Nhân vật & Sự kiện

Dũng Nhi và những vai diễn để đời

01/02/2011

"Tôi đóng phim vì vui, vì đam mê và luôn quan niệm mình là diễn viên nghiệp dư...". Anh từng tâm sự vậy. Anh cũng chưa một lần nhận giải thưởng, không danh hiệu, không hội viên hội nghệ thuật nào... Nhưng gương mặt ấy được công chúng nhiều thế hệ biết tới qua những vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim nổi tiếng... Ðó là diễn viên điện ảnh Dũng Nhi.

Vốn là giáo viên dạy văn, nhưng điện ảnh đến với Dũng Nhi bằng sự tình cờ. Khi đang chuẩn bị tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, đúng lúc đạo diễn Quốc Long và đạo diễn Trần Ðắc tìm vai diễn cho nhân vật anh hùng Lê Mã Lương trong bộ phim Bài ca ra trận, Dũng Nhi được mời thử vai và anh được chọn. Rồi ngay sau đó, lệnh lên đường nhập ngũ buộc anh gác lại đam mê. Sau ba năm 'đời lính', trở về trường, anh gặp lại đoàn làm phim năm nào. Vai diễn được trả lại cho anh lính áo quần còn khét lẹt mùi thuốc súng. Sau vai diễn này, Dũng Nhi vẫn tiếp tục nghề dạy học. Chỉ đến khi đoàn phim Ngày ấy bên sông Lam chọn anh vào vai người lãnh đạo phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh, anh mới chính thức từ bỏ những dự định khác để theo nghề diễn xuất.

Dũng Nhi ưa thích và chọn cho mình phong cách diễn xuất hướng tới sự giản dị như cuộc sống. Ðó hình như cũng là lý do khiến một số đạo diễn thường chấm cho anh những vai chính diện. Nhưng cũng thật bất ngờ, với vai Năm Sài Gòn trong bộ phim Bỉ vỏ, anh đã chứng minh khả năng có thể vào những vai trái với chất anh thường diễn. Tuy chưa thật sắc sảo, sinh động, nhưng vai Năm Sài Gòn đã cho người xem thấy một khả năng xi-nê tiềm tàng trong con người có bề ngoài tưởng chừng khô cứng. Khả năng ấy càng được minh chứng qua những vai diễn ấn tượng sau đó của anh như vai Thời trong phim Người rừng. Một nhân vật Thời với bộ mặt của kẻ hèn nhát, phản bội, tham quyền... được Dũng Nhi nhập vai hết sức tự nhiên, có chiều sâu.

Dũng Nhi đặc biệt có duyên với những nguyên mẫu nổi tiếng trong đời thực. Ngoài anh hùng Lê Mã Lương (vai Nam) kể trên, anh còn đóng chiến sĩ cách mạng trung kiên Tô Hiệu (vai Tông Hiến) trong Lời anh chưa kịp nói. Rồi nhân vật nhà văn Nguyễn Tuân (vai Nguyễn) ở Mê thảo thời vang bóng, tay giang hồ khét tiếng Năm Sài Gòn trong tiểu thuyết Bỉ vỏ, ông thứ trưởng trong Chạy án, và mới đây nhất là vai Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim, nguyên mẫu 'cha đẻ khoán hộ' Kim Ngọc...

Dũng Nhi trong phim Bí thư tỉnh ủy

Ðể diễn xuất thành công những vai diễn 'hóc búa' này, anh là người dày công tìm tòi, học hỏi diễn xuất một cách công phu. Khi nhận vai Nguyễn - trong phim Mê thảo thời vang bóng, Dũng Nhi quyết định bỏ hẳn nửa năm 'tầm sư học đạo' những ngón trống chầu từ ca nương Bạch Vân, để hy vọng diễn tả chính xác những tiếng thưởng - tiếng phạt khi cây dùi gõ vào tang trống trong từng cảnh quay. Với phim truyền hình Niệm khúc cho người cha, trong vai là một nhân vật giỏi chơi đàn vi-ô-lông, Dũng Nhi lại mất gần hai tháng cho những kỹ thuật cơ bản để kéo ác-sê, từ ngón tay bấm phím đến cách đặt cây vĩ cầm thế nào cho chuẩn...

Khi làm phim Bỉ vỏ, nhận đóng vai Năm Sài Gòn, phản ứng đầu tiên của nhiều người là dáng hình, khuôn mặt anh không thể vào vai đó được. 'Người ta chờ sự thất bại. Phim duyệt xong, đem về chiếu ở hãng, chị Trà Giang vui vẻ nói với tôi rằng, đây là phim em đóng ấn tượng nhất' - Dũng Nhi nhớ lại. Anh kể, để vào vai này, anh phải xuống Hải Phòng nhờ một bác hướng dẫn đánh xóc đĩa. 'Quay cảnh ấy, mình nhuyễn cách nắm cái đít bát, búng lên rồi từ từ chộp lấy cho đúng dân anh chị. Ðộng tác móc túi cũng vậy. Thao tác xong, ông quay phim rỉ tai: Lúc nãy cậu đã lấy ví chưa? Lấy rồi, đây này. Sao tôi không nhìn thấy gì cả? Sau đó phải quay đúp hai, làm chậm hơn để khán giả cảm nhận theo con mắt của người quay phim...'. Khi nói về vai diễn này Dũng Nhi luôn hào hứng nhớ lại từng cảnh quay.

Dũng Nhi là diễn viên luôn được các đạo diễn và đồng nghiệp nể phục bởi sự kỹ càng, nghiêm túc đến từng chi tiết trước ống kính. Nhận vai Bí thư Hoàng Kim trong bộ phim dài 50 tập Bí thư tỉnh ủy, mấy tháng trời bám trụ Vĩnh Phúc, anh tỉ mẩn học từng cách cầm cuốc, cầm cày, cấy lúa, dỡ khoai và cả... hút thuốc lào. Anh còn đọc, nghiên cứu nhiều tư liệu về nhân vật để có những hình dung sắc nét về chân dung vị bí thư 'do dân, vì dân' này.

Hơn ba mươi năm diễn xuất trước ống kính, với nhiều dạng vai diễn và gây được nhiều ấn tượng khó quên trong lòng công chúng, nhưng Dũng Nhi chưa một lần là gương mặt của giải thưởng, thành tích, danh hiệu. Dường như điều ấy không làm anh vướng bận và nhụt niềm say mê phim ảnh. 'Việc chưa được giải thưởng và danh hiệu không làm ảnh hưởng đến các vai diễn và niềm say mê đóng phim của tôi...' - Anh thường nhỏ nhẹ như vậy mỗi khi có ai nhắc tới điều này.

Gia đình nghệ sĩ Dũng Nhi từ ông, mẹ, anh em đến các con anh đều làm nghệ thuật, nhưng mỗi người chọn cho mình một con đường riêng. Ông anh theo bộ môn tuồng, mẹ là diễn viên kịch nói, dì là diễn viên ca múa, các em anh làm sân khấu, con trai và con dâu làm diễn viên ba-lê... Nhưng có một điều đặc biệt là tất cả đều từng tham gia đóng phim. 'Chúng tôi coi điện ảnh là nơi tụ họp gia đình.'- Dũng Nhi thổ lộ. Phải chăng đây mới chính là động lực và là hạnh phúc đích thực của người nghệ sĩ, vì được sống thật nhất với niềm đam mê của đời mình?

'Tôi xuất thân làm nghề dạy học, phong thái chậm, nói năng cũng vừa phải, không quyết liệt như những nhân vật của tôi. Nhưng lúc diễn, tôi không còn là tôi nữa. Khi đóng Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ, tôi phải thể hiện ra chất một tay anh chị nhưng khi hóa thân một đảng viên cộng sản trung kiên, tôi phải sáng tạo cho mình một thần thái, cốt cách cao quý...'.

'Vợ tôi từng đóng phim, từng đi cùng với tôi trong các đoàn phim và những cảnh tôi đóng, kể cả những cảnh yêu đương, cô ấy chứng kiến ngay ở trường quay nên rất hiểu nghề tôi làm. Cho nên vợ tôi coi nghề của tôi không phải công cuộc trăng hoa mà là lao động thực sự. Chính vì thế những chuyện ghen tuông theo kiểu người đời hay tưởng tượng không bao giờ có ở gia đình tôi... Tôi vẫn luôn quan niệm mình là diễn viên nghiệp dư và tôi chỉ làm công việc yêu thích của mình'.

Nguồn: Nhân Dân cuối tuần