Câu chuyện diễn ra vào năm 1945, vị tướng Trung Quốc Lôi Nghĩa Phương
(Huỳnh Hiểu Minh đóng) đánh bại quân Nhật, dẫn tới sự bắt giữ Nhan Trạch
Khôn (Kim Thành Vũ đóng), một thầy thuốc người Đài Loan phục vụ trong
quân đội Nhật Bản. Lôi Nghĩa Phương phải lòng Chu Uẩn Phân (Song Hye Kyo
đóng), cô gái xuất thân từ một gia đình Thượng Hải giàu có. Sau khi
Nhan Trạch Khôn được phóng thích khỏi trại tù nhân chiến tranh, anh phát
hiện bạn gái anh, Masako (Masami Nagasawa đóng) đã bị đưa về Nhật. Năm
1948, khi cuộc Cách mạng Trung Quốc bắt đầu định hình, Lôi Nghĩa Phương
bị quẳng trở lại nơi chiến trường ác liệt nhất.
Trong khi đó,
người lính thông tin Đồng Đại Khánh (Đồng Đại Vi đóng) có cơ hội gặp gỡ y
tá tình nguyện Vu Chân (Chương Tử Di đóng), anh yêu cô ngay lập tức.
Anh không hay biết rằng, Vu Chân phải bí mật làm kỹ nữ để kiếm vừa đủ
tiền trang trải cuộc sống.
Chúng ta dõi theo ba cặp tình nhân
khi con đường của họ hội tụ lại, dẫn họ tới Thái Bình, con tàu chạy bằng
hơi nước sắp sửa khởi hành tới Đài Loan, tia hy vọng cuối cùng giữa
cuộc cách mạng sôi sục.
Tàu Thái Bình – tia hy vọng cuối cùng giữa cuộc cách mạng sôi sục
Người ta nói bộ phim này là
Titanic Hoa ngữ. Chà, điều đó sẽ phải đợi đến phần hai. Trước tiên, chúng ta phải ngồi xem hết thứ có thể cho là phiên bản Hoa ngữ của
Pearl Harbour,
bộ phim lãng mạn chiến tranh bi thương nổi tiếng. Giống như Michael
Bay, nhà làm phim được biết tới vì các phim hành động bom tấn, vật lộn
với mối tình lãng mạn, ướt át trong
Pearl Harbour, Ngô Vũ Sâm dường như gặp khó khăn trong việc điều hòa các câu chuyện tình êm dịu với sự tàn sát nơi chiến trường trong
The Crossing Part 1 (phát hành ở Việt Nam với tựa đề
Chuyến tàu định mệnh).
Bộ phim lúng túng xoay chuyển từ những cơ thể bị nổ tung trong trận
chiến sang các cặp tình nhân liếc nhìn nhau đầy khao khát, mà chưa bao
giờ thực sự thành đôi. Rõ ràng đây là một tác phẩm vụng về và bảo phim
“cuống quít” sẽ là nói giảm. Mọi khuôn mẫu lãng mạn thời chiến trong
cuốn sách bị ném vào kịch bản của Vương Huệ Linh – thậm chí còn có cảnh
“người vợ viết thư tình trong khi chuyển cảnh sang người chồng kẹt giữa
trận đánh”. Không chỉ tầm thường, điều khôi hài là trong màn khói lửa,
chúng ta vẫn gần như có thể nghe thấy đạo diễn Ngô Vũ Sâm la lên
“Saganaki!” ở đằng sau.
Chiến trường tàn khốc
Vâng, có thể gọi bộ phim này là “xa hoa”, với sự tái tạo thời đại một
cách chính xác về Thượng Hải sau chiến tranh và các cảnh chiến trường
mưa bom bão đạn, nhưng quay phim tuyệt đẹp của Triệu Phi bị phá hoại bởi
sự biên tập máy móc và những lần chuyển cảnh, chưa kể đến nhiều cảnh
quay chậm ngay cả khi rõ ràng không cần thiết. Nhịp phim hỏng ở nhiều
chỗ và ta thường xuyên nhận thấy điều hiển nhiên đáng buồn là nhiều thứ
thừa thãi bị nhét vào để san câu chuyện thành hai bộ phim. Đây là phim
chiến tranh kể về câu chuyện phụ trong đó một người phụ nữ cố gắng sáng
tác một bài hát cho chồng cô.
Trong khi dễ thấy đây là phim kinh
phí lớn (với tiêu chuẩn phim Đại lục), có những lỗi nhỏ về giá trị sản
phẩm như những chú chim hải âu kỹ thuật số nom không thật chút nào. Tác
giả bài viết xem phiên bản 2D nhưng mặc dù vậy, khoảnh khắc một chiếc
nắp bể chứa văng thẳng vào khán giả gây cảm giác lạ lùng và bối rối. Nếu
đổi lại là đồ vật lật ngược khi phát nổ, thì cao trào trận đánh giữa
Quốc Dân đảng và đảng Cộng Sản sẽ khiến bạn hài lòng.
Đồng Đại Vi (trái) và Chương Tử Di vào vai đôi tình nhân cùng chung hoạn nạn
Ba nam diễn viên chính có sức hút riêng. Huỳnh Hiểu Minh là người hùng
cổ điển và mâu thuẫn, Kim Thành Vũ tức Takeshi Kaneshiro với sự gợi
cảm/mong manh hoàn hảo, còn sự thật thà ngốc nghếch của Đồng Đại Vi mang
lại phút xả hơi khoan khoái, thoát khỏi không khí nặng nề của phần còn
lại của bộ phim. Tiếc thay, các nhân vật nữ hơi đứng ngoài lề và hầu hết
bị giáng xuống vai trò “mòn mỏi mong chờ người thương đang ở ngoài
chiến trường.” Trong số những người phụ nữ trong bộ phim, Chương Tử Di
có vai diễn đáng chú ý nhất, cô gỡ bỏ sự quyến rũ quen thuộc để vào vai
Vu Chân nghèo, thất học. Trong ba mối tình trung tâm, câu chuyện giữa
Đồng Đại Khánh và Vu Chân là thú vị nhất – hai người chưa từng gặp gỡ,
Đại Khánh chụp “ảnh gia đình” giả mạo với Vu Chân cùng một đứa trẻ nào
đó để được cấp thêm khẩu phần ăn. Thật đáng thất vọng khi chuyện tình
của Lôi Nghĩa Phương và Chu Uẩn Phân quá buồn thảm so với cặp đôi trên.
Chuyện tình của Lôi Nghĩa Phương (trái) và Chu Uẩn Phân quá buồn thảm
The Crossing Part 1 là phim chiến tranh hay hơn là phim lãng
mạn chung chung, và mặc dù vậy, đây dứt khoát không phải phim chiến
tranh xuất sắc. Được xây dựng thành phim lịch sử hoành tráng làm hài
lòng đám đông, những khúc chuyển từ chiến tranh dữ dội, ác liệt sang
tình cảm sướt mướt quả thực chọi nhau chan chát. Ngô Vũ Sâm vận dụng sở
trường của ông trong chưa đến một nửa thời lượng bộ phim và ít ra dàn
diễn viên toàn sao đóng toàn những vai quen thuộc đến mức nhàm chán. Hy
vọng phần hai, xoay quanh chính vụ chìm tàu Thái Bình, sẽ tập trung hơn.
Tóm lại:
The Crossing Part 1
không thành công với tư cách phim lịch sử lãng mạn say đắm và chỉ khá
hơn chút ít với tư cách phim chiến tranh nổ đạn. Ngoài ra, bạn sẽ phải
chờ đến tháng 5/2015 để chứng kiến bất kỳ chuyến “vượt biển” thực sự nào
diễn ra.
Đánh giá: 2,5/ 5 sao
Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: F Movie Magazine
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi