Nhân vật & Sự kiện

Cải tổ cửa chớp phát hành sẽ cứu được một ngành điện ảnh nguy đến nơi?

19/05/2017

Ai trong ngành điện ảnh mà bảo với bạn rằng họ không sợ chết điếng trước tương lai thì có lẽ người đó đang nói dối.

Có thừa lý do để mà sợ. Đã 128 năm từ khi Thomas Edison lần đầu giúp người dẫn chỗ ngồi trong rạp hát bằng phát minh Kinetoscope, một cái máy chiếu phim “ông tổ” của ngành điện ảnh. Trong thế kỷ tiếp theo, xinê đã cho khán giả Garbo* và Rin Tin Tin,** đưa “May the Force be with you”*** (Thần lực phù hộ cho bạn) vào ngôn ngữ văn hóa, và làm đám đông lóa mắt với những cá mập ăn thịt người và khủng long to tướng và đáng sợ đến mức cả những hang động trên màn ảnh cũng không chứa xuể. Bất chấp lịch sử đó, một nỗi lo ngại đang ngày càng dồn lên trong giới chủ rạp, điều hành hãng phim, nhà làm phim, và dân ghiền xinê rằng ánh sáng bắt đầu trở nên lập lòe.

Khi khẩu vị và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, Hollywood đang vật vã để thích ứng. Thay vì đầu hàng trước nỗi khiếp đảm, các sếp hãng phim và nhà phát hành đang thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận thử nghiệm, nhất là khi bàn tới việc phát hành phim xem ở nhà trong những tuần lễ công chiếu rạp với phí từ 30 đến 50 đôla. Nếu chuyện đó được thông qua, thì đây sẽ là cuộc cải tổ phát hành và trình chiếu lớn nhất kể từ sau khi DVD ra đời đưa đến vận may giải trí tại nhà hồi cuối thập niên 1990.

Một số người kỳ cựu trong nghề hoài nghi công việc kinh doanh đó có thể thành công. Về cấu trúc mà nói, các hãng phim này và những nhà đại diện cùng nhà phát hành xoay xung quanh họ theo quỹ đạo quá sức ườn, chuyển động quá sức chậm chạp, và quá sức vướng vít trong một mạng lưới nhùng nhằng những tập quán làm ăn và những phường hội cổ lổ khó mà đáp ứng hiệu quả trước kỷ nguyên số.

“Các hãng phim lớn không được dàn giá hay vận hành để có tinh thần doanh nhân mạo hiểm,” Amir Malin, quản lý và đồng sáng lập Qualia Capital, cựu CEO của Artisan Entertainment. “Đó là một hệ thống say sưa mê mẩn với trạng thái tâm lý ‘làm ra vẻ đàng hoàng’. Nói đơn giản, đây là một hệ thống khiếm khuyết, và khi một mô hình kinh doanh có khiếm khuyết, những người tài giỏi sẽ bắt đầu làm những chuyện ngược lại.”

Có hai vấn đề lớn đang bám chặt ngành điện ảnh. Khán giả trẻ trở nên quan tâm hơn đến những chương trình giải trí truyền kỹ thuật số (streaming) có thể truy cập được bằng iPhone hay máy tính bảng. Họ sẽ vẫn xuất hiện ở rạp chiếu để xem Avengers cứu thế giới hoặc xem Han Solo đánh lái chiếc Millennium Falcon, nhưng bất chấp một vài phim bom tấn đình đám, hệ tư tưởng thời đại vẫn dịch chuyển từ màn ảnh rộng sang màn ảnh nhỏ.

“Tôi nghĩ chứng cớ ở ngay trước mặt chúng ta với những gì đang xảy ra trên dịch vụ truyền hình cáp và truyền kỹ thuật số,” Lorenzo di Bonaventura, nhà sản xuất các phim Transformers, nói. “Các đạo diễn muốn đến đó, vì họ có thể kể những câu chuyện thú vị… Nơi đó người ta đang nắm bắt cơ hội. Nơi đó hành động là tức thời.”

Vấn đề còn lại là các rường cột tài chính của ngành kinh doanh này đang có nhiều dấu hiệu căng thẳng. Không đâu mà điều này rõ hơn là những hàng rào đang bật lên giữa Hollywood và những nguồn đầu tư tin cậy nhất. Đồng tiền khôn ngoan đã rời bỏ ngành kinh doanh này từ nhiều năm trước, phần vì tương lai hứa hẹn của Thung lũng Silicon, nhưng cũng vì các nhà đầu tư cụt hứng bởi kế toán hãng phim sáng tạo đến độ biến những thành công thành thua lỗ tài chính.

Giờ đây tiền mới — nhất là tiền từ Trung Quốc — dường như đang khô cạn. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đang áp giới hạn chặt lên đầu tư nước ngoài, hạn chế dòng vốn tư bản chảy vào công nghiệp giải trí. Kết quả là thương vụ 1 tỉ đôla đưa Dick Clark Productions về Dalian Wanda thất bại, và đổ vỡ tiềm năng của một thỏa thuận tài chính 1 tỉ đôla khác giữa Paramount với hai tay chơi Trung Quốc, Huahua Media và Shanghai Film Group.

“Họ nghĩ các công ty Trung Quốc trả hố cho Hollywood và họ phải ngăn chặn chuyện đó lại,” luật sư chuyên về lĩnh vực giải trí Schuyler Moore, một đối tác tại Stroock tham dự vào việc thu xếp thỏa thuận tài chính cho những hãng như DreamWorks và Warner Bros., nói. Luật sư Moore nghĩ rằng đầu tư của Trung Quốc có thể sẽ không có nữa, và rằng những hình thức đầu tư vốn khác sẽ chuyển từ phim ảnh sang các hình thức đang nổi lên của giải trí đại chúng như thực tế ảo chẳng hạn. “Mô hình điện ảnh truyền thống bây giờ không có lãi,” luật sư Moore nói. “Mọi nhà đầu tư đều thấy mô hình đó đang gặp rắc rối to.”

Những người lạc quan cứ cho rằng lợi nhuận vẫn đang tăng trưởng. Phòng vé Bắc Mỹ đạt kỷ lục 11 tỉ đôla năm 2016, và phòng vé toàn cầu lên mớn nước mới 38,6 tỉ đôla. Ba tháng đầu năm, 2017 đã đông đúc các bom tấn như Beauty and the BeastLogan. Nhưng sự tăng trưởng đó là do giá vé tăng và lạm phát. Nói đơn giản, ít người đi xem phim hơn. Người đi xem phim ở Bắc Mỹ không đạt con số 1,5 tỉ lượt xem mà ngành này đã đạt hồi năm 2004.

“Bạn đang chi nhiều tiền hơn để với tới được ít người hơn và hiệu quả kém hơn,” Adam Goodman, cựu chủ tịch Paramount và là nhà sáng lập Dicotomy. “Bạn cho phim chiếu mở màn chỉ để thấy chúng cháy rụi ở phòng vé.”

Những số liệu do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) vừa mới công bố đã tiết lộ số lượng người đi xem phim năm 2016 không tăng.

Đã qua rồi cái thời các sếp hãng phim là những ông trùm thực sự, thống trị như vua. Ngày nay, các hãng phim là những mẩu nhỏ của các đế chế công nghệ và truyền thông dàn trải. Hầu hết phim được làm ở những nơi cách Los Angeles rất xa, những thành phố như Atlanta hay New Orleans hoàn thuế hào phóng nhất. Tất thảy nhà điều hành hãng phim nào đang bật đèn xanh cho các quyết định đều có sếp cao hơn trên bậc thang doanh nghiệp, và những phim họ sản xuất ra đang trở nên ngày càng kém cần thiết cho dòng lợi nhuận cuối bảng cân đối. Comcasts và Disneys của thế giới này kiếm được nhiều tiền từ dịch vụ truyền hình cáp hay các dòng vật phẩm tiêu dùng của họ hơn là từ tiền bán vé xem phim.

Nguồn: MPAA

Có lẽ nỗi sợ đang dồn lên là có một tảng băng trôi đang đến, nhưng các hãng phim và nhà rạp chừng như sắp đạt đến thỏa thuận cho cuộc mặc cả lớn có thể đưa phim phát hành giải trí tại gia sớm hơn với giá cao hơn đó. Để nhử mồi, các nhà phát hành sẵn sàng cắt phần ăn chia chiếu rạp để đổi lấy doanh số kỹ thuật số. Sáu trong số bảy hãng phim lớn nhất — gồm Fox, Paramount, Lionsgate, Sony, Warner Bros., và Universal — đang có những cuộc trao đổi đơn phương với các chuỗi rạp lớn như Regal và AMC.

Hiện tại, phim lớn phát hành rạp được cho là có 90 ngày trước khi được bán hoặc thuê.

Nhưng các hãng phim lập luận rằng như vậy là quá lâu, và họ muốn rút ngắn cửa chớp mà trong đó nhà rạp độc quyền tiếp cận phim của họ. Với thị trường DVD đang tàn lụi nhanh chóng, người ta cần tìm ra cách để đẩy mạnh doanh thu giải trí tại nhà. Có một niềm tin, được coi là tín điều trong phòng họp hội đồng quản trị của một số hãng phim, rằng những dịch vụ ‘streaming’ như Netflix đã tập cho người tiêu dùng quen với việc tiếp cận chương trình giải trí bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu tùy họ thích.

Nguồn: MPAA

“Chỉ là một chuyện hiển nhiên như thế rồi phải đến thôi,” theo Jessica Reif Cohen, chuyên gia phân tích về giải trí và truyền thông của Bank of America, thêm rằng cô nghĩ bán phim gia đình sớm lên có thể hấp dẫn những người có con nhỏ.

“Đây có thể là việc mua bốc đồng, hoặc họ không có người giữ trẻ, hoặc những lý do khác khiến người ta không đi xem phim,” cô nói.

Ít ra thì cả hai phía đang thảo luận. Trong quá khứ, giới nhà rạp hết sức thù địch khi các hãng phim sửa đổi cửa chớp phát hành. Từ lâu họ tin rằng nếu phim có sẵn để bán hoặc thuê trong những tuần lễ phát hành rạp, thì không chừng người tiêu dùng sẽ lảng xa rạp chiếu. Không muốn trở thành người trợ tử cho chính mình, giới chủ rạp đã cảnh báo những hậu quả tàn sát lẫn nhau, sẵn sàng dựng hàng rào chống trả bất cứ cuộc tấn công bất ngờ nào.

Nguồn: MPAA

Chẳng hạn, một kế hoạch phát hành bộ phim Tower Heist năm 2011 hai tuần sau khi công chiếu ở rạp do Universal đưa ra, đã bị dập tắt sau khi giới chủ rạp đe dọa tẩy chay bộ phim. Năm 2015 Paramount lại tấn công kịch liệt vấn đề này, thuyết phục AMC và các chủ rạp khác để cho họ phát hành Paranormal Activity: The Ghost DimensionScout’s Guide to the Zombie Apocalypse ngay sau khi hai phim ngừng được chiếu ở một số rạp nhất định. Các chuỗi rạp như Regal từ chối chiếu hai phim trên.

“Có rất nhiều vấn đề phải xử lý với nhân tố hành vi tiêu dùng chưa được biết rõ,” theo Eric Wold, chuyên gia phân tích tại B. Riley & Co. “Liệu người tiêu dùng sẽ muốn xem một phim ở tuần đầu công chiếu dù biết rằng chỉ vài tuần sau là có thể xem phim đó qua dịch vụ xem phim theo yêu cầu không? Rất khó đi đến điều gì mọi người đều nhất trí.”

Những cuộc thảo luận phức tạp lạ thường. Vì luật chống độc quyền, một hãng phim phải đàm phán với mọi chuỗi rạp chiếu trên cơ sở riêng rẽ, khiến rất khó lòng thiết lập được mộ mô hình toàn ngành.

Nguồn: MPAA

Cả hai phía đã đầu tư hàng triệu đôla nghiên cứu mức giá nào và sau bao nhiêu tuần thì một phim phát hành tại gia sẽ khiến người tiêu dùng bắt đầu bỏ rơi rạp chiếu vì lạc thú nằm sofa xem phim. Trong số các công ty giải trí, Universal và chủ tịch của hãng là Jeff Shell, cùng Warner Bros. và CEO của hãng là Kevin Tsujihara, bị giới chủ rạp xem là hùng hổ nhất trong việc thúc đẩy một thỏa thuận. Jeff Shell và Universal tin rằng 50 đôla là giá cho thuê quá cao, và ủng hộ một mô hình chi phí thấp hơn. Hãng phim này muốn tất cả những phim của họ làm ra xuất hiện trên dịch vụ xem phim theo yêu cầu với thời gian ấn định, có thể là trong khoảng từ 20 đến 30 ngày. Warner Bros. sẵn lòng hơn với khung thời gian 30 đến 45 ngày, tuy nhiên hãng này cũng muốn thấy giá thuê trong khoảng 30 đôla. Hãng phim thuộc sở hữu của Time Warner này nghĩ rằng một số phim, nhất là những phim chuỗi lớn hơn, có thể không thích hợp phát hành sớm lên như vậy.

Có những lý do mang tính doanh nghiệp khiến hai công ty truyền thông này xù gai cứng nhất ở bàn đàm phán. Shell được công ty mẹ của Universal là Comcast cử đến Hollywood nhằm mục đích tìm ra cách nào phát hành phim hiệu quả hơn. Lĩnh vực kinh doanh chính của Comcast là truyền hình cáp, cung cấp hệ thống giải trí tại gia, và sáng tạo chương trình giải trí để để phát qua đài NBC thuộc sở hữu của họ. Tương tự, Time Warner, công ty mẹ của Warner Bros., ở vào thế bị AT&T, khổng lồ viễn thông muốn đẩy phim và các chương trình giải trí lên điện thoại thông minh sử dụng mạng của họ, thâu tóm. Họ tương tác trực tiếp với khách hàng theo cách mà các hãng phim không làm được, và họ làm ra vô khối lợi nhuận từ thuê bao và phí truyền tải, chứ không từ phòng vé.

Rất nhiều hãng phim ngày càng không lệ thuộc vào doanh thu bán vé xem ra còn linh hoạt hơn nữa. Họ có thể sẵn sàng đồng ý một mô hình để phim có thể lên các hạ tầng dịch vụ theo yêu cầu ngay khi giảm trình chiếu ở rạp xuống đến một số lượng rạp nhất định nào đó. Tư duy là nếu một phim không còn hấp dẫn đám đông ở rạp, không có lý do gì chúng không được chào bán để giải trí tại nhà.

Các hãng phim và nhà rạp đang đụng độ ở bàn đàm phán vũ trang bằng những dữ liệu mà họ lập luận rằng, ở một mức độ nào đó và ở một mức giá nào đó, dịch vụ theo yêu cầu giá cao sẽ trở nên hoặc cộng thêm hoặc giết hại kinh doanh rạp chiếu. Vậy thì vấn đề là phim sẽ được phát hành thế nào đây. Qua iTunes và những dịch vụ nổi tiếng khác, hay qua một bên thứ ba nào đó có công nghệ chống sao chép lậu? Do quy mô, các hãng phim đa phần giới hạn việc bàn luận với những chuỗi rạp lớn nhất trong nước, nhưng nếu họ đạt được một thỏa thuận trong nước, thì sẽ có khả năng thay đổi những điều khoản đối với nhà rạp nước ngoài.

Các nhà điều hành liên quan đến các cuộc đàm phán này nói vấn đề rất hóc búa, và những tập hợp giao và những phần phải giải quyết thì vô thiên lủng. Nhưng xem ra họ sẵn sàng dấn vào cuộc đàm phán mà trước đây chưa từng bao giờ họ như thế cả.

Kho phim trên iTunes

“Theo quan điểm của tôi, những người bỏ vốn làm phim lẽ ra phải lớn giọng và mạnh mẽ và có tiếng nói quan trọng về cách họ thu hồi vốn đầu tư của mình,” Tim League, nhà sáng lập Alamo Drafthouse, một chuỗi rạp chiếu độc lập, nói. “Tôi không nghĩ rạp chiếu được miễn trừ trong chuyện có cửa chớp phát hành dài, độc quyền… Tôi chỉ hy vọng rằng chúng ta quyết định thử nghiệm các cửa chớp phát hành, dựa trên dữ liệu và được làm một cách hợp lý cho tất cả các tay chơi được mời vào bàn đàm phán.”

Ngoại vi bất ổn của kinh doanh phim ảnh và phương hướng mà ngành này cần đi theo để sống còn cũng hiển hiện trong giới điều hành doanh nghiệp. Sony Pictures đang chật vật tìm cách thay thế CEO Michael Lynton đã ra đi, trải qua chu kỳ những ứng viên có khả năng như cựu điều hành tác nghiệp của Disney Tom Staggs, trong khi cân nhắc những chọn lựa khác thường hơn như cựu chủ tịch Hulu Jason Kilar.

Rồi có Paramount, tuyệt vọng với nhu cầu thay đổi nhân sự, có vẻ sẽ đi đến tuyển cựu điều hành của Fox Jim Gianopulos. “Tôi không nhớ nổi một sự chuyển đổi vị trí như thế này, hai hãng phim không có người đứng đầu,” nhà sản xuất Beau Flynn nói. “Tôi nghĩ người ta lo lắng khi nhận những công việc như vậy. Một hãng phim lớn, toàn cầu trông thế nào ở năm 2017? Có những câu hỏi thực sự về cách hãng phim của bạn phù hợp với cái thế giới mới mẻ này.”

Dàn nhân vật siêu anh hùng ra rạp trong năm 2017

Kể cả ở những cái tên đang dẫn đầu thay đổi, các nhà làm phim vẫn cố tìm ra một cách nào để kìm chế nhịp độ tiến hóa nhanh chóng trong khẩu vị. Các dự án mất ít nhất hai đến ba năm triển khai và đi vào sản xuất. Chúng đòi hỏi vốn đầu tư 'khủng' và chấp nhận mạo hiểm.

“Câu hỏi lớn làm bạn mất ngủ hằng đêm, với việc mọi sự bây giờ có thể thay đổi trong vòng 12 đến 18 tháng, thì một câu chuyện tuyệt vời có những nhân vật tuyệt vời đủ độc đáo để vẫn hấp dẫn khán giả chứ?” nhà sản xuất Arrival Glen Basner, CEO của FilmNation, nói.

Trong quá khứ khi các hãng phim đối mặt với cạnh tranh, họ bám khư khư vào công thức về quy mô. Ví dụ, hồi những năm 1950 và 1960, ảnh hưởng ngày càng tăng của truyền hình đã thúc đẩy các hãng phim đầu tư làm những phim sử thi dựa theo kinh thánh và, sau đó, phim nhạc kịch ngông cuồng để khác biệt hóa trải nghiệm xem màn ảnh rộng. Thôi thúc hướng tới chủ nghĩa phì đại này vẫn tiếp tục. Để chống trả lại thủy triều YouTube, các hãng phim làm ngập lụt rạp chiếu bằng các chuyến phiêu lưu siêu anh hùng, phim khởi động lại, và phim hoạt hình.

Kho đạn dược phim vô đối của Disney

Ở lĩnh vực này không ai ngăn được Disney. Với một kho đạn dược bao gồm LucasFilm, Pixar, và Marvel, hãng mua gom tác quyền mọi thứ từ Star Wars đến The Avengers. Nhà Chuột chiếm 61% lợi nhuận toàn ngành năm 2016, theo nghiên cứu của Cowen & Co.’s Doug Creutz, vào cái thời mà thu nhập từ kinh doanh điện ảnh giảm 19%. Cả đám bom tấn phi-Disney còn lại tha hồ mà ganh tị.

Trong thời tiết này, các hãng phim đang tránh làm phim chính kịch kinh phí vừa, xem chúng là một đề nghị quá nguy hiểm với rất ít mặt tích cực. Điều đó dẫn tới nỗi lo sợ cơn mỏi mệt phim truyện tranh, khi các hãng phim đua nhau đào sâu vào thế giới truyện tranh hổ lốn. Vào lúc này, chiến lược là tiếp tục làm — bốn trong tốp 10 phim doanh thu cao nhất năm ngoái là dựa trên nhân vật Marvel hoặc DC Comics. Nhưng có nỗi sợ rằng những phim này thiếu tia mới mẻ đã từng khơi nguồn cảm hứng cho bao thế hệ đã qua, và rằng, rốt cuộc, chúng sẽ dẫn tới doanh thu ngày càng teo tóp.

“Tôi quả có lo rằng chúng ta sẽ đi đến chỗ những bom tấn bây giờ trở nên thuần nhất đến nỗi người xem phim sẽ từ chối triệt để,” nhà sản xuất Mike De Luca nói. “Nhưng trước khi điều đó xảy ra, tôi hy vọng ngày càng nhiều hãng phim vừa đi vừa nghiền ngẫm bài học — rằng họ sản xuất ra không chỉ phim bom tấn, mà hãy đầu tư vào các câu chuyện mới nguyên, đa dạng độc đáo.”

Khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon đã gia nhập vào kinh doanh phim ảnh

Trớ trêu là bây giờ làm phim dễ hơn bao giờ hết. Máy quay kỹ thuật số làm cho việc quay phim rẻ hơn, và phần mềm biên tập có sẵn cho người tiêu dùng bình thường. Các đạo diễn đầy tham vọng có thể làm phim bằng iPhone theo đúng nghĩa đen, như đạo diễn Sean Baker đã làm Tangerine năm 2015.

Trong khi đó, Netflix và Amazon đã gia nhập làng điện ảnh tìm kiếm nội dung, và Apple được cho là đang cân nhắc ý tưởng mua phim để phát hành độc quyền. Ngay cả những công ty ngoại đạo cũng xem xét kinh doanh điện ảnh. PepsiCo đã đến Sundance năm ngoái tìm cách chớp những dự án có thể kết nối với đám đông trẻ, mê âm nhạc, còn những công ty từ Best Buy đến BMW thì tấn công kịch liệt bằng các chương trình độc đáo để bán tivi và xe sang. Ngày càng có nhiều khách hàng hơn bao giờ hết muốn mua phim, và ngày càng có nhiều cách đưa phim đến trước mặt khán giả.

Một trang dịch vụ xem phim trực tuyến

“Đây là miền viễn tây về mặt nội dung giải trí,” De Luca nói. “Mọi công thức và truyền thống xưa cũ nào cũng có cho tất cả mọi người.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety


* Greta Garbo (1905-1990) là diễn viên người Mỹ gốc Thụy Điển và là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất trong thời kỳ vàng son của Hollywood. Được coi là một trong những diễn viên đỉnh cao của hãng truyền thông Metro-Goldwyn-Mayer cũng như điện ảnh Mỹ, Garbo đã nhận giải Oscar danh dự cho "những vai diễn không thể quên trên màn ảnh".
** Rin Tin Tin (1918-1932) là chú chó chăn cừu Đức thành sao trên phim điện ảnh. Được Lee Duncan, một lính Mỹ cứu trên chiến trường Thế chiến I, đặt tên cho nó là "Rinty". Duncan huấn luyện Rin Tin Tin và nhận vai cho chú chó trên phim câm. Rin Tin Tin lập tức là thành công phòng vé và tiếp tục xuất hiện trong 27 phim của Hollywood, nổi tiếng khắp thế giới.
*** Câu thoại trong loạt phim Star Wars.