Giải thưởng - LHP

Điểm qua khả năng của 15 phim quốc tế vào vòng tranh 5 suất đề cử Oscar 2023

25/12/2022

Như đã chia sẻ cách đây ba năm, Quái vật Điện ảnh (QVĐA) quyết định kén chọn hơn bài vở về giải thưởng [được cho là danh giá nhất của ngành]. Cùng mọi người trên khắp hành tinh, QVĐA chúng tôi trải qua những khoảng thời gian sống chậm và sống với chính mình và nghĩ lại về mọi điều. Có những điều vốn đã lờ mờ nhận ra trở nên hiển hiện.

Nếu quan tâm theo dõi QVĐA hẳn bạn đã bắt gặp trong gần ba năm nay nhiều bài vở chúng tôi chọn dịch và đăng cung cấp cái nhìn hiện thực về các giải thưởng và liên hoan phim: ở cốt lõi đều là cuộc chơi đầy cân nhắc và toan tính chính trị (cả trong nước trao giải lẫn quan hệ quốc tế), hơn là NGHỆ THUẬT.

Những “đường đua” phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc, nam/nữ diễn viên chính/phụ... luôn là đường tải “thức tỉnh chính trị” nào đó — bình đẳng giới, quyền của người da màu, quyền của cộng đồng LGTB, tố cáo tàn dư của chế độ nô lệ, hay tái hiện những gương mặt trong lịch sử của nước Mỹ, v.v. và v.v.. Chiến thắng cuối cùng nếu không là hình đại diện trực tiếp thì cũng phảng phất cho sự “thức tỉnh” nào “thiên hạ đang nóng” của năm. Nhận thức được cốt lõi này, QVĐA chọn điềm tĩnh hơn, không ngờ nghệch “đua theo sự thức tỉnh của thiên hạ”, giữ sức hoàn thành sứ mạng bao quát hơn mà chúng tôi tự chọn: làm “thợ chữ” cần mẫn biên niên cuộc đời qua phim ảnh.

Tâm thức này dẫn dắt QVĐA trong việc lặn lội vào “rừng rậm bài vở chiến dịch vận động” sau khi Oscar công bố các “shortlist”, hy vọng chọn lựa tỉnh táo hơn! Trong “rừng rậm” đó, chúng tôi bắt gặp một bài của Deadline, với cách làm mà họ cho biết là khác với cách làm mọi năm của chính họ.

Là một bài dự đoán trước khi Oscar công bố danh sách rút gọn 15 phim truyện quốc tế, Deadline đã làm tốt đến mức chỉ sai một! QVĐA phân vân rất nhiều trước khi quyết định vẫn chọn dịch bài này của Deadline, vì thích góc nhìn hai chiều: của Deadline và của bản thân đạo diễn. Chúng tôi trám vào sai số của Deadline bằng cách lấy từ Screen Daily, đăng sau khi danh sách 15 phim đã công bố. Bạn đọc sẽ nhận ra dưới đây thôi.

Trong số 15 phim quốc tế vào danh sách rút gọn năm nay, khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức ít nhất ba phim: Phía Tây không có gì lạ, Bardo: Ký sự giả về đôi chút sự thật đều của Netflix, và Quyết tâm chia tay đã ra rạp. QVĐA tự hào đã giới thiệu các bài viết chọn lọc về ba phim này. Ngoài ra, tuy chưa có cơ hội xem, nhưng chúng tôi có bài về EO của Ba Lan và Saint Omer của Pháp, cả hai đều lọt vào danh sách dưới đây, âu cũng bõ công QVĐA chọn dịch và giới thiệu.

All Quiet On The Western Front (Đức)
Đạo diễn: Edward Berger; Nhà phân phối ở Mỹ: Netflix

Nội dung: Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách nổi tiếng thế giới của Erich Maria Remarque, bộ phim theo chân lính mới Paul trải nghiệm cảm giác phấn khích ban đầu trong chiến tranh biến thành tuyệt vọng và sợ hãi khi những người lính chiến đấu vì mạng sống của họ và lẫn nhau trong chiến hào.

Nhận xét của Deadline: “Cố gắng làm lại một bộ phim được coi là kinh điển đã khó rồi, lại còn cố gắng thực hiện một phiên bản mới của bộ phim đã thắng giải Phim hay nhất thì càng khó hơn. Berger và các đồng biên kịch, Lesley Paterson và Ian Stokell, và đội ngũ nghệ sĩ cừ khôi của anh ấy nên được chúc mừng vì đã thực hiện nỗ lực này, và rốt cuộc hóa ra lại là một bước đi thông minh.”

Nhận xét của đạo diễn: “Chúng tôi muốn làm cho câu chuyện trở nên thân tình bằng cách ở rất gần các nhân vật và cảm nhận của họ. Vì vậy, trên thực tế, trong tất cả các quyết định của chúng tôi — máy quay, âm nhạc, dựng cảnh, trang phục, đạo cụ hoặc bất cứ thứ gì — điều quan trọng là phải [phản ánh] cảm nhận của Paul hoặc của bất kỳ ai trong khung hình vào thời điểm đó. Theo nghĩa như vậy, tôi có thể gọi đây là một bức chân dung gần gũi về những chàng trai trẻ này.”

Giải thưởng/Liên hoan phim chính: Trang điểm & làm tóc, Hiệu ứng hình ảnh (Giải thưởng Điện ảnh châu Âu); Năm phim quốc tế hàng đầu, Kịch bản chuyển thể hay nhất (Hội đồng Phê bình Quốc gia); Tuyển chọn Toronto, Đề cử Quả cầu vàng — Phim không nói tiếng Anh hay nhất.

Argentina, 1985 (Argentina)
Đạo diễn: Santiago Mitre; Nhà phân phối ở Mỹ: Amazon Prime

Nội dung: Câu chuyện về hai luật sư người Argentina Julio Strassera và Luis Moreno Ocampo đã dũng cảm truy tố các thành viên của chế độ độc tài quân sự đẫm máu trước đây của đất nước.

Nhận xét của Deadline: “Điều khiến bộ phim này khác biệt với các câu chuyện chính trị khác là sự khéo léo mà Mitre và đồng biên kịch Mariano Llinas đã dệt sợi dọc là cuộc đấu tranh chính trị với sợi ngang là cuộc đấu tranh của con người.”

Nhận xét của đạo diễn: “Đây là thời điểm gốc trong quá trình tái thiết nền dân chủ ở Argentina… Cần rất nhiều can đảm, đặc biệt là từ tổng thống hồi đó. Nền dân chủ mới được thành lập chỉ một năm, vì vậy nó rất mong manh.”

Giải thưởng/Liên hoan phim quan trọng: Năm phim quốc tế hàng đầu, Giải thưởng Tự do ngôn luận (Hội đồng Phê bình Quốc gia); Phim hay nhất (San Sebastián); FIPRESCI (Venice), đề cử Quả cầu vàng – Phim không nói tiếng Anh hay nhất.

Bardo, False Chronicle Of A Handful Of Truths (Mexico)
Đạo diễn: Alejandro Gonzalez Iñárritu; Nhà phân phối ở Mỹ: Netflix

Nội dung: Sau khi nhận được giải thưởng danh giá cho công việc báo chí và làm phim tài liệu, Silverio đột nhiên buộc phải xem xét lại nguồn gốc Mexico của mình. Về tới quê hương, anh phải đối mặt với những ký ức đáng xấu hổ trong quá khứ và một cuộc khủng hoảng hiện sinh.

Nhận xét của Deadline: “Một tác phẩm rực rỡ, một tác phẩm chỉ ra rõ ràng những áp lực nghề nghiệp, tình trạng hỗn loạn trong nước và những vấn đề về cái tôi lớn đi kèm với việc trở thành trung tâm trong cuộc sống của rất nhiều người.”

Nhận xét của đạo diễn: “Có lời thoại nói rằng phim là một giấc mơ, được đạo diễn. Đối với tôi, bộ phim này là tôi, xây dựng một giấc mơ cá nhân, ý nghĩa, siêu phức tạp về mặt kỹ thuật, được kiểm soát một cách khó tin. Tôi cần điều đó bởi vì khi bạn cố gắng kể lại giấc mơ của mình, bạn nhớ các chi tiết và chúng có ý nghĩa quan trọng và phải chính xác.”

Giải thưởng/Liên hoan phim quan trọng: FIPRESCI, Silver Frog (Cameraimage), Giải UNIMED (Venice), tuyển chọn Telluride, tuyển chọn AFI Fest.

The Blue Caftan (Marốc)
Đạo diễn: Maryam Touzani; Nhà phân phối ở Mỹ: Strand Releasing

Nội dung: Cặp vợ chồng điều hành cửa hàng áo caftan thủ công ở một trong những khu phố cổ lâu đời nhất của Marốc trong khi cuộc hôn nhân của họ che giấu bí mật mà cả hai đều không muốn đối mặt cho đến khi một thợ phụ nam trẻ tuổi bước vào cuộc sống của họ.

Nhận xét của Deadline: “Câu chuyện sâu sắc về một người đàn ông sống khép kín đã khiến cuộc hôn nhân của mình có nguy cơ tan vỡ, và có thể đang phải đối mặt với một chương mới.”

Các giải thưởng/Liên hoan phim quan trọng: FIPRESCI (Cannes – Un Certain Regard), Giải thưởng của Ban giám khảo (Marrakech), tuyển chọn của Toronto.

Cairo Conspiracy (Thụy Điển)
Đạo diễn: Tarik Saleh; Nhà phân phối ở Mỹ: Samuel Goldwyn Films

Nội dung: Adam, con trai một ngư dân được trao đặc quyền tối thượng để theo học tại Đại học Al-Azhar ở Cairo, trung tâm quyền lực của Hồi giáo Sunni. Ngay sau khi đến thủ đô Ai Cập, nhà lãnh đạo tôn giáo cấp cao nhất của trường đại học đột ngột qua đời, và Adam nhanh chóng trở thành con tốt trong cuộc đấu tranh tàn nhẫn giữa giới tinh hoa tôn giáo và chính trị của Ai Cập.

Nhận xét của Deadline: “Thể hiện trình độ gắn kết hiếm có giữa triết học với chủ đề, được đền đáp xứng đáng bằng sự ăn khớp và trong màn cuối cùng bản sắc.”

Nhận xét của đạo diễn: “Về cốt lõi, bộ phim này nói về cái giá của một nền giáo dục, hoặc chi phí của một nền giáo dục. Cái giá của tri thức, mà theo tôi, là sự vô tội.”

Giải thưởng/Liên hoan phim quan trọng: Kịch bản hay nhất (Cannes).

Close (Bỉ)
Đạo diễn: Lukas Dhont; Nhà phân phối ở Mỹ: A24

Nội dung: Tình bạn của hai cậu bé 13 tuổi Leo và Remi, cậu bé sau đã tự sát. Leo tin rằng mình có lỗi. Cố gắng hiểu chuyện gì đã xảy ra, cậu tiếp cận Sophie, mẹ của Rémi.

Nhận xét của Deadline: “Một trong những bộ phim hay nhất chiếu ra mắt trong Cuộc thi (Cannes) năm nay.”

Nhận xét của đạo diễn: “Bộ phim này xuất phát từ một khía cạnh cá nhân sâu sắc — trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng sự mong manh là điểm yếu của mình. Sự dịu dàng của tôi là điểm yếu của tôi. Bởi vì trên thế giới này, từ khi còn rất nhỏ, chúng ta [dạy] các bé trai sợ sự dịu dàng và sợ bị tổn thương, và tôi nghĩ hiểu được tính phổ quát của điều đó là rất quan trọng đối với tôi khi làm bộ phim này.”

Giải thưởng/Liên hoan phim quan trọng: Giải Grand Prix (Cannes), Giải NBR (Hội đồng Phê bình Quốc gia), Phim hay nhất (Sydney), tuyển chọn Telluride, tuyển chọn Liên hoan phim AFI, đề cử Quả cầu vàng — Phim hay nhất không nói tiếng Anh.

Corsage (Áo)
Đạo diễn: Marie Kreutzer; Nhà phân phối ở Mỹ: IFC Films

Nội dung: Dựa trên câu chuyện có thật về một năm trong cuộc đời của Hoàng hậu Elisabeth nước Áo. Vào đêm Giáng sinh 1877, Elisabeth — nổi tiếng đẹp tuyệt trần — đột nhiên phải đối mặt với xã hội và bắt đầu ẩn mình bằng cách đeo mạng che mặt, khi cô bước sang tuổi 40 và chính thức bị coi là già.

Nhận xét của Deadline: “Corsage là một phim cổ trang, cùng với việc kể câu chuyện, còn tìm hiểu bản chất và ý nghĩa của các phim cổ trang. Thông minh, có phần mô phạm, khắc khổ trong ý định cũng như gợi cảm trong thực hiện.”

Nhận xét của đạo diễn: “Tôi nghĩ đây có thể là một câu chuyện hay về phụ nữ không chỉ thời bấy giờ mà cho đến tận ngày nay, vẫn được nuôi dạy và rèn luyện để làm hài lòng để được yêu thương.”

Các giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Diễn xuất xuất sắc nhất (Cannes – Un Certain Regard), Nữ diễn viên chính (Giải Điện ảnh châu Âu), Phim hay nhất (London), Đề cử đặc biệt cho giải Mirada (San Sebastián), tuyển chọn của Toronto, Đề cử Giải Tinh thần độc lập – Phim quốc tế hay nhất.

Decision To Leave (Hàn Quốc)
Đạo diễn: Park Chan Wook; Nhà phân phối ở Mỹ: Mubi

Nội dung: Xoay quanh một thám tử điều tra vụ án người đàn ông rơi từ trên núi xuống chết, gặp người vợ bí ẩn của người đàn ông đã chết trong quá trình điều tra kiên trì.

Nhận xét của Deadline: “Có sự gợi cảm trong từng cử động và từng cái nhìn. Park thậm chí còn xoay xở để lấp đầy cuộc thẩm vấn của cảnh sát bằng sự hấp dẫn giới tính.”

Nhận xét của đạo diễn: “Tôi tin rằng cuộc sống của chúng ta cũng chứa đầy những bí ẩn, nhưng trong cuộc sống của chính chúng ta, không có gì đảm bảo rằng những bí ẩn này sẽ được giải quyết. Vì vậy, nhìn thấy một thám tử có khả năng giải quyết những bí ẩn như vậy mang lại cho chúng ta hy vọng.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Phim quốc tế hay nhất (Hiệp hội phê bình phim Boston); Đạo diễn xuất sắc nhất (Cannes); Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Quay phim (Hiệp hội phê bình phim Chicago); 5 phim quốc tế (Hội đồng Phê bình Quốc gia); tuyển chọn của Toronto; Đề cử Quả cầu vàng cho Phim hay nhất không nói tiếng Anh.

EO (Ba Lan)
Đạo diễn: Jerzy Skolimowski; Nhà phân phối ở Mỹ: Sideshow/Janus Films

Nội dung: Tầm nhìn về châu Âu hiện đại qua đôi mắt của một con lừa trên hành trình khắc kỷ trong cõi đời tai họa và tuyệt vọng xen kẽ với hạnh phúc bất ngờ.

Nhận xét của Deadline: “Một tác phẩm mẫu mực, tươi mới và rạng rỡ của đạo diễn 84 tuổi, không đánh mất sinh lực hay cách nhìn nhận sự việc của riêng mình.”

Nhận xét của đạo diễn: “Một nhân vật động vật có thể khiến khán giả cảm động sâu sắc hơn và bằng cách nào đó mạnh mẽ hơn bất kỳ nhân vật con người nào diễn được… Một con vật không biết diễn, không biết chúng đang diễn. Chúng chỉ tự nhiên ở đó.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Giải thưởng của Ban giám khảo (Cannes); Nhạc nền (Giải Điện ảnh châu Âu); Phim không nói tiếng Anh hay nhất, Quay phim (Hiệp hội phê bình phim Los Angeles); 5 phim quốc tế (Hội đồng Phê bình Quốc gia); Phim quốc tế hay nhất (Hiệp hội phê bình phim New York), tuyển chọn của AFI Fest.

Holy Spider (Đan Mạch)
Đạo diễn: Ali Abbasi; Nhà phân phối ở Mỹ: Utopia

Nội dung: Nữ nhà báo Rahimi đến thành phố linh thiêng Mashhad của Iran để điều tra một kẻ giết người hàng loạt nhắm vào gái mại dâm. Khi cô tiến gần đến việc vạch trần tội ác của hắn, cơ hội đòi công lý ngày càng khó khi kẻ sát nhân lại được nhiều người ủng hộ như một anh hùng.

Nhận xét của Deadline: “Lên án như sấm dậy… chói tai và lấp lánh nỗi tức giận.”

Nhận xét của đạo diễn: “Đây không phải là một bộ phim giết người hàng loạt, mà là về một xã hội giết người hàng loạt.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Cannes), Phim hay nhất (Stockholm), Đạo diễn xuất sắc nhất (Fantastic Fest), Telluride & Toronto.

Joyland (Pakistan)
Đạo diễn: Saim Sadiq

Nội dung: Theo chân một gia đình gia trưởng khi họ khao khát sinh được con trai để nối dõi tông đường, trong khi người con trai út của họ bí mật tham gia nhà hát khiêu vũ khiêu dâm và phải lòng một phụ nữ chuyển giới.

Nhận xét của Deadline: “Một bộ phim tâm lý sâu sắc, diễn xuất tốt và chiếm trọn tâm trí lấy bối cảnh một nền văn hóa đang thay đổi và không phải lúc nào cũng dễ dàng.”

Nhận xét của đạo diễn: “Tôi muốn nói về chế độ phụ hệ và tôi muốn nói về tình dục và giới tính liên quan đến bản thân và gia đình cũng như môi trường xung quanh và thành phố của tôi... Tôi chưa bao giờ nghĩ ‘Ồ, đây là một bộ phim táo bạo hoặc dũng cảm.’ Tôi đã làm bộ phim mà tôi muốn làm.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Đạo diễn đáng để ý (Palm Springs); Kịch bản xuất sắc nhất (Athens); Giải thưởng của Ban giám khảo, Queer Palme (Cannes – Un Certain Regard); Giải Sutherland – Giải khuyến khích (London), tuyển chọn của AFI & Toronto, đề cử Giải Tinh thần Độc lập – Phim quốc tế hay nhất.

Last Film Show (Ấn Độ)
Đạo diễn: Pan Nalin

Phim thứ 55 của Ấn Độ dự tranh Oscar là một ngụ ngôn bán tự truyện của Nalin lấy bối cảnh Gujarat những năm 1990. Xoay quanh một cậu bé yêu thích điện ảnh tại rạp chiếu phim địa phương của mình và hình thành tình bạn thân thiết với người vận hành máy chiếu. Last Film Show được công chiếu lần đầu tại Tribeca năm 2021, nhận được đề cử cho giải khán giả bình chọn và cũng đã được chiếu tại các liên hoan phim Bắc Kinh và Los Angeles. Ấn Độ đã từng được ba lần đề cử – Mother India của Mehboob Khan năm 1957 (lần đầu tiên tham gia); Salaam Bombay! của Mira Nair năm 1988; và Lagaan của Ashutosh Gowariker năm 2001.

The Quiet Girl (Ireland)
Đạo diễn: Colm Bairead; Nhà phân phối ở Mỹ: Super

Nội dung: Cáit, 9 tuổi, được tách khỏi gia đình đông đúc và rối loạn chức năng của mình đến sống với cha mẹ nuôi trong mùa hè. Lặng lẽ đấu tranh ở trường và ở nhà, cô bé đã học cách ẩn mình tránh những người xung quanh. Cô bé bừng nở trong sự chăm sóc của gia đình nuôi dưỡng, nhưng trong ngôi nhà này, nơi được cho là không có bí mật, cô bé phát hiện ra một sự thật đau lòng.

Nhận xét của Deadline: “Catherine Clinch, 12 tuổi khi phim bấm máy, thực sự là tất cả. Đây là cách làm phim giả kim thuật đỉnh cao, biến mọi nguyên liệu thành vàng.”

Nhận xét của đạo diễn: “Toàn bộ bộ phim thực sự đặt lên vai cô bé… Tôi cảm thấy cô bé có khả năng này hoặc kiểu hiểu biết này về máy quay, và cho phép máy quay chứng kiến cô ấy theo một nghĩa nào đó, cảm giác thực sự đặc biệt và có sức hút.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Giải Grand Prize Generation Kplus (Berlin), Giải Khán giả/Giải Khám phá – Đạo diễn (Dublin), Quay phim (Giải Điện ảnh châu Âu); Phim, Đạo diễn, Quay phim, Nữ diễn viên, Biên tập, Thiết kế sản xuất, Nhạc nền (Giải Điện ảnh và Truyền hình Ireland).

Return to Seoul (Campuchia)
Đạo diễn: Davy Chou; Nhà phân phối ở Mỹ: Sony Pictures Classics

Nội dung: Freddie, một phụ nữ Pháp 25 tuổi đến Hàn Quốc tìm lại gia đình ruột thịt của mình. Được nhận nuôi và lớn lên ở Pháp, chuyến du lịch đến một đất nước xa lạ đưa cuộc đời cô theo những hướng mới và bất ngờ.

Nhận xét của Deadline: “Hành trình của Freddie rất phức tạp, và cấu trúc bộ phim phản ánh điều đó. Một hành trình đáng để tham gia.”

Nhận xét của đạo diễn: “Phim dựa trên câu chuyện có thật của một trong những người bạn rất thân của tôi ở Pháp… Chứng kiến những cảm xúc rất phức tạp và mâu thuẫn [đằng sau] hai mặt khác nhau của một lịch sử đổ vỡ là hết sức đặc biệt — và gây sốc. Và đó là điều tôi khắc ghi trong lòng.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên mới xuất sắc nhất (Giải thưởng Màn ảnh châu Á-Thái Bình Dương); Phim hay nhất (Athens); Phim hay nhất (Hiệp hội phê bình phim Boston); Giải Thế hệ mới (Hiệp hội phê bình phim Los Angeles); tuyển chọn chính thức (Cannes – Un Certain Regard).

Saint Omer (Pháp)
Đạo diễn: Alice Diop

Nội dung: Một tiểu thuyết gia đang mang thai tham dự phiên tòa rắc rối xét xử một phụ nữ trẻ người Senegal bị buộc tội giết đứa con gái 15 tháng tuổi bằng cách bỏ mặc em bé lúc thủy triều lên trên bãi biển ở miền bắc nước Pháp.

Nhận xét của Deadline: “Cho phép khán giả đi sâu vào tâm trí của một con người đang đau khổ ở mức độ vượt quá tầm hiểu biết.”

Nhận xét của đạo diễn: “Tôi đã tham dự phiên tòa xét xử một phụ nữ Senegal giết đứa con gái mới sinh của mình bằng cách bỏ mặc đứa trẻ trên một bãi biển ở phía bắc nước Pháp… Câu chuyện đó đã làm thay đổi tôi và thực sự khiến tôi đối thoại với phần đen tối nhất trong mối quan hệ của tôi với việc làm mẹ.”

Giải thưởng/liên hoan phim quan trọng: Đạo diễn đáng để ý (Palm Springs), Kịch bản hay nhất (Chicago), 5 phim quốc tế (Hội đồng Phê bình Quốc gia), Giải thưởng lớn của ban giám khảo, Phim đầu tay hay nhất (Venice), tuyển chọn của AFI & Toronto, Đề cử Giải Tinh thần độc lập – Phim quốc tế hay nhất.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: DeadlineScreen Daily