Một thảm họa trong thế giới thực đã buộc chúng ta phải tạm ngừng tận
hưởng hình tượng áp đảo của chính mình. Có lẽ đó là điều tốt.
Khi còn nhỏ, Anthony Oliver Scott (A.O. Scott) mơ ước trở thành nhà phê
bình nhạc rock. Bỏ học sau đại học, ông làm công việc phê bình sách,
và tình cờ trở thành nhà phê bình phim khi The New York Times tuyển
dụng ông năm 2000. Chưa đủ lạ lùng, năm 2004, tờ báo trao cho ông chức
danh nhà bình phim chính, một danh hiệu ông hiện chia sẻ với Manohla
Dargis. Scott tiếp tục nghiệp phê bình văn học cho The Book Review (và thỉnh thoảng cho các ấn phẩm khác) và viết cho The Times Magazine bất cứ khi nào có thể. Ông cũng thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh và truyền hình, đặc biệt là trong mùa Oscar.
Năm
2013, ông trở lại giới học thuật sau thời gian dài gián đoạn, và hiện
là một giáo sư nổi tiếng về phê bình điện ảnh tại Đại học Wesleyan. Ông
giảng rộng về phim ảnh và đặc biệt là về tầm quan trọng của phê bình, đó
là chủ đề cuốn sách của ông Better Living Through Criticism (tạm dịch Sống tốt hơn qua phê bình)
do Penguin Books xuất bản. Khi không xem phim hay nghe nhạc (và vẫn mơ
về vinh quang của nhà phê bình nhạc rock), Scott dành thời gian ở
Brooklyn, và ở một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Maine, nấu ăn và tận
hưởng niềm vui bầu bạn với vợ ông, hai người họ chủ yếu nuôi nấng con
cái và con chó của họ.
Bài viết mới đây “A Summer Without Superheroes” cho chuyên mục Sổ tay Bỉnh bút (Critics’ Notes) của The New York Times,
Scott không ngại bày tỏ quan điểm cá nhân của một nhà bình phim trước
việc siêu anh hùng đủ loại “nhấn chìm” điện ảnh — và vạch trần thủ đoạn
định hình tư duy của đại chúng từ những đế chế điện ảnh đằng sau đó. Rất thẳng thắn và đầy đủ
lập luận — Scott tự biết ông sẽ nhận ‘gạch đá’. Chọn chuyển ngữ và giới
thiệu bài viết của Scott vào mục Movie Blog — QVĐA biết cũng có thể phải nhận
‘gạch đá’! Tuy không phải mọi điều Scott viết ở đây đều trùng
khớp với quan điểm của QVĐA, nhưng, chúng tôi chọn và đi cùng bài viết
(và chấp nhận ‘gạch đá’) vì cũng như Scott, “không nhất thiết nói
rằng chúng ta nên xóa bỏ Avengers, hoặc tháo rã vũ trụ DC, mà là xóa bỏ
những tưởng tượng về quyền lực được gắn với các hình thức thực tế của
quyền lực” và “một mùa hè không có siêu anh hùng này” để suy ngẫm xem “người ta đã nhồi nhét cả đống đó vào đầu chúng ta thế nào”!
— những điều đó thì nhất quán với giá trị chơi một trang web điện ảnh
của thủy thủ đoàn QVĐA chúng tôi. Hân hạnh được chia sẻ! <3 |
Thật khó tin chúng ta lại đang sống trong thời đại phân cực. Ít nhất hơn
chục năm qua, công chúng đã bị ép chọn hoặc tuân phục một giới thượng
lưu bảnh chọe, đặc quyền tích lũy, chủ trương thị trường tự do, hoặc
trung thành với ý thức hệ hận thù bắt nguồn từ sự phủ nhận, tự thương
thân, phẫn nộ và trả thù. Bạn có thể sùng bái những hiện thân của hiện trạng uy quyền xem bạn là một điểm dữ liệu, hoặc cúi đầu trước
những hiện thân của sự bất bình.
Bạn đi theo người chiến thắng
hay là ủng hộ những kẻ dưới cơ? Bạn mơ mộng về chính phủ toàn cầu hay
công lý dân phòng? Hay bạn thấy mình trôi dạt từ cực này sang cực khác,
hy vọng tìm thấy thứ gì đó để thỏa mãn khát khao — an toàn, hiểm nguy,
đoàn kết, niềm vui — mà bản thân chúng thường không ổn định và mâu
thuẫn? Sự thỏa mãn là ngắt quãng và phù du.
Thất vọng là chuyện
thường. Chẳng lẽ không có thực tế nào thay thế, một lối nào thoát ra
khỏi sự kìm kẹp của Marvel/Disney và DC/Warner Bros. hay sao?
Bạn nghĩ tôi muốn nói về chuyện gì? Biết rằng phép loại suy là không
hoàn hảo, nhưng có lẽ tôi không hề loại suy chút nào. Văn hóa đại chúng
và chính trị tồn tại trên cùng một bước sóng và phối hợp với nhau để
định hình ý thức chung của chúng ta. Những tưởng tượng mà chúng ta chuốc
lấy bằng cách dành sự chú ý và tiền bạc của mình vào đó quy định ý thức của
chúng ta về những gì có thể tưởng tượng hoặc được cho phép tưởng tượng.
Và trí tưởng tượng của Hollywood trong kỷ nguyên phim chuỗi — kỷ nguyên
của sáng tạo và điện ảnh vũ trụ mở rộng chạy theo tài sản trí tuệ — là
độc đoán, phản dân chủ, yếm thế và dân túy giả tạo. Chẳng ngẫu nhiên mà
có thể dùng cùng những từ đó miêu tả phần lớn chính trị Mỹ thập kỷ qua.
Xin đừng ‘ném đá’ tôi. Tôi không có ý xúc phạm người hâm mộ
Suicide Squad hay
Ant-Man.
Tôi đã lãnh đủ ‘gạch đá’ rồi, và dù sao đi nữa, phản ứng nhanh chóng của rất nhiều phe chính là bằng chứng ủng hộ cho lập luận của tôi. Cộng
đồng người hâm mộ (fandom) có thể là một hình thức của chủ nghĩa bộ lạc
vô hại, một chế độ can dự xa hơn chỉ là tiêu dùng đơn thuần. Nhưng gần đây
nó đã biến tướng thành tiêu cực, đôi khi bùng phát thành cơn thịnh nộ
độc hại.
Phản kháng lật đổ xã hội nguy hiểm ngầm của Joker
|
Tôi cố gắng không theo phe nào, và cũng cố tránh sự cân bằng nhạt nhẽo.
Tôi đã thưởng thức phim từ cả vũ trụ Marvel lẫn DC, ghét những phim khác
và nhún vai với nhiều phim khác nữa. Nhưng tôi không ở đây để xào lại
quan điểm của mình về bất kỳ phần phim cụ thể nào. Chúng ta có thể tiếp
tục tranh luận danh sách xếp hạng của mình và phân ra những phim yêu
thích.
Joker rất tối tăm.
Guardians of the Galaxy thì nhộn quá.
Thor: Ragnarok thật
điên rồ. Nhưng những điểm độc đáo như vậy — và cả sự đánh giá cao các
màn trình diễn cụ thể hoặc kỳ công của việc làm phim — đánh lạc hướng
khiến ta không chú ý đến sức nặng áp đặt, gây ngu đần của cả hệ thống đó
xét về tổng thể.
Tìm thấy lỗi ý thức hệ và thẩm mỹ ở phía DC
thì dễ hơn — và trong số các nhà phê bình có tư tưởng tự do thường là
vậy — đặc biệt là từ khi Christopher Nolan hoàn tất bộ ba phim
Dark Knight.
Phản kháng lật đổ xã hội nguy hiểm ngầm của Joker và kiểu vô chính phủ
mỉa mai của Harley Quinn truyền tải năng lượng chống đối xã hội của nạn
‘troll’ trên mạng. Nói riêng,
Joker đòi được hiểu là một câu
chuyện ngụ ngôn về cơn giận dữ của người đàn ông da trắng ngay cả khi bộ phim
này đã cố gắng cẩn thận loại bỏ các ẩn ý phân biệt chủng tộc và ghét phụ
nữ trong tiền đề của nó.
Kiểu vô chính phủ mỉa mai của Harley Quinn
|
Nhưng ngay cả dưới thời của Nolan, khi một Joker trước đó ấn định sự
tương đồng cốt lõi giữa cái hỗn loạn hả hê của anh ta và cơn thịnh nộ
của Batman ủ ê, Thành phố Gotham chuyển sang nhịp điệu phản động rõ rệt,
bị chi phối bởi chính trị của nỗi sợ hãi và sùng bái anh hùng. Các tổ
chức dân sự yếu đuối và hủ bại một cách vô phương cứu chữa, ngoại trừ
một phần ngoại lệ của lực lượng cảnh sát. Luật pháp và trật tự chỉ có
thể được bảo đảm bằng các biện pháp ngoài luật pháp, thông qua các cuộc
trả thù cá nhân của một người đàn ông cực kỳ giàu có với nhiều công nghệ
cấp độ quân sự kỳ ảo. Công chúng luôn luôn biết ơn.
Vẫn còn
những cuốn sách được viết về quỹ đạo hệ tư tưởng của Người Dơi và Siêu
Nhân, những người mà khởi đầu là một phần của cuộc thập tự chinh chống
phát xít trên toàn thế giới và không chừng rốt cuộc lại về với phía bên
kia. Nhưng chính trị của vũ trụ DC lập tức hiển nhiên và thiếu nhất quán
trong những cách làm cho những bộ phim này đỡ xảo quyệt hơn so với đồng
cấp Marvel hào nhoáng, thúc đẩy sự đồng thuận.
Lúc nào cũng có tranh luận về
Hiệp sĩ bóng đêm,
băn khoăn hay rùng mình bởi tầm nhìn nghiệt ngã, hậu tận thế về bạo lực
chính nghĩa và giải trí. Việc bạn có thể ghét những bộ phim đó hoặc cảm
thấy bị ghét ở một mức độ nào đó là dấu hiệu của sự toàn vẹn. Bạn có
thể bị vũ trụ này cự tuyệt hoặc bị trục xuất khỏi đó. Với Marvel, lựa
chọn duy nhất là khuất phục.
Joker hỗn loạn hả hê đối đầu với cơn thịnh nộ của Batman ủ ê
|
Để phù hợp với thương hiệu Disney, vũ trụ Marvel, một thái ấp của Vương
quốc Phép thuật kể từ năm 2009, là một nơi thân thiện. Động cơ thúc đẩy
chuỗi phim này khi nó mở rộng là mạng lưới quan hệ bình đẳng đôi khi có
bất hòa giữa các siêu anh hùng. Có những cuộc cãi vã và đối đầu hài hước
(giữa Hulk và Thor) và cũng có những chia rẽ tự phụ, như cuộc tranh
luận đang diễn ra giữa Iron Man và Captain America về đạo đức trong việc
có một tổ chức bí mật, không trách nhiệm, không được bầu chọn gồm những
chiến binh mang lốt siêu anh hùng hoạt động như một lực lượng cảnh sát
toàn cầu — và sau đó là liên ngân hà.
Cờ bạc lúc nào mà chẳng
gian lận. Vũ trụ Marvel hiện đại được xây dựng xung quanh sức hút của
Iron Man. Sự sùng bái cá tính của Tony Stark, đi từ trai hư ban
đầu thành vị thánh tử đạo quan trọng nhất, nổi lên cùng lúc với sự tôn
thờ các doanh nhân và nhà sáng lập công ty công nghệ ở Thung lũng
Silicon trong thế giới thực. Stark, tận dụng sức quyến rũ to lớn của
Robert Downey Jr., là con nhà giàu, thừa kế một công ty lớn trong nền
kinh tế kiểu cũ, đã phá vỡ tổ hợp công nghiệp quân sự và bán cho thế
giới đủ loại phát minh ảo diệu làm thay đổi cuộc chơi. Nếu thỉnh thoảng
anh loạng choạng rơi vào những vùng xám đạo đức hoặc để cho sự kiêu ngạo
át đi tính nhân bản của mình, thì sự quyến rũ và bản sắc người tốt
không thể lay chuyển của anh luôn giữ anh trong sự trọng vọng của chúng
ta. Stark hài hước, lăng nhăng và đủ tệ hại để cố vươn lên. Là một người
nổi tiếng và nhà tư bản. Mẫu mực nam tính của thế kỷ 21. Không thì cũng
là một trong những kẻ rốt cuộc sẽ phá hủy mọi thứ.
Vũ trụ Marvel hiện đại được xây dựng xung quanh sức hút của Iron
Man, nổi lên cùng lúc với sự tôn thờ các doanh nhân và nhà sáng lập công
ty công nghệ ở Thung lũng Silicon trong thế giới thực
|
Các đồng nghiệp của anh cũng chẳng tốt đẹp gì hơn, mặc dù luôn có trường hợp ngoại lệ. Không phải ai cũng là siêu anh hùng hay nhân vật
tai to mặt lớn nào đó. Nhưng thử xem xét bản chất thực thể chung của họ,
và hồ sơ của các thành viên quan trọng nhất. Các vị thần, dòng dõi
hoàng gia, chiến binh phản bội và gián điệp đủ loại. Các nhà khoa học và
siêu-sinh vật. Những người duy nhất để người bình thường có thể liên hệ
là Paul Rudd và Groot.
Tôi biết; họ được cho là siêu anh hùng,
không phải người thường. Nhưng trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, một nhóm
các chiến binh cam kết phục vụ lý tưởng công lý và công bằng đã trở
thành một nhóm tinh hoa, một hội đồng quản trị củng cố quyền lực của
chính họ. Chiến lược doanh nghiệp của Disney được phản chiếu hoàn hảo
bằng những bộ phim này, hoạt động như một sự tuyên truyền không dành cho
bất kỳ phe nào hay tập hợp niềm tin cụ thể nào mà cho cách sự đời đang
vận hành.
Vai trò của khán giả là đi xem và vui vẻ, để ủng hộ cho
những kẻ quyền thế, để được đảm bảo rằng những kẻ đó biết điều gì tốt
nhất cho phần còn lại của chúng ta. Đây là một trong những phương thức
áp đặt của giải trí: tận hưởng hình tượng áp đảo của chính mình.
Đối mặt với viễn cảnh một mùa hè không có siêu anh hùng, chúng ta có
thể nghiền ngẫm xem tại sao ngay từ ban đầu ta lại nghĩ mình cần bao
nhiêu siêu anh hùng đó, hoặc người ta đã nhồi nhét cả đống đó vào đầu
chúng ta thế nào
|
Có lẽ năm 2020 sẽ có một chút khác biệt. Một năm sau Buổi hoàng hôn của các vị thần cứ như thật trong
Avengers: Endgame,
Marvel sẽ thu nhỏ lại một chút, tuôn ra những câu chuyện về siêu anh
hùng lẻ, như hồ sơ tạp chí của các CEO nhỏ hơn. Nhưng tất nhiên, một
thảm họa trong thế giới thực đã can thiệp vào, và chúng ta thấy mình
phải đối mặt với viễn cảnh một mùa hè không có phim bom tấn, không có
tập phim chuỗi nào đòi hỏi sự hiện diện và sự chú ý của chúng ta vào
những ngày cuối tuần được nhắm đích, không có cơn lũ marketing phim ập
vào màn ảnh nhỏ trong nhà chúng ta.
Và có lẽ, khi chúng ta sử
dụng thời gian này để suy nghĩ lại về nhiều hệ thống khác từng có vẻ bất
biến đến thế, tự nhiên đến thế, chiếm phần trong cách sự đời vận hành
nhiều đến thế, chúng ta có thể nghiền ngẫm xem tại sao ngay từ ban đầu
ta lại nghĩ mình cần bao nhiêu siêu anh hùng đó, hoặc người ta đã nhồi
nhét cả đống đó vào đầu chúng ta thế nào.
Rồi thì ta cũng sẽ đi
xem phim trở lại thôi, nhưng khi đó có lẽ chúng ta sẽ không còn dễ sai
khiến, kém vâng lời hơn. Tôi không nhất thiết nói rằng chúng ta nên xóa
bỏ Avengers, hoặc tháo rã vũ trụ DC, mà là xóa bỏ những tưởng tượng về
quyền lực được gắn với các hình thức thực tế của quyền lực.
Cái đem lại cảm giác mất mát trong một mùa hè không có siêu anh hùng này không chừng lại là sự giải phóng.
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times