Hollywood hiện đại nằm dưới ách thống trị của các phim chuỗi, và ngày
nay, chẳng chuỗi phim nào to lớn hơn vũ trụ điện ảnh Marvel. Avengers: Infinity War ra rạp ngày 27 tháng 4 là bộ phim thứ 19 trong loạt phim siêu anh hùng.
Infinity War dù nhồi nhét nhiều tuyến truyện và nhân vật, vẫn là một
phim khá hay, nhưng có phải tham vọng lớn nhất của Hollywood chỉ tới
thế?
|
Infinity War là hội tụ 10 năm (từ
Iron Man) của các
tuyến truyện và nhân vật, một cái kết trải dài lúc hài hước lúc mệt mỏi,
quá dài và quá ít tiến triển, vừa dễ đoán mà trong những phút cuối lại
hoàn toàn gây sốc. Nó đã bị chỉ trích vì muốn trở thành sự kiện giao cắt
tham vọng nhất lịch sử điện ảnh, và dù không người đứng đầu nào của
hãng phim nói ra chính xác những từ đó, thì cái danh hiệu vũ trụ điện ảnh đã nắm bắt tinh thần
hoành tráng của dự án Marvel này. Đây là một thiên truyện siêu anh hùng
kinh phí 300 triệu USD có tầm vũ trụ.
Một bộ phim bị nhồi nhét như thế vẫn nhất quán là đủ ấn tượng rồi. Nhưng dù rối rắm thế nào,
Infinity War
thực ra làm khá tốt. Khiến nó là cái kết tạm thời phù hợp cho một
chuỗi phim đã được định hình không phải bằng sự xuất sắc mà bằng sự nhất
quán và chất lượng ổn định đáng tin cậy.
Cam kết với việc làm
phim khá của Marvel đã khiến hãng phim thành công 'khủng' và giúp tái
định hình nghề làm phim của hãng lớn. Nhưng nó cũng đến với một cái giá — không chỉ cho các phim siêu anh hùng, mà còn cho tham vọng làm phim của
các hãng lớn trên diện rộng.
Benedict Cumberbatch, Robert Downey Jr., Mark Ruffalo và Benedict Wong trong Avengers: Infinity War
|
Infinity War đóng vai trò mái vòm cho chiến lược làm phim cách
tân của Marvel — một sự pha trộn được mài giũa kịch liệt giữa hoài niệm
chân thành, tự trào lộng, những tuyến truyện giao nhau, những người hùng
lôi cuốn và những cảnh tượng kỹ xảo vi tính dốc sạch kinh phí.
Marvel
thu nạp từ truyện tranh gốc ý niệm một thế giới giả tưởng chung, trong
đó, ví dụ, Captain America và Black Panther hiện diện trong cùng một
dòng thời gian và có thể gặp nhau lúc này lúc khác, góp phần mang cụm từ
“vũ trụ mở rộng” vào ngôn ngữ điện ảnh phổ cập.
Hãng phim cũng
áp dụng sự nhạy bén kiểu truyền hình vào cách làm phim bom tấn, biến thể
loại siêu anh hùng thành một dạng phim hài tình huống công sở thêm
sinh vật ngoài hành tinh và cháy nổ. Những phim lớn nhất của hãng có đạo
diễn là Josh Whedon đứng sau
Buffy the Vampire Slayer và hai anh em Anthony và Joe Russo, trước đó đạo diễn các tập phim
Arrested Development và
Community.
Cả chuỗi phim nằm dưới sự quản lý của duy nhất một giám đốc, bản chất
đóng vai trò tương đương người điều hành một phim truyền hình vậy.
Jason Momoa trong Justice League (2017): các hãng phim đối địch chạy đua tạo ra những vũ trụ mở rộng của riêng họ, nhưng thường ra kết quả lẫn lộn
|
Quan điểm chủ chốt của hãng phim là: với đúng tài sản trí tuệ, cách tiếp
cận kể chuyện tập trung về một mối của cả truyền hình và truyện tranh,
với mỗi ấn bản hay tập phim chỉ là một phần của một chuỗi chạy dài với
một câu chuyện bao trùm, cũng có thể dành cho khán giả đại chúng trên
màn ảnh rộng.
Chiến lược này đã cho ra đời một loạt phim ăn khách
phòng vé, một lượng người hâm mộ trung thành mãnh liệt, và thậm chí là
một số thành công đáng ngạc nhiên về mặt phê bình. Nó cũng đã trở thành
mối ganh tị của Hollywood, với các hãng phim đối địch chạy đua tạo ra
những vũ trụ mở rộng của riêng họ, nhưng thường ra kết quả lẫn lộn (như
Justice League
thảm họa của năm ngoái). Các hãng phim khác đã nhân bản những tính
trạng về cấu trúc của Marvel — hoài niệm văn hóa đại chúng, cách kể
chuyện dài kỳ, các chiêu chiều lòng người hâm mộ đầy am hiểu — nhưng
không hãng nào có thể duy trì được sự ổn định cho sản phẩm của họ.
Nhìn Fox chẳng hạn, có quyền sở hữu hơi lằng nhằng một tí với X-Men và các siêu anh hùng Marvel liên quan. Các phim
X-Men,
đi trước vũ trụ Marvel, đã biến chuyển về chất lượng và sự độc
đáo nhiều hơn hẳn các sản phẩm bên Marvel Studios: Không phim Marvel nào tệ
như phần tái khởi động
Fantastic Four năm 2015. Nhưng cũng không phim Marvel nào dám thử chất bi ca sầu khổ của
Logan hay sự táo tợn điên rồ, bậy bạ của
Deadpool, và khó mà tưởng tượng sẽ có phim nào làm thế.
Không phim Marvel nào dám thử chất bi ca sầu khổ của Logan
|
Hơn tất cả thì Marvel thành công vì đã trở thành một dạng đảm bảo
chất lượng, một nhãn hiệu đại diện cho năng lực đã qua trui rèn và thân
thiện với khán giả. Kể cả những phim kém trong số các phim thuộc vũ trụ
Marvel cũng xem được. Không phim Marvel nào có điểm
Rotten Tomatoes thấp hơn 66%; chín bộ phim cao nhất đã đạt 89% hoặc hơn.
Ở
thời đại mà các phim thường mất 200 triệu USD để sản xuất và tầm tương
đương để tiếp thị, đây không phải là chuyện nhỏ với hãng phim hay
người xem. Lời hứa ngầm của Marvel là bạn có thể mua vé xem bất cứ phim
nào của họ và biết, với sự tự tin đáng kể, rằng kể cả nếu không
tuyệt vời, nó cũng có thể, ít nhất là, tạm được.
Sự đảm bảo chất
lượng đã cho Marvel toàn quyền chấp nhận rủi ro kinh phí lớn mà các hãng
phim thông thường sẽ xua tay — và đem về tưởng thưởng phòng vé cũng lớn
không kém: Khó mà tưởng tượng một phim kinh phí 230 triệu USD về một
thứ mờ nhạt như
Guardians of the Galaxy, với một con gấu mèo
biết nói và một cái cây có hồn trong dàn nhân vật chính, có thể được bật
đèn xanh nếu không có giả định sẵn về khán giả của Marvel. Và trong khi
nhiều nhà sản xuất đã cố gắng phát triển một phim
Black Panther
ít nhất từ những năm 1990, cuối cùng chính Marvel mới chuyển thể được
nó thành hiện thực điện ảnh với kinh phí siêu khủng — và trở thành phim
được điểm phê bình tốt nhất của họ.
Black Panther là phim Marvel do Ryan Coogler (ảnh trên, trái) làm thì rõ hơn là phim của Ryan Coogler làm dưới nhãn hiệu Marvel
|
Nhưng
Black Panther cũng chỉ ra những hạn chế cố hữu trong mô
hình của Marvel. Bộ phim do Ryan Coogler đạo diễn, một nhà làm phim trẻ
tuổi có tài, với hai phim trước,
Creed và
Fruitvale Station, thể hiện năng khiếu ấn tượng về tinh tế cảm xúc và nét nên thơ điện ảnh. Tài năng đó vẫn được thể hiện trong
Black Panther,
nhưng đôi lúc có cảm giác bị câm tiếng và giam hãm, bị gò trong
những công thức chung và những kỳ vọng cho một phim siêu anh hùng kinh
phí 200 triệu USD. Coogler dàn dựng một đoạn hành động quay một đúp mang
đầy dấu ấn cá nhân ấn tượng ở giữa phim, nhưng trận đánh đỉnh điểm ở
Wakanda diễn ra với những đoạn bay giữa không trung căng nét 'pixel'
(tức kỹ xảo vi tính) thường thấy ở những phim Marvel khác.
Nói rõ hơn,
Black Panther
là phim Marvel hay hơn trung bình. Nhưng nó là một phim Marvel do Ryan
Coogler làm thì rõ hơn là một phim Ryan Coogler làm dưới nhãn hiệu Marvel.
Với
thực trạng hiện giờ của phim bom tấn Hollywood, có thể tha thứ việc giả
định rằng thử nghiệm qua bình chọn là cần thiết để nắm bắt khẩu vị của
khán giả. Nhưng không có chuyện, kể cả trong thể loại siêu anh hùng kinh
phí lớn, được xây dựng trên tầm nhìn cá nhân các đạo diễn có khí chất
riêng.
Cảnh phim Batman (1989) của Tim Burton
|
Ở thập niên 80 và đầu 90, các phim
Batman của Tim Burton dễ
dàng được nhận diện là sản phẩm của sự kỳ dị mang phong cách ma quái của
người sáng tạo; Christopher Nolan xử lý nhân vật này sau đó hai thập
niên cũng khác biệt (cũng như
Dunkirk, một ví dụ tốt về chi phí
cơ hội của các nguồn kinh phí và tài năng hội tụ, nếu không phải gần
như là dành riêng, vào các dự án tầm cỡ Marvel); các phim
Spider-Man của Sam Raimi rõ ràng cũng bắt nguồn từ những ám ảnh với chuyện giật gân nhảm nhí đã cho ra đời
Darkman và các phim
Evil Dead. Đáng chú ý, các phim này đều là thành công đình đám ở phòng vé.
Marvel không gột sạch hoàn toàn cá tính đạo diễn ra khỏi phim của họ (những câu đùa chọc ngoáy của
The Avengers
mang chất Whedon rất rõ), nhưng họ đã dốc công để ngăn chặn và hạn chế
bất cứ thôi thúc đặt dấu ấn phong cách cá nhân đạo diễn nào để duy trì
một tông điệu, nhân vật, và tầm chất lượng đồng đều. Nhưng vậy cũng
khiến cho việc làm ra những phim cực phẩm khó hơn, những phim chỉ có
thể có được nhờ may mắn, cảm hứng, thử nghiệm và thiên tài nghệ
thuật đại chúng kết hợp lại. Và do đó, đã khiến Hollywood ít theo đuổi những dự án
như vậy hơn.
Vấn đề sâu hơn không hẳn là Marvel mà là những người
bắt chước và cổ vũ họ. Khi các hãng phim lớn tiếp tục theo đuổi khoản
doanh thu chắc chắn của mô hình làm ăn Marvel, và các nhà phê bình
tiếp tục tung hô những nỗ lực làm hài lòng chỉ vừa phải của Marvel là
hay, hậu quả tiềm tàng là các hãng phim Hollywood sẽ dồn
thêm nhiều tài nguyên và năng lực hạng nhất vào việc sản xuất những phim
xem được, thích được, nhưng không vươn lên tầm cao hơn. Các phim kinh
phí thấp và truyền hình sẽ lấp khoảng trống còn lại, như hiện giờ
đang làm, nhưng những sản phẩm vĩ đại nhất sẽ được dành cho những người
cẩn trọng và có năng lực.
Christopher Nolan (phải) xử lý nhân vật Batman sau đó hai thập niên cũng khác biệt
|
Tác giả là người hâm mộ Marvel từ đầu; tác giả không hy vọng điều đó sẽ
đổi thay. Và dĩ nhiên, có những số phận tệ hơn một thế giới toàn những
bom tấn vừa phải, không thích rủi ro, của những phim hoàn toàn giải trí
được thiết kế để làm vừa lòng số đông. Nhưng cũng đáng buồn với viễn
cảnh tương lai trong đó phim như
Avengers: Infinity War đại
diện cho đỉnh cao thành tựu nghệ thuật và sáng tạo của Hollywood. So với
các phim siêu anh hùng và bom tấn, nó khá hay. Nhưng tác giả ước ao
những ông lớn văn hóa đại chúng hãy tham vọng táo bạo hơn chút nữa.
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times