Bình luận phim

Monster: Quỷ dữ có trong tất cả chúng ta từ sự hiểu lầm lẫn nhau

22/07/2023

Những người hâm mộ đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda đều biết các tác phẩm của ông thường tập trung vào chủ đề gia đình. Năm này qua năm khác, bậc thầy điện ảnh Nhật Bản đã tạo ra những câu chuyện nhân văn và thường đau lòng khám phá sự phức tạp và ý nghĩa của gia đình.

Tác phẩm mới nhất của Korea-eda Monster tiếp tục làm được điều đó — nhưng cũng mang đến một cuộc khám phá tuổi mới lớn về sự mong manh của con người và hỗn loạn của tuổi trẻ.

Hai mẹ con Saori (Sakura Ando, phải) và Minato (Soya Kurokawa)

Monster bắt đầu với cảnh một tòa nhà bốc cháy ngùn ngụt, trong khi hai mẹ con Saori (Sakura Ando) và Minato (Soya Kurokawa) đứng nhìn từ xa. Sau vụ việc, Minato bắt đầu cư xử kỳ lạ — đột ngột cắt tóc, đi học về chỉ còn một chiếc giày và mang theo chai nước chứa đầy miểng thủy tinh. Minato nói với mẹ rằng tại vì ông thầy Hori (Eita Nagayama) mà nó có những hành động bất thường này. Đây là lúc tựa phim phát huy tác dụng: ông thầy Hori có phải là quái vật đang giật dây Minato, hay còn quái vật nào khác hoành hành?

Trả lời cho câu hỏi đó không đơn giản. Thực tế, Kore-eda đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Nhưng đó cũng là do ông xuất sắc trong trình bày cho thấy, chứ không kể cho nghe. Monster mở ra theo ác mộng kiểu Kafka, với sự bí ẩn và rùng rợn gần như lạnh sống lưng. Có một cảnh Saori tìm thấy Minato trong một đường hầm bỏ hoang vào đêm khuya, người đầy bùn đất. Hành vi kỳ lạ như vậy lan tới cả những người trưởng thành trong phim khi hiệu trưởng của Minato (Akihiro Tsunoda) chỉ đọc một lời xin lỗi “theo kịch bản” với Saori mà không làm được bất cứ gì có vẻ giống con người. Kore-eda tạo ra bầu không khí kỳ diệu, gần giống như giấc mơ, với một con quái vật hiện ra lờ mờ giữa chúng ta — hay đúng hơn, bên trong chúng ta.

Ông thầy Hori (Eita Nagayama) có phải là quái vật đang giật dây Minato, hay còn quái vật nào khác hoành hành?

Lựa chọn cách kể chuyện khó khăn

Sẽ có người có thể cảm thấy Monster rắc rối phức tạp giống kiểu Broker đầy tham vọng năm 2022 của Kore-eda. Cách kể chuyện lặp đi lặp lại có thể trở nên mệt mỏi, đặc biệt là khi các nhân vật liên tục hiểu sai về nhau. Ngay khi bạn bắt đầu tiếp thu được phần thứ hai của câu chuyện, phần thứ ba mở ra, khiến bạn băn khoăn không biết có phần thứ tư hay thứ năm không. Cấu trúc biến đổi hình dạng quay cuồng trong tâm trí chúng ta, và Kore-eda không phải là đạo diễn cung cấp câu trả lời tử tế — ông thường để cho người xem tự đi mà tìm.

Mặc dù cách kể chuyện lặp đi lặp lại, phi tuyến tính có những nhược điểm, nhưng trong Monster thì cần thiết để cho thấy do định kiến, giá trị và sự ích kỷ chúng ta có thể dễ dàng hiểu sai hoặc bỏ qua điều quan trọng như thế nào. Kore-eda rất giỏi che giấu thông tin, nhấm nhá và để khán giả đoán xem chuyện gì đang diễn ra. Ví dụ, Kore-eda trở lại cảnh tòa nhà đang cháy đầu phim những ba lần, đưa ra ba góc nhìn khác nhau về chuyện gì có thể đã xảy ra. Cung cách này lặp lại trong các cảnh khác, tích lũy căng thẳng để tạo ra một bước ngoặt hấp dẫn ở cuối phim.

Monster sẽ tập trung vào nạn bắt nạt học đường và nỗi đau của việc làm mẹ đơn thân, rồi chuyển sang một hướng khác và khám phá sự mong manh của tuổi trẻ

Đáng chú ý là bộ phim cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ Maborosi năm 1995, Kore-eda không tự mình viết kịch bản. Nhà biên kịch truyền hình nổi tiếng Yuji Sakamoto đã quán xuyến Monster, thắng giải Kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 năm 2023. Rõ ràng ban giám khảo đã đồng ý rằng cấu trúc ba phần phức tạp của bộ phim làm phong phú thêm cho thế giới và các nhân vật trong phim, mang đến những góc nhìn mới về những thứ thoạt đầu có vẻ không đáng kể nhưng giờ đây lại có ý nghĩa lớn hơn.

Trong tất cả chúng ta đều có quái vật

Tựa phim Monster thật sự đánh lạc hướng. Người xem có thể tin là có quái vật thực sự — một con quái vật to lớn. Thật vậy, thậm chí Minato dường như còn tìm kiếm một con quái vật hữu hình trong một số cảnh nhất định. Tuy nhiên, có thể đây là ý định của Kore-eda; một phần nhờ vào cách kể chuyện phức tạp, bộ phim là bậc thầy đánh lạc hướng. Đúng như bạn nghĩ Monster sẽ tập trung vào nạn bắt nạt học đường và nỗi đau của việc làm mẹ đơn thân, rồi chuyển sang một hướng khác và khám phá sự mong manh của tuổi trẻ.

Trong khi Minato của Soya Kurokawa có vẻ cô đơn và xa cách, thì Kore-eda đưa Hinata Hiiragi vào vai Yori, một người bạn cùng lớp làm nền lạc quan hơn và cuối cùng giữ một vai trò quan trọng trong câu chuyện; hai diễn viên nhí có phản ứng hóa học tuyệt vời trong việc tạo ra thế giới riêng, tránh xa sự lộn xộn của người lớn

Tuy Monster gần như lạc vào mức độ xoắn não của Broker, Kore-eda giữ cho bộ phim không đi quá xa bằng cách triển khai dàn diễn viên và nhạc phim. Dàn diễn viên của Monster — đặc biệt là các diễn viên nhí — giữ tông điệu u sầu kỳ quặc, cân bằng một cách nhất quán, xuyên suốt các thắt nút của bộ phim. Trong khi Minato của Soya Kurokawa có vẻ cô đơn và xa cách, thì Kore-eda đưa Hinata Hiiragi vào vai Yori, một người bạn cùng lớp làm nền lạc quan hơn và cuối cùng giữ một vai trò quan trọng trong câu chuyện; hai diễn viên nhí có phản ứng hóa học tuyệt vời trong việc tạo ra thế giới riêng, tránh xa sự lộn xộn của người lớn. Sakura Ando, đóng vai Saori và cũng đóng vai chính trong Shoplifters năm 2018 của Kore-eda, giúp tạo nền tảng cho thế giới người lớn mà Minato và Hinata phải đối phó. Nhà soạn nhạc quá cố Ryuichi Sakamoto đem đến nhạc phim tuyệt vời, tăng thêm cảm xúc buốt nhói trong từng cảnh phim.

Cuối cùng, diễn xuất trong Monster đóng góp vào thông điệp trung tâm của bộ phim: quái vật không phải là người; đó là quỷ dữ do sự hiểu lầm lẫn nhau. Với Monster, Kore-eda tiếp tục thể hiện nét nhân văn và mang đến sự cứu rỗi xuất sắc sau những tác phẩm lộn xộn trước đây của ông.

Diễn xuất trong Monster đóng góp vào thông điệp trung tâm của bộ phim: quái vật không phải là người; đó là quỷ dữ do sự hiểu lầm lẫn nhau

Monster ra rạp ở Việt Nam từ ngày 21 tháng 7 năm 2023 với tựa đề Quỷ dữ.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Escapist