Nhân vật & Sự kiện

Bên trong bộ não méo mó của Lars von Trier: Người đứng sau phim kẻ giết người hàng loạt gây sốc ở Cannes

18/05/2018

Bộ phim đầy vấn đề mới nhất của nhà làm phim người Đan Mạch, The House That Jack Built, đã khiến khán giả ùn ùn bỏ ra về và giới phê bình đả kích tơi bời vì bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong phim.

Lars von Trier (giữa) cùng dàn diễn viên của bộ phim tại sự kiện trình chiếu The House That Jack Built ở Cannes ngày 15/5/2018

Được cả khen ngợi lẫn chỉ trích của giới phê bình, bộ phim mới của đạo diễn người Đan Mạch Lars von Trier, The House That Jack Built đã chiếu ra mắt không tranh giải hôm 14/5 tại Cannes — “nôn mửa” và “kinh tởm” là một số tính từ được khán giả sử dụng để miêu tả. Trong một sự chuyển hướng đáng ngạc nhiên, von Trier được chào đón trở lại Cannes sau khi bị vào danh sách “nhân vật không được hoan nghênh” vì một câu nói đùa vô duyên, được hiểu là ủng hộ phát xít ở kỳ liên hoan năm 2011.

Làm sao mà von Trier lại đi từ một trong những đạo diễn nghệ thuật được kính trọng nhất đầu thế kỷ 21 thành kẻ gần như bị ra rìa trong cộng đồng điện ảnh vậy?

Câu trả lời rất phức tạp, nhưng có liên quan đáng kể tới việc danh tiếng của von Trier được xây dựng ngay từ đầu ra sao. Gã trai trẻ lập dị đã thắng giải Grand Prix tại Cannes cho Breaking the Waves năm 1996 giờ đã có tuổi, ông ta đã làm phim bao năm. Tuy nhiên, đối với những người yêu phim trẻ tuổi, nhiều người trong số họ đã trở nên chán ngấy những người hùng phim nghệ thuật già nua như Ingmar Bergman và Federico Fellini, thì von Trier có vẻ là vị đạo diễn hoàn hảo cho một kỷ nguyên hậu hiện đại hoài nghi.

Nhân vật Bess (Emily Watson) trong phim Breaking the Waves đưa Lars von Trier thắng giải Grand Prix tại Cannes năm 1996

Phiên bản u uất về nghệ thuật đạo diễn của ông được xây dựng trên sự cóp nhặt nhiều trường phái — các phiên bản mỉa mai của trường phái nghệ thuật Scandinavia nghiêm túc do Bergman và Carl Theodor Dreyer tiên phong. Trong khi Bergman, và thậm chí Dreyer còn hơn thế, làm phim hà khắc, kiểu cách, von Trier là một đạo diễn trí thức dành cho đám đông. Bess, nhân vật phản anh hùng trong Breaking the Waves, có phần gợi nhớ đến các nhân vật nữ chính nổi tiếng của Dreyer và Bergman. Nhưng thật khó xác định liệu cô ấy là vị thánh hay chỉ là kẻ khờ. Dù ai kết luận thế nào, công việc khó nhọc của cô đi kèm với nhạc pop sôi nổi của thập niên 70, chứ không phải nhạc cổ điển hay nhạc mới được những đạo diễn lớn tuổi hơn ưa chuộng. Trên tất cả, von Trier tạo ra những bộ phim thân thiện với người dùng: các loại phim phi-Hollywood hoặc chống Hollywood mà người Mỹ và thanh niên châu Âu thấy hơi khó hiểu nhưng cuối cùng cũng tiếp cận được.

Ngoài ra, khi người Mỹ và người châu Âu mong đợi kết thúc Chiến tranh lạnh trong thập niên 90, von Trier là đạo diễn lý tưởng cho một thế giới đang bắt đầu chào đón cái gọi là kết thúc của ý thức hệ, một khái niệm mà các nhà khoa học chính trị đã không ngừng huyên thuyên kể từ những năm 50. Mặc dù cha mẹ von Trier là những người thiên tả và sùng bái các khía cạnh của văn hóa đối trọng, ví dụ, chủ nghĩa khỏa thân, phim của ông loại bỏ hoàn toàn kiểu thiên tả mà Jean Luc-Godard đi theo (hoặc, trong phong cách ít thực nghiệm hơn, của đạo diễn người Anh Ken Loach) thời kỳ hậu-1968.

Dogville, bộ phim đưa Nicole Kidman thành sao

Tuy tính thẩm mỹ của Dogville, bộ phim đưa Nicole Kidman thành sao, dường như chịu ảnh hưởng bởi nhà soạn kịch cánh tả Bertolt Brecht, trong thực tế phim này chuyển tải thông điệp chống Brech. Brecht muốn có một nhà hát cam kết biến đổi ý thức chính trị của khán giả. Von Trier đã chứng tỏ chủ nghĩa không tưởng ôi thiu; một người yếm thế ủy mị dường như tin rằng bản chất con người là không thể thay đổi được và nhân loại cố hữu là đồi bại và ích kỷ.

Tình trạng bị ra rìa hiện tại của von Trier có thể truy nguồn từ quan điểm lý luận, có vẻ mâu thuẫn về nhân vật nữ chính của ông. Mặc dù von Trier đã trao nhiều vai diễn được đánh giá cao nhất cho các diễn viên nữ — Emily Watson trong Breaking the Waves, Nicole Kidman trong Dogville, và Björk trong Dancer in the Dark — và từng có thời được coi là một người ủng hộ nữ quyền, các nhà phê bình bị chia rẽ về việc liệu ông kính trọng, hay đồng cảm với, phụ nữ hay chỉ muốn thể hiện họ trong phim của mình để bóp méo họ. (Cũng cần lưu ý rằng Melancholia là một phim von Trier đã tạo ra sự ngưỡng mộ đáng kể trong giới ủng hộ nữ quyền. Amy Taubin của Artforum gọi đó là phim von Trier đầu tiên mà cô không ghê tởm.)

Catherine Deneuve (trái) và Björk trong Dancer in the Dark (2000)

Tất nhiên, với việc xuất hiện các cáo buộc của Björk năm 2017 rằng von Trier quấy rối tình dục cô trên trường quay Dancer in the Dark, không có người ủng hộ nữ quyền nào bênh vực cho nhà đạo diễn người Đan Mạch đầy vấn đề này. Một số nhà bình luận thậm chí còn chưng hửng khi von Trier được coi là xứng đáng để mời tới Cannes. Trước khi xem buổi chiếu The House That Jack Built, các nhà báo đã lên án von Trier là hiện thân của đặc quyền nam giới và triệu chứng cho thấy cái sai của Cannes thủ cựu. Melissa Silverstein, một nhà hoạt động vì phụ nữ và là giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Athena, miêu tả sự trở lại Cannes của von Trier là “không thể tin được”.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, The House That Jack Built vẫn xứng đáng được xem là một bộ phim như bất kỳ bộ phim nào khác chứ không phải là một triệu chứng mục nát đạo đức của nam giới. Trong môi trường văn hóa hiện tại, quá dễ đánh đồng hành vi xấu của nghệ sĩ với tác phẩm nghệ thuật của anh ta (hoặc cô ta, như trường hợp này có thể), tuy nhiên tác phẩm nghệ thuật đó có thể nâng cao tinh thần — hay xúc phạm — cũng không chừng.

Kirsten Dunst trong phim Melancholia (2011): một bộ phim von Trier tạo ra sự ngưỡng mộ đáng kể trong giới ủng hộ nữ quyền

Mặc dù bộ phim mới của von Trier không phải là phim người viết thích, công bằng mà nói, có thể bình thản mà xem như xem một bộ phim triết lý và đầy ắp ý tưởng. Vấn đề là hầu hết những ý tưởng này cũ rích — ăn cắp từ các nhà văn như Dostoyevsky, Nietzsche, và de Sade, những người đã truyền cảm hứng trí tuệ cho cả cánh tả lẫn cánh hữu trong nhiều thập niên rồi.

Bộ phim xoay quanh những tội ác của Jack (Matt Dillon), tự gọi mình là “Ngài Tinh Tế” (một liên tưởng rõ ràng với nhân vật trong The Killing of a Chinese Bookie của John Cassavetes), kẻ giết người hàng loạt kể lại chi tiết năm vụ giết người của hắn với một người đàn ông bí ẩn tên là Verge (Bruno Ganz), dường như rút gọn từ cái tên Virgil, nhà văn La Mã cổ đại đã viết The Aeneid.

The House That Jack Built xoay quanh những tội ác của Jack (Matt Dillon) — Lar von Trier có lẽ đang nói với chúng ta: “Quý vị nghĩ tôi là một con người kinh tởm. Tôi sẽ sáng tạo nhân vật ghét đàn bà kinh tởm nhất mà tôi có thể nghĩ ra và để quý vị đắm mình trong những hành vi sai trái của hắn trong hai tiếng rưỡi.”

Là triết lý hay là ủng hộ cái ác quá quắt, câu hỏi hóc búa về bộ phim này là liệu việc giết người có thể được coi là nghệ thuật hay không. Thật ngớ ngẩn nếu tuyên bố von Trier thực sự đồng ý với giả định sỉ nhục này — chỉ có Dostoyevsky, rõ ràng là một nghệ sĩ bản sắc hơn, tin rằng Raskolnikov, nhân vật phản anh hùng của Tội ác và trừng phạt (Crime and Punishment), là chính đáng trong việc giết một bà già vì hắn cho rằng mình sở hữu trí thông minh ưu việt.

Đúng là hầu hết nạn nhân của Jack là trẻ em hoặc phụ nữ, và khán giả Cannes dội ngược bởi những cảnh Uma Thurman bị đánh đập đến chết hoặc một cảnh Riley Keough bị xẻo mất ngực. Tuy nhiên, sự thù ghét phụ nữ của bộ phim này là đả kích và quá quắt đến nỗi nếu kết luận rằng von Trier ủng hộ kiểu hủy hoại đó thì có vẻ nhầm. Thay vì thế, nổi tiếng vật lộn với những cơn trầm cảm kéo dài, với kiểu bạo dâm quỷ quái, nhà đạo diễn có lẽ đang nói với chúng ta: “Quý vị nghĩ tôi là một con người kinh tởm chứ gì. Tôi sẽ sáng tạo nhân vật ghét đàn bà kinh tởm nhất mà tôi có thể nghĩ ra và để quý vị đắm mình trong những hành vi sai trái của hắn trong hai tiếng rưỡi.”

Câu hỏi hóc búa về bộ phim The House That Jack Built này là liệu việc giết người có thể được coi là nghệ thuật hay không

Nói cách khác, The House That Jack Built có thể được coi là một sự tự lên án tinh vi hoặc hành động tự phỉ báng. Trong một phỏng vấn gần đây được đăng trực tuyến, von Trier, ít nhiều thừa nhận nghiện rượu, có vẻ là một người tuyệt vọng. Và mặc dù có thể ông không xứng đáng với sự thông cảm của bạn, nỗi đau khổ mà ông ta tự giáng lên mình sâu sắc hơn nhiều so với sự suy sụp tinh thần mà ông sẽ trải nghiệm từ sự đả kích hướng vào bộ phim mới nhất của ông.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast