Một bộ phim hài lãng mạn có tính giải trí nhưng kém sâu sắc từ đạo diễn
Đỗ Kỳ Phong không thực sự lôi cuốn được cảm xúc. Vượt ra khỏi châu Á và
các thể loại, dựa trên danh tiếng của Đỗ Kỳ Phong.
Bối cảnh Hồng Kông mùa thu năm 2008, ngay trước cuộc khủng hoảng tài
chính quốc tế. Trên một chuyến xe bus tới sở làm, chuyên gia phân tích
của ngân hàng đầu tư Trình Chi Ân (Cao Viên Viên) tình cờ đụng phải
người bạn trai cũ Owen (Doãn Tử Duy), người cô đã cùng chung sống trong
bảy năm và đã từ Trung Quốc tới Hồng Kông. Owen đang đi cùng với người
vợ bụng mang dạ chửa của anh ta (Lý Thi Vận), cô này trở nên kích động
và bắt Chi Ân phải xuống xe bus. Lái xe bên cạnh, Giám đốc điều hành
(CEO) của ngân hàng đầu tư Trương Thân Nhiên (Cổ Thiên Lạc) đã chứng
kiến toàn bộ cảnh tượng đó, cũng như cảnh sau đó Chi Ân được tay nghiện
rượu nhếch nhác Phương Khải Hoành (Ngô Ngạn Tổ) cứu khỏi bị xe đụng phải
trên đường. Văn phòng của Thân Nhiên đối diện với văn phòng của Chi Ân
và hai bên đã bắt đầu một tình bạn từ xa thông qua việc ra dấu cho nhau
qua cửa sổ. Bên cạnh đó, sau đó Chi Ân lại tình cờ gặp lại Khải Hoành,
người hóa ra là một kỹ sư hàng đầu đang trong giai đoạn trượt dốc và hai
người cũng trở thành bạn. Cô hối thúc anh phải cai rượu và quay trở lại
làm việc và họ đồng ý sẽ gặp nhau trong một tuần sau đó. Chi Ân quên
mất cuộc hẹn khi Thân Nhiên mời cô đi uống cùng buổi tối hôm đó nhưng
cũng lại phải chịu cảnh leo cây khi anh ta tùy tiện lên giường với một
cô gái phương Tây Angelina (Larysa Bakurova) người làm việc ở văn phòng
phía trên Chi Ân. Ngày hôm sau, Chi Ân đã trách mắng anh và tối hôm đó
tin tức về việc Lehman Bros. nộp đơn xin phá sản đã phá hủy công việc
kinh doanh của Thân Nhiên. Ba năm sau, Thân Nhiên đột ngột xuất hiện trở
lại trong cuộc đời cô với vai trò vị CEO châu Á Thái Bình Dương của
ngân hàng nơi cô làm việc. Anh bắt đầu công cuộc tán tỉnh để giành lại
cô nhưng cô đã từ chối lời cầu hôn khi anh không thể hứa sẽ luôn chung
thủy. Khi một Phương Khải Hoành tu tỉnh và thành đạt lại xuất hiện trong
cuộc đời của Chi Ân, anh nhận ra rằng mình có một đối thủ nặng ký.
Áp phích phim Don’t Go Breaking My Heart
Sau gần hai năm chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, Đỗ Kỳ Phong đã quay trở lại vị trí đạo diễn với Don’t Go Breaking My Heart bộ phim đầu tiên của ông kể từ bộ phim xã hội đen Vengeance (Phục thù, 2009) và bộ phim hài lãng mạn đầu tiên kể từ Yesterday Once More (Long phượng đấu,
2004). Bất chấp việc chỉ đạo trôi chảy khiến bộ phim không gây cảm giác
khó chịu khi xem và diễn xuất duyên dáng của nữ diễn viên đại lục Cao
Viên Viên – trong vai một người phụ nữ không thể chọn lựa giữa một tên
cáo già quyến rũ (Cổ Thiên Lạc) và một chàng cừu non tốt bụng (Ngô Ngạn
Tổ) – ít nhất bộ phim cũng thua kém những tác phẩm hài lãng mạn xuất
sắc nhất của Đỗ Kỳ Phong, với việc không có những đợt sóng cảm xúc của Yesterday (với sự ăn ý tuyệt vời của Lưu Đức Hoa và Trịnh Tú Văn) hay những bước ngoặt thông minh của bộ phim bối cảnh Đài Loan Turn Left Turn Right (Rẽ trái, rẽ phải, 2003).
Là
một trong những tác phẩm hợp tác giữa Đỗ Kỳ Phong với người đồng nghiệp
trong Milkyway Image (Ngân Hà Ánh Tượng) của ông, Vi Gia Huy, bộ phim
được trang bị một ý tưởng dễ thu hút rất đặc trưng của Vi Gia Huy: ba
nhân vật ra dấu cho nhau thông qua cửa sổ văn phòng với những ký hiệu
tình yêu và những lời nhắn viết tay, một việc (cùng với máy di dộng
trang bị camera) thường truyền tải nhiều cảm xúc hơn là khi các nhân vật
trung tâm gặp mặt trực tiếp. (Về khía cạnh này, bộ phim có vẻ như đã
trở thành bản phim dài hơi phát triển từ phim ngắn Signs của
đạo diễn Úc Patrick Hughes, bộ phim từng vô cùng trên mạng Internet năm
2008). Kịch bản do Vi Gia Huy và ba cộng sự khác sáng tác, ít nhất cũng
tạo ra được một sự biến đổi hài hước thông minh, khi những ký hiệu của
Cổ Thiên Lạc cũng bị một cô gái khác trong cùng tòa nhà với Cao Viên
Viên đọc được; nhưng ý tưởng này không được tiếp tục theo bất cứ cách
thức có ý nghĩa nào của một bộ phim hài lãng mạn, và về cơ bản bộ phim
trở thành một phim kết lửng khi nhân vật của Cao Viên Viên không thể
quyết định giữa hai người đàn ông trong cuộc đời cô. Trong nửa sau bộ
phim có sự chuyển đổi qua lại giữa Hồng Kông và quê nhà của Cao Viên
Viên ở Tô Châu, Trung Quốc, như thể hai địa điểm này ở sát cạnh nhau –
ép yếu tố đại lục vào trong phim vì mục đích doanh thu phòng vé chứ
chẳng phải vì cái gì khác.
Cao Viên Viên và Ngô Ngạn Tổ trong phim
Mặc dù nổi tiếng hơn với những vai nghiêm túc (trong Shanghai Dreams – Thanh Hồng và Driveless – Vô nhân giá sử),
nhưng chắc chắn Cao Viên Viên có thể đóng được những bộ phim lãng mạn
nhẹ nhàng hơn, như thể cô từng thể hiện một cách đáng nhớ trong bộ phim A Good Rain Knows của đạo diễn Hur Jin-ho, và trong Heart
lối diễn xuất kiểu đại lục rất khác biệt của cô sánh ngang ngửa theo
một cách mới mẻ với diễn xuất trơn tru theo kiểu Hồng Kông điển hình của
Cổ Thiên Lạc và Ngô Ngạn Tổ. Vấn đề căn bản với bộ phim là ngay cả ở
trình độ của một phim hài lãng mạn, bộ phim vẫn hời hợt một cách nghiêm
trọng: khán giả quan sát thấy sự do dự về tình cảm của cô nhưng không có
cảm xúc gì đối với cô (không nói tới hai chàng trai), và điều này đã
giảm đi sức mạnh của cả chuyện tình tay ba lẫn cái kết lửng. Khi cô thực
sự đưa ra lựa chọn, kẻ thua cuộc chỉ đơn giản nhún vai và vẫy tay chào
tạm biệt – khá giống với thái độ của khán giả.
Diễn xuất của các
nhân vật phụ khá ổn – chỉ trừ cách hóa thân kỳ cục nhân vật người bà
của Cao Viên Viên do Liu Yihong đóng và vai diễn kích động của Lâm
Tuyết, nam diễn viên thường xuất hiện trong phim của Đỗ Kỳ Phong – nhưng
bộ phim nhất thiết phải là một câu chuyện tay ba và không có nhân vật
phụ nào được phát triển. Nói theo kiểu chuyên môn thì diễn biến của bộ
phim trôi chảy hơn là lôi cuốn và một số khoảnh khắc ấn tượng nhất lại
là những phân cảnh không lời khi hình ảnh và âm thanh diễn đạt câu
chuyện. Nhưng có một cảm giác dai dẳng rằng đạo diễn Đỗ đã lướt qua các
chuyển động hơn là đầu tư vào bất kỳ cảm xúc thực sự nào trong bộ phim
này.
Tiêu đề tiếng Hoa nguyên gốc của bộ phim có nghĩa là Nam nữ độc thân.
Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia