Movie Blogs

A Separation (2011): Kiệt tác của sự chia ly

04/02/2013

A Separation (Sự chia ly) không chỉ xứng đáng là bộ phim của năm 2011, mà phải là bộ phim của thập kỷ. Người ta sẽ phải nói về phim này và xem bộ phim này trong một thời gian dài nữa.

Phim đã giành hầu hết mọi giải thưởng danh giá từ Quả cầu vàng, Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin, phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2011, xếp hạng 106 trong Top 250 IMDB.

TimeOut New York viết: “Gọi đó là kiệt tác vẫn còn là khiêm tốn”, và quả thật họ đã không thổi phồng lên chút nào. Từ Iran với kinh phí vỏn vẹn 800 ngàn đôla, không đại cảnh, không cầu kỳ, đơn giản bằng một lối kể chuyện tinh tế và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên, đạo diễn Asghar Farhadi đã tạo ra một tuyệt phẩm khiến cả thế giới kinh ngạc.

Một gia đình trung lưu đang đứng trước bờ vực chia rẽ. Cô vợ muốn đưa cả gia đình ra nước ngoài sinh sống, người chồng lại muốn ở lại để chăm sóc cho cha đang bị chứng bệnh thần kinh hành hạ. Họ kéo nhau ra tòa trong khi cô con gái gắng gượng hàn gắn trong vô vọng. Ly dị không thành, cô vợ bỏ về nhà cha mẹ, người chồng buộc lòng phải thuê một cô giúp việc lo việc nhà. Những hiểu nhầm, dối trá, xung đột, đức tin, sự nghèo khổ… tất cả những thứ đó khiến những vết nứt, những chia rẽ trong các mối quan hệ ngày càng khó kiểm soát, và vỡ tan trong những giọt nước mắt.

Bộ phim là hành trình tìm kiếm sự thật của hai vụ kiện, làm tổn thương tình thần nặng nề hai gia đình đặt trong mối quan hệ giữa chủ và người làm thuê. Món tiền bị lấy cắp và hành vi bạo hành là hai yếu tố then chốt, nhưng không hề được giải quyết rõ ràng, tuy nhiên đó không phải là điều chính yếu. Góc quay của phim đặt sau những tấm gương lớn, những vụ kiện cũng là một tấm gương. Các nhân vật loay hoay tìm kiếm sự thật sau những tấm gương đó, và họ tìm thấy sự phản chiếu của chính mình: những thân phận nhỏ bé bế tắc trong guồng quay cuộc sống và nỗi đau. Sự rung động do sử dụng máy quay cầm tay tạo nên hiệu ứng bất ổn, nứt nẻ ở mọi khung cảnh, từ hiệu ứng trên khung hình trở thành hiệu ứng tâm lý rõ nét.

Không có ai là người xấu trong phim, từ người chồng, cô vợ, cô con gái, cho đến anh chồng bốc đồng của gia đình người giúp việc. Họ chỉ xoay sở để tồn tại trong một xã hội quá ngột ngạt, đến nỗi cả tình yêu thương cũng dẫn đến mối xung đột. Trong hoàn cảnh đó, tính cách riêng và cách giải quyết của từng người lại dẫn đến sự chia rẽ với những người xung quanh. Cô vợ là kẻ luôn trốn chạy, tin vào một tương lai tươi đẹp ở xứ người, xung đột với người chồng yêu thương cha và sẵn sàng làm tất cả để ở bên cạnh cha. Sự chia rẽ của hai người dẫn đến xung đột với mong ước đoàn tụ của cô con gái. Vợ người giúp việc làm tất cả để giúp chồng trả nợ, xung đột với anh chồng tuy nóng nảy nhưng đầy tự trọng. Phủ lên họ là những nền tảng đạo lý, tôn giáo, giá trị con người bị thử thách bởi sự nghèo khổ cùng cực.

Rất dung dị trong cách dẫn chuyện, chuyển cảnh, một cốt truyện đơn giản, nhưng luôn nghẹt thở bởi những cao trào liên tiếp không dứt. Đó là sự kết hợp giữa hai cơn sóng dữ, trên mặt biển là sự thật dần được bóc tách, những câu hỏi, nghi ngờ và giải đáp về vụ kiện cáo, về người có lỗi. Con sóng ngầm dữ dội hơn nằm ở chiều sâu nội tâm, luôn vùng vẫy ngay cả khi cơn sóng đầu hạ xuống. Rất nhiều cảnh xúc động xuyên suốt chiều dài bộ phim, cùng với sự khắc họa rõ nét từng nhân vật, không hề có ai mờ nhạt, kể cả ông bố mắc chứng Alzheimers ngơ ngẩn. Để khi sự chia ly là không thể tránh khỏi, vẫn là một tấm kính nứt vỡ ngăn cách hai con người, hữu hình và vô hình, cùng với cảm xúc day dứt khó tả đeo bám người xem rất lâu ngay sau khi màn ảnh nhỏ khép lại.

Diễn xuất của các diễn viên đều tuyệt vời và kết hợp với nhau một cách hoàn hảo. Mỗi người đều thể hiện rất chân thực và tinh tế những cảm xúc, tính cách, những nội tâm phức tạp. Với tôi, mỗi diễn viên trong phim đều xứng đáng giành một giải Oscar cho diễn xuất của họ. Cặp vợ chồng người chủ do Peyman Maadi và Leila Hatami thủ vai đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim uy tín. Ấn tượng nhất là vai cô con gái của Sarina Farhadi, cũng chính là con gái của đạo diễn Asgar, gợi nhớ đến và thậm chí còn phức tạp hơn Jennifer Lawrence trong Winter’s Bone. Điểm sáng khác là người chồng giúp việc Shahab Hosseini, một vai diễn cực kỳ khó và cực kỳ hay của ông. Ban đầu có thể gây sợ hãi và khó chịu, nhưng càng xem thì càng thấy thương cảm và ngưỡng mộ nhân cách cao đẹp của nhân vật này.

A Separation là viên ngọc quí giá của điện ảnh thế giới trong năm 2011, với tôi là bộ phim hay nhất trong năm. Khó có thể tưởng tượng một cốt truyện tưởng như đơn giản, lại được phát triển theo cách phức tạp và sâu sắc đến thế. Một lần nữa, lần này từ Iran, người ta lại thấy minh chứng thuyết phục cho một bộ phim xuất sắc không phụ thuộc vào kinh phí. Có lẽ phải rất lâu nữa, khán giả mới lại được thưởng thức sự chia ly trong các mối quan hệ được nâng tầm thành kiệt tác, đủ sức lay động cả cảm xúc từ trái tim, và cảm quan trong nghệ thuật, như thế.

© Hoài Nam @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi