Nhân vật & Sự kiện

Disney hủy hoại Pixar? - Pixar lạc lối như thế nào

02/03/2018

15 năm trời hãng hoạt hình này giỏi nhất hành tinh. Rồi Disney mua nó.

Một người trong nghề có quan điểm sắc sảo ở Hollywood gần đây gợi ý rằng phim phần tiếp theo có thể là “một kiểu phá sản sáng tạo”. Ông đã bàn luận về Pixar, hãng hoạt hình huyền thoại, và sự chán ghét công khai đối với những phim ăn theo rẻ tiền. Cụ thể hơn, ông lập luận rằng nếu Pixar chỉ làm phim phần tiếp theo, nó sẽ “quắt queo và chết”. Ngày nay, đủ loại chuyên gia của ngành công nghiệp này nói đủ mọi thứ. Nhưng chắc chắn là có liên quan đến những quan sát của Ed Catmull, chủ tịch của Pixar, trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2014 của ông về lãnh đạo kinh doanh.

Ấy thế rồi có Cars 3, lăn bánh ra rạp hồi hè 2017. Bạn có thể nhớ phim Cars gốc năm 2006 đã được đánh giá rộng rãi là bộ phim dở nhất của hãng cho đến lúc đó. Cars 2, năm năm sau, bị chỉ trích còn thậm tệ hơn. Và nếu Cars 3 không đủ để làm bạn thất vọng, hai trong số ba phim Pixar xếp hàng sau nó cũng là những phần tiếp theo: The Incredibles 2 và (hãy nói là không phải vậy đi!) Toy Story 4

Toy Story là phim về những con búp bê muốn được một cậu bé chơi với chúng, đã làm rung động cả người lớn lẫn trẻ em

Phán quyết đau đớn là không thể chối cãi: Kỷ nguyên vàng của Pixar đã qua. 15 năm vận hành xuất sắc về thương mại và sáng tạo vô đối, bắt đầu với Toy Story năm 1995 và lên đến đỉnh điểm với bộ ba xuất chúng Wall-e năm 2008, Up 2009 và Toy Story 3 (đúng, phần tiếp theo, nhưng là một phim tuyệt hay) năm 2010. Kể từ đó, các hãng phim hoạt hình khác liên tục có những bộ phim hay hơn. Các nhà ảo thuật stop-motion ở Laika đã cung cấp những viên ngọc quý như Coraline, Kubo and the Two Strings. Và, trong sự đảo chiều ngoạn mục, hãng hoạt hình Walt Disney — vật vờ vào thời điểm thu tóm một Pixar vô đối năm 2006 — đã bật lên lại với những thành công như Tangled, Wreck-It Ralph, Frozen Big Hero 6. Chỉ cần xét Oscar năm 2017: hai phim của Disney, Zootopia Moana, được đề cử phim hoạt hình xuất sắc nhất, và Zootopia thắng. Finding Dory của Pixar hoàn toàn bị loại.

Sẽ không thể có sự lớn mạnh của kể chuyện hoạt hình chất lượng cao này nếu không có Pixar. Hãng phim đã sáng tạo lại thể loại với Toy Story, bộ phim hoạt hình vi tính 3D đầu tiên. Mỗi phim Pixar tiếp theo đều mang lại những kỳ công mới về ma thuật công nghệ, từ việc dựng lên quỹ đạo tinh tế của hàng triệu sợi lông thú trong Monsters, Inc. năm 2001 đến nắm bắt tương tác tuyệt vời giữa ánh sáng và nước trong Finding Nemo năm 2003.

Wall-e năm 2008, bắt đầu của bộ ba đỉnh cao của Pixar

Ngay cả khi những người khác dần dần bắt kịp thẩm mỹ thị giác của Pixar, hãng vẫn tiếp tục kể những câu chuyện có chiều sâu và tinh tế vô song. Thành tựu mang dấu ấn Pixar là hoàn thiện một kiểu phim hoạt hình giao thoa thu hút được cả trẻ em lẫn người lớn. Chìa khóa là tìm cách kể hai câu chuyện cùng một lúc, xây dựng một câu chuyện đơn giản cho trẻ em trên đỉnh một kiến trúc phức tạp hơn về đạo đức và tường thuật. Ví dụ, Up có câu chuyện phiêu lưu của cậu bé tương đối thông thường và đào sâu thành một câu chuyện cảm động, hoàn toàn người lớn, về mất mát, đau khổ và hồi sinh.

Chủ đề mà Pixar đã khai thác với thành công lớn nhất trong thập kỷ hoạt động đầu tiên của hãng là cha mẹ, bất luận rõ ràng (Finding Nemo, The Incredibles) hay tiềm ẩn (Monsters, Inc., Up). Hiểu biết sâu sắc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đặc trưng Pixar nổi bật ngay từ đầu, trong Toy Story, và không hề mất đi sức mạnh đó trong hai phim sáng tạo và thống nhất tiếp theo. “Ai muốn xem phim về một cậu bé chơi búp bê chứ?,” Michael Eisner, giám đốc điều hành Disney lúc đó, đã hỏi một cách ngớ ngẩn khi nói về bộ phim đầu tay của Pixar. (Disney đồng bỏ vốn.) Nhưng tiền đề sáng tạo của bộ phim chính xác — và chủ yếu — là ngược lại: Toy Story là bộ phim về những con búp bê muốn được một cậu bé chơi với chúng.

Toy Story 2 (1999) không chỉ ngang tầm bản gốc, trình bày cao bồi Woody với tình trạng tiến thoái lưỡng nan

Sự đảo ngược đó làm phức tạp và mãnh liệt thêm cảm xúc của bộ phim. Khao khát có được sự chú ý của Andy 6 tuổi, những món đồ chơi — đặc biệt là cao bồi Woody và chàng phi hành gia Buzz Lightyear — phản ánh khao khát được cha mẹ quan tâm của trẻ em. Tất nhiên Andy không phải là cha mẹ. Cậu ta là một đứa trẻ, và chính đồ chơi là thứ làm cho trẻ lớn lên. (Giống như hầu hết trẻ em khác, Andy sử dụng chúng để làm người lớn). Cho nên, ở một mức độ nào đó, Woody và Buzz là những đứa trẻ đối với bố Andy, ở mức độ khác chúng như thể cha mẹ đối với đứa trẻ Andy: hạnh phúc của cậu bé là trách nhiệm của chúng, và chúng sẽ sử dụng các biện pháp cực đoan nhất có thể tưởng tượng ra để đảm bảo điều đó.

Toy Story đã làm rung động cả người lớn lẫn trẻ em bằng việc khắc họa khôn ngoan và cảm động mối quan hệ cha mẹ và con cái. Những người sáng tạo bộ phim có vẻ đề cao sự am hiểu và thể hiện mạch tình cảm phong phú và kịch tính họ đã làm được. Sau thành công của bộ phim, Disney, lúc đó là nhà phát hành cho Pixar, đã thúc đẩy sản xuất phần tiếp theo được làm mau chóng, phát hành thẳng video. Loại phim hạng nhì này từ lâu đã là mặt hàng phụ sinh lời của Disney, thường được công ty con Disneytoon trong nhà sản xuất. (Các ví dụ về sản phẩm của nó bao gồm các tác phẩm kinh điển như The Lion King 1½The Little Mermaid: Ariel’s Beginning). Nhưng Pixar đã chống lại, với cơ sở lập luận rằng hãng chỉ mong muốn đạt cái xuất sắc. Thay vào đó hãng đã sản xuất, với tốc độ chóng mặt, một phần tiếp theo phát hành rạp đáp ứng được tiêu chuẩn cao mà phần đầu đã xác lập.

Toy Story 3 đã hoàn tất tuyến truyện và cảm xúc của bộ ba phim với Andy ra đi để lên đại học

Trong cuốn sách của ông năm 2014, Creativity, Inc., Catmull mô tả tập phim đó là “lò tôi luyện để bản sắc đích thực của Pixar được hun đúc.” Toy Story 2 (1999) không chỉ ngang tầm bản gốc. Phần tiếp theo làm phong phú thêm cho phần đầu, trình bày Woody với tình trạng tiến thoái lưỡng nan như cha mẹ, mới mẻ mà đương thời: Anh có nên dành phần còn lại của cuộc đời mình không được sờ đến và tinh tươm trên kệ của một người sưu tầm đồ chơi cổ không? Hay anh nên trở lại để được chơi đùa yêu thương với một cậu bé bê bối (đầu phim, Andy đã vô tình làm cánh tay của Woody rời ra) rốt cuộc sẽ lớn lên và vứt bỏ anh? Cuối cùng, Woody chọn sự kết hợp lộn xộn của niềm vui và sự hy sinh với Andy, như là phép ẩn dụ về cha mẹ mà chắc có lẽ bạn nhìn ra. Và với việc cuối cùng cũng bị vứt bỏ đã biết trước, Toy Story 2 đặt nền móng để phát triển chủ đề hơn nữa. Hẹn ước đó đã được hoàn thành gần một thập niên sau, Toy Story 3, chương kết trong đó Andy vào đại học và có cuộc sống mới, để lại sau lưng cả đồ chơi lẫn cha mẹ.

Văn hóa hợp tác nổi tiếng gần như tương đương với phép thuật trên màn ảnh của Pixar trong suốt thời kỳ này. Dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập và phù thủy sáng tạo John Lasseter, hãng phụ thuộc rất nhiều vào một nhóm nhỏ các nhà làm phim hoạt hình và biên tập viên tài năng: Pete Docter, Andrew Stanton, Joe Ranft, Lee Unkrich và Brad Bird (tham gia Pixar năm 2000). Nổi tiếng với biệt danh “Braintrust”, nhóm đã phát triển theo thời gian, nhưng năm con người này và Lasseter nổi bật về sự tự phê bình bình đẳng và nguyên tắc không ngừng hoàn thiện trong việc theo đuổi sự hoàn hảo. Hợp lực của họ mạnh mẽ đến nỗi mỗi khi các đạo diễn bên ngoài tham gia vào bộ phim (như Toy Story 2 Ratatouille), rốt cuộc rồi họ cũng bị thay thế bởi một trong những thành viên đầu tiên của Braintrust. Năm 2004, một công ty con của Disney, Circle 7 Animation, được tạo ra để sản xuất các phần tiếp theo của phim Pixar. Mệnh danh là “Pixaren't”, công ty này đã sớm phải đóng cửa và tất cả các kịch bản bị loại bỏ.

Nắm bắt tương tác tuyệt vời giữa ánh sáng và nước trong Finding Nemo năm 2003

Và rồi, sau Toy Story 3, phép màu của Pixar bắt đầu biến mất. Bộ phim cuối cùng của thời kỳ hoàng kim, cũng là bộ phim đầu tiên bắt đầu sau khi Disney mua Pixar với giá 7,4 tỉ đôla vào năm 2006, khi Lasseter và Catmull được làm, theo thứ tự lần lượt, giám đốc sáng tạo và chủ tịch cả hai hãng phim. Các phim tiếp theo — Cars 2 (phim gián điệp hàng nhái) năm 2011 và Monsters University (trò hài đại học) năm 2013 — không có bất kỳ mối liên hệ chủ đề hay tình cảm nào với những bộ phim đã sinh ra chúng. Tuy hay hơn cả hai phim vừa kể, Brave, lần tiến công vào thể loại công chúa của Pixar năm 2012, cũng là một sự thất vọng. Hãng đã trấn tĩnh lại với Inside Out năm 2015. Nhưng The Good Dinosaur (cũng năm 2015) và Finding Dory tầm thường của 2016 chỉ xác nhận sự suy thoái tổng thể, đặc biệt đáng chú ý so với sự hồi sinh đang diễn ra tại Disney Animation.

Catmull đã từng nói rằng ý định của Pixar là làm một phần tiếp theo cho hai phim gốc. Từ năm 2010 tỷ lệ này gần như là nghịch đảo. Đặc biệt đáng tiếc là việc công bố kế hoạch Toy Story 4 hồi năm 2014. Tuyến truyện và cảm xúc của bộ ba phim đã được hoàn tất với sự ra đi của Andy để lên đại học. Phần thứ ba thậm chí đã đóng lại, đầy yêu thương, với một cảnh phản chiếu tài tình cảnh mở đầu của bộ phim đầu tiên: bức tường mây trắng-mịn-trên-bầu trời-xanh trong phòng ngủ của cậu bé Andy trong Toy Story đã nhường chỗ cho những đám mây trắng thực sự trên bầu trời xanh thực sự. Tuy nhiên, thay vì kết thúc ở giai điệu cảm động đó, Pixar đã chọn lựa cái được miêu tả là “khởi động lại chuỗi phim” — cụm từ chắc chắn gây thất vọng nhất trong điện ảnh đương đại.

Cars 2006 đánh dấu Pixar mất phép màu sau khi Disney mua với giá 7,4 tỉ đôla

Ai mà chẳng nhìn ra quỹ đạo khác nhau của Pixar và Disney Animation. Vào thời điểm sáp nhập, Disney là một “công ty suy thoái” và “thất bại”, cách đây vài năm Catmull đã nhận xét, trước khi nói thêm, “Disney giờ đang thành công.” Về Pixar, ông kém lạc quan hơn: “Có những vấn đề lớn chúng tôi đang giải quyết ở Pixar lúc này.”

Suy cho cùng, Lasseter và Catmull làm từng ấy giờ trong ngày của họ để tận tụy cạnh tranh ở Pixar và Disney, như Catmull đã nói rõ trong cuốn sách của ông. Nếu hãng phim này phải dành ưu tiên cho cái tên của công ty mẹ, chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi việc mất đi trọng tâm đã gây hại, xét văn hóa của Pixar phụ thuộc đến thế nào vào một vòng tròn thân thiết của những bộ óc sáng tạo. (Các thành viên khác của Braintrust đã theo đuổi những lợi ích bên ngoài Pixar: Stanton đã khám phá việc làm phim người đóng với John Carter, và Bird cũng làm chuyện tương tự với Mission: Impossible-Ghost ProtocolTomorrowland.)

Inside Out là khoảnh khắc Pixar trấn tĩnh lại năm 2015

Tuy nhiên, không phải do giám sát không thỏa đáng gây ra sự xói mòn trong độc lập sáng tạo không thỏa hiệp của Pixar. Sự sáp nhập vào Disney dường như mang theo những mệnh lệnh mới. Pixar luôn giỏi kiếm tiền, nhưng theo lịch sử hãng đã kiếm tiền theo cách riêng. Hãy nhớ, Pixar từ chối Toy Story 2 chất lượng thấp phát hành trực tiếp bản video, và thay vào đó đã làm việc suốt đêm ngày để đưa ra một kỳ quan khác. Nhưng Lasseter, trong số các nghĩa vụ khác, cũng giám sát Disneytoon Studios. Với tư cách đó, ông đã từng là điều hành sản xuất của Planes năm 2013 và phần tiếp theo của nó là Planes: Fire & Rescue năm 2014. Hai phim này — giống như hầu hết các phim của Disneytoon — những sản phẩm phái sinh để lấy tiền trơ tráo. Hai phim này trở nên độc đáo vì chúng cũng là những phim ăn theo chuỗi phim Cars của Pixar một cách lộ liễu, một sự phát triển gần như không thể tưởng tượng nếu không có vụ sáp nhập. Như Lasseter tự giải thích, “Bằng cách mở rộng thế giới của Cars, Planes đã cho chúng tôi một tập hợp các tình huống vui vẻ mới toanh.”

Đó là chưa nói đến một bộ đồ chơi hoàn toàn mới. Đương nhiên, vật phẩm ăn theo luôn là cám dỗ với Pixar (cũng như với bất kỳ nhà cung cấp phim trẻ em nào). Và Disney đã đóng vai trò trung tâm trong marketing và kinh doanh vật phẩm ăn theo các phim Pixar kể từ năm 1991. Nhưng khi bạn trở thành một bộ phận của tập đoàn giải trí lớn nhất trong lịch sử thế giới, cơ hội thương mại nhân lên theo hàm mũ. Có hàng chục công viên giải trí Disney nằm rải rác khắp toàn cầu cần chủ đề cho các chuyến vui chơi. Vì vậy, một năm sau khi mua Pixar, Disney thông báo sẽ mở Toy Story Midway Mania vào năm sau tại cả Disney World và Disney California Adventure. Cuối năm 2007, Disney công bố thiết kế lại trị giá 1,1 tỉ đôla cho công viên Adventure California không thành công của mình, với một Cars Land rộng 12 mẫu Anh. Bổ sung các chuyến vui chơi theo chủ đề Toy Story — và Finding Nemo — ở Công viên Disney ở Thượng Hải và Tokyo.

Phê bình đầy tính nghệ thuật của Anton Ego ở cuối phim Ratatouille

Thực tế, sự chồng chéo giữa các phim Pixar có phần tiếp theo và những phim truyền cảm hứng cho các chuyến vui chơi tại khu giải trí của Disney hầu như là toàn bộ vấn đề. Các chuyến vui chơi công viên giải trí chủ đề dựa vào nhận thức về chủ đề được đề cập đến, và những người trẻ đi chơi công viên ít có khả năng quen thuộc với những phim đã có hơn một thập niên tuổi đời. Nếu bạn muốn họ hò hét trải nghiệm Toy Story Midway Mania, họ sẽ cần một phim Toy Story 4. Cars Land có thể sử dụng Cars 3, và những chuyến vui chơi liên quan đến Finding Nemo thì nhờ vào Finding Dory.

Pixar đã hứa hẹn rằng sau cơn thừa mứa phim phần tiếp theo sắp tới đây, hãng sẽ tập trung vào các phim mới nguyên. Nhưng chúng ta đã lớn, và mặc dù hãng phim từng có thời không thể sao chép này đã dạy chúng ta tin vào sự hồi sinh, nó cũng rèn luyện chúng ta trong đau khổ và mất mát. Không chắc ta có dám hy vọng nhiều hơn về những gì từng khiến Pixar là Pixar: những câu chuyện đầy khí chất cá nhân, sự cộng hưởng cảm xúc sâu sắc, những chủ đề tinh tế không dễ chuyển thành những chuyến đi chơi công viên giải trí. Người viết đang nghĩ đến phân đoạn “Cuộc sống hôn nhân” thổn thức, du dương trong Up, đầy ắp cảm xúc chỉ trong bốn phút phim so với hầu hết những gì mà các phim được đề cử Oscar có thể làm được trong toàn bộ thời lượng. Hay là sự cô đơn buồn bã của nhân vật chính rôbô trong Wall-e, bị bỏ lại Trái đất để dọn dẹp mớ hỗn độn của những người sáng tạo ra nó. Hay phê bình đầy tính nghệ thuật của Anton Ego ở cuối phim Ratatouille, được xem là những ngôn từ khôn khéo nhất về đề tài này kể từ sau Addison DeWitt trong All About Eve.

Câu chuyện cảm động, hoàn toàn người lớn, về mất mát, đau khổ và hồi sinh thổn thức trong Up

Không có phim nào trong những phim vừa nói trên được lên kế hoạch làm phần tiếp theo. Và không phim nào có gì phù hợp để trở thành một chuyến vui chơi công viên chủ đề (dù Disney công bố Ratatouille: The Adventure tại, còn tại đâu nữa chứ, Disneyland Paris). Không thể không đặt ra câu hỏi: Liệu Pixar thậm chí có buồn làm những phim đó nữa không?

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Atlantic