Nhân vật & Sự kiện

Động vật có thực sự được an toàn khi đóng phim cho Hollywood?

20/09/2014

Sự thật đằng sau dòng chứng nhận "Không có động vật nào bị hại trong phim này" - Kỳ 2

Casey cũng cáo buộc trong hồ sơ vụ kiện rằng “để bảo vệ Steven Spielberg, một trong những người nổi bật và có sức ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh, và vì lượng chú ý từ báo giới báo giới và quảng bá mà phim đạt được, AHA đã đồng tình che giấu cái chết của [một] con ngựa [trong War Horse] và cho bộ phim năm 2011 này được ghi ‘Không có động vật nào bị hại’ ở cuối phim.”

Chú ngựa Joey cùng đạo diễn Steven Spielberg và nam diễn viên Jeremy Irvine
tại buổi công chiếu
War Horse ở Anh [Ảnh: Guardian]

Phản hồi lại những cáo buộc của Casey, AHA cho biết, “Chúng tôi hoàn toàn, tuyệt đối phủ nhận những cáo buộc cường điệu, có tính kích động, sai lệch và không có thực này.” Tổ chức này nói thêm, “Chúng tôi mong đợi sẽ bảo vệ chính mình mạnh mẽ thông qua những kênh luật pháp đường hoàng.” Một phiên chất vấn vụ việc này đã có vào tháng 3/2014.

Một phát ngôn viên của HBO từ chối trả lời các câu hỏi về Luck, khi đối thoại với The Hoolywood Reporter về những công bố trước đây, bao gồm, “Từ giai đoạn đầu của dự án này, sự an toàn của các con vật đã là mối quan tâm to lớn với chúng tôi. Những cáo buộc về thái độ lỏng lẻo và sơ suất là quá xa sự thật.”

Ngược đãi động vật đã là một việc có thật ở các phim từ ngày khởi thủy của Hollywood. (Gần 100 con ngựa đã chết chỉ trong lần quay Ben-Hur năm 1959.) Các phim hành động-phiêu lưu và phim cao bồi có tiếng đối xử tàn tệ với động vật nhằm mục đích tạo nét chân thật đã lâu trước khi CGI ra đời. Khoảng năm 1939, sau khi một con ngựa bị buộc bước lên bục trơn trượt, được nghiêng để đảm bảo nó sẽ rơi từ gờ đá có độ cao 70 feet (khoảng 21 mét) xuống và chết, trong lúc quay Jesse James, Hays Office, thường bận rộn với những dạng điều tra các sự việc đạo đức khác, đã mời AHA (xin đừng nhầm với Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ - Humane Society of the United States) có mặt ở phim trường.

Ben-Hur (1959)

Năm 1980, sau sự lên tiếng mạnh mẽ của công chúng về việc ngược đãi thú vật ở Heaven’s Gate, xuất hiện kiểu quay theo trường phái tả thực ghê rợn bao gồm chọi gà thật và những con bò bị mổ bụng, ghi nhận rằng dàn xếp này được phê chuẩn thành một cụm bằng văn bản trong thỏa thuận chung giữa hiệp hội diễn viên và liên đoàn sản xuất. (Các nhà giám sát của AHA bị dọa bắn ở phim trường Heaven’s Gate tại Công viên Quốc gia Glacier ở Montana.)

Tổ chức này sau đó đã có quyền xem xét kịch bản và có mặt ở bất kỳ phim trường SAG nào vào bất cứ lúc nào. Quan trọng hơn nữa, những giám sát của tổ chức, được cấp phép là nhân viên thi hành luật pháp, có thể viết trát và thậm chí – chỉ trong bang California – có quyền bắt giữ người. Đáng nói là, cả hai quyền trên đều chưa từng được thực thi trong lịch sử Hollywood của AHA, kéo dài trong ít nhất 35.000 tác phẩm từ năm 1980 đến nay.

AHA nhanh chóng chỉ ra rằng, trong một tờ bướm “Bảo vệ bạn khỏi sự tổn hại” phát hành trong ngành về công việc của mình, câu “Không có động vật nào bị hại” ở cuối phim có chức năng là một tấm khiên hiệu quả chống lại những tấn công về mặt quảng bá có khả năng gây tổn hại từ những tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật – AHA tự đặt mình là tấm bình phong ôn hòa hơn so với Hiệp hội vì sự đối xử có đạo đức với động vật, tổ chức này tin rằng động vật thật nên được thay bằng CGI toàn bộ - khi giờ câu “Không có động vật nào bị hại” ở cuối phim là yêu cầu của nhiều nhà phát hành và nhà đài trước khi phát hành hay cho phim lên sóng.

Cảnh trong Heaven's Gate (1980)

Quyền lực pháp lý của AHA rộng, nhưng không hoàn chỉnh. Các phim Mỹ nằm ngoài giao ước của liên đoàn hoặc quay ở nước ngoài bị tính phí theo hợp đồng 80 USD một giờ cho người giám sát, chưa tính phí di chuyển. Nhưng, theo biên bản họp của ban tư vấn Bộ phận Điện ảnh & Truyền hình (Film & TV Unit) của AHA từ năm 2010 mà The Hoolywood Reporter xem xét, nhiều phim đơn giản là từ chối tham gia.

Trong lúc đó, chỉ khoảng 50% các cảnh diễn của động vật được theo dõi ở nước Mỹ, theo tư vấn viên thâm niên Karen Rosa của Bộ phận điện ảnh và truyền hình. Khoảng trống còn lại có vì nhiều lý do, từ những phim không thuộc hiệp hội bị chừa ra do thông báo trễ, địa điểm quay xa, lịch quay thay đổi và các thành viên đoàn làm phim thiếu kinh nghiệm, hoặc không biết hoặc – trong vài trường hợp – không yêu cầu giám sát từ lúc đầu. Thêm vào đó, vì số lượng phim truyền hình và điện ảnh tăng trong những năm gần đây, AHA đôi lúc không có đủ đại diện để xử lý những yêu cầu này, dẫn đến việc người giám sát chỉ đi thăm rất ngắn gọn, hoặc không có đi.

“Những người đại diện được cử đi nhiều trường quay trong cùng một ngày, có nghĩa là chúng tôi có thể ghi vào là đã ‘xem qua’ dù chỉ ở đó chừng năm phút,” một nhân viên nói, chú thích thêm rằng lượng nhân sự có hạn được phân vào những trường quay mạo hiểm nhất. “Tôi có cảm giác rằng, càng ngày, việc này càng không phải để chắc chắn rằng chúng tôi có thể ít nhất cũng thấy được người huấn luyện và động vật thế nào để đảm bảo tình hình không tệ, mà là để giữ con số vẫn ở mức cao và tạo cảm giác chúng tôi đang giám sát được nhiều hơn con số thật.”

AHA thường tuyên bố tỷ lệ an toàn ở mức 99,98% - có nghĩa là khoảng 100% số động vật họ giám sát đều không bị hại. Nhưng những nhà đánh giá bên trong AHA khăng khăng nói là con số đó thật lố bịch, không có cơ sở về mặt thống kê thực sự. Họ cho rằng tỷ lệ chung theo nhóm đó đã được thổi phồng vì lượng côn trùng không thể đếm được cao – “Hãy nghĩ đến những ngày mà bạn dùng, để xem, 10.000 con sâu, 10.000 con gián, 50.000 con kiến, 25.000 con bọ,” một nhân viên giải thích – trong khi con số thương vong bị đếm giảm đi vì tổ chức này không tính những vụ xảy ra khi trung chuyển hoặc ở nơi trú ngụ (mà chỉ tính trên phim trường). Một nhân viên nói thêm: “Đó là con số nhảm ruồi được dựng lên chỉ để quảng bá.”

Trong hồi đáp, Rosa nói rằng điểm này dựa trên con số ước đoán động vật được tổ chức này giám sát trong vòng năm năm so với số vụ việc được biết đến. “Tôi tính theo từng vụ, không hẳn là tính theo số lượng động vật. Nên khi có vụ liên quan đến côn trùng chẳng hạn, tôi cũng có đếm cả cá vào nữa...” bà nói. “Chúng tôi xem xét khoảng 100.000 con vật một năm – và đó là con số thấp hơn thực tế vì đôi lúc có cả đàn gia súc và cả đàn chim. Nên chúng tôi chỉ có thể ước đoán.”

Việc AHA sẵn sàng chiều lòng ngành công nghiệp điện ảnh có thể bắt đầu trước khi phim khởi quay, với chuyện được miêu tả là quy trình lên lịch mang tính chính trị hóa và gửi các quan sát viên ra phim trường. Các nhân viên nói rằng (và đơn kiện của Casey cũng khẳng định) các hãng phim có mối quan hệ mật thiết với tổ chức này thường có thể yêu cầu nhân viên chuyên về an toàn nào sẽ quan sát phim trường của họ. (Rosa phủ nhận điều này. “Chúng tôi không bao giờ hứa những điều như thế,” bà nói. “Chúng tôi làm gì có đủ người để hứa như thế.”

Eight Below

Tương tự như vây, khi một cuộc điều tra được mở ra, những người chỉ trích AHA đưa ra câu hỏi: mục tiêu của cuộc điều tra rốt cuộc có phải là để tìm hiểu những vấn đề gốc gác của lời buộc tội hành hạ thú vật hay chỉ là cách giảm các vấn đề quan hệ công chúng cho bản thân tổ chức và đoàn làm phim. Họ mô tả, về phía lãnh đạo có ý định tìm những lý do họ có thể dùng để bác bỏ những rắc rối này, thường là bằng cách cho rằng hiện tượng xảy ra ngoài tầm kiểm soát của họ, nhất là với những thứ xảy ra ngoài phim trường, trong lúc di chuyển hay trong những nơi nuôi chứa thú vật những ngày tháng dài sau khi những con vật làm việc, có thể khiến thú vật chịu sức ép về cả thể xác lẫn tinh thần.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm nếu có cái chết cần tìm hiểu, chứ không phải là lờ nó đi,” một nhân viên cho biết. “Những hướng dẫn của chúng tôi yêu cầu chúng tôi tìm hiểu về cái chết dù là có trên máy quay hay không, để đảm bảo rằng sự có mặt của đoàn làm phim, hay chỉ sự bận rộn của phim trường, không phải lý do gây ra cái chết.”

Theo một số nguồn tin, sự trốn tránh điều tra này cũng được chứng minh bằng những ranh giới pháp lý được những người đứng đầu đặt sẵn cho bản thân, được AHA lý giải bằng sự thiếu hụt tài chính dù số hoạt động được tăng đáng kể trong những năm vừa qua. Những nguồn tin này chỉ ra sự thiếu quan tâm tới việc như điều tra tại sao thú vật bị bệnh vẫn bị người huấn luyện bắt làm việc, như trong phim MarmadukeOur Idiot Brother. [Lời bổ sung của ban biên tập: Sau khi bài viết này được đăng, người huấn luyện chó trên phim trường Our Idiot Brother đã liên lạc để nhấn mạnh rằng cái chết của chú chó này “không hề liên quan tới công việc.” Cô cho biết, “Từ ngày chú chó có biểu hiện bất thường tới ngày qua đời (sau đó 5 ngày), Gable không hề đi làm. Chúng tôi đã rời phim trường khoảng một tuần rồi Gable mới có biểu hiện bệnh tật.] Hay tại sao người huấn luyện được phép di chuyển những thú vật quý hiếm qua biên giới các bang, dẫn tới việc sau này phải cho chúng chết nhân đạo. (Bốn con hươu dự tính sẽ xuất hiện trong một quảng cáo Nature Valley Granola cuối cùng đã được Sở Thú vật hoang dã Washington cho chết nhân đạo. Theo AHA những hành động này nằm trong quyền hạn của các cơ quan địa phương.) Hay tại sao thú vật có thể chết trong ngày sau khi kết thúc công việc (như từng xảy ra với một chú ngựa trong phim War Horse, mà theo AHA là cái chết “tự nhiên” trên đường về nhà) hay tại chỗ nuôi giữ ngoài phim trường (trong trường hợp thú vật xuất hiện trong phim The Hobbit.)

Our Idiot Brother

Sau một cuộc kiểm toán đặt ra nhiều câu hỏi, nhóm trong ngành giải trí đang đầu tư vào chứng nhận “Không động vật nào bị hại” yêu cầu có thông tin chi tiết hơn nhưng AHA cũng không có thêm hành động nào. Dù sao thì Hollywood cũng cần có AHA. Không có tổ chức này, sự tăng vọt trong số thú vật thương vong trong những năm gần đây đã dẫn đến những sự can thiệp pháp lý từ lâu. Thật khó tưởng tượng rằng ngành giái trí lại muốn Bộ Nông nghiệp Mỹ phải cử người giám sát liên bang tới các phim trường và đưa ra những báo cáo minh bạch đăng tải trực tuyến để công dân dễ dàng đọc được, và những chi phí giám sát sẽ có nguồn từ mức thuế mới đối với các đoàn làm phim.

Stewart cho biết AHA đang ở thế khó trong nhiều tình huống như thế này vì những hạn chế tài chính và pháp lý. “Chúng tôi cần phải mở rộng khả năng pháp lý của mình. Hiện nay chúng tôi không có quyền can thiệp với thú vật trên đường vận chuyển hay ở nơi lưu giữ,” ông nói. “Đó là những thứ tôi muốn đưa vào hoạt động trong tương lai.”

Hậu quả của những điểm yếu trong quy trình của AHA – từ việc lựa chọn giám sát tới những thứ hạn chết hoạt động của họ, và sự kháng cự mang tính chất tập thể đối với việc điều tra những hoạt động hành hạ thú vật được nêu lên đặt câu hỏi cho thang đánh giá cho các bộ phim được đăng tải trên trang web của tổ chức này, một thang điểm về mức chất lượng bảo vệ động vật trên phim trường của bộ phim, và chính bản thân dòng chứng nhận “Không động vật nào bị hại”.

War Horse

Với dòng xác nhận rõ ràng trên luôn xuất hiện ở cuối phim, có vẻ không có lối thoát nào dễ dàng. Nhưng những cuộc phỏng vấn với các nguồn tin bên trong AHA cùng với việc xem xét những văn bản nội bộ, cho thấy AHA từng nhiều lần đưa ra những hình ảnh lạc quan hơn thực tế diễn ra trên phim trường hay so với những ghi chép nội bộ của tổ chức. Các nguồn tin cho biết, dòng chứng nhận trên được ban phát, và những đánh giá cho bộ phim được đưa ra, mà không có đóng góp quan điểm của những người giám sát trên phim trường, nhiều khi còn không cần đọc báo cáo của họ. (AHA bác bỏ thông tin này.) Các nguồn tin cho biết, không có một công thức chính thức nào dẫn tới chứng nhận trên, và có nhiều trường hợp xảy ra khi đánh giá được định bằng những nhà lãnh đạo tổ chức tỏ ra quan ngại với việc một số quyết định có thể ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa tổ chức và ngành giải trí.

“AHA không giải thích các phim được đánh giá thế nào vì họ không có cách đánh giá rõ ràng và nhiều khi những mối quan hệ vẫn được cân nhắc,” một nhân viên cho biết. “Các nhà lãnh đạo tạo sức ép với bộ phận hậu kỳ (bộ phận chịu trách nhiệm đưa ra đánh giá) đưa ra nhận xét tích cực. Kể cả khi mối quan hệ chưa quá chặt chẽ, trong tương lai nó có thể tốt hơn và họ không muốn gây sóng lật thuyền.”

Ví dụ, Eight Below của Disney vẫn được chứng nhận không làm hại động vật dù vào ngày 21/3/2005, một báo cáo ghi rõ: “Con chó đóng vai chính ẩu đả với hai con chó khác. Người huấn luyện chó đã đánh con chó dữ dội, khiến lồng phổi bị tổn thương. Đại diện của chúng ta đã nói chuyện với người huấn luyện và được anh ta trả lời là không có lựa chọn nào khác. Văn phòng đề nghị đại diện tổ chức đưa chó rời khỏi phim trường.” Trong một lời phát biểu gửi The Hollywood Reporter, AHA cho biết, “Người huấn luyện đã phải dùng sức để tách những con chó đang cắn nhau ra. Hậu quả là không có con chó nào bị thương.” Đại diện AHA cũng yêu cầu có nhiều người huấn luyện trên phim trường hơn.

The Chronicles of Narnia: Prince Caspian

Trong một phim Disney khác, The Chronicles of Narnia: Prince Caspian (2008), nhiều con ngựa bị rút khỏi đoàn làm phim vì bị thương – cơ sở dữ liệu nội bộ AHA cho biết từ 23/6/2007, có tận 14 con ngựa không đủ sức khỏe làm việc, với những vết thương từ đuôi bị đau tới đau lưng tới “vết thương trên mũi”. Vậy mà bộ phim vẫn được xác nhận rằng “Không động vật nào bị hại”. Theo phát biểu của AHA, lời xác nhận này là chấp nhận được vì “không vết thương nào quá nghiêm trọng và xảy ra do cố tình.”

Một sự kiện khác xảy ra trong khi làm phim Son of the Mask (2005) của New Line. Bộ phim cũng được xác nhận trên dù báo cáo ngày 4/2/2004 cho biết “phần lớn số cá hôm nay đã chết dưới sự chăm sóc và quản lý của bộ phận đạo cụ.[Đại diện] cho biết chúng chết trong quá trình bộ phận đạo cụ thay nước bể cá và cho vào bể nước máy của thị trấn.” Một lần nữa, AHA khẳng định xác nhận trên được đưa ra vì “chúng tôi tin rằng đây không phải là hành động cố ý”, dù tổ chức cũng nhấn mạnh “ngày nay có lẽ sẽ không đưa ra đánh giá tương tự.”

Trong một cuộc phỏng vấn vớiThe Hollywood Reporter, Candy Spelling, một thành viên hội đồng quốc gia AHA, lên tiếng bênh vực chủ ý của hiệp hội đằng sau khung hình chạy cuối phim "Không có động vật nào bị hại". "Tôi nghĩ mọi người nghĩ rằng [như vậy có nghĩa là] khi một con ngựa chết ở trong phim, nó thực sự không bị chết," cô nói. "Tôi nghĩ mọi người nghĩ [công việc giám sát của AHA] chỉ gói gọn trong phạm vi được máy quay ghi lại." Để làm sáng tỏ cho khung hình chạy cuối phim, cô nói, "Tôi cho rằng không có động vật nào bị hại trong quá trình làm phim."

Trong nhiều trường hợp được The Hollywood Reporter xem xét, lời giải thích của AHA về sự kiện không trùng khớp với bản ghi chép nội bộ, thường là thiên vị cho bên sản xuất. Hãy xem vụ chú sóc chuột bị chết trong quá trình làm phim Failure to Launch.

Một con sóc chuột, giống như con trong hình này, đã bị giẫm chết trên phim trường Failure to Launch

"[Người huấn luyện] đánh rơi con sóc chuột, giẫm lên nó làm chết nó," theo ghi chép có liên quan của giám sát viên trường quay ngày 6/6/2005. "Bài học rút ra: Đừng mang con sóc chuột trên vai." Ngày hôm nay, AHA lại nói rằng con sóc chuột rơi ra khỏi túi của người huấn luyện khi anh ta bị vấp ngã."

Mặc dù phim Failure to Launch không được đóng khung hình "Không có động vật nào bị hại" vào đoạn giới thiệu cuối phim, nhưng sự khước từ của AHA được quy cho việc hãng sản xuất quên không trình bộ phim cho AHA trước khi phát hành, chứ không phải do cái chết của chú sóc chuột. Đánh giá trực tuyến của AHA về phim này - "Kết quả giám sát: Chấp nhận được" - chỉ đề cập đến một chú sóc chuột "được chuẩn bị cho vai diễn trong vài tuần, rất thuần hóa và đã quen với mọi người," không phải con đã chết.

Về cái chết của chú sóc chuột, báo cáo của AHA gửi tới The Hollywood Reporter cho biết đó không phải một yếu tố trong quyết định cấp 'khung chứng nhận cuối phim' của họ bởi "sự việc xảy ra sau khi quay phim và đó không phải hành động tàn ác có chủ ý."

Quả thực định nghĩa "chấp nhận được" của AHA là rất mơ hồ, chỉ cho công chúng thấy rất ít về những gì đã thực sự diễn ra trong quá trình sản xuất. Phim Pirates of the Caribbean: The Curse of the Black Pearl (2003) của Disney là một ví dụ, cá và các động vật khác đã bị giết trong các vụ nổ dưới nước. (Báo cáo của AHA gửi tới The Hollywood Reporter mâu thuẫn với ghi chú của đại diện AHA trên trường quay, khi nói rằng: "Các vụ nổ đã được thiết lập chính xác." AHA cũng nói rằng "chưa xác định được nguyên nhân của việc cá dạt vào bờ có phải là do các vụ nổ không.")

Với phim There Will Be Blood, của Paramount Vantage, nhiều con ngựa đã bị chết, trong đó có một cặp ngựa chết bởi cơn đau bụng co thắt, chứng này thường do sốc nhiệt. (Chín ngày trước khi chúng bị chết vào ngày 15/6/2006, đại diện của AHA trên phim trường tại Texas nhận được một khiếu nại nặc danh cho biết "thời tiết ngày hôm đó rất khô, nóng, đầy gió và bụi," và "lũ ngựa không được tiếp nước.")

There Will Be Blood

Trong báo cáo gửi tới The Hollywood Reporter, AHA cho biết: "Hàng loạt ngựa bị đau bụng co thắt ở quận này" ở thời điểm đó. Tuy nhiên, trên bản đánh giá trực tuyến, AHA không đề cập đến những cái chết của ngựa hay cơn đau bụng co thắt là một vấn đề. Họ cấp cho bộ phim này một 'khung chứng nhận cuối phim' đã được sửa đổi như sau: "Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ đã giám sát hoạt động của động vật." AHA nói họ cho rằng khán giả sẽ tự suy ra rằng "tổn hại do tai nạn" đã xảy ra với động vật trong phim. Không có điều tra nào từ phía AHA được ghi nhận, và cả hai phim nói trên đều được dán nhãn "Chấp nhận được".

AHA trong những năm gần đây cũng đẻ ra một hạng mục mới, "Những tình huống đặc biệt" trong sản xuất phim mà theo đó - dù là trước, trong hay sau khi bấm máy - "một căn bệnh không thể ngăn ngừa được, thương tích hoặc tử vong có thể xảy đến với một con vật" trên phim trường được giám sát. Nhãn này được gán cho The Hobbit, Luck Zookeeper của Sony. (Một con hươu cao cổ đã chết trên phim trường Zookeeper. AHA viết trên trang web của họ rằng "mổ tử thi cho thấy không có gì đáng báo động," ngụ ý rằng nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào thì "có khả năng liên quan tới tuổi tác của con vật," nhưng không hề có một bản sao trực tuyến nào của báo cáo chính thức mà từ đó họ đã xem xét để đi đến quyết định này, hoặc giải thích tại sao một con hươu cao cổ già lại là lựa chọn hàng đầu để đóng phim.

"'Những tình huống đặc biệt' được sử dụng bất cứ lúc nào AHA cảm thấy không có lợi khi kết luận 'Tốt', 'Chấp nhận được', hoặc 'Không chấp nhận được' nhằm bảo vệ lợi ích của riêng mình," một nhân viên cho biết.

Còn một nhãn khác được AHA ban bố là "Tin rằng chấp nhận được", dùng trong các trường hợp họ không thể giám sát hết tất cả các hoạt động của động vật trong quá trình sản xuất phim và không thực sự bảo đảm được sự an toàn. Thêm một nhân viên khác đánh giá: "Mơ hồ lắm. Không thể biết những con vật có bị tổn thương hay không."

Zookeeper

Trong môi trường vốn đã được thỏa hiệp này, ban lãnh đạo AHA còn đang tiến tới một kế hoạch "dịch vụ trả phí". Theo thỏa thuận mới, mọi chi phí sẽ được các hãng sản xuất thanh toán trực tiếp, hơn là chỉ thông qua khoản trợ cấp của Quỹ hợp tác và phát triển ngành (IACF). Sáng kiến này được đề xuất lần đầu tiên trong mùa hè, và AHA muốn nó bắt đầu thực thi từ 1/9/2013. Nhưng Bộ phận Điện ảnh và Truyền hình dường như chưa sẵn sàng, đã đình lại, liên quan đến các chi phí mới phát sinh và sự thay đổi này khá đột ngột. Mọi việc hoãn lại tới ngày 1/1/2014.

IACF ủng hộ thỏa thuận mới mà theo đó sẽ tăng thêm khoản tài trợ cho mình. Tuy nhiên, các nhà phê bình AHA chỉ trích kế hoạch "dịch vụ trả phí" sẽ làm trầm trọng thêm xung đột lợi ích hiện tại khi các hãng sản xuất sẽ thanh toán trực tiếp cho những giám sát viên giám sát công việc của họ.

Cả Stewart lẫn Rosa đều cho rằng kế hoạch tài trợ mới mang tính then chốt cho phép AHA mở rộng khả năng giám sát và bảo vệ động vật tốt hơn. "Ngành công nghiệp điện ảnh đã phát triển đáng kể qua nhiều thập kỷ mà chúng ta đã thực hiện công việc này," Rosa nói. "Mô hình quỹ tài trợ trước đây không đáp ứng được nhu cầu hiện nay." Stewart nói thêm rằng nếu có sự thay đổi thì "Đó không phải sự thỏa hiệp mà vì mục tiêu trên phim trường."

Ngoài kế hoạch "dịch vụ trả phí", AHA cho biết họ đang thực hiện những thay đổi lớn khác cho chương trình "Không có động vật nào bị hại". Đưa một bác sĩ thú y được đào tạo như Stewart vào vị trí phụ trách là một trong số đó. AHA cũng cải tổ ban cố vấn ngành, thành lập từ năm 2009, thành một ban cố vấn khoa học bao gồm một chuyên gia về hành xử của động vật, các bác sĩ thú y, một chuyên gia về đạo đức và phúc lợi cho động vật... AHA cũng nói rằng, vào cuối năm 2012, họ đã thiết lập một chính sách yêu cầu "công tác điều tra của bên thứ ba bất kể khi nào có chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong trên phim trường." Cuối cùng, những gì Rosa gọi là một cuộc "tái cơ cấu", là AHA gần đây đã sa thải vài giám sát viên, trong đó có những người đã làm việc nhiều năm cho Hiệp hội. Họ sẽ được thay thế bởi những bác sĩ thú y được cấp phép và có chuyên môn cao.

Các nhà phê bình nhìn nhận đó là một sự phát triển đáng ngại, một màn sương để che đậy chuyện thanh lọc những nhân viên phá rối và thay bằng những bác sĩ thú y, có thể thích hợp để chăm sóc động vật bị thương nhưng không được đào tạo để bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại từ đầu trong khi quay một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình.

"La bàn đạo đức ở nơi này đã trệch hướng," một nhân viên AHA nói. Một người khác thêm vào: "Chúng tôi đã hy vọng vào sự thay đổi, nhưng không phải thế này. Đó không phải sự thay đổi. Mọi chuyện còn tệ hơn."

Dịch: © Mai Khanh - Xuân Hiền - Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi