Bình luận phim

Aftershock - Đường Sơn đại địa chấn

18/01/2011

Đường Sơn đại địa chấn đã trở thành quán quân phòng vé mọi thời đại của Trung Quốc chỉ 18 ngày sau khi phát hành, khẳng định vị trí của Phùng Tiểu Cương với tư cách nhà làm phim thương mại hàng đầu đất nước, không chỉ lão luyện trong việc thực hiện những bộ phim hài thành công mà cũng tự tin không kém với những bộ phim bi tráng trải rộng lấy đề tài từ thảm họa.

Bộ phim làm theo định hướng Titanic của Phùng Tiểu Cương được trình chiếu tại Toronto trên một màn hình thông thường, điều này rất có khả năng đã không thể hiện được sự đánh giá đúng đắn dành cho những cảnh mở màn dài 20 phút tái hiện lại trận động đất thảm hoạ năm 1976 tại Đường Sơn - trận động đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 240.000 dân cư thành phố này (trong một số bài báo con số còn cao hơn rất nhiều) - ban đầu được quay và trình chiếu ở quê nhà tại các rạp của IMAX.

 

Đường Sơn đại địa chấn phá vỡ kỷ lục phòng vé mọi thời đại của Trung Quốc

 

Ca ngợi những giá trị gia đình truyền thống và sử dụng nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của Trung Quốc làm bối cảnh, với một kịch bản trải dài, bao trùm không dưới 32 năm và vẫn cần thêm một trận động đất nghiêm trọng khác vào năm 2008 trước khi đạt tới kết thúc có hậu, không thể có khả năng bộ phim sẽ chiếm được cảm tình một cách tự nhiên, không chỉ của khán giả nội địa mà còn cả cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới.

Phương Cường (Trương Quốc Cường) là một tài xế xe tải hạnh phúc với một người vợ đằm thắm và hai đứa con sinh đôi đáng yêu, một cậu bé và một cô bé, cho tới cái đêm định mệnh khi hai vợ chồng anh cùng đi dạo và cuối cùng hai người đã quan hệ ở băng ghế sau xe tải của Phương Cường trong khi những đứa trẻ được để lại ngủ trong căn hộ.

Đột ngột, cả thành phố bùng cháy và tan thành đống đổ nát trong một phân cảnh sử dụng đồ họa vi tính ngoạn mục, tuy không sánh được với những hiệu ứng Hollywood tiên tiến nhất, nhưng vẫn đủ để khán giả run rẩy sợ hãi. Khi mặt đất bình yên trở lại, người cha đã nằm chết, hai đứa trẻ bị đè dưới một tấm xi măng và người mẹ tuyệt vọng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan như trong phim Sophie’s Choice . Một trong hai đứa trẻ sinh đôi có thể được cứu và điều đó tùy thuộc vào quyết định của cô. Cuối cùng cô thốt ra tiếng thầm thì “thằng bé”, đành bỏ mặc cô bé cho cái chết và từ thời điểm đó tình tiết câu chuyện bị chia tách làm đôi.

Một mặt, người mẹ luôn bị dày vò về điều khủng khiếp cô đã phải làm, đã dành cả phần đời của mình cho cậu con trai Phương Đạt, cậu bé đã mất một cánh tay trong trận động đất và lớn lên trở thành một thanh niên hiếu động, độc lập nhưng không thật siêng năng.

Mặt khác, cô bé Phương Đăng thức dậy bên cạnh thi thể của người cha, thoát khỏi nơi đó mà không bị thương một cách kỳ diệu, không hề có chút ký ức trực tiếp nào (hoặc là do cô bé cho là như thế, mặc dù sự lựa chọn của người mẹ vẫn sẽ mãi mãi vang vọng bên tai cô), hầu như câm lặng và cuối cùng đuợc một cặp vợ chồng nhận nuôi (Trần Đạo Minh và Trần Cấn). Họ đã chứng tỏ mình là những bậc cha mẹ nuôi rất tận tâm bất chấp những phản ứng gần như là tự kỷ ban đầu của cô bé.

Khi diễn biến câu chuyện chuyển tiếp một cách trôi chảy qua các năm, đầu tiên là 1986, rồi tới 1995 và cuối cùng tới trận động đất năm 2008, Phương Đạt (giờ là do Lý Thần diễn) trở thành một nhân viên đại lý du lịch thành đạt, đi xe BMW, lập gia đình, có một cậu con trai mà anh tin tưởng giao cho mẹ mình chăm sóc bất chấp sự phản đối đầy nước mắt của người vợ. Trong khi đó Phương Đăng (Trương Tịnh Sơ), ưu tú trong học tập, cô học ngành dược, có thai, từ chối việc bỏ đi đứa con rồi trở thành một người mẹ độc thân và dạy tiếng Anh, cuối cùng cô kết hôn với một người Canada và chuyển tới Vancouver.

 

Từ Phàm trong vai người mẹ đau khổ mất chồng và con sau trận động đất ở Đường Sơn

 

Lý Nguyên Ni, với nỗi sợ rằng linh hồn của những người thân đã mất sẽ không thể tìm thấy bà khi họ trở lại, đã từ chối rời khỏi nơi ở khiêm tốn của mình, bà trở thành một người thợ may mãi mãi bị ám ảnh bởi những ký ức đau thương đã từng phải trải qua. Cuối cùng được đoàn tụ nhờ vào một phép màu khác trong đống đổ nát của một trận động đất khác, họ ngã vào vòng tay nhau, rơi những giọt nước mắt vừa hạnh phúc vừa tiếc nuối.

Được quay bởi một trong những nhà quay phim điện ảnh xuất sắc nhất Trung Quốc, Lữ Lạc (với các phim Xích Bích , Ông trùm Thượng Hải ), những hình ảnh trong bộ phim này cũng không hề kém phần ngoạn mục. Không cần phải nói, phần hình ảnh đã được đầu tư rất nhiều – từ những cảnh chỉ hơn một phút cho tới những cảnh quay quy mô lớn và các chứng chỉ kỹ thuật khác đều rất hoàn hảo.

Phùng Tiểu Cương đã khôn ngoan tránh xa khỏi mọi vấn đề gây tranh cãi, truyền đạt những giá trị vững chắc mà không ai dám phê phán và chuyển đổi một cách trôi chảy từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, dẫn dắt một dàn diễn viên đầy tận tụy, thật lòng, đã không được khai thác tối đa trong vai diễn của họ. Tuy nhiên vẫn đáng kể riêng ra ở đây diễn xuất cứng cỏi của Trương Tịnh Sơ trong vai một người phụ nữ trẻ không để niềm tin của bản thân bị lung lay; Trần Đạo minh trong vai người cha nuôi đầy tình thương và lo âu cùng với Từ Phàm (vợ của đạo diễn) trong vai diễn chính một người mẹ mà cả cuộc đời là sự sám hối về cái khoảnh khắc định mệnh khi cô đã hy sinh một đứa con của mình để cứu lấy mạng sống đứa kia.

Đạo diễn: Phùng Tiểu Cương
Nước sản xuất: Trung Quốc 2010
Thời lượng: 128 phút
Công ty sản xuất: Tập đoàn giải trí Hoa Nghị huynh đệ
Chỉ đạo sản xuất: Vương Trung Lỗi, Trần Quốc Phú
Nhà sản xuất: Vương Trung Quân, Gio Yanhong, Hàn Tam Bình
Phân phối quốc tế: Hoa Nghị huynh đệ
Biên kịch: Tô Tiểu Vệ
Quay phim: Lữ Lạc
Thiết kế sản xuất: Hoắc Đình Tiêu
Biên tập: Tiểu Dương
Âm nhạc: Vương Lê Quang
Dàn diễn viên chính: Từ Phàm, Trương Tịnh Sơ, Lý Thần, Trần Đạo Minh, Trần Cấn, Trương Quốc Cường

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily