Giải thưởng - LHP

Tự hào xen lẫn lo âu tại Liên hoan phim Pusan của Hàn Quốc

12/01/2011

Khi đạo diễn gạo cội Kim Dong-ho chuẩn bị trao quyền điều hành liên hoan phim lớn nhất châu Á, những vấn đề về kinh phí và chính trị cũng nảy sinh.

Kim Dong Ho hẳn đã thành công rực rỡ. Suốt 15 năm qua, vị đạo diễn nhỏ nhắn yêu nghệ thuật đã kiên trì lèo lái Liên hoan phim quốc tế Pusan trở thành sự kiên điện ảnh lớn nhất châu Á và góp phần đưa Hàn Quốc lên bản đồ điện ảnh thế giới.

Khách mời của liên hoan năm nay, kết thúc ngày 15/10, có Juliette Binoche, Oliver Stone và Willem Dafoe cùng diễn viên Trung Quốc đang lên Thang Duy. Danh sách tham gia gồm 308 phim, trong đó có 103 phim công chiếu lần đầu.

Không chỉ có vậy, một trung tâm điện ảnh tại thành phố này, dự kiến hoàn thành năm 2012, sẽ là ngôi nhà lâu dài cho sự kiện và Học viện Điện Ảnh châu Á, sẽ từ một hội thảo trong thời gian ngắn diễn ra liên hoan chính thức trở thành trường điện ảnh.

Nhưng vào lúc chủ tịch Kim Dong Ho 73 tuổi chuẩn bị trao quyền hành cho một đạo diễn mới toanh chưa công bố tên, ông cũng lo lắng về tương lai đứa con cưng của mình. Tiền tài trợ từ chính phủ năm 2010 giảm 20% còn 1.3 triệu USD, và ông cảnh báo sẽ còn giảm nữa. Ông cũng đi quá đà khi công khai chỉ trích Tổng thống Lee Myung Bak vì đã không giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ hỗ trợ lâu dài cho liên hoan phim.

 

Nữ diễn viên người Trung Quốc Thang Duy tại Liên hoan phim Pusan

 

Quốc hội Hàn Quốc và chính phủ trung ương không có vẻ gì là có cái nhìn đúng đắn về liên hoan phim," ông nói trong một cuộc phỏng vấn. "Phải thay đối nhận thức bằng một cách nào đó."

Trước khi đắc cử, tổng thống Lee Myung Bak đã hứa với ban lãnh đạo liên hoan phim là ông sẽ dành ra 100 triệu USD tài trợ," ông Kim nói. "Chắc như đinh đóng cột. Nhưng khi đắc cử rồi thì ông ta lại nuốt lời."

Chủ tịch Kim nhấn mạnh phân nửa số kinh phí xấp xỉ 27 triệu USD cho Liên hoan phim Cannes được Bộ Văn hóa Pháp cung cấp, trong khi Bộ Văn hóa Hàn Quốc năm nay chỉ chi 15% trong 9 triệu USD kinh phí cho liên hoan phim của ông. Phần còn lại hầu hết lấy từ thành phố Busan cùng các nhà tài trợ và tiền bán vé.

Ông muốn chính phủ lập một quỹ riêng để bảo đảm về lâu dài cho liên hoan phim.

Chính phủ Anh đang thâm hụt ngân sách nên cũng rút bớt tiền tài trợ cho ngành công nghiệp điện ảnh của nước này. Nhưng Kim Dong Ho phản bác rằng Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nếu dồn gánh nặng lên vai các nhà làm phim, những người mà ông nhận thấy là chủ chốt trong việc quảng bá thương hiệu văn hóa còn non trẻ cùa nước này ra toàn thế giới.

Một số nhân vật trong ngành tin rằng việc cắt giảm tài trợ là đòn chính trị - thông điệp từ chính phủ bảo thủ rằng họ sẽ không tiếp tục đưa tiền vô tội vạ cho các nhà làm phim, những người hay đả kích chính trị gia, nữa.

 


Nữ diễn viên người Pháp Juliette Binoche tại lễ kỷ niệm in dấu tay và
chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Pusan Kim Dong-ho [Ảnh: Jeon Heon-kyun, EPA / 15/10/2010]


"Với chính phủ bảo thủ này thì việc hỗ trợ nghệ thuật và liên hoan phim cũng như ráng trở thành một người phe cánh tả," Jean Noh, phóng viên mảng thương mại của Screen International nói. "Họ hỏi, 'Tại sao chúng tôi phải đưa tiền cho những người đang kiếm ra tiền?' "

Tuy nhiên, các viên chức chính phủ phủ nhận việc đem chính trị ra đùa với nghệ thuật.

Yu In Chon, một cựu diễn viên nay là bộ trưởng Bộ Thể thao - Văn hóa, phủ nhận việc cắt hoàn toàn viện trợ. "Tiền bạc đâu ra đấy cả rồi; không phải lo gì cả. Chúng tôi không cắt tài trợ," ông cho biết khi đang chờ buổi chiếu Under the Hawthorn Tree của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu.

Hur Won Je, một nhà lập pháp của Đảng cầm quyền Lee Myung Bak thừa nhận có cắt giảm tài trợ nhưng hành động này không nhằm mục đích chính trị. "Chẳng có tư tưởng chính trị nào ở đây cả. Những sự kiện điện ảnh như thế này chỉ là cần phải bắt đầu tự lo kinh phí và không dựa dẫm vào chính phủ."

Nếu chính phủ cắt giảm tài trợ và không tìm được nguồn thay thế, cũng đồng nghĩa với ít phim được trình chiếu hơn và mất đi cơ hội cho các nhà làm phim, một số quan sát viên cho biết.

Mỗi năm, Pusan thu hút những công ty lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh tới Hàn Quốc," Stream Lee, một giám đốc phát triển kinh doanh đang làm việc tại Hollywood và Seoul nói. "Nếu họ cắt giảm quá quyết liệt, ngành điện ảnh sẽ mất đi một sàn giao dịch khổng lồ."

Với liên hoan phim Pusan - đặt tên theo cách viết cũ của thành phố - vấn đề tiền bạc nảy sinh ngay thời điểm then chốt.

 

Trung tâm Chiếu phim Pusan

 

Các nước như Trung Quốc và Nhật Bản đang đổ tiền vào liên hoan phim của họ," Nam Lee, trợ lý giáo sư khoa Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền thông Dodge của trường đại học Chapman thuộc quận Cam. "Hiện tại, Pusan là bệ phóng của điện ảnh châu Á, nhưng nhiều người lo rằng Hàn Quốc sẽ bị thất thế."

Liên hoan phim nổi tiếng của ngài Kim bắt nguồn năm 1994, khi các viên chức ở Pusan quyết định tổ chức sự kiện điện ảnh của riêng họ. Còn người điều hành, họ mời Kim Dong Ho, giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Seoul và Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc trước khi trở thành phó bộ trưởng Bộ Thể thao - Văn hóa. Mặc dù ông đã quyên góp được 3 triệu USD ngay năm đầu tiên, 1996, nhiều người cho rằng liên hoan phim này chỉ nên là sự kiện một lần hoặc phải dời đến thủ đô Seoul.

Nhưng Kim Dong Ho vẫn giữ nguyên mọi thứ, tái hiện không khí biển của Cannes tại liên hoan phim của ông và để những ai nhiệt tình ủng hộ Pusan có cơ hội ngồi trên bờ biển, uống rượu soju và xem phim. Ở một đất nước mà hơn 99% dân số dưới 35 tuổi dùng Internet, vé tham dự liên hoan phim - được bán trên mạng - thường hết sạch chỉ sau mười giây hoặc ít hơn.

Liên hoan phim cũng là vườn ươm tài năng, quản lý 900.000 USD của Quỹ Điện ảnh châu Á để làm nền tài chính cho các nhà làm phim độc lập tham gia phát triển kịch bản và làm hậu kỳ; cũng có quỹ cho các nhà làm phim tài liệu.

Năm nay, Pusan được trông đợi sẽ thu hút 150.000 người hâm mộ và nhân vật trong ngành, những người tụ họp lại ở các buổi chiếu và tiệc tại một số quán bar và khách sạn tô điểm cho các bãi biển tuyệt đẹp của thành phố.

Tin đồn về liên hoan phim tập trung vào sự nổi bật của các nhà làm phim độc lập Trung Quốc, thị trường phim tăng trưởng nhanh nhất. Nhưng nhà tổ chức cũng nhắm đến châu Âu, đặc biệt là phim của Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc.

Đến giờ, cuộc bàn tán về Liên hoan phim Pusan năm 2010 hầu hết vẫn là về sự ra đi của ngài chủ tịch cao tuổi đáng kính, người từng nói rằng ông có cảm giác như đang gả đứa con gái mình đã chăm lo từ bé.

Kim Dong Ho cũng thận trọng vì biết những liên hoan phim khác như Berlin, Toronto và Venice đều từng trải qua sóng gió khi thay đổi người lãnh đạo. Nhưng ông nói việc của mình ở đây đã xong.

Tôi nghĩ mình đã xây dựng được một nền tảng vững chãi suốt 15 năm qua," ông nói. "Nhờ đó, tôi hy vọng rằng Pusan sẽ tiến xa hơn để thiết lập một chuẩn mực mới cho liên hoan phim châu Á."

 

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times