Movie Blogs

Không gia đình - Chỉ còn lại tài năng và tâm hồn

10/01/2019

Lục lọi cả chiều dài ký ức xa xăm, não nhận thức hiện tại của tôi chỉ nhớ một điều về tác phẩm Không gia đình: tôi đã khóc rất nhiều, và rất nhiều lần khóc mỗi khi đọc hành trình băng qua biết bao nhiêu đau khổ mất mát để tìm lại gia đình thực sự của Rémi.

Tôi sẽ không biết những trang sách thời thơ ấu ấy tan thành bột giấy vào bộ nhớ, câu chữ trên đó trở về mực in ngấm trong tâm hồn mình… là thế nào, cho đến khi nhìn thấy Rémi. Rémi của Rémi sans famille. Trên màn ảnh rộng — trong trẻo, đáng yêu, giàu cảm xúc, cậu bé nghèo gầy mong manh có đôi mắt to biểu cảm thăm thẳm xuất thân khác thường.

Đúng Rémi tôi hình dung! Đúng Rémi từ bột giấy trang sách tan vào bộ nhớ và mực in lan ngấm qua tuổi thơ của tôi đây rồi!

Mùa phim thu-đông, mùa phim nhắm giải thưởng thường niên danh giá những tác phẩm làm ta nhớ ta yêu ta ghét, ta băn khoăn trăn trở, ta tranh luận với bạn bè và với chính mình… phó thác cả tâm tư tình cảm — suy nghĩ khát vọng mộng mơ trong ta — cho nghệ thuật điện ảnh! Có năm Hollywood cho tôi điều đó. Nhưng 2018 thì không. Tôi đói xem phim chiếu rạp gần cả ba tháng trước khi nhìn thấy poster Không gia đình xuất hiện trên lịch chiếu và kêu lên: Không gia đình là phim phải xem nhé!

Ta biết mình muốn xem lại bộ phim nào ngay khi xem nó lần đầu thôi. Vì bây giờ hình như càng lúc càng không nhiều phim như vậy nữa! Biến mất hết đâu rồi trong cái điện ảnh của Hollywood — và nếu nói Hollywood của Disney chắc cũng không là quá lời!

Đói xem… đói xem... nên háo hức sung sướng thả mặc mình nghiến ngấu những bức vẽ sơn dầu các nhân vật chính làm nền cho phần générique chạy trên giai điệu bài hát ru ấy. Lần xem đầu tiên tôi không kịp nhận ra. A, em chó đen Capi đây mà. Khỉ Tốt Bụng kìa. Con hẻm Rémi sẽ bỏ chạy đó. Cánh đồng mênh mông vàng nắng thu của một miền thôn quê nước Pháp, nơi tiếng ngân nga không lời bài hát ru tuyệt diệu ấy Rémi chinh phục những khán giả đầu tiên kia. Và signor Vitalis — nhân vật không còn lại chút gì trong nhận thức của tôi về Không gia đình đã đọc thời thơ ấu!

Rồi phim mở ra, ‘nước phim’ đẹp dịu dàng!

Một bộ phim tuyệt hay xem lần đầu như uống một ly vang lâu năm tuyệt ngon: choáng váng, ngất ngây, bản thân quên nhịp thở, trí tuệ ngấm nhanh chân thiện mỹ như miếng bọt xốp háo nước… Xem lần thứ hai mới thích làm sao: vì biết mình đã yêu, đã nghiện chất men đó rồi! Và còn sung sướng nào hơn khi “con nghiện” trong ta được cấp thêm một liều ngất ngây cho quên nhịp thở, trí tuệ thấm đẫm chân thiện mỹ cho mênh mông tâm hồn đi đến những chân trời hướng thượng?

Bao lâu rồi tôi mới được đãi mình niềm vui quay lại rạp chiếu vì cùng một bộ phim! Lần xem thứ nhất, hình như tôi đã để cho chút cuống quýt tìm lại ký ức và tưởng tượng thuở thiếu thời chen vào tâm trí. Thưởng thức vướng vít băn khoăn hồi đó Không gia đình mình đã đọc kể thế nào nhỉ! Lần xem thứ hai thật đúng nghĩa phó thác hết tâm tư cho điện ảnh!

Căn nhà thôn quê cửa rào mở ra cánh đồng xanh vàng úa, bụi cây trơ trọi khẳng khiu bắt vào góc máy. Con hẻm gập ghềnh tường vách xanh tối tăm của sự nghèo khổ từng khắc ghi ấn tượng trong tôi mãi thời Những người cùng khổJacquou, người nông dân nổi dậy… ngày xưa quay lại — cứ liên tục reo lên tự nhủ ‘đúng thế, đúng rồi!’

Bò sữa Brownie đầy vết roi trên lưng đứng lặng lẽ trong bóng tối nhà kho u uất bế tắc. Bãi đất xung quanh giếng làng, nơi biểu diễn giải trí du ca rày đây mai đó trở thành một phần đời sống văn hóa. Thênh thang băng rừng lội suối theo cùng họ — ông chủ Vitalis “Ta không thuê cháu để đi ăn xin”, Capi không chỉ làm xiếc mà còn chống chọi sói dữ bảo vệ ‘đàn’, Tốt Bụng hồn nhiên cười khỉ khi Rémi té sấp xuống vũng bùn — họ không phải gánh hát rong.

Nước phim ấy, gam màu ấy, giai điệu du dương ấy… là điện ảnh bên ngoài Hollywood!

Thật may mắn có một Không gia đình để xem đến lần hai. Thật may mắn khi Rémi sans famille từ thời thơ ấu của tôi phai hết cốt truyện rồi, chỉ giá trị văn chương đậm nhân bản còn lại. Cho phép tôi thả mình cộng hưởng theo cách tiếp cận tác phẩm của phiên bản điện ảnh lần này: toàn bộ thắt nút nằm trong một điệu ru em và hành trình một đứa trẻ đi tìm gia đình cũng là hành trình một người lớn đi tìm sự chuộc lỗi! [Điểm cộng với riêng tôi: trong tất cả nhạc cụ trên đời, tôi mê nhất violon — nhạc cụ trung tâm của phiên bản chuyển thể này. Tôi “chịu” quá đi chứ!]

Xem lần thứ hai, khi signor Vitalis đưa Rémi bịt mắt đứng lên bờ đá, không gì khác ngoài năng khiếu và tâm hồn từ trong em cất lên điệu ru ấy — tôi khóc ngay thôi! Sung sướng được khóc trước một già một trẻ nghèo khổ lang bạt đói khát, chỉ có tình thương nuôi nấng cho tài năng thăng hoa.


Xem lần thứ hai thật mãn nguyện khi Rémi trả lại cho Lise cuốn sách phiêu lưu giả tưởng của Jules Verner, chia tay người bạn thanh mai trúc mã đã cho cậu một chốn nương thân bình yên và cứu giúp trong cơn hoạn nạn. “Tôi không thể cho cậu bé cuộc sống yên ổn lúc này nhưng tôi sẽ làm cho cậu bé đường hoàng nắm tay con gái bà đi suốt cuộc đời về sau,” signor Vitalis nói. Nhưng khi trước mắt không có gì ngoài gian truân bất định và hiểm nguy, Rémi vẫn chọn cùng ông, Capi và Tốt Bụng tiếp tục lên đường — chỉ có tài năng và tâm hồn mới cho con người ta can đảm đó, nghị lực đó!

Lần xem thứ hai hiểu ngay vì sao signor Vitalis nói “Adieu, Capi!” khi chú chó chạy đi trong bão tuyết, để lại ông chủ và Rémi trong ngôi nhà thờ hoang phế. Nhưng đã khóc từ trước đó rồi! Signor Vitalis, người đàn ông từ chối tiết lộ nhân thân chấp nhận ngồi tù. Người đàn ông luôn mang theo chiếc vĩ cầm quý nhưng không bao giờ đụng tới. Người đàn ông của một thời hào quang âm nhạc rực rỡ và tung hô xã hội phủ phê. Nhưng vì cứu Tốt Bụng mà tấu lên bản concerto tha thiết đắm say! Không tuxedo quý phái, không giàn giao hưởng, không khán phòng lịch lãm… Người đàn ông trong bộ quần áo tồi tàn, phổi đã rỉ máu, cánh tay đầy thương tích mới lẫn vết sẹo bỏng cũ, râu tóc trĩu nặng gió sương… Nhưng dáng đứng tấu đàn vững chãi tuyệt đẹp, ngón đàn tài hoa bay bổng. Sảnh khách sạn trong ánh nến vàng ấm. Những đôi tai thượng lưu mộ điệu. Người đàn ông tự đày đọa, tự tước đoạt bản thân đến không còn gì, không có gì, không phù hoa… Chỉ còn lại tài năng và tâm hồn! Khoảnh khắc ấy — Vitalis của Daniel Auteuil lĩnh tấu trái tim tôi thổn thức tơi bời! Cảnh phim ấy không thuộc về diễn viên nữa, không thuộc về Rémi sans famille bản chuyển thể này nữa rồi. Đó là xinê đáng để người ta xem, rồi muốn xem lần nữa.

Vậy nên, thế là đủ! Rémi sans famille, chuyển thể cả một nguyên tác văn chương nhân ái của Hector Malot thành 105 phút giải quyết “điệu hát ru này là danh tính của con” cho đứa trẻ; khoảnh khắc bằng tài năng và tâm hồn cho một người lớn tìm thấy sự cứu chuộc ở cuối hành trình trong điệu hát ru ấy được nói lời “cám ơn con trai”. Và người phụ nữ quý tộc nói với vị danh cầm, “Nếu ông là người nhạc sĩ đó, xin hãy nhận lòng ngưỡng mộ và tôn trọng của tôi đối với sự mai danh ẩn tích mà ông đã chọn.” [Cho phép tôi hiệu chỉnh phụ đề lời thoại này của nhà phát hành phim Việt Nam.] Tôi rất tin không ngẫu nhiên Antoine Blossier, đạo diễn cũng là biên kịch kịch bản chuyển thể này, chọn một đồng tiền vàng — mệnh giá của nó giúp giải quyết mọi vấn đề lúc đó và sau đó cho các nhân vật, đúng vậy. Nhưng, hơn thế, đó là ngôn ngữ điện ảnh cho tình người: tình người khi không có gì, không còn lại gì, không phù hoa… chỉ tài năng và tâm hồn đưa người ta bay lên!

Vâng, thế là đủ để phó thác hết tâm tư cho điện ảnh khi trái tim thổn thức cảm xúc, mắt thu hết bài thơ hình ảnh, hồn thả cùng điệu hát ru du dương đó… cho đến tận dòng credit cuối cùng, ngẩn ngơ tiếc nuối vì có lẽ sẽ không còn lần xem nào nữa trên màn ảnh rộng này!

Ta biết mình muốn xem lại bộ phim nào ngay khi ta xem nó lần đầu thôi. Và hễ có, đừng chần chừ chiêu đãi mình nhé! Ngoài kia còn điện ảnh không phải Hollywood đấy!

© Yên Khuê @Quaivatdienanh.com