Nhân vật & Sự kiện

Sai lầm của Steven Spielberg về tương lai ngành điện ảnh

29/07/2013

Gần đây, cả Steven Spielberg và George Lucas đều đưa ra những lời phát ngôn thẳng thắn về hướng đi của thế giới điện ảnh.

Đây đều là những lời thật lòng, thú vị, từ hai đạo diễn từ lâu đã vượt cái ngưỡng có thể hủy hoại sự nghiệp của bản thân nếu không cẩn thận trong trò chơi chính trị trong ngành. Bài viết này sẽ điểm qua vài lời phát biểu đó và đánh giá xem những lời đó đúng ở đâu và sai ở đâu.

Spielberg: Ngành điện ảnh sẽ chịu một cuộc sụp đổ, khi năm, sáu phim với ngân sách trên 250 triệu USD sẽ cùng nhau thất bại tại phòng vé, qua đó thay đổi ngành điện ảnh mãi mãi.

Đánh giá: Vừa đúng nhưng cũng vừa sai.

Cuộc sụp đổ đó chắc chắn sẽ đến nhưng sẽ không đến vì có những phim ngân sách cao thất bại, mà là vì có nhiều phim ngân sách trung bình cùng thất bại, và cộng lại sẽ gây tổn hại tới lợi nhuận của các hãng phim. Vào lúc này, ta cần xem một vài số liệu, và John Carter được cho là thất bại lớn nhất của 2012. Vì thế ta hãy xem năm 2012 vừa qua, trước hết là doanh thu ở Mỹ.

Marvel’s The Avengers: doanh thu 623 triệu USD, với ngân sách 220 triệu USD
Brave: doanh thu 237 triệu USD, ngân sách 185 triệu USD
Wreck-It Ralph: doanh thu 189 triệu USD, ngân sách 165 triệu USD
Lincoln: doanh thu 182 triệu USD, ngân sách 65 triệu USD
John Carter: doanh thu 73 triệu USD, ngân sách 250 triệu USD
The Odd Life of Timothy Green: doanh thu 51 triệu USD, ngân sách 40 triệu USD (ước tính)
Beauty and the Beast (3D): doanh thu 47 triệu USD, chi phí quy đổi 3D 1 triệu USD
Finding Nemo (3D): doanh thu 41 triệu USD, chi phí quy đổi 3D 1 triệu USD
Frankenweenie: doanh thu 35 triệu USD, ngân sách 39 triệu USD
Monsters Inc.: doanh thu 34 triệu USD, chi phí quy đổi 3D 1 triệu USD
Chimpanzee: doanh thu 28 triệu USD, ngân sách 12 triệu USD
Secret World of Arrietty: doanh thu 19 triệu USD, ngân sách 37 triệu USD
People Like Us: doanh thu 12 triệu USD, ngân sách 16 triệu USD

Tất cả những phim này đều được phân phối bởi Buena Vista, chi nhánh của Disney. Điều đầu tiên cần cân nhắc khi nhìn những con số này là việc ngay cả những người khôn ngoan trong ngành nhiều khi cũng sai lầm, và ta cần nhớ một điều nữa: một bộ phim cần thu về gấp 2,5 lần ngân sách thi mới có thể hòa vốn, vì 1) các rạp chiếu sẽ giữ khoảng 30-70% doanh thu phòng vé, tùy theo phim và ngày chiếu, và 2) mỗi phim đều có ngân sách quảng bá khổng lồ không nằm trong kinh phí sản xuất. Một số phim có thể chỉ cần thu về hơn ngân sách 2,2 lần, nhưng cũng có thể có phim phải thu về gấp ba thì mới hòa vốn, vì thế ta cứ cho là trung bình là hai lần rưỡi.

Ta hãy phân tích, với số liệu thực. Ngân sách The Avengers (220 triệu USD) nhân 2,5 là 550 triệu USD. Ở Mỹ, phim thu về 623 triệu USD, và ta có thể cho rằng tiền lãi ở đây là khoảng 73 triệu USD. Con số này không tính doanh thu ở nước ngoài, và bản thân doanh thu đó cũng khổng lồ. Tính theo phương thức này, ta có lãi lỗ (ở Mỹ) của các phim như sau:

Finding Nemo (3D) / Beauty and the Beast (3D) / Monsters Inc. (3D) = tổng cộng lãi 100 triệu USD
Marvel’s The Avengers: lãi 73 triệu USD
Lincoln: lãi 20 triệu USD
Chimpanzee: Hòa vốn
John Carter: lỗ 552 triệu USD
Brave: lỗ 225 triệu USD
Wreck-It Ralph: lỗ 223 triệu USD
Secret World of Arrietty: lỗ 74 triệu USD
Frankenweenie: lỗ 62 triệu USD
The Odd Life of Timothy Green: lỗ 49 triệu USD
People Like Us: lỗ 28 triệu USD

Trong 13 phim lớn Disney cho ra mắt năm ngoái, tới bảy phim chịu lỗ ở phòng vé, chưa tính tới tiền bán đồ chơi, hay doanh thu nước ngoài. Con số tổng cộng là gì? Âm một tỉ đôla. Vậy… Disney sắp phá sản, phải không? Tôi có thể chuẩn bị tiền mua lâu đài kia rồi chứ?

Tất nhiên là không, vì bạn cần phải tính cả doanh thu quốc tế nữa.

Sau khi tính doanh thu quốc tế, thì hãng bỗng lại lãi thêm 900 triệu USD cho các phim kia.

John Carter

Cái gì?

Đúng rồi, Disney đã thu về lên tới 2 tỉ đôla ở phòng vé quốc tế, dẫn tới việc ta phải chấp nhận rằng Disney không còn làm phim cho phòng vé trong nước, vì thế giới lớn hơn nước Mỹ rất nhiều.

Ngay cả thất bại khổng lồ John Carter cũng có doanh thu 210 triệu USD ở nước ngoài, vẫn không đủ hòa vốn, nhưng cũng không đến nỗi khiến hãng phim này lỗ nửa tỉ đôla như nhiều báo chí đưa tin. Thật ra, nếu tính hết tất cả, rõ ràng ràng là những thất bại này không thành vấn đề lắm, vì với mỗi John Carter thì lại có một Brave hay The Secret World of Arrietty hay chính The Avengers có thể thu về quá đủ để bù lỗ. Họ cần làm phim bom tấn khổng lồ, vì cái lợi thu về luôn lớn hơn rủi ro.

Những kẻ thua cuộc thực sự trong cuộc đua quốc tế này là ai? Chính là các phim ngân sách nhỏ hơn. Làm Frankenweenie làm gì khi phim sẽ không được đón nhận ở nước ngoài? Phí sức vì The Odd Life of Timothy Green làm gì khi hiện tượng trong phim chỉ hấp dẫn với khán giả trong nước?

Vì thế, đánh giá của Spielberg về sự sụp đổ kia có khía cạnh chính xác, nhưng ông sai về việc thể loại phim sẽ phải biến mất. Khi làm phim bom tấn khổng lồ, Disney chỉ ngồi chờ thu về hai tỉ. Phim nhỏ hơn à? Không đáng thời gian bỏ ra. Và đây là một hiện tượng khá đáng sợ.

E.T. the Extra-Terrestrial

George Lucas đồng ý rằng ngành điện ảnh đang chờ đợi những thay đổi lớn xảy ra, gồm các rạp chiếu phim trở thành mô hình kịch nói Broadway khổng lồ, một năm có ít phim ra mắt hơn,thời gian công chiếu lâu hơn và giá vé lên cao hơn. Đánh giá này khiến Spielberg nhớ lại rằng phim ra mắt năm 1982 E.T. the Extra-Terrestrial của ông đã chiếu ở rạp tận một năm, bốn tháng.

Đánh giá: Sai.

Đánh giá này sai một cách ngớ ngẩn. Cứ như thể, ông đang nói, “Hồi xưa người ta đi tàu vượt Đại Tây dương, bây giờ xu hướng đó sẽ trở lại!”

Không, tất nhiên là không, một vạn lần không.

Sự thực là, phim ảnh ngày càng bị đẩy hoạt động lên nhanh hơn, tức là mọi người hay đi xem phim vào dịp cuối tuần công chiếu đầu tiên, và xu hướng này tăng theo từng năm. Avatar là một trong ít phim trụ được lâu ở phòng vé, nhưng một phần ba tổng doanh thu của The Avengers được thu về trong ba ngày chiếu đầu tiên. Phim này không phải ngoại lệ, mà là xu hướng. Nói gì thì nói, thời điểm phim ra đĩa sẽ trở nên sớm hơn và các phim bom tấn sẽ chỉ chiếu ở rạp trong vòng 1-2 tuần.

Một lý do cho sự tăng tốc của phòng vé là gì? Các hãng phim thường thu về nhiều tiền hơn với phim bom tấn, và vì thế có thể thương lượng ăn chia cho rạp chiếu lên tới 70% số tiền bán vé trong dịp cuối tuần đầu tiên, nhưng những dịp cuối tuần tiếp theo, tỷ lệ ăn chia của các rạp giảm xuống 30-50%. Các hãng phim đang ép các chuỗi rạp lớn chỉ vì lợi nhuận cuối cùng của mình. Nhiều người có thể không biết, nhưng các hãng phim và các rạp chiếu là hai hoạt động kinh doanh khác nhau. Rất khác.

Điều cần lưu ý: Từ năm 1948, các hãng phim đã không được phép sở hữu rạp chiếu (sau vụ kiện United States v. Paramount Pictures, Inc.). Nếu điều luật (giờ đã lỗi thời) này bị bác bỏ, Disney rất có thể cho phép Avengers ra rạp trong hàng tháng trời, thu về cả tiền vé lẫn tiền bán đồ chơi. Đây thực sự sẽ là điều tốt đẹp cho cả khán giả và hãng phim, nhưng tất nhiên các rạp chiếu hiện giờ sẽ chịu thiệt.

Upstream Color

Một số ý tưởng của các nhà làm phim trẻ quá “ngoài luồng” để có thể làm thành phim, Spielberg nói.

Đánh giá: Đúng

Spielberg cho rằng, xu hướng này không hề tốt chút nào. Giờ đây các hãng phim có một kế hoạch mà họ làm theo một cách nghiêm ngặt. Họ có thể đánh bóng chỗ này chỗ nọ, nhưng sự đổi mới thực sự thường bị gò bó hoặc tránh né hoàn toàn. Nếu phim không thể chiếu ở nước ngoài, với khán giả nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, thì đó là ý tưởng bỏ đi.

Để biết viễn cảnh đã thay đổi thế nào, ta nên nhìn những bộ phim nhỏ hơn nhưng tỏa sáng về mặt văn hóa, khi kết hợp với doanh thu:

Upstream Color: doanh thu 437.242 USD (88% trên RottenTomatoes)
Bellflower: doanh thu 168.226 USD (73% trên RottenTomatoes)
Shame: doanh thu 3.909.002 USD (76% trên RottenTomatoes)
We Need to Talk About Kevin: doanh thu 1.738.692 USD (80% trên RottenTomatoes)

Những phim này không phải ai cũng yêu thích, nhưng mỗi phim đều có một sự mới mẻ rất rõ ràng mà theo quan điểm các hãng phim lớn thì đó là phim không thể bán được.

Shame

Đường dẫn tới rạp chiếu này càng hẹp hơn.

Đánh giá: Vừa đúng nhưng cũng vừa sai.

Các phim được ra rạp giờ giống nhau, nhưng số phim ra rạp lại nhiều hơn. Nếu bạn muốn cho ra mắt phim cho một nhóm khán giả nhất định, không phải là tạo một cuộc cách mạng phòng vé, và sẵn sàng đưa ra chiến dịch quảng bá hơi lừa đảo khán giả, thì bạn cứ thoải mái thôi. Mỗi năm đều ngày càng có nhiều phim ra rạp.

Sau đây là 10 phim doanh thu cao nhất trong năm 2012:

- The Avengers: Siêu anh hùng, bom tấn mùa hè, nhiều nhân vật nam, dành cho giới trẻ.
- Dark Knight Rises: Siêu anh hùng, bom tấn mùa hè, nhiều nhân vật nam, dành cho giới trẻ.
- Hunger Games: Chuyển thể từ tiểu thuyết tuổi mới lớn, dành cho giới trẻ.
- Skyfall: Loạt phim được yêu thích, nhưng đen tối và nhiều góc cạnh hơn.
- The Hobbit: Loạt phim được yêu thích, với thay đổi mang tính thương mại.
- Twilight Saga Breaking Dawn, Part Two: Chuyển thể từ tiểu thuyết tuổi mới lớn, dành cho giới trẻ.
- Amazing Spider-Man: Siêu anh hùng, bom tấn mùa hè, nhiều nhân vật nam, dành cho giới trẻ.
- Brave: Hoạt hình, phim gia đình.
- Ted: Phim dành cho giới trẻ mang tính người lớn.
- Madagascar 3: Hoạt hình, phim gia đình.

Một số phim này rất hay, nhưng sự thực là không có phim nào là phim chính kịch không hành động hay phim hướng tới lứa tuổi trưởng thành. Thay đổi này bắt đầu từ 20 năm trước, nhưng trong những năm đó vẫn có phim như Schindler’s List hay Indecent Proposal gặt hái thành công phòng vé, cũng như các phim chính kịch trưởng thành hơn như The Firm, The Fugitive, và In the Line of Fire.

Schindler’s List

Lucas và Spielberg cũng đã nói về sự khác biệt giữa làm phim và làm trò chơi điện tử, vì trò chơi điện tử không thể kể chuyện và tạo ra những nhân vật người chơi quan tâm.

Đánh giá: Sai

Nhiều hãng sản xuất trò chơi hiện đang có ngân sách cao ngang ngửa Hollywood, và thu về số lợi nhuận khiến các hãng phim ghen tị. Họ đang làm gì? Thuê các biên kịch Hollywood, nhờ họ mở rộng thế giới trò chơi của mình, và gây ra nhiều thay đổi và phiền toái cho hệ thống kể chuyện truyền thống. Phim và trò chơi điện tử ngày càng trở nên tương đồng, cả hai nhiều khi chẳng có cốt truyện rành mạch nào, nhưng trò chơi điện tử lại ngày càng đổi mới nhiều hơn.

Lucas ca thán về chi phí quảng bá ngày càng cao, và yêu cầu các hãng phim làm phim vì đại chúng thay vì nhóm nhỏ. Với ông, truyền hình giờ táo bạo hơn điện ảnh rất nhiều.

Đánh giá: Đúng.

Ở điểm này, Lucas nói rất chính xác, nhưng có lẽ không hẳn là với lý do chính xác. Chi phí quảng bá cao hơn vì khán giả khó tiếp cận hơn. Giờ chẳng ai xem quảng cáo, máy tính thì có chức năng chặn quảng cáo. Các hãng truyền hình trở nên táo bạo hơn vì có mô hình phân phát theo đăng ký. Nếu bạn đăng ký kênh HBO, bạn đăng ký vì bạn muốn xem kênh này. Chẳng ai muốn xem quảng cáo khi xem phim, họ muốn được cười đùa. Trước kia, quảng cáo giữa chương trình là cách chia sẻ chi phí truyền hình. Nhưng giờ khi phim chỉ hướng tới giới trẻ và giới trẻ khó được tiếp cận qua các phương thức quảng cáo thông thường, thì tất nhiên việc quảng bá là một ác mộng.

Nhưng điều gì không phải là ác mộng? Một bài học từ thủa xa xưa: con người sẽ trả tiền cho những gì mình muốn có. Game of Thrones, Homeland, và True Blood à? Mọi người muốn xem các phim này và hoàn toàn không cự nự khi trả thêm 19,99 USD mỗi tháng. Các hãng phim cần học tập điều này. Ngoài việc dựa vào quảng bá để lừa giới trẻ đến mua vé, họ cần phải tạo ra những phim hay và một hệ thống đăng ký cập nhật thông tin riêng. Khi khán giả thấy được giá trị từ sản phẩm, họ sẽ sẵn sàng trả tiền. Khi không thấy giá trị, các hãng phim có thể bỏ cả núi tiền quảng bá mà khán giả vẫn sẽ luôn khan hiếm.

Thế đó, sự sụp đổ đang tới, nhưng nguyên do sẽ không phải như hai ông trùm trong ngành đánh giá.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi