Movie Blogs

The Chronicles of Narnia: Dawn Treader và những điều khó hiểu

02/02/2011

Trước khi loạt truyện Harry Potter ra đời và thay đổi toàn bộ văn hóa đọc sách của thiếu nhi các nước nói tiếng Anh (và cả các nước khác nữa), thì có thể cho rằng bộ truyện The Chronicles of Narnia của C. S. Lewis là một trong những loạt truyện dài tập dành cho trẻ em thành công nhất từng được phát hành. Ngay cả với xuất hiện của Harry Potter, Narnia của Lewis vẫn được trẻ em yêu thích. Đó là một thế giới nhẹ nhàng, mộng mơ hơn thế giới của Harry. Vì thế, khi loạt phim Harry Potter gặt hái được nhiều thành công từ phòng vé và đưa các ngôi sao trẻ tuổi trở thành những người có doanh thu nhất nhì nước Anh, thì việc Narnia được đưa lên phim chỉ là vấn đề thời gian.

Nhưng loạt phim Narnia chưa bao giờ có được thành công toàn cầu của Harry Potter. Có lẽ một phần cũng vì đây là loạt truyện kén khán giả hơn. Nó mang một số thông điệp tôn giáo mà không phải khán giả nào cũng có thể chấp nhận. Tuy thế, phần một The Lion, the Witch and the Wardrobe cũng mang về thành công đáng kế, đủ để cho phép Disney và Walden Media tiếp tục hợp tác làm phần hai, Prince Caspian. Doanh thu phòng vé của Prince Caspian không phải nhỏ, nhưng nó chỉ là một nửa con số doanh thu của phần một. Điều này làm nhiều người hâm mộ của bộ truyện này lo sợ các nhà làm phim sẽ rút hẳn khỏi bộ truyện bảy tập và không tiếp tục làm loạt phim này nữa. Dù sao thì trong bảy tập Narnia, The Lion, The Witch and the Wardrobe cũng là tác phẩm được yêu thích nhất, được nhiều người biết nhất và có doanh thu không tồi. Nhưng rồi hai năm sau Prince Caspian, vào cuối năm 2010, phần ba The Voyage of the Dawn Treader cũng ra mắt khán giả.

Poster The Voyage of the Dawn Treader

Đối với tôi, sau bao kỳ vọng một cuộc phiêu lưu kỳ diệu, phần ba này gây nhiều thất vọng.

Trước hết, phải hiểu rằng Dawn Treader là một câu chuyện rất khó chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. The Voyage of the Dawn Treader là một câu chuyện đúng như tên gọi của nó: một cuộc du hành trên đại dương, với ít kịch tính, và con tàu dừng lại ở từng trạm như từng tập trong một bộ phim dài tập. Vì thế, tôi không mong đợi các nhà làm phim bám sát nguyên tác. Việc kịch bản tạo thêm kịch tính, thêm xung đột là điều tất nhiên.

Điều gây thật vọng là dường như nhà biên kịch và các nhà làm phim đã quên rằng họ đang làm phần tiếp theo của một loạt truyện tiếp diễn. Giữa The Lion, the Witch and the Wardrobe, Prince CaspianDawn Treader có quá nhiều chi tiết mâu thuẫn, làm cho cả cốt truyện trong Dawn Treader trở nên mất hết nghĩa lý.

Lucy và Edmund, Vua và Nữ hoàng Tối cao của Narnia (!?)

Có lẽ sẽ không có người hâm mộ Narnia nào có thể chấp nhận được việc Caspian giới thiệu với đoàn thủy thủ của mình rằng Lucy và Edmund là “Vua và Nữ hoàng Tối cao của Narnia” (High King and Queen).

Đây là một lỗi quá cơ bản, một lỗi không thể có.

Nói với những người yêu Narnia, lớn lên với Narnia rằng Lucy và Edmund là “Vua và Nữ hoàng Tối cao” giống như nói với người hâm mộ Harry Potter rằng Harry là một Muggle.

Qua The Lion, the Witch and the Wardrobe ta biết rằng trong bốn anh em nhà Pevensie, chỉ có duy nhất một vị Vua Tối cao, đó là Peter. Địa vị đó của anh không hề thay đổi, dù anh có trở lại nước Anh, dù anh có không bao giờ được trở lại Narnia đi nữa. Peter không những là Vua Tối cao với quyền lực cao hơn các em mình trong thời gian trị vì của bốn anh em, mà còn là Vua Tối cao với quyền lực hơn bất cứ vị vua nào từng tồn tại ở Narnia, dù họ làm vua trước hay sau anh.

Peter Pevensie

Narnia mang những thông điệp Thiên Chúa giáo rất lớn; lỗi này của các nhà làm phim cũng đã phá đổ hết tất cả những gì tác giả C. S. Lewis muốn chuyển tải cho độc giả, cho khán giả của Narnia. Người anh cả nhà Pevensie mang tên của Thánh Peter, anh trở thành vị vua với quyền lực tối cao nhất, chỉ sau Aslan, người tạo ra Narnia. Lewis không hề đưa ra những quyết định này một cách ngẫu nhiên.

Ở Narnia, Aslan là hiện thân của Chúa Jesus, người đã hy sinh mạng sống của mình để xóa rửa tội lỗi của con người. Thánh Peter là Tông đồ trưởng, người đứng đầu 12 Tông đồ của Chúa Jesus. Ở Narnia, Peter Pevensie là Vua Tối cao, là người có quyền lực chỉ sau Aslan. Vì thế, Edmund không thể được gọi là “Vua Tối cao”, cũng như Susan hay Lucy chưa bao giờ được gọi là “Nữ hoàng Tối cao”. Việc có một vị “Vua Tối cao” không nhất thiết có nghĩa rằng phải có một “Nữ hoàng Tối cao”.

Đó chỉ có một từ thôi. Một từ thôi, nhưng cũng đủ để làm Dawn Treader đi ngược lại với những gì Lewis muốn thể hiện về anh em nhà Pevensie, về Aslan, về Narnia.

Một trong những người sản xuất phim Narnia là Douglas Gresham, con kế của Lewis. Đã phải chịu nhiều điều phàn nàn từ các nhóm Thiên Chúa giáo khi Prince Caspian ra mắt, đoàn làm phim Dawn Treader đã cố gắng tìm hiểu sâu hơn những về những yếu tố tôn giáo và còn chiếu phim sớm cho một số khán giả theo đạo Thiên Chúa để họ có phản hồi về những thông điệp tôn giáo được chuyển tải trong phim này. Với những nguồn thông tin như thế, tôi không thể hiểu tại sao bộ phim lại có thể có một lỗi ngớ ngẩn đến thế.

Có một số người cho rằng câu thoại này là "cố ý sai", để giải thích cho khán giả tại sao một đất nước lại đột nhiên có nhiều vua và nữ hoàng đến thế. Có nhiều cách để giải thích điều đó mà không đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của nguyên tác như thế. Eustace cũng không hề biết anh chị họ của mình là vua chúa, tại sao không thể giải thích cho khán giả qua một lời giải thích cho Eustace?

Aslan – Sư tử, Cừu non hay Hải âu?

“Ở đó [nước Anh] ta có một cái tên khác. Con phải học cách gọi ta bằng cái tên đó. Đó là lý do con được đưa đến Narnia, để biết ta một chút ở đây, con sẽ dễ dàng biết đến ta nhiều hơn ở nơi đó.”
~Aslan

Đây có lẽ là câu nói nổi tiếng nhất của Aslan trong toàn cuốn Dawn Treader, nếu không phải là trong toàn bộ truyện Narnia. Nếu bạn chưa thực sự nhận ra hình ảnh Aslan là Jesus trong The Lion, the Witch and the Wardrobe, thì bạn cũng không thể nghi ngờ gì nữa sau khi đọc hay nghe câu nói này.

Trong truyện Dawn Treader, ngoài hình ảnh Sư tử quen thuộc, Aslan đã xuất hiện dưới lốt hai con vật thường gắn bó với Chúa Jesus – Cừu non và Hải âu.

Hải âu trong truyền thuyết là con vật có thể dân đường cho thủy thủ và những còn tàu thuyền thoát khỏi nơi hoạn nạn. Trong truyện Dawn Treader, Aslan xuất hiện với hình hài của một chú chim hải âu “ban đầu trông giống hình cây thánh giá” để dẫn đường cho con tàu Dawn Treader thoát khỏi Hòn đảo Hắc ám.

Ở chương cuối, ở nơi tận cùng của thế giới, Lucy, Edmund, Eustace và Reepicheep thấy Aslan lần đầu tiên trong lốt một chú cừu non.

Aslan hiện diện ở nhiều thế giới, với nhiều cái tên, dưới nhiều hình hài khác nhau.

Aslan là Chúa Jesus.

Trong phim Dawn Treader, Aslan không xuất hiện dưới hình hài chú cừu non. Nhưng đó không phải là vấn đề.

Trong phim Dawn Treader, Aslan xuất hiện dưới hình hài chim hải âu. Đó mới là vấn đề.

Toàn mục đích để Aslan xuất hiện như chú chim hải âu là để đưa con tàu ra khỏi Hòn đảo Hắc ám. Nhưng trong phim, chim hải âu Aslan…chẳng làm gì cả. Chim hải âu xuất hiện, kêu lên một tiếng, khiến cả đám thủ thủy phải nhìn, xong rồi…biến mất (!?) để mặc con tàu và con người trên tàu vẫn phải ra sức đánh bại con thủy quái. Kịch bản cũng không kết nối sự xuất hiện của chim hải âu với Aslan, làm những khán giả chưa đọc nguyên tác có thể không hiểu chú chim hải âu này đến từ đâu và có mục đích gì.

Bảy chiếc kiếm thần

Sự tồn tại của bảy chiếc kiếm thần và việc Caspian, Lucy và Edmund phải đi tìm bảy chiếc kiếm đó là một sự nghịch lý lớn nhất trong tất cả các nghịch lý trong bộ phim này.

Trong Prince Caspian, ta được biết sau khi anh em nhà Pevensie quay lại nước Anh, Narnia đã bị Telmar xâm lược. Người Telmar đổ vào Narnia vì quê nhà của họ chịu nạn đói kém kéo dài. Sau 1300 năm, người Telmar đã lập nên một triều đại mới ở Narnia, giết chết phần lớn người dân Narnia cổ: Thú vật biết nói, những vị thần, tiên, người lùn, nhân mã… Số ít người Narnia cổ còn lại phải đi trốn trong rừng sâu. Khi Caspian được sinh ra, người Narnia cổ chỉ là truyền thuyết; họ không tồn tại. Con người đến từ Telmar chính là người Narnia mới. Không có Thú vật biết nói, không có thần tiên, người lùn, nhân mã. Chính Caspian cũng không tin rằng họ tồn tại, cũng chỉ nghĩ đó là những câu truyện, đến khi chính cậu phải gặp họ, khi chạy trốn khỏi ông chú Miraz. Anh em nhà Pevensie đã phải quay lại một Narnia không còn là Narnia của họ và giúp Caspian lật đổ Miraz, đưa cậu lên ngôi và giúp người Narnia cổ và người Narnia mới hòa giải, trở thành một Narnia có đủ con người và những nhân vật trong truyền thuyết. Đó là Narnia của Caspian.

Trong nguyên tác, hành trình trên còn tàu Dawn Treader của Caspian chỉ là việc đi tìm bảy Thống lĩnh, bảy người bạn của cha cậu, từng bị chú cậu đày ra biển khơi.

Trong phim, nhà biên kịch bỗng nhiên bịa ra “bảy chiếc kiếm thần” của bảy Thống lĩnh, với khả năng cứu Narnia khỏi ma lực hắc ám.

Điều vô lý là bảy chiếc kiếm thần này là do Aslan ban tặng người Narnia vào Thời kỳ Hoàng kim để bảo vệ đất nước.

Thời kỳ Hoàng kim là triều đại của Edmund và Lucy. Chính Edmund và Lucy đã trị vì Narnia vào Thời kỳ Hoàng kim. Nhưng ngoài việc Edmund nhận ra đó là “một chiếc kiếm cổ” thì cả Edmund và Lucy, chẳng ai biết tí ti gì về những chiếc kiếm này! Họ còn chẳng nhận ra đó chính là chiếc kiếm từ thời đại của họ!

Người kể cho Edmund, Lucy và Caspian về sự tồn tại của bảy chiếc kiếm thần là Thống lĩnh Bern, một trong bảy Thống lĩnh của Telmar, bạn của cha Caspian. Thống lĩnh Bern cho biết, khi bảy Thống lĩnh ra khơi, mỗi người đã cầm một chiếc kiếm, và giờ đây Caspian, Lucy và Edmund phải đi gom cả bảy chiếc kiếm về một chỗ để cứu Narnia.

Người Telmar đã mất 1300 năm để xóa hết dấu vết của Narnia cổ, Narnia thời Hoàng kim khỏi trang sử. Người Telmar đã mất 1300 năm để chứng minh Aslan không hề tồn tại, đến mức chính bản thân người Narnia cổ cũng mất lòng tin vào sự tồn tại của Aslan! Vậy tại sao bảy Thống lĩnh của Telmar lại có bảy chiếc kiếm của Aslan?! Tại sao Bern lại biết nó đến từ đâu và có mục đích gì?! Tại sao người Telmar lại muốn giữ bảy cây kiếm đó trong từng ấy năm nhưng lại cùng lúc đó phá hủy tất cả những còn lại của Narnia Hoàng kim?

Thống lĩnh Bern sống 1300 năm sau Thời kỳ Hoàng kim mà lại biết nhiều về những cây kiếm lịch sử này hơn cả những vị vua và nữ hoàng trị vì Narnia ngay trong thời kỳ đó.

Những cây kiếm được thêm vào để thêm kịch tính cho bộ phim. Tôi không hề phản đối điều này. Nhưng nó hoàn toàn có thể được thêm vào một cách không đi ngược lại với tất cả những sự thật từ các phần phim trước. Cách những cây kiếm này xuất hiện trong phim cho thấy kịch bản được viết một cách cẩu thả và không hề có tham khảo hai phần phim trước.

Edmund

Trong Dawn Treader, nhân vật làm tôi cảm thấy khó hiểu nhất là Edmund.

Qua hai phần phim trước, Edmund là nhân vật trải qua nhiều thách thức nhất trong bốn anh em nhà Pevensie. Quá trình trưởng thành của Edmund qua The Lion, the Witch and the WardrobePrince Caspian đã giúp cậu từ một thằng bé hay bắt nạt em gái trở thành một vị vua công bằng và, trong Prince Caspian, còn chín chắn hơn chính anh trai mình, Peter.

Khi trở về Narnia trong Prince Caspian, tất cả những gì anh em nhà Pevensie yêu quý về Narnia dường như đã bị hủy hoại sau khi bị người Telmar xâm lươc. Peter phải đối mặt với việc anh trở về đây không phải để trị vì đất nước này, mà để đưa Caspian lên ngôi vua, và hy vọng Caspian, hậu duệ của những kẻ đã từng xâm lược Narnia, sẽ tạo nên một Narnia mới tốt đẹp hơn. Trong tình cảnh như thế, tôi hiểu tại sao Peter lại tức giận. Tôi hiểu tại sao Peter lúc đầu không thể chấp nhận Caspian, tại sao Peter cảm thấy cần phải thể hiện quyền lực của mình. Nhưng cái sự thể hiện quyền lực đó của anh đã suýt làm cho Bạch Phù thủy sống lại.

Nếu trong The Lion, the Witch and the Wardrobe, Edmund có những tính cách rất trẻ con, với lòng tham và sự đố kỵ của một đứa trẻ và luôn đối đầu với Peter, thì trong Prince Caspian, Edmund chứng tỏ những bài học từ Narnia và những năm làm vua đã giúp cậu trở nên trưởng thành hơn. Trong khi Peter vùng vẫy với niềm tin đang chực sụp đổ của mình đối với Aslan, Edmund chứng tỏ cậu điềm đạm hơn, có lòng tin vô điều kiện vào Aslan, và qua đó, cậu đã chấp nhận Caspian, chấp nhận xứ mệnh hiện giờ của bốn anh em họ. Họ đến đây để giúp Caspian giành lại ngôi vua vốn là của anh. Chính niềm tin đó đã giúp Edmund chống lại được Bạch Phù thủy khi chính Caspian và cả Peter đều không chống đỡ nổi trước phép thuật của mụ.

Prince Caspian cho ta thấy Edmund đã đủ chín chắn để đối mặt với Bạch Phù thủy, đã vượt qua được những sự cám dỗ của mụ. Prince Caspian cũng cho ta thấy Edmund đã trưởng thành và không hề có ác cảm với việc Caspian từ nay sẽ là vua của Narnia; cậu đã có thể chấp nhận việc Narnia này đã bước qua một thời đại khác, thời đại của Caspian, và anh em cậu không có thể trị vì ở đây nữa.

Edmund

Chính vì thế mà tôi không hiểu tại sao trong Dawn Treader, Edmund bỗng nhiên có phản ứng hậm hực rất trẻ con khi đối mặt với quyền lực của Caspian. Trong truyện, khi đến Đảo Vàng, Caspian suýt bị hồ nước thần có khả năng biến mọi thứ thành vàng cám dỗ, nhưng Edmund chính là người đã khiển trách anh. Qua cảnh này, tác giả Lewis đã muốn thể hiện rằng Edmund, với 15 năm trị vì một đất nước, là vị vua thông thái hơn Caspian, và đây là cách Edmund truyền đạt kinh nghiệm cho Caspian. Nhưng cảnh này trong phim đã đi hoàn toàn ngược lại với nguyên tác. Edmund, chứ không phải Caspian, là người bị mờ mắt trước sự cám dỗ của vàng và quyền lực. Cách thể hiện tình cảnh như thế chỉ chứng tỏ Edmund là đứa trẻ mới lớn tham lam không biết điều, và điều này hoàn toàn ngược với một Edmund đã trưởng thành trong Prince Caspian.

Edmund trong Dawn Treader dường như bị phát triển ngược, một nhân vật giờ đây lại mắc phải những lỗi lầm mà cậu từng vượt qua trong hai phần phim trước.

Từ góc độ khán giả xem phim, chứng kiến một Edmund bước vào vết xe đổ của chính cậu và Peter như thế, tôi cảm thấy bị lừa dối. Khía cạnh này trong tính cách của Edmund làm ta cứ tưởng rằng hai phần phim trước và những thay đổi của các nhân vật phải trải qua chưa từng diễn ra.

Từ góc độ diễn xuất, phải chăng Skandar Keynes, diễn viên đóng Edmund, cũng không tin tưởng lắm vào cách thể hiện nhân vật này như thế? Tôi chưa từng có lý do để phàn nàn về diễn xuất của Keynes qua hai phần phim đầu, nhưng trong tập phim này, diễn xuất của anh nhiều lúc cứng nhắc và không thuyết phục. Hay tôi chỉ có cảm giác đó vì tôi không thể tin vào một Edmund như thế?

Tương lai của loạt phim Narnia

Ngay từ khi Prince Caspian có doanh thu không như mong đợi, nhiều người hâm mộ bộ truyện này đã lo sợ các nhà làm phim sẽ không tiếp tục làm hết bảy bộ phim tương đương với bảy tập truyện. Narnia khác với Harry Potter ở chỗ nó không có một mạch truyện liên tiếp. Có thể nói rằng Narnia gần giống phim truyền hình sit-com, cả bộ truyện có những mối liên kết với nhau, đều diễn ra ở Narnia và là một phần của biên niên sử Narnia, nhưng mỗi tập cũng là một câu chuyện riêng biệt.

Từ Prince Caspian đến Dawn Treader, ta có thể thấy dù có tiếp tục làm phim, các nhà làm phim vẫn có xu hướng thay đổi chi tiết để tạo kịch tính và “Hollywood-hóa” câu chuyện và qua đó vẫn làm sứt mẻ hay mất đi những thông điệp tâm linh của nguyên tác. Qua ngòi bút của Lewis, anh em nhà Pevensie là hiện thân của lòng tin từ tận tâm vào Chúa, của sự can đảm, cao thượng. Nhưng qua tay các nhà biên kịch, các nhân vật có những hành động nhiều khi thật ngớ ngẩn và khó lý giải, và có vẻ họ cũng không có khả năng học hỏi từ những lần vấp ngã trước đó.

Nhưng cũng có thể ở khía cạnh này tôi đang tỏ ra hơi bi quan. Trong bảy tập truyện của bộ truyện Narnia, Prince CaspianDawn Treader là hai tập có ít kịch tính nhất và đòi hỏi nhà biên kịch phải thêm mắm dặm muối. Tôi vẫn hy vọng Walden Media và 20th Century Fox vẫn sẽ tiếp tục làm bốn tập Narnia còn lại, và như The Lion, the Witch and the Wardrobe, những tập tiếp theo này sẽ mang theo mình nhiều yếu tố từ nguyên tác hơn. Bản thân tôi nóng lòng muốn họ làm tập truyện The Horse and His Boy, để ta có thể thấy anh em nhà Pevensie trong cương vị những vị vua và nữ hoàng thông minh, cao quý và đáng khâm phục.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com