Movie Blogs

Thor: The Dark World – nhiều câu hỏi, không đủ câu trả lời

20/11/2013

Có hai lý do chính khiến bạn nên xem Thor: The Dark World: xem một Thor với đầy đủ quyền năng của một vị thần trong suốt cả bộ phim, và xem Loki (ít ra là khúc đầu). Cái bạn không nên mong đợi từ Thor: The Dark World: logic trong kịch bản.

Nếu Thor phần một khiến nhiều người thất vọng khi Thor dành phần lớn diễn biến phim bị đày xuống Trái đất làm người phàm trần, dẫn tới việc phim có vẻ kể về một anh chàng tên là Thor thay vì vị thần sấm tên là Thor, thì trong suốt Thor: The Dark World, ta có một vị thần theo đúng nghĩa. Thor trong phim này đầy quyền năng, trưởng thành và tự tin. Một trong những cảnh đầu tiên ta có Thor hiên ngang dùng búa Mjolnir đánh bại cả một đoàn quân ở một thế giới trong Cửu Giới.

Trailer khiến ta cứ nghĩ cảnh này phải là cảnh chiến đấu chính của bộ phim
nhưng thực tế nó xuất hiện ở đầu phim, như chỉ để giới thiệu lại với khán giả quyền năng của Thor

Yếu tố hay nhất của Thor: The Dark World là cách bộ phim khai thác hệ quả của những gì Loki làm trong ThorThe Avengers đối với gia đình. Một trong những cảnh mở đầu là khi Loki đối mặt với cha mẹ nuôi, Odin và Frigga, lần đầu tiên sau diễn biến Avengers. Ở đây, phải nói tới khả năng diễn bằng mắt xuất sắc của Tom Hiddleston trong vai này.

Loki vẫn ngông cuồng, thích đùa bỡn như thế, nhưng ánh mắt anh luôn thay đổi mỗi lần nhìn Odin hay Frigga. Đứng trước Odin, ta thấy Loki thực sự hận ông, vì đã nuôi anh lớn lên trong dối trá, nhưng trong cái hận đó vẫn pha chút đau thương, cảm giác bị phản bội. Khi nhìn Odin, một chút gì đó của Loki trong Thor vẫn hiện ra: một Loki từng khao khát sự chấp nhận của Odin nhưng không bao giờ có được.

Cũng trong cảnh đó, những lời Loki nói với Frigga là chế giễu, nhưng ánh mắt anh lại thể hiện một cảm xúc khác. Lần đầu chút đau khổ không pha lẫn hận thù xuất hiện trong mắt Loki là khi Odin nói anh sẽ không bao giờ được gặp lại Frigga nữa. Có lẽ, nếu có người duy nhất có thể khiến Loki cảm thấy hối hận vì đã làm tổn thương, đó là Frigga. Bà là người duy nhất Loki không thể hận, và cũng dễ hiểu thôi. Frigga cũng có khả năng tạo ảo ảnh như Loki, và có lẽ, người đã dạy Loki phép thuật cũng chính là bà. Có lẽ, từ tấm bé, khi Odin luôn thiên vị Thor hơn, luôn chú tâm dạy dỗ Thor hơn, Loki lại được Frigga cưng chiều hơn. Loki sẽ không bao giờ có được sức mạnh của Thor, nhưng Frigga là người đã nhận ra khả năng bẩm sinh mà Loki có và đã chăm sóc, dẫn dắt khả năng đó. Vì thế, lần duy nhất Loki lớn tiếng với bà là khi bà gọi Odin là “cha con” – “Ông ta không phải cha tôi!”

Loki và Thor trong cảnh phim

Một trong những cảnh tôi thích nhất trong bộ phim là một chút nhẹ nhàng hơn giữa Thor và Loki. Loki nhìn Jane Forster vừa ngất đi và đặt câu hỏi với Thor về mối quan hệ tình cảm của hai người. So với cuộc đời ngàn năm của họ, một con người phàm trần như Jane chỉ có thể là cơn gió thoảng, và nếu tiến tới với Jane, điều duy nhất đang đợi Thor là trái tim tan nát. Trong khoảnh khắc đó, Loki thực sự lo lắng cho Thor, bất chấp sự bất hòa giữa họ.

Tuy vậy, Jane lại là cả một vấn đề trong bộ phim này. Mối quan hệ của Thor và Jane quá mờ nhạt trong Thor và lại càng mờ nhạt hơn trong phim này. Nói thẳng ra là tôi chẳng hiểu tại sao Jane và Thor lại yêu nhau và phim cũng không thèm phát triển tình cảm của họ. Vì thế, tôi lại càng không hiểu tại sao Tiến sĩ Jane Forster lại có thể vì việc Thor biến mất mà mất ăn mất ngủ bỏ cả công việc trong suốt hai năm trời, và trong khoảng thời gian đó, điều duy nhất cô làm đi tìm Thor. Ừ, ai mà chả biết Thor là thần thánh, nhưng Jane chỉ quen Thor trong vòng ba ngày là đứt, và biết anh là thần thánh trong khoảng… một tiếng đồng hồ. Vì như thế mà mất đi hai năm trời, có đáng không?

Nhưng vẫn đề lớn nhất của bộ phim là nhân vật Malekith. Đây là một nhân vật phản diện mờ nhạt và từ đầu tới cuối, những hành động mang tính “phản diện” của hắn chẳng có lý do gì cả, ngoài việc hắn là nhân vật phản diện vì thế nên phải làm những điều độc ác. Hắn hủy diệt vì…thích thế. Hắn đem một đội quân Hắc Tinh hủy hoại vũ trụ và biến nó trở lại thành “bóng tối” nhưng cái “bóng tối” đó thực chất là gì, hắn có lợi gì từ việc này, và tại sao hắn lại bị ám ảnh với cái “bóng tối” đó thì chẳng ai biết. Sau khi có được cái bóng tối đó thì hắn định…làm gì?

Malekith

Một nhân vật với động cơ nhạt nhẽo như thế trao cho một diễn viên như Christopher Eccleston thì thật phí phạm tài năng của anh. Không những bản thân nhân vật không có động cơ gì hấp dẫn, mà phân nửa thời gian, nhân vật chìm trong bóng tối hay được hóa trang đến mức có cảm giác như diễn viên chẳng cử động được cơ mặt, mắt thì đeo áp tròng nên cũng khó có thể thể hiện được mấy. Thế nên vai này, nói thật ra, trao cho diễn viên nào cũng được. Trong suốt bộ phim, tôi có cảm giác Malekith chỉ tồn tại để tạo mối đe dọa tạo động cơ cho Thor và Loki hợp tác.

Chiến dịch quảng bá Thor: The Dark World khoe rằng “anh ấy sẽ phải hy sinh tất cả để cứu chúng ta.” Trong cả bộ phim, tôi không thấy Thor phải hy sinh bất cứ thứ gì. Cái chết của Frigga và cuộc tấn công Asgard là động lực cho Thor bước vào cuộc chiến chứ không phải là hy sinh. Đưa Jane ra làm con mồi cũng chẳng hẳn là hy sinh vì ai cũng biết Jane sẽ không chết được. Kế hoạch đánh bại Malekith của Thor là kéo hắn tới Thế giới Bóng tối để binh lính Asgard không phải bỏ mạng. Thế nên chung quy Thor thực tế không hề phải hy sinh gì.

Bộ phim còn thiếu logic một cách khó bỏ qua nữa là khi Hắc Tinh của Malekith nã đạn laser vào quân đội Asgard và họ đánh trả bằng… kiếm?? Ai cũng biết thế giới Asgard được dựa theo truyền thuyết từ mấy trăm năm trước, nhưng thât sự khó có thể nhịn cười khi xem cái cảnh trông giống đem một đội quân từ thời Trung cổ ra đọ với súng máy thế kỷ 21. Điều này còn khó hiểu hơn khi trong khi chỉ năm phút sau đó, quân Asgard bỗng cũng có tàu chiến để bắn súng máy đùng đoàng đuổi theo Thor và Loki khi họ chống lại lệnh của Odin. Vũ khí tiên tiến có thể đem ra dùng để bắn quân mình mà không dùng để chống lại kẻ địch à?

Thor, Jane và Loki

Đây là một bộ phim rất hài, có lẽ là bộ phim hài hước nhất của Marvel tính tới nay. Một số cảnh khiến tôi phải bật cười gồm có: Khi đội quân của Malekith kéo đến phá ngục Asgard, thì Loki ung dung ngồi đọc sách dù ở ngoài xà lim hỗn đoạn đang xảy ra. Hay lúc Jane ngất đi, Loki thản nhiên nói, “Cô ta chết rồi à?” với một giọng thờ ơ đến buồn cười. Khi Thor đến nhà Selvig, anh bước vào cửa, nhìn cái móc áo một hồi rồi bình thản treo búa Mjolnir lên đó.

Tính hài của bộ phim có lẽ được bao trọn trong trích đoạn này:


Sự hài hước dí dỏm của bộ phim là một cái hay, nhưng thật ra nhiều lúc cũng là một cái dở. Avengers cũng là một bộ phim có nhiều câu thoại kiểu tung hứng, nhưng khi cuộc chiến bắt đầu, sự hài hước được dẹp qua một bên, thay vào đó là không khí chiến đấu nghẹt thở. Trong Thor: The Dark World, các trò đùa không kết thúc khi trận chiến bắt đầu, vì thế nhiều khi những yếu tố hài khiến khán giả bị phân tâm và khiến trận chiến trở nên kém gay cấn hơn. Trong trận chiến ở London mà theo Jane chỉ có thể kéo dài trong tám phút, ta đã mất bao nhiêu phút cho cái cảnh Thor đi tàu điện ngầm? Có cần dành nhiều thời gian thế quan tâm về Darcy và anh chàng rõ ràng được viết ra để thành người yêu của cô?

Cảnh đánh nhau giữa Thor và Loki chống lại Malekith cùng tay sai Kurse ở Thế giới Bóng tối hay hơn cảnh chiến cuối cùng ở London. Cuộc chiến ở Thế giới Bóng tối tài tình và tinh tế hơn, khi cả Malekith và khán giả bị đánh lừa vì Loki (tỏ vẻ) phản bội Thor để đánh lạc hướng kẻ địch. Trong một chốc, có vẻ sự nham hiểm của Loki đã trở lại, rằng Thor đã sai lầm thực sự khi tin tưởng Loki. Nhưng, mặt khác, việc tất cả sự phản bội đó thực chất chỉ là giả vờ lại khiến tôi bị hẫng, nhất là khi trailer có vẻ hứa hẹn một Loki mâu thuẫn hơn. Tôi thích một Loki như trong Thor, hay ít nhất là đen tối thực sự như trong Avengers. Trong phim này, mục tiêu chống lại Malekith của Loki lại quá rõ ràng, quá thiên về phía thiện, đâm ra khúc đầu khám phá nội tâm Loki hấp dẫn thì đến khúc cuối của nhân vật lại khiến tôi phải nghệt mặt tự hỏi, “Ơ, chỉ có thế thôi à?”

Thêm vào đó, cảnh “chết” của Loki quá “kịch” nên tôi không thể tin rằng Loki đã chết thật. Loki có thể chết, nhưng không thể chết trong một cách rập khuôn và sến thế được. Thế nên sau cảnh đó, mỗi khi diễn biến phim quay trở lại Asgard, tôi cứ chực chờ Loki tái xuất...

Điểm yếu của phim không phải là lỗi của các diễn viên. Chris Hemsworth hấp dẫn hơn bao giờ hết trong vai Thor (và tôi không chỉ nói về mặt ngoại hình). Từ anh toát ra sự tự tin của một vị thần theo đúng nghĩa và anh chứng minh nhân vật Thor giờ đã khác Thor của phần phim thứ nhất một trời một vực. Tom Hiddleston, như thường lệ, tỏa sáng trong vai Loki, xuất sắc từ những khoảnh khắc “tưng tửng” nhất của vị thần ma mãnh này, tới những khi mất phương hướng, yếu đuối… Natalie Portman dường như cũng đã làm tất cả để tạo sức sống cho nhân vật Jane Forster không mấy hấp dẫn.

Vấn đề với Thor: The Dark World là kịch bản không hiệu quả. Phim hứa hẹn quá nhiều, mở ra quá nhiều vấn đề nhưng thật ra chẳng giải thích hay giải quyết được bao nhiêu. Một bộ phim cũng hơn hai tiếng đồng hồ đấy, và trong khi xem phim, tôi cũng cười nhiều, cũng có những lúc thót tim, cũng thích thú. Ra khỏi rạp rồi, tôi mới thấy hơi hụt hẫng. Mối đe dọa chính trong bộ phim chẳng bao giờ tạo cảm giác thực sự nguy hiểm, và đến cuối, chúng bị đánh bại một cách hình như quá dễ dàng. Đến giờ, tôi vẫn có cảm giác như chỉ mới xem được một nửa bộ phim. Tất nhiên, chắc hẳn vẫn còn Thor 3, nhất là khi cái kết đặt câu hỏi lớn là Odin bây giờ ở đâu, nhưng The Dark World này vẫn có cảm giác chưa hoàn thiện.

Bảo là phim chán thì hoàn toàn không đúng. Nhưng bảo là phim thực sự tuyệt vời thì cũng không hẳn. Thor: The Dark World mang tính giải trí cao, và xem xong cũng không cảm thấy tiếc tiền. Tôi cũng hoàn toàn sẵn sàng xem lại phim này. Nhưng nhìn chung, có lẽ tôi mong đợi chút gì đó nhiều hơn từ phim này mà cuối cùng phim không cung cấp được.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi