẩu được kiểm soát bởi các nhà quản lý và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vận hành một hạn ngạch 34 phim ăn chia doanh thu mỗi năm gây nhiều hiểu lầm, cũng như hạn ngạch nhỏ hơn đối với những phim nhập khẩu trên cơ sở phí khoán.

Trong suốt năm nay có những dấu hiệu rằng hạn ngạch đó đang được điều chỉnh linh hoạt hơn. Nhiều vụ thỏa thuận phí cố định được chuyển thành phí ăn chia doanh thu. Khoảng thời gian hè im ắng, khi chỉ những phim Trung Quốc phát hành đáng kể, thấp hơn năm ngoái. Và tháng 9 và tháng 10 chứng kiến sáu tuần liên tục các phim Hollywood được phép ra mắt đúng ngày, trong khi hồi trước sự trì hoãn đến ba tháng là bình thường. Giờ đây có tin về hạn ngạch phim ăn chia doanh thu sẽ mở rộng trong năm 2017.

Áp phích quảng bá cho các phim ra rạp đầu tháng 12 ở Trung Quốc, trong đó có hai phim Mỹ bên cạnh một phim Trung Quốc Suddenly Seventeen

Đây là tác dụng phụ của việc tư nhân hóa một phần China Film Corp gần đây, một chiến thuật thương lượng trước đàm phán thương mại Hollywood-Trung Quốc năm 2017, hay là dấu hiệu nhà quản lý điện ảnh Trung Quốc nghe được nỗi đau của nhà rạp vẫn còn là tranh luận. Song nếu điều này giúp phòng vé rồ ga hơn thì sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.