Bình luận phim

Beauty Water miêu tả nỗi kinh hoàng của việc theo đuổi các tiêu chuẩn sắc đẹp trong xã hội Hàn Quốc

14/07/2020

Ra mắt tại Annecy 2020, bộ phim hoạt hình Hàn Quốc Beauty Water cung cấp một cái nhìn đen tối về việc sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi vị thế kinh tế xã hội.

Beauty Water cung cấp một miêu tả cực đoan về tác động của sự thay đổi mạnh mẽ vẻ ngoài

Đừng nhầm lẫn với một sản phẩm chăm sóc da cùng tên, Beauty Water là một phim hoạt hình ly kỳ-kinh dị phân tích vòng xoáy ốc đi xuống của một cô gái khi cô cố gắng trông xinh đẹp hơn để cải thiện vị trí kinh tế xã hội.

Phim ra mắt trong hạng mục Contrechamp của Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy năm 2020, chuyển thể một truyện ngắn từ tuyển tập webtoon nổi tiếng của Hàn Quốc Tales of the Unusual. Trong phim, nước làm đẹp là một giải pháp mỹ phẩm thần kỳ cho phép bất cứ ai cũng có thể trau chuốt và nhào nặn cho cơ thể mình trông hấp dẫn như họ muốn.

Yaeji, nhân vật chính, hết sức nỗ lực để trông xinh đẹp — và mở khóa tất cả những ham muốn mà cô không thể thực hiện được khi cô nặng cân hơn. Thật không may, hành động của cô có hậu quả đáng sợ.

Yaeji, nhân vật chính, hết sức nỗ lực để trông xinh đẹp

Beauty Water cung cấp một miêu tả cực đoan về tác động của sự thay đổi mạnh mẽ vẻ ngoài. Tuy nhiên, phim cũng giúp khán giả đồng cảm với những động cơ ban đầu của nhân vật chính trong việc sử dụng nước làm đẹp. Bộ phim truyền tải một thông điệp rùng mình: trong khi các giải pháp thẩm mỹ — có thể là nước làm đẹp hư cấu này hoặc phẫu thuật thẩm mỹ trong thế giới thực — có thể mang lại lợi ích thiết thực, có thể sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp về mặt tinh thần và xã hội cho những người tinh thần bất ổn hoặc không chuẩn bị đầy đủ.

Niềm tin và xu hướng của phẫu thuật thẩm mỹ

Người trẻ Hàn Quốc xem phẫu thuật thẩm mỹ là một phương tiện để đạt được thành công xã hội và nghề nghiệp. Một nghiên cứu xã hội học của Hàn Quốc cho thấy mức độ oe-mo-ji-sang-ju-ui — tạm dịch là phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình — ở mức cao. Xã hội Hàn Quốc thường gắn những người kém hấp dẫn với lười biếng, không đủ năng lực và những định kiến tiêu cực khác bất lợi cho tuyển dụng. Do đó, nhiều đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc không hài lòng với vẻ ngoài của họ tin rằng thay đổi ngoại hình sẽ dẫn đến thăng tiến trong sự nghiệp.

Trong phim, nước làm đẹp là một giải pháp mỹ phẩm thần kỳ cho phép bất cứ ai cũng có thể trau chuốt và nhào nặn cho cơ thể mình trông hấp dẫn như họ muốn

Tuy hiện tượng này không nhất thiết áp dụng cho tất cả mọi người, ngành giải trí Hàn Quốc thường phản ánh nó bằng cách sử dụng những câu chuyện về biến đổi sắc đẹp. Trong bộ phim Hàn nổi tiếng 200 Pound Beauty, nhân vật chính là một ca sĩ tài năng không đạt được sự nổi tiếng cho đến khi cô giảm cân đáng kể và trở nên xinh đẹp. Như clip phổ biến nhất liên quan đến 200 Pound Beauty trên YouTube, trong xã hội “chính thống” Hàn Quốc, “người ta đối xử khác với bạn khi bạn nóng bỏng.”

Beauty Water phản ánh chính xác thực tế kinh tế xã hội khắc nghiệt này thông qua câu chuyện chuyển biến nhan sắc riêng của nó. Vì trước kia có vóc dáng nặng nề, Yaeji bị chế giễu là “lười biếng” và không nỗ lực giảm cân. Sau khi sử dụng nước làm đẹp, Yaeji có được sự tự tin và sự nghiệp người mẫu ngon lành. Cô cho rằng ngoại hình quá khứ khiến cô mất đi biết bao cơ hội, và cảm thấy chán ghét con người cũ của mình.

Giải phẫu thẩm mỹ và sức khỏe tâm thần.

Yaeji đã cho thấy cô có triệu chứng Rối loạn ghét cơ thể (BDD)

Sử dụng các kỹ thuật của thể loại kinh dị, Beauty Water cũng cho thấy mức độ phổ biến của giải pháp thẩm mỹ có thể tạo ra tác động tiêu cực lên sức khỏe tâm thần. Ở đây một lần nữa, hoạt hình rút ra từ một khía cạnh của thực tế.

Tại Seoul, gần một triệu thủ tục phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra mỗi năm. Có ít nhất 500 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chỉ riêng ở quận Gangnam, và quảng cáo cho các phòng khám này tràn lan ở các khu vực sầm uất. Trên thực tế, Metro Seoul tuyên bố sẽ giảm quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu từ năm 2020, sau khi nhiều người đi tàu điện ngầm bày tỏ sự khó chịu khi nhìn thấy quá nhiều quảng cáo về liệu pháp thẩm mỹ.

Sự kết hợp của các quảng cáo nhan nhản, mạng xã hội, và thậm chí Kpop có thể là một ảnh hưởng tiềm thức gây sức ép cho các cá nhân nghĩ đến phẫu thuật thẩm mỹ như một phương thuốc phổ quát cần thiết. Phụ nữ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng; tỷ lệ phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 đã phẫu thuật thẩm mỹ tăng từ 5% năm 1994 lên 31% vào năm 2015.

Tuy Yaeji có được cơ hội nghề nghiệp mới bằng cách sử dụng nước làm đẹp, sự tuyệt vọng thay đổi hình ảnh của cô vẫn như cũ

Mặc dù phẫu thuật thẩm mỹ có thể mang lại những cải thiện tích cực cho nhiều người khỏe mạnh, nó cũng có thể làm sức khỏe tâm thần xấu đi đối với những người sử dụng nó làm cơ chế đối phó không lành mạnh. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy 7 đến 12 phần trăm bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ có một số dạng Rối loạn ghét cơ thể (BDD). Phần lớn bệnh nhân bị BDD phẫu thuật thẩm mỹ không cải thiện các triệu chứng BDD của họ. Thay vì vậy, những triệu chứng đó trở nên tồi tệ hơn khi họ tìm kiếm nhiều phương thức trên cùng một đặc điểm cơ thể.

Đầu phim Beauty Water, Yaeji đã cho thấy cô có triệu chứng BDD: ngụy trang quá mức. Cô mặc quần áo rộng thùng thình và nặng nề để che giấu cân nặng của mình, và dành toàn bộ thời gian nhốt mình trong phòng để tránh các hoạt động công cộng vì xấu hổ và ngượng với ngoại hình của mình.

Yaeji không ngừng viện tới nước làm đẹp để chỉnh sửa cơ thể

Tuy Yaeji có được cơ hội nghề nghiệp mới bằng cách sử dụng nước làm đẹp, sự tuyệt vọng thay đổi hình ảnh của cô vẫn như cũ. Bộ phim miêu tả chiều sâu của sự tuyệt vọng này bằng hoạt hình phong cách kinh dị cho thấy da thịt cắt ra từ cơ thể Yaeji, và các đường nét được đúc như đất sét thành hình dạng mong muốn. Giống như cách những người thực sống với BDD thay đổi một cách ám ảnh một bộ phận cơ thể không thích, Yaeji không ngừng viện tới nước làm đẹp để chỉnh sửa cơ thể — cho đến khi cô lạm dụng sản phẩm đó và không còn nhận ra cơ thể cô.

Mặc dù có thể dễ dàng diễn giải Beauty Water là sự lên án phẫu thuật thẩm mỹ nói chung, nhưng không nhất thiết là vậy. Bộ phim thừa nhận rằng phẫu thuật thẩm mỹ có tạo ra lợi ích trong một xã hội gắn cái đẹp với vị thế kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nó cũng đưa ra một câu chuyện cảnh báo rằng phẫu thuật thẩm mỹ không phải là phương pháp chữa bá bệnh. Trong Beauty Water, Yaeji chịu đựng không phải vì cô trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, mà vì cô nghĩ những thay đổi đó sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của cô.

Bộ phim miêu tả chiều sâu của sự tuyệt vọng này bằng hoạt hình phong cách kinh dị cho thấy da thịt cắt ra từ cơ thể Yaeji

Cuối cùng, bộ phim sử dụng thủ pháp kinh dị để truyền tải một cách hiệu quả một thông điệp hy vọng sẽ cộng hưởng với những người xem phẫu thuật thẩm mỹ là giải pháp duy nhất: thay đổi ngoại hình của bạn không nhất thiết thay đổi con người bên trong bạn.

Beauty Water, đạo diễn Cho Kyung Hun. Thời lượng 85 phút. Phát hành lần đầu 15/6/2020.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Escapist