Movie Blogs

Khách sạn Mumbai: Thảm sát kinh hoàng ám ảnh - xúc động

28/03/2019

Nhà rạp Việt Nam giới thiệu đây là một tác phẩm hành động, có nơi dịch nhẹ nhàng thành giật gân. Nhưng nên nói đây là một bộ phim tâm lý với những nút thắt mở căng thẳng tới tận cùng.

Từ một sự kiện có thật, Khách sạn Mumbai tái hiện cuộc tấn công khủng bố thảm sát kinh hoàng của bốn thành viên thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan (á phải chửi chít mịa bọn này mất thôi) vào khách sạn Taj Mahal Palace Hotel, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Taj Maha – cái tên biểu trưng cho chuyện tình lãng mạn ngọt ngào nhất mọi thời đại, bỗng chốc trở thành một ký ức kinh hoàng của Mumbai.

Thời lượng phim dài hơn 2 tiếng, hồi hộp, gay cấn, và căng như dây đàn (dĩ nhiên không đứt phựt như thượng đỉnh tại thành phố Hà Nội hòa bình). Qua đi những giây phút đó, là ám ảnh, xúc động và cảm phục, khi chứng kiến những họng súng cướp đi từng sinh mạng trong khung cảnh khách sạn xa hoa bậc nhất ở những góc quay chân thực không màng giấu diếm, những con người tuyệt vọng tìm đường sống cho bản thân, những nỗ lực đến giây phút cuối cùng để cứu người thân. Những khoảnh khắc đớn đau đến tận cùng và vỡ òa niềm hy vọng khi đau thương và kinh hoàng đã chạm đáy. Tất cả diễn ra trong một không gian rộng lớn, ánh đèn lunh linh, xa hoa, mà bỗng trở nên vô cùng nhỏ bé, hạn hẹp, u tối và vô phương chống đỡ trước sự tấn công của những kẻ cuồng tín.

Nếu không phải là sự kiện có thật, những nhân vật anh hùng áo vải – những nhân viên khách sạn sẵn sàng ở lại giữa bãi chiến trường đầy máu và lựu đạn, bình tĩnh, tận tâm, hết mình đưa khách an toàn rời khỏi họng súng trường của những tên khát máu cuồng loạn – có lẽ sẽ bị khán giả nói là giả tạo. Nhưng sau cùng, họ là thật, tinh thần quả cảm và tận tụy là có thật, bởi đến nay, khi vụ thảm sát đã lùi vào dĩ vãng, anh chàng bồi bàn sùng đạo, vị bếp trưởng kỳ cựu hay một bác nhân viên nào đó, vẫn tiếp tục cần mẫn phục vụ trong khách sạn Taj Palace với tôn chỉ: ‘Khách hàng là thượng đế’. Tinh thần này vẫn đúng trong một cuộc thảm sát đẫm máu.

Không có nhân vật quá chính cũng không có người nào quá phụ, không thiếu ai và cũng không có ai thừa. Không ai có võ công cái thế, có thể lăn ba vòng bắn ra mấy chục luồng đạn như trong các phim hành động điêu toa thường thấy. Mỗi người được khắc họa một tính cách riêng, nhưng đều rất thật và rất người, với những cách xử lý riêng trong cảnh hỗn loạn. Có người chọn cách trốn chạy, người chọn ở lại đối mặt, người sẵn sàng lao ra trước họng súng, người kiên cường bình tĩnh chống đỡ phía sau, kẻ hành động xuẩn ngốc, người thì xốc nổi… Và khán giả chẳng thể trách rằng anh chàng này quá ngu hay cô nàng kia quá tệ. Vì tất cả họ, đều đã thật sự đối mặt với họng súng chứ không phải là hình ảnh dựng lên từ một bộ phim viễn tưởng nào đó. Dù đã hành xử thế nào, có thể sống sót qua vụ thảm sát năm ấy, họ cũng xứng đáng được nhắc đến một cách đầy tôn trọng.

Phim cũng đem đến một góc nhìn khác về những kẻ khủng bố. Đều là những thanh niên trẻ, và có lẽ là nghèo. Nghèo nên thấy lạ trước bồn cầu giật nước, lần đầu được nếm món pizza ngon tuyệt rồi ngỡ ngàng và đau khổ nhận ra vừa ăn phải một miếng thịt lợn hun khói. Nhưng càng đáng sợ hơn khi thấy những tư tưởng cực đoan có thể nhồi sọ một con người và biến họ thành những kẻ cuồng loạn vô tri như thế nào. (Đó, cứ ‘Tôn giáo: Không’ như mình là ngoan. Thích nhà thờ, đi chùa cầu an, đến mosque vẫn hành lễ theo mọi người, hi hi.)

Phim hay, đáng xem dù khá ‘nặng’ và ám ảnh. Chống chỉ định những ai mê ngôn tình và chỉ thích hình ảnh nam nữ chính nắm tay chạy vòng quanh hay đợi chờ siêu nhân đến giải cứu chúng sinh.

Từ đầu đến cuối, đây là bộ phim ở Ấn Độ, diễn viên đa phần giống người Ấn, nhưng vẫn thuộc về Hollywood, nên khán giả có những thước phim tưởng dài miên man mà cô đọng, súc tích. Để Ấn Độ làm, tên khủng bố phải hát ba bài trước khi nã súng, nạn nhân thì múa 10 vòng trước khi gục ngã và các nhân vật chơi ‘slow motion’ đến 10 kiếp chưa hết phim.

À, phim có một điểm vô lý mà chắc phải wiki google để tìm hiểu kỹ hơn. 12 tiếng sau khi 4 tên khủng bố xông vào khách sạn, đội đặc nhiệm mới xuất hiện.

Khách mắc kẹt ở khách sạn tuyệt vọng viết di thư trong lúc chờ được giải cứu

Phải chăng phim cũng như thực tế, trong bối cảnh/hoàn cảnh này, cảnh sát luôn là người đến sau cùng? Mà trường hợp này thì quá chậm chân, hẳn 12 tiếng, giết đủ hơn 30 người, bị thương hơn 100 người, khách sạn cháy lùng bùng khói mịt mù vẫn ‘đội đặc nhiệm đang di chuyển từ New Dehli đến Mumbai’…

Còn điều nữa báo chí đúng là đội kền kền không có oan nha.

- Một gã nạn nhân kiêm cung cấp tin (gọi điện): Chúng tôi đang ở phòng X tầng hầm
- Báo chí: Thưa quý vị và các bạn, tiếp tục cập nhật bản tin nóng, các nạn nhân đang trốn trong phòng X đợi cảnh sát đến giải cứu
- Bọn khủng bố (chỉ đạo qua điện thoại): Ê ở phòng X có một lũ người kìa đến đó mau bắn bùm bọn nó cho tao….

Vậy có phải oan lắm không đây????

© Sansan @Quaivatdienanh.com