Nhân vật & Sự kiện

Đằng sau sự suy giảm bất ngờ nửa đầu năm 2016 của phòng vé Trung Quốc là chuyện gì

03/09/2016

Trung Quốc sẽ không sớm soán được vị trí của Bắc Mỹ để trở thành phòng vé lớn nhất thế giới như người ta dự đoán.

Tin tức về thế lực áp đảo thị trường điện ảnh toàn cầu của Trung Quốc sắp tới dường như đã hơi bị cường điệu.

Cặp đôi chính Alexander Skarsgard và Margot Robbie (trái) của The Legend of Tarzan tham dự buổi họp báo ra mắt phim này ở Bắc Kinh

Sau khi phòng vé Trung Quốc tăng trưởng một con số hiện tượng là 49% năm ngoái, giới phân tích đã dự đoán quốc gia này sẽ qua mặt Bắc Mỹ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới khi hết năm 2017. Vệt dự đoán nóng này tiếp tục trong quí 1 năm nay, với việc phòng vé Trung Quốc tăng trưởng 50% so với năm trước. Nhưng quí 2 đưa đến một sự đảo chiều khó chịu, thị trường này teo bớt gần 5%, theo số liệu của Ent Group. Đây là sụt giảm theo quý so với năm trước lần đầu tiên trong nửa thập niên.

Tính chung hai quí, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm 21% sau nửa đầu năm 2016. Bất cứ thị trường điện ảnh nào khác mà ở mức thành tích này thì đã mừng rồi, nhưng với Trung Quốc thì đây là một sự sụt giảm kịch tính. Ước tính tháng 7 cho thấy thị trường này giảm còn sâu hơn, đến 15% trong nửa đầu tháng 7.

Sự suy thoái gần đây lập tức có tác động. Hè này, giới chức Trung Quốc thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là cho phép Hollywood phát hành vào khoảng thời gian vốn được xem là “cấm cửa” từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8. Trong thời gian này, thường dành riêng để đẩy các tựa phim cây nhà lá vườn, Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows của Paramount được ra rạp ngày 2/7, The Legend of Tarzan của Warner Bros. có lịch chiếu ngày 19/7 còn The Secret Life of Pets của Universal chiếm lấy tuần đầu tháng 8.

The Secret Life of Pets ra rạp ở Trung Quốc ngày 2/8

Vậy thì, điều gì khiến các nhà quản lý điện ảnh Trung Quốc chuyển sang trang thái hốt hoảng và các hãng phim Hollywood sẽ liên can thế nào? Như với bất kỳ xu thế vĩ mô nào ở Trung Quốc, điện ảnh là lĩnh vực phức tạp và đầy rẫy giả thuyết. Nhưng dưới đây là năm nhân tố chủ yếu, theo các chuyên gia về công nghiệp điện ảnh Trung Quốc:

1. Một vụ mùa điện ảnh thất bát

Vấn đề hàng đầu, mà nhiều chuyên gia nhất trí, là sự sụt giảm thẳng đứng số lượng phim Trung Quốc thành công. Sau khi thu hoạch những con số ‘khủng’ vào dịp Tết Nguyên đán tháng 2 — The Mermaid của Châu Tinh Trì 528 triệu đôla chỉ riêng trong quí 1 — các phim nội địa kiếm tổng cộng chỉ 374 triệu đôla trong quí 2, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Luôn có một vài ngựa ô thành công bất ngờ trong mùa xuân, vậy mà năm nay không có lấy một phim,” một điều hành hãng phim ở Bắc Kinh nói với The Hollywood Reporter. “Nến xem xét thị trường đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 50% cho phim nội địa và suốt cả quí không phim nào đạt được, thật là tổn thất.”

Cảnh trong phim Cold War

Vệt thất bại tiếp tục tiến vào hè. Năm ngoái, Monster Hunt của Hứa Thành Nghị mở màn ngày 16/7 và kiếm được tổng cộng 385,2 triệu đôla gây choáng. Đến nay, phim ra mắt trong tháng 7 thành công nhất, Cold War 2, thu được 88,7 triệu đôla và không có thành công nào ở mức Monster xuất hiện ở đường chân trời (Skiptrace của Thành Long, mở màn ngày 21/7, là hy vọng lớn nhất của hè này, với những bàn tán tích cực xuất hiện từ các suất chiếu sớm).

Các tựa phim Hollywood đã làm ăn tốt hơn hơn trong mùa hè — Warcraft của Legendary Entertainment thu 220 triệu đôla, Captain America: Civil War 190,4 triệu và The Jungle Book 150,1 triệu — nhưng tăng trưởng chung là kém so với năm ngoái (và hầu hết giới quan sát Trung Quốc đều dự đoán những con số lớn hơn cho ba phim này). Phim Hollywood thu tổng cộng 1,1 tỉ đôla từ tháng 4 đến tháng 6, giảm 2% so với năm trước. Các thành công ‘khủng’ năm 2015 lớn hơn rõ rệt: Furious 7 kiếm được 390,9 triệu đôla, Avengers: Age of Ultron thu 240,1 triệu và Jurassic World 228,7 triệu.

"Luôn là vấn đề về xuất phẩm," Rong Chen, chủ tịch Perfect World Pictures, nói. "Và tôi cho rằng nói công bằng thì cả xuất phẩm Trung Quốc lẫn Mỹ năm nay đều không mạnh."

2. Cơ cấu dân số đang thay đổi

Một nhân tố khác bắt đầu giới hạn sự tăng trưởng của Hollywood ở Trung Quốc là cơ cấu dân số của quốc gia này đang thay đổi. Giờ đây những trung tâm siêu đô thị và đô thị lớn nhất Trung Quốc đã đầy rạp chiếu, việc xây dựng rạp chiếu mới được đẩy ra các tỉnh nhiều hơn bao giờ hết.

“Khi nhiều rạp chiếu được xây dựng ở các đô thị cấp ba thậm chí cấp bốn, khán giả muốn phim nội địa nhiều hơn,” một nhà đầu tư truyền thông ở Bắc Kinh nói với The Hollywood Reporter. “Người dân ở những khu vực này không lớn lên với siêu anh hùng hay các phim phương Tây, thế nên phim Hollywood là rất xa lạ với một người bình thường.”

Một điều hành hãng phim ở Bắc Kinh nhất trí: “Bất luận người ở những thành phố xa xôi đó có hiểu biết để thực sự thích phim phương Tây hay không là một thách thức thú vị trong việc tiến lên. Bạn không thể cứ trương poster phim Hollywood lên rồi hy vọng chừng hai ba năm nữa khán giả mới sẽ thích."

3. Vé xem phim đắt đỏ hơn

Ước tính ở Trung Quốc 70% vé xem phim được bán trực tuyến, so với khoảng 20% ở Mỹ. Cả năm 2015, Trung Quốc khởi động dịch vụ bán vé — được những ông lớn công nghệ của nước này (Alibaba, Baidu and Tencent) đầu tư bạo — mời chào giảm giá mạnh trong lúc họ đấu nhau giành thị phần. Các nhà phát hành Trung Quốc thường dựa vào bù lỗ để giảm giá vé càng thấp hơn, chẳng hạn một vé xem phim bom tấn Trung Quốc có thể rẻ đến mức chỉ 1-2 đôla (giá vé phim 3D trong mùa hè và Tết Nguyên đán có thể lên đến 7,5 đôla ở Trung Quốc, nâng giá vé bình quân cả năm tăng lên).

"Năm nay, thị trường trở nên ổn định đối với các hạ tầng bán vé trực tuyến, nên họ ít có ưu đãi giảm giá," Ước Hữu, CEO của Leomus Pictures (hiện đang triển khai một phim ăn theo Now You See Me phiên bản Trung Quốc với Lionsgate), nói.

Poster tiếng Trung của Warcraft

Giá vé xem phim bình quân quí 1 năm 2015 là 2,54 đôla (17 nhân dân tệ), theo Ent Group. Năm nay, giá vé nhảy lên 3,35 đôla trong quí 1.

"Khán giả mới ở những thành phố nhỏ hơn hết sức nhạy cảm về giá," Ước Hữu giải thích. "Không có giảm giá, có những người trong số họ sẽ không đi xem — hoặc không thể đi xem thường xuyên."

4. Thu hồi vốn từ xây rạp giảm

Một số nhà phân tích tin rằng xây rạp đã trở nên kém ra tiền với tư cách là một động lực thúc đẩy doanh thu phòng vé cho toàn ngành kinh doanh phim ảnh Trung Quốc.

Đầu năm nay, Fanink, hãng tư vấn nghiên cứu thị trường chuyên về công nghiệp điện ảnh đóng ở Bắc Kinh, đối tác với Khoa kinh tế của Đại học Phúc Đán Thượng Hải làm một báo cáo điều tra về tiềm năng tăng trưởng tiếp tục của thị trường rạp chiếu Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đã phân tích cơ sở hạ tầng hiện có, xu hướng phòng vé và tốc độ đô thị hóa và dịch chuyển dân số hiện tại nhằm xác định chính xác tăng trưởng phòng vé sẽ tiếp tục ở mức nào để thúc đẩy việc xây dựng rạp chiếu.

Một rạp chiếu màn hình cực đại ở Trung Quốc.

"Nếu chúng ta giả định đô thị hóa sẽ tiếp tục ở tốc độ như hiện nay, và tất cả những nhân tố khác đều không thay đổi, thì dù chúng ta xây rạp chiếu phim ở tất cả những nơi còn chưa có, sự tăng trưởng mà việc này mang lại cho doanh thu phòng vé từ 2015 đến 2020 sẽ chỉ khoảng 26%," tiến sĩ James Li, một trong những đối tác sáng lập Fanink, nói. "Tóm lại, kết luận là sự tăng trưởng chỉ từ việc xây rạp đã chạm trần rồi."

Hồi tháng 4, Fanink tiến hành khảo sát toàn quốc qua điện thoại để nắm bắt thói quen xem phim ở Trung Quốc hiện tại. Công ty phát hiện ra 30% dân số ở độ tuổi 13-59 ở đô thị — nơi rạp chiếu đã thừa thãi — mỗi năm xem một phim ở rạp, so với 76% của người Mỹ.

“Có cơ hội lớn — và thách thức lớn — để phát triển thị trường chỉ bằng việc khiến nhiều người trở thành khán giả xem phim thường xuyên hơn,” Li bổ sung.

Song hành với việc xây rạp, việc nuôi dưỡng văn hóa xem phim hiện đại — quan trọng nhất, là hiện tượng "phim sự kiện" — đóng một vai trò quan trọng trong sự bùng nổ phòng vé Trung Quốc một thập niên qua. Li nói rằng thực hiện những tập quán như thế sẽ ngày càng là sống còn cho sự tăng trưởng khi việc xây rạp giảm lại.

"Nếu thị trường Trung Quốc muốn giữ được tốc độ tăng trưởng này, chắc chắn phải có những động cơ tăng trưởng mới," Jeffrey Chan, giám đốc tác nghiệp của Tập đoàn điện ảnh Bona, nói. "Những động cơ hiện tại đã hết lực."

Quang cảnh ở một phòng vé Trung Quốc

Một trong những lĩnh vực nhu cầu trước mắt: phát triển các phim chuỗi Hoa ngữ và tài sản trí tuệ giao thoa hạ tầng, đa dạng thể loại hơn nữa trong điện ảnh Trung Quốc và khung thời gian phát hành dài hơn (hiện tại, một phim Trung Quốc chỉ mất chừng một tháng là có trên các hạ tầng xem phim trực tuyến; khoảng một phần ba những phim Hollywood chiếu ở Trung Quốc cũng mất từng ấy thời gian).

Li nói thêm, "Bước kế tiếp là Trung Quốc xây dựng hoạt động kinh doanh chín muồi hơn tập trung vào phát triển và triển khai những nội dung hay hơn — chứ không chỉ có phần cứng."

5. Lĩnh vực giải trí hết còn kháng suy thoái?

Nhân tố tế nhị mà bao trùm nhất góp phần trong sự sụt giảm này là dự báo kinh tế Trung Quốc bất ổn ngày càng tăng.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm còn 6,9% năm 2015 — tốc độ tăng trưởng ít nhất trong vòng 25 năm (và nhiều nhà kinh tế tin rằng con số thực còn thấp hơn nữa). Có lẽ toàn cảnh kinh tế Trung Quốc tác động lên phòng vé chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khán giả ở các đô thị loại nhỏ của Trung Quốc rất nhạy cảm với giá vé, họ không thể đi xem phim thường xuyên nếu không có giảm giá

“Tại sao ta lại giả định một ngành nào đó vẫn cứ tăng trưởng đáng kể và tiếp tục tăng trưởng khi toàn nền kinh tế ở nước này và trên thế giới đi xuống? Điều chỉnh đôi chút là chuyện tự nhiên," Jeffrey Chan của Tập đoàn điện ảnh Bona nói.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter