Nhân vật & Sự kiện

Chín muồi để xới lên rồi: Quan hệ yêu-ghét giữa Hollywood với Rotten Tomatoes

27/04/2018

Hai mươi năm trước, internet là một nơi rất khác. Google là đối thủ mới của Alta Vista và Lycos. Máy tính của Apple trông như cục gạch, và chúng ta kết nối vào đường điện thoại để “lướt net”, dùng đĩa CD cài đặt phần mềm.

Thế giới điện ảnh năm 1998 cũng hơi khác: phòng vé do các phim thiên thạch và Adam Sandler thống trị; Harvey Weinstein là người thắng giải Oscar; và The Avengers là một phim hài gián điệp khập khiễng, hoài niệm với Ralph Fiennes và Uma Thurman đóng chính.

Chính trong khí hậu đó Senh Duong tung ra Rotten Tomatoes – giới trong nghề gọi tắt là RT – một trang web đã làm biến đổi cả hai thế giới, tuy dường như không ai biết chắc nó đã làm như vậy trong chừng mực tốt lên hay xấu đi nào đó.

Ý tưởng của Senh Duong rất đơn giản – tổng hợp các bình luận về phim – và ý tưởng đó vẫn đang chi phối Rotten Tomatoes. Senh Duong nảy ra ý tưởng này do anh ái mộ phim của Thành Long và Lý Liên Kiệt nên lùng sục trên mạng để tìm kiếm những bình luận về họ. Thế thì tại sao không đặt chúng vào một chỗ? Senh Duong đã có công việc toàn thời gian, anh nói. “Rotten Tomatoes là một dự án tay trái mà tôi làm vào buổi tối.” Một mình anh đã thiết kế và viết code trang web chỉ trong hai tuần. “Rất mất thời gian. Mỗi trang được lắp ráp thủ công bằng cách sử dụng HTML. Mọi đánh giá đều được tìm kiếm, đọc và trích dẫn theo cách thủ công.”

Theo cách tương tự, ví dụ, lastminute.com và Expedia so sánh giá vé máy bay, việc tổng hợp các đánh giá của Rotten Tomatoes hóa ra cực kỳ hữu ích, đặc biệt khi nó tóm tắt tất cả những đánh giá đó thành một tỷ lệ phần trăm thuận tiện. Sau đó, nó tiếp tục cô đặc số điểm thêm nữa, thành đồ họa trái cà chua đơn giản. Theo cùng một cách mà Siskel và Ebert cho “ngón cái chỉ lên” hoặc “ngón cái chỉ xuống”, hoặc người từ Del Monte nếm dứa và nói “được” hoặc “không”, thế nên “Tomatometer” (tạm dịch: Thang đo cà chua) của Rotten Tomatoes tách phim thành “tươi” hoặc “thối”. Nếu có ít nhất 60% bài đánh giá một bộ phim là tích cực, thì phim được xếp loại “tươi”, biểu thị bằng quả cà chua chín đỏ. Dưới 60% là “thối”, biểu thị bằng dấu bẹp (tiếng ném cà chua) màu xanh lá cây. Trên 75% bạn được cấp “chứng nhận tươi”, giống như hình dán lên trái cây đạt chất lượng. (Nếu bạn thắc mắc, bộ phim The Avengers năm 1998 đó đạt 5% thối vô cùng.)

Ngày nay, các bộ phim được cho sống hay phải chết bởi sự chín muồi của trái cây ảo đó. Rotten Tomatoes đã trở thành một trang phim tổng hợp tất cả. Thang đo cà chua không chỉ xuất hiện trên trang web của Rotten Tomatoes mà còn trên các trang bán vé như trang của rạp chiếu AMC và Fandango (đã sở hữu Rotten Tomatoes từ năm 2016). Nó xuất hiện trên các tìm kiếm của Google, iTunes, SoundCloud, trong Twitter và thảo luận chatroom và trong chiến dịch tiếp thị của hãng phim (nếu được đánh giá “tươi”). Sẽ thành tin tức khi bộ phim nào đó đạt “100% tươi”, như gần đây đã xảy ra với Paddington 2 và, trước đó, Lady Bird của Greta Gerwig.

Với sự thống trị và địa vị nổi bật, Rotten Tomatoes đang trở thành câu chuyện – và không phải lúc nào cũng là câu chuyện hay. Ví dụ, sau khi Lady Bird đạt điểm 100%, một nhà phê bình đã chọn chèn một tiếng bẹp vào giữa sự tung hô, không phải vì anh ghét bộ phim, mà bởi vì ai nấy quá thích nó. “Tôi phải cân nhắc xem nên đánh giá Lady Bird là tươi hay thối trong bối cảnh điểm số hoàn hảo mà mọi người đã sử dụng để ca ngợi Lady Bird là bộ phim được giới phê bình đánh giá tốt nhất mọi thời đại trên RT,” Cole Smithey ‘tweet’ như vậy. Nói cách khác, địa vị là một thước đo trung lập các ý kiến của giới phê bình của Rotten Tomatoes trở thành vấn đề khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến chính kiến.

Khả năng thao túng của điểm số Rotten Tomatoes gần đây đã có những khía cạnh độc hại hơn. Đầu tháng 2, Facebook thông báo gỡ bỏ trang của một nhóm gọi là Down With Disney's Treatment of Franchises and Its Fanboys (tạm dịch: Đả đảo cách làm phim chuỗi và đối xử với ‘fanboy’ của Disney), vì đã tìm cách dàn dựng một cuộc tấn công “troll” ồ ạt vào điểm số Rotten Tomatoes của bộ phim siêu anh hùng Black Panther. Bên cạnh số điểm Tomatometer của giới phê bình, Rotten Tomatoes cũng cung cấp cho mỗi bộ phim một “điểm số khán giả”, được xác định bởi người dùng đăng ký và được đại diện bằng một túi bỏng ngô: đỏ và đầy đủ cho tích cực; màu xanh lá cây và nghiêng đổ cho tiêu cực. Nhóm chống Black Panther tìm cách giảm điểm số khán giả của bộ phim bằng cách tấn công trang web tới tấp bằng các đánh giá tiêu cực. Nhóm này tuyên bố đã lập trình tự động tạo tài khoản người dùng ảo. Họ còn nói họ hành động nhân danh truyện tranh DC, đối thủ chính của Marvel (thuộc sở hữu Disney), nhưng có nghi ngờ về động cơ, đặc biệt vì cũng chính nhóm này trước đó đã nhắm vào Star Wars: The Last Jedi (cũng thuộc sở hữu của Disney) trên cơ sở gọi là “khái niệm chiến binh công bằng xã hội”.

Rotten Tomatoes phủ nhận các cuộc tấn công đó thành công, nhưng hiện tại điểm Tomatometer của Jedi cuối cùng là 91% (một tiếng kêu “Yay!” của giới phê bình) trong khi điểm khán giả của nó là 48% (công chúng hô “Meh”). Sự lệch pha này là kết quả của những tài khoản ảo cực hữu hay là sự chia rẽ ý kiến của khán giả thật? Dẫu là thế nào, cũng không hề hấn gì: The Last Jedi giờ là bộ phim có doanh thu cao thứ chín trong lịch sử. Black Panther cũng đã thành bộ phim tỉ đôla.

Tuy nhiên, khi phim xịt, các hãng phim nhanh chóng đổ lỗi cho Rotten Tomatoes. Mùa hè năm ngoái, Hollywood đã viện dẫn nỗi nhục-cà chua cho những thất bại ‘khủng’ như Baywatch (18%), The Mummy (16%), King Arthur: Legend of the Sword (29%) và Cướp biển Caribê 5 (30%). “Trang web tổng hợp phê bình này ngày càng làm giảm tiềm năng kinh doanh của phim bắp rang,” phàn nàn của Deadline. Đạo diễn Brett Ratner gọi Rotten Tomatoes là “điều tồi tệ nhất chúng ta có trong nền văn hóa điện ảnh ngày nay” và là “sự hủy diệt công việc kinh doanh của chúng ta”. Chắc ông đã buốt nhói bởi số phận bộ phim bom tấn Batman v Superman: Dawn of Justice của Warner Bros, mà công ty của Ratner là đồng sản xuất; phim được đánh giá 27% thối hoắc.

Tình hình trở nên sôi sục với bộ phim tiếp theo sau Batman v Superman năm 2017: Justice League. Đối với Warner Bros, đây là một canh bạc lớn: một nhóm siêu anh hùng có ngân sách ước tính 300 triệu đôla. Vì vậy, lông mày đã cau lại khi điểm Rotten Tomatoes của Justice League không xuất hiện trên trang web như mong đợi, khi lệnh cấm vận đánh giá của các nhà phê bình được dỡ bỏ. Ngay cả khi những đánh giá đó có sẵn trên các trang web khác và phim đã được xem trước ở rạp, trang của Justice League trên Rotten Tomatoes bị để trống. Thay vào đó, lý do được đưa ra là, điểm của Justice League được công bố trên chương trình mới của Rotten Tomatoes, See It Or Skip It, trong đó các diễn giả cung cấp “bối cảnh và trò chuyện” xung quanh bộ phim khoảng một tuần trước khi tiết lộ điểm Tomatometer quan trọng nhất của nó. Đối với Justice League, điểm số 43% dứt khoát là xanh. Đến khi điểm số xuất hiện trên trang web, nó đã rớt còn 40%.

Một số nhà quan sát ngửi thấy mùi âm mưu, từ khi Warner Bros nắm giữ 30% cổ phần trong công ty mẹ của Rotten Tomatoes, Fandango (Universal sở hữu 70% còn lại). Tuy nhiên, Rotten Tomatoes phủ nhận Warner Bros có bất cứ dính dáng gì với quyết định của họ: “Chúng tôi hoàn toàn tự trị, như bất kỳ tổ chức tin tức nào,” họ nói. “Không có ảnh hưởng từ bên ngoài lên bất cứ thứ gì chúng tôi đưa lên trang web.” Nếu họ cố gắng giấu nhẹm tin xấu, thì không hiệu quả rồi. Rốt cuộc sự việc này đã tạo công luận tiêu cực về Justice League, Warner Bros và Rotten Tomatoes.

Senh Duong rời Rotten Tomatoes năm 2007 để theo đuổi các dự án truyền thông kỹ thuật số khác. “Khi bắt đầu trang web này,” anh nhớ lại, “tôi chỉ nghĩ đến tác động tích cực của nó – rằng nó có thể thực sự hữu ích cho người hâm mộ phim ảnh. Và với các hãng phim: họ có thể sử dụng Tomatometer để quảng bá những bộ phim hay của họ. Tôi không nghĩ tới chuyện họ sẽ phản ứng như thế nào với những phim bị đánh giá kém.” Anh lưu ý rằng Warner Bros không phàn nàn về đánh giá 92% của Wonder Woman, được sử dụng vào quảng cáo của hãng.

Tuy nhiên, thường các hãng phim tìm ra những cách tinh vi để kiểm soát thông điệp của Rotten Tomatoes, hoặc, nếu cần thiết, chặn không cho lan đi luôn. Họ có thể chiếu một bộ phim trước khi phát hành cho một đám đông dễ chấp nhận – chiếu ở liên hoan đầy ‘fan’, hoặc lựa chọn các nhà phê bình cảm thông – để có được điểm Tomatometer kha khá trên bảng sớm và hy vọng ấn định tông điệu.

Các phim bom tấn lớn nhất được giữ lại tránh giới phê bình, hoặc cấm vận đánh giá của họ, cho đến rất gần ngày phát hành. Thỉnh thoảng (khi hãng phim biết mình có trong tay một phim thực sự thối), phim không hề được chiếu cho các nhà phê bình. Kết quả là, không có điểm Tomatometer xuất hiện cho đến phút cuối cùng. Ví dụ, hè năm ngoái, Sony đã cấm vận phê bình The Emoji Movie ở Mỹ cho đến vài giờ trước khi phát hành. Các nhà phê bình đã cho bộ phim điểm RT chỉ 6%, nhưng phim đã lấy doanh thu cuối tuần mở màn khỏe khoắn 24,5 triệu đôla ở Mỹ. Phim gia đình thường ít nhạy cảm với sức mạnh của cà chua, dù sao đi nữa: không có bậc cha mẹ nào lấy dữ liệu để can ngăn một đứa trẻ sáu tuổi háo hức muốn xem.

Rotten Tomatoes có thể làm nên hay phá hỏng một bộ phim không? Chắc chắn nó có tác động, Ethan Titelman, phó chủ tịch cấp cao của hãng nghiên cứu thị trường National Research Group (NRG) ở Hollywood, nói. Theo khảo sát hằng năm của NRG, 50% khán giả thường xuyên kiểm tra trang RT, thường ngay trước khi họ mua vé xem phim. Và 82% “quan tâm hơn” muốn xem một bộ phim nếu nó có điểm Tomatometer cao, trong khi hai phần ba sẽ thoái chí trước điểm thấp. Hơn nữa, Titelman nói thêm, “ảnh hưởng của RT đang tăng lên và mở rộng. Khi lẽ ra là dành cho những người sành công nghệ ban đầu, RT đã thực sự tăng gấp đôi ảnh hưởng đối với khán giả trên 45 tuổi chỉ trong vài năm qua.”

Sau đó, một lần nữa, một nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Giải trí thuộc Đại học Nam California đã nghiền ngẫm dữ liệu về doanh thu phòng vé trong tương quan với điểm Tomatometer cho 150 phim có doanh thu cao nhất năm 2017, và phát hiện mối tương quan chỉ là zero – nghĩa là, nói chung, Rotten Tomatoes không ảnh hưởng đến phim một cách tích cực hay tiêu cực. Bất chấp những trường hợp bất thường như The Last Jedi, nghiên cứu này cũng tìm thấy mối tương quan cao giữa điểm số của giới phê bình và điểm số khán giả, đưa tới giả thuyết rằng mọi người có xu hướng nhất trí khi phim dở. “Khi các nhà điều hành Hollywood phàn nàn về điểm Rotten Tomatoes,” nhà nghiên cứu kết luận, “thực ra là họ phàn nàn về sở thích của khán giả vì cơ bản hai chuyện đó là một.”

Steven Gaydos, tổng biên tập của Variety, lập tức bác bỏ phàn nàn của các hãng phim: “Đúng là trường hợp ‘bắn sứ giả’,” anh nói. “Nếu Rotten Tomatoes phản ánh sự đồng thuận ý kiến về một bộ phim và bộ phim đó dở và vì thế không làm ăn tốt, vậy thì khía cạnh nào cho thấy Rotten Tomatoes làm gì bất chính hay quá tay?” Các hãng phim ngày nay dựa vào ít phim hơn, nhưng lớn hơn, mỗi phim đại diện cho một khoản đầu tư chừng nửa tỉ đôla vào chi phí sản xuất và tiếp thị, Gaydos chỉ ra. Hơn nữa, doanh thu tuần mở màn của một bộ phim thường chiếm một phần ba tổng doanh thu phòng vé. “Nên bạn có thể tưởng tượng sức ép có được một kỳ cuối tuần ra mắt mà không bị hư hại hoặc giảm bớt bởi một điểm số Rotten Tomatoes kém là lớn đến cỡ nào. Mọi thứ đang bị đe dọa.”

Rotten Tomatoes có thể không giết chết điện ảnh, nhưng nó có thể giết chết phê bình điện ảnh. Không chỉ bằng cách tìm cách phớt lờ các chuyên gia và xây dựng bàn tán rầm rĩ với người hâm mộ, mà còn bởi tiền đề cố hữu của nó. Rotten Tomatoes chỉ đăng ký mỗi bài đánh giá là tích cực hoặc tiêu cực (ngược lại, đối thủ của nó là Metacritic, cho điểm phần trăm cho từng bài đánh giá cá nhân, sau đó tính ra mức trung bình). Một bộ phim mà tất cả mọi người nhất trí đơn giản là “khá tốt” có thể đạt 100% tươi trên Rotten Tomatoes, trong khi phim thách thức hơn, gây tranh cãi hoặc có tính thử nghiệm, nhiều khả năng gây chia rẽ các nhà phê bình và được điểm thấp hơn. Hệ thống này ủng hộ sự an toàn và đồng thuận. Cũng như phim ảnh, Rotten Tomatoes phân loại các nhà phê bình: nếu một nhà phê bình đi ngược lại suy nghĩ thường tình, điểm Tomatometer là “bằng chứng” cho thấy họ “sai”.

“Đó là tự kiểm duyệt,” Gaydos của Variety nói. “Các nhà phê bình đã tự rèn luyện bản thân để [giả vờ] xem xét một cách nghiêm túc mà họ không nghiêm túc vì nguy cơ là không có việc làm và không ‘thức thời’, bị loại khỏi cuộc thảo luận.” Điểm số phản ánh xu thế này. Điểm Tomatometer trung bình cho các bộ phim thu về hơn 2 triệu đôla là 51% trong những năm 2000 và 53% trong những năm 2010. Tuy nhiên, trong năm 2017, năm của những bom xịt như Baywatch Pirates of the Caribbean 5, trung bình là 71%. Vậy, hoặc là nhà phê bình đang thưởng thức phim nhiều hơn hoặc là phim đang hay hơn bao giờ hết.

Nỗi sợ của Gaydos đó là Rotten Tomatoes đang thay thế việc bình phim có bản sắc và chín chắn. “Chúng ta từng đọc Andrew Sarris và Pauline Kael tranh luận, và bây giờ chúng ta đang xem hình ảnh cà chua xanh hoặc cà chua đỏ. Người ơi, chúng ta hãy xem mình đã mất gì ở đây đi!”

Các nhà làm phim đã bày tỏ tình cảm tương tự. Martin Scorsese phàn nàn rằng các trang web như Rotten Tomatoes “hoàn toàn không làm gì cho việc phê bình phim thực sự. Họ đánh giá phim theo cách bạn sẽ đánh giá… một thiết bị gia dụng trong Báo cáo Người tiêu dùng… Nhà làm phim bị giáng xuống thành một nhà sản xuất nội dung và người xem giáng xuống thành một người tiêu dùng không thích mạo hiểm.”

Những người khác không đồng ý. Nhà phê bình Richard Brody của The New Yorker cho rằng Rotten Tomatoes “có giá trị khi đặt đánh giá của các nhà phê bình viết cho các báo nhỏ hơn bên cạnh những người viết cho những báo hàng đầu, nói chung là có ích.” Senh Duong cũng bảo vệ đứa con tinh thần của mình: “Về nỗi lo rằng mọi người sẽ chỉ nhìn vào điểm số và không đọc các đánh giá, không có dữ liệu chứng minh. Khi tôi ở đó, 85-90% người dùng truy cập trang phim trên Rotten Tomatoes có nhấp vào một bài đánh giá rồi mới rời khỏi trang web. Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn nghĩ về điều này: đây là một trang đầy những ‘link’ liên kết với những trích dẫn hấp dẫn.”

Khi Senh Duong tạo ra Rotten Tomatoes vào năm 1998, Hollywood phát hành nhiều phim hơn hiện nay, và chúng được xem xét bởi một nhúm nhà phê bình quan trọng: các tờ báo và tạp chí lớn, các nhà phê bình chuyên như Siskel và Ebert. Các phương tiện truyền thông thượng đẳng, bạn có thể nói thế. Hôm nay, tình hình đã đảo lộn. Hollywood phát hành ít phim hơn và chúng được xem xét bởi hàng trăm, có thể hàng nghìn, nhà phê bình. Bạn có thể xem đây là dân chủ hóa và đa dạng hóa truyền thông, hoặc sự nổi lên của những giọng chỉ trích chối tai. Tuy nhiên, sự gia tăng tạo ra một cơ hội để đơn giản hóa và tổng hợp vô số đánh giá thành một siêu-thực thể bao quát ở trên đỉnh: nói một cách cốt lõi, là một tầng lớp truyền thông thượng đẳng mới.

Tùy cách bạn xem xét, Rotten Tomatoes hoặc giới thiệu các biến dị hữu cơ, gia truyền như một cửa hàng thực phẩm cao cấp, hoặc nó pha trộn tất cả sự khác biệt thành lớp váng bọt thuần khiết, dễ tiêu hóa. Trái cà hoặc nửa chín hoặc nửa thối; tất cả là chuyện khẩu vị.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian