Bình luận phim

The Hunger Games

31/03/2012

Trước khi ra mắt chính thức, The Hunger Games đã nhận được rất nhiều sự chú ý của giới báo chí, khán giả xem phim và người hâm mộ bộ truyện. Với bất cứ bộ phim nào thuộc thể loại này, câu hỏi quan trọng vẫn là liệu bộ phim có đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao kia không? May thay, với The Hunger Games thì câu trả lời là có.

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Suzanne Collins, The Hunger Games kể về Katniss, một cô gái 16 tuổi sống ở “Quận 12”, một trong những quận bị quân đội quản lý trong một đất nước được dựng lên từ xác nước Mỹ đã bị diệt vong. Ở đất nước này, Thủ đô ác độc là nơi cai quản tất cả những quận xung quanh. Nhiều năm trước đó các quận đã nổi dậy chống lại Thủ đô, nhưng thất bại, và để nhắc nhở và răn đe những người dân ở các quận về quyền lực của Thủ đô, mỗi năm một trò chơi thực tế được phát trên truyền hình được diễn ra, gọi là Đấu trường sinh tử. Trong cuộc chơi này, mỗi quận phải chọn ra một ứng viên, một nam một nữ, từ độ tuổi 12 đến 18 để tham gia, với duy nhất một luật lệ: Hãy trở thành người duy nhất sống sót và bạn sẽ là người thắng cuộc.

Khi em gái của Katniss, Prim (Willow Shields đóng), bị chọn để tham gia vào cuộc chơi này, Katniss theo bản năng đã xung phong thế chỗ cho em gái. Cùng với ứng viên nam của quận mình, Peeta (Josh Hutcherson đóng), cô được đưa tới Thủ đô để tham gia vào một cuộc chuẩn bị lạ lùng, gồm việc được trang điểm và phỏng vấn trên truyền hình, trước khi cô, Peeta, và 22 thiếu niên khác sẽ phải vào đấu trường và giết nhau.

The Hunger Games không hẳn là một ý tưởng mới mẻ; ngoài Battle Royale, thì cũng còn có những câu chuyện có từ trước đó nữa như The Running Man, Death Race 2000, hay Spartacus (kể về đấu trường La Mã cổ đại) nói về những người cầm quyền ép những con người dưới quyền họ phải tham gia vào một cuộc chơi đổ máu để mua vui một cách bệnh hoạn. Nhưng việc ý tưởng không mới mẻ không phải vấn đề, điều quan trọng là Collins (người cũng hợp tác viết kịch bản) đã dựng lên một câu chuyện hấp dẫn, xoay quanh một nhân vật chính cuốn hút và dễ khiến bạn muốn ủng hộ.

Quan trọng hơn nữa, đạo diễn Gary Ross đã hiểu rất rõ thần thái câu chuyện. Đây là một bộ phim thực tế, khiến bạn phải suy nghĩ và cũng nhiều khi rất cảm động. Đạo diễn đã không xem nhẹ những vấn đề đen tối trong truyện và cũng không lãng mạn hóa, “Hollywood-hóa” câu chuyện. Những chuyện chết chóc được giữ thực tế và rõ ràng, và Katniss cũng phải trải qua những tình huống đẫm máu này.

Chắc hẳn sẽ có nhiều lời bình luận về phong cách quay phim bằng máy quay cầm tay, với hình ảnh rung động thực tế như một thước phim tài liệu. Khán giả phải mất chút thời gian để quen với cách quay phim này và ở một vài chỗ, có thể cho là đạo diễn hơn lạm dụng cách này và hình ảnh trở nên “lắc lư” quá nhiều. Nhưng nói cho cùng thì cách quay phim đó áp dụng vào những cảnh Katniss trong đấu trường cũng tăng cảm giác thực tế hơn của cảnh phim.

Thế giới Hunger Games đầy những thái cực tuyệt đối. Katniss và người dân Quận 12 quanh cô đều rất nghèo nhưng người dân Thủ đô lại sống trong xa xỉ của một thế giới “khoa học viễn tưởng”, với thời trang cường điệu (nhiều khi lố bịch). Phong cách quay phim giống như quay phim tài liệu này sẽ giúp ta tiếp cận dễ dàng hơn một thế giới hoàn toàn khác nơi những con người rất khác chúng ta đang sống.

The Hunger Games kể về việc trẻ em phải giết nhau trong một đấu trường do người lớn tạo nên

Ưu điểm của cách quay phim bằng máy quay cầm tay này là nó tạo hiệu ứng cho cảnh bạo lực. The Hunger Games kể về các thanh thiếu niên chém giết lẫn nhau, nếu quay những cảnh này theo cách truyền thống thì bộ phim khó tránh được việc bị xếp loại R (không cần thiết và sẽ loại bỏ nhiều khán giả hâm mộ bộ sách). Nhưng ngược lại, Ross quay những cảnh chém giết một cách trừu tượng hơn: một ánh lóe sáng của lưỡi dao, máu bắn về phía ống kính, tiếng kêu gào – tất cả đều thể hiện mức đáng sợ và bạo lực của những gì diễn ra nhưng không thể hiện nó một cách lộ liễu trên màn ảnh. Cách này hiệu quả, và càng hiệu quả hơn với những cảnh quay những nạn nhân này sau khi đã chết.

Đây không phải một bộ phim nhẹ nhàng lãng mạn, nhưng vẫn vô cùng cuốn hút, phần lớn vì có diễn viên từng được đề cử Oscar, Jennifer Lawrence. Katniss lớn lên trong đau đớn, thiếu thốn và khổ sở, nhưng vẫn là một con người hết sức có mục đích và mạnh mẽ, và Lawrence đã thể hiện một cách tuyệt vời những khoảnh khắc mềm yếu của Katniss, nhưng vẫn không mất đi sức mạnh tiềm ẩn trong cô. Như nhiều người đã từng nói, nếu thực sự phải so sánh với một bộ phim khác cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết với nhân vật chính là một cô gái tuổi mới lớn, thì Katniss thật khác Bella Swan một trời một vực. Đây là một cô gái độc lập và mạnh mẽ, không bị ám ảnh bởi con trai và yêu đương, và cũng không cần đàn ông để định nghĩa bản thân.

The Hunger Games vẫn có yếu tố tình tay ba nhưng nó hoàn toàn không phải câu chuyện trung tâm. Cốt truyện chính vẫn là trẻ em phải giết nhau trong một đấu trường do người lớn tạo nên. Trong phần một của ba phần phim này, bạn thân của Katniss, Gale (Liam Hemsworth) là một nhân vật khá nhỏ, với ít thời gian xuất hiện, nhưng vẫn thể hiện mình là một người có thể trở thành chỗ dựa lý tưởng.

Katniss cùng người bạn thân, Gale (trên) và đối thủ trong Đấu trường cùng tới từ Quận 12, Peeta

Về phần Peeta, Hutcherson xứng đáng nhận nhiều lời khen cho vai diễn. Nhân vật này về căn bản là người tốt, và không hề thiếu cơ bắp, nhưng cuối cùng Peeta vẫn gặp nhiều khó khăn trong đấu trường. Ngay bản thân anh cũng nhận xét rằng Katniss, với tài bắn cung rất giỏi, có những kỹ năng rất cần thiết cho một cuộc chiến như thế. Katniss là nhân vật theo mẫu anh hùng kinh điển, trong khi Peeta nhiều khi lại trở thành người cần được cứu giúp. Nhưng Hutcherson cũng biến Peeta thành một chàng trai thực sự dễ mến, có phần cần được bảo vệ, khiến khán giả dễ dàng cảm thông với nhân vật. Cũng phải khen Ross và đoàn làm phim đã không hề che giấu sự thực là Lawrence cao hơn Hutcherson – đây là điều không thường thấy trong phim Hollywood khi nói về nhân vật nam và nữ chính.

Một yếu tố thông minh khác của tiểu thuyết của Collins, cũng được áp dụng trong phim, là cách Katniss và Peeta lợi dụng lòng yêu mến của khán giả. Cả trong truyện và trên phim, Đấu trường sinh tử là một chương trình truyền hình thực tế, thế nên người đỡ đầu của Katniss và Peeta, Haymitch (do Woody Harrelson đóng, một lựa chọn tuyệt vời cho một vai diễn mỉa mai nhưng cũng tốt bụng), thường nhắc rằng họ có thể có được thêm sự ủng của khán giả bằng cách nhấn mạnh “chuyện tình” giữa hai người. Sự ủng hộ của khán giả có thể là cả sự khác biệt giữa sống và chết, vì khán giả giàu có thể “tài trợ” cho các ứng viên trong đấu trường bằng cách gửi thuốc men hay thức ăn vào trong lúc cần thiết. Chuyện "tình giả tình thật" là một phần khá hài hước của câu chuyện mà nhiều người hâm mộ bộ truyện ưa thích.

Tất cả các nhân vật đáng nhớ đều được chọn diễn viên rất phù hợp, gồm Elizabeth Banks trong vai Effie, người đại diện của Quận 12, Amandla Stenberg trong vai ứng viên nhỏ tuổi nhất của Đấu trường sinh tử, Rue, và Wes Bentley, trong vai trưởng nhóm “Lập trình trò chơi”, Seneca Crane, với một bộ râu cầu kỳ. Dù nhiều khán giả ban đầu cũng e ngại về Lenny Kravitz, anh đã thể hiện vai diễn Cinna, nhà tạo hình thời trang của Katniss một cách thật điềm đạm và dễ gần.

(từ trên xuống, trái qua phải) Amandla Stenberg, Wes Bentley, Lenny Kravitz, Woody Harrelson,
Donald Sutherland, Elizabeth Banks và Stanley Tucci trong các vai phụ trong phim

Donald Sutherland vào vai phản diện chính của câu chuyện, Tổng thống Snow, một cách lạnh lùng và rùng rợn. Vị tổng thống này trong phim có thêm một vài cảnh không xuất hiện trong sách. Và Stanley Tucci có một vai diễn hài hước đen tối với nhân vật Caesar Flickerman, người dẫn chương trình luôm mỉm cười giả tạo với công việc phỏng vấn tất cả các ứng viên trước khi trò chơi bắt đầu.

The Hunger Games cũng có điểm yếu. Cảnh kết của bộ phim không thực sự có tác động mạnh mẽ. Bộ phim kết thúc với vẻ “Ơ, thế thôi là hết à?”, thay vì cảm giác “Ôi, tôi muốn xem phần tiếp theo!” Ross cũng có những lúc thể hiện sự thiếu kinh nghiệm với thể loại phim hành động. Dù mục đích không phải là tôn vinh bạo lực của trò chơi này, nhưng cũng có những cảnh vẫn thiếu kịch tính và yếu tố hồi hộp.

Nhìn chung, The Hunger Games là một bộ phim khá, chuyển tải được những thông điệp của tác phẩm gốc và nắm bắt được những yếu tố cốt yếu của câu chuyện, và thực sự là một bộ phim nổi bật trong những phim cùng đối tượng khán giả. Những người hâm mộ câu chuyện và khán giả mới đều có thể sẽ thấy đây là một bộ phim hấp dẫn. Với phần đầu của loạt phim được làm chắc tay, chúng ta nên háo hức chờ đợi hai phần tiếp theo.

Đánh giá: 4/5

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi