Nhân vật & Sự kiện

Jung Sung Il: Nhà phê bình phim đánh cược danh tiếng vào tác phẩm điện ảnh đầu tay

20/02/2011

“Nếu chờ đợi lâu hơn nữa, có thể tôi sẽ không bao giờ làm được điều mà tôi luôn muốn làm. Tôi không muốn nấp sau thành công của mình với tư cách một nhà phê bình. Vì thế tôi đã mạo hiểm.”

Rất lâu trước khi sức mạnh dân chủ của internet biến tất cả chúng ta thành những nhà phê bình, Jung Sung Il đã coi điện ảnh là nghệ thuật bậc cao và làm thay đổi cách nhìn của cả một thế hệ người Hàn Quốc về phim ảnh.

Đã hơn hai thập kỷ kể từ khi Jung Sung Il – một trong những nhà phê bình phim có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc – bắt đầu viết bài bình luận cho những tạp chí chuyên về điện ảnh đầu tiên của quốc gia này, Roadshow và KINO. Tháng 12 vừa qua, vị khán giả thông thái cuối cùng cũng gia nhập thế giới phim ảnh khi lần đầu tiên làm đạo diễn bộ phim dài ba giờ 18 phút Cafe Noir.

Về bước đột phá vào lĩnh vực đạo diễn, Jung Sung Il, như một nhà phê bình thực thụ, là người đâu tiên thừa nhận những thiếu sót của mình trong vai trò đạo diễn. “Sau khi hoàn thành Cafe Noir, tôi nhận ra rằng những tác phẩm tuyệt đỉnh trong thời đại của chúng ta ẩn chứa nhân tố gì đó ngoài tầm với của con người, khiến chúng có một phẩm chất thần thánh không làm cách nào tái tạo được,” ông nói trong buổi phỏng vấn với JoongAng Daily.

Nhà phê bình phim - đạo diễn Jung Sung Il

Với ánh mắt chăm chú đằng sau cặp kính gọng đen, nhà phê bình 51 tuổi này nói về phim ảnh với nhiệt huyết của một chàng trai trẻ. “Tôi cố gắng tái tạo một cảnh trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp Henri Cartier Bresson, cảnh quay cầm chiếc cốc. Mặc dù tôi quay cảnh đó chính xác như những gì vị nhiếp ảnh gia đã làm, nhưng như bạn thấy đấy, cảnh quay của ông ấy thật tuyệt còn của tôi thì không!” ông cười và lấy tay che mặt.

Trái ngược với những lời tự phê bình của Jung Sung Il, Cafe Noir nhận được nhiều lời khen ngợi từ những vị tiền bối trong làng phê bình phim Hàn Quốc. Năm ngoái, phim được mời đến dự Liên hoan phim Quốc tế Venice danh giá.

Bộ phim gồm hai phần dựa theo hai tác phẩm văn học kinh điển The Sorrows of Young Werther của Goethe và White Nights của Dostoyevsky. Phim kể về Yeong Su (do Shin Ha Gyeun đóng), một giáo viên trung học dạy môn âm nhạc, đau khổ khi phải kết thúc mối tình vụng trộm với một phụ nữ đã có gia đình, Mi Yeon (Moon Jung Hee). Ở nửa sau phim, anh đã tìm được niềm an ủi về tinh thần ở Sun Hwa, cô gái anh gặp khi đang đi dạo gần suối Cheonggye ở trung tâm Seoul.

Yeong Su và Mi Yeon trong Cafe Noir

Tuy nhiên, gây ấn tượng hơn nhiều so với cốt truyện đầy ý nghĩa, là những cảnh quay nên thơ của bộ phim, trong đó máy quay đem đến vẻ đẹp bí ẩn của thủ đô Seoul. Đặc biệt, những cảnh quay đen trắng khi Yeong Su và Sun Hwa chạy dọc suối Cheongye dưới ánh đèn mờ ảo của thành phố giống như một bài thơ về Seoul, nhưng cũng đem đến cảm giác về một Seoul hiện đại và phức tạp.

“Một vài người cho rằng tôi thật ngạo mạn khi chuyển thể những tác phẩm văn học cổ điển thành phim thương mại. Nhưng tôi muốn đáp trả bằng cách nói rằng những bộ phim hay có ảnh hưởng tương đương, nếu không muốn nói là hơn, các tác phẩm văn học,” ông nói.

“Những phim điện ảnh hay kể về những trải nghiệm trong thế giới hiện đại, theo cách mà không thể loại nghệ thuật nào làm được. Với lịch sử điện ảnh phong phú của chúng ta ngày nay, sẽ thật sai lầm khi cho rằng mục đích duy nhất của phim ảnh chỉ là giải trí.”

Yeong Su và Sun Hwa trong một cảnh quay đen trắng

Jung Sung Il nói niềm yêu thích phim ảnh của ông bắt đầu bằng việc phản đối quan điểm này về điện ảnh tại Hàn Quốc. Nhà phê bình – đạo diễn cho biết bố ông chưa bao giờ ủng hộ sự nghiệp của ông trong ngành công nghiệp điện ảnh.

“Tôi còn nhớ khi tôi 30 tuôi, tôi có đến thăm bố mẹ vào dịp năm mới. Bố tôi hỏi tôi kiếm sống bằng nghề gì và tôi nói, ‘Con là tổng biên tập một tạp chí điện ảnh,’ Sau khi ngừng lại một chút, ông nói, ‘Vậy khi nào con mới thực sự bắt đầu làm việc đây?’” ông cười.

“Bố tôi vẫn nghĩ tôi là một thằng vô tích sự!”

Tuy nhiên, với chàng trai trẻ yêu điện ảnh ngày đó, sự phản đối của người cha không phải là vấn đề. Khi Jung Sung Il lớn lên trong thập niên 70, được xem một phim nghệ thuật nước ngoài gần như là điều bất khả thi.

“Tôi nhớ bộ phim đầu tiên được xem ở rạp là Lawrence of Arabia khi tôi còn là học sinh tiểu học. Bộ phim in sâu trong ký ức tôi suốt một thời gian dài sau đó. Mẹ tôi nói rằng sau khi xem phim, tôi không làm gì mà chỉ ngồi trong phòng vẽ hình sa mạc và những chú lạc đà,” ông nhớ lại.

Sau khi nghe về bộ phim Pháp Forbidden Games của đạo diễn Rene Clement trên đài, Jung Sung Il cho biết ý nghĩ không được xem bộ phim đã ám ảnh ông suốt nhiều tháng. Rồi một ngày ông nhìn thấy một quảng cáo nhỏ trên báo nói rằng Trung tâm văn hóa Pháp sẽ chiếu bộ phim.

The Riflemen làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của Jung Sung Il về phim ảnh

Nhưng khi cậu bé Jung Sung Il 15 tuổi đến Trung tâm văn hóa Pháp thì phim đã kết thúc. Thay vào đó cậu xem The Riflemen của Jean-Luc Godard – một phim mà Jung Sung Il cho biết đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của ông về phim ảnh.

“Bộ phim đó thật sự đáng kinh ngạc. Tôi chưa từng thấy một điều gì tương tự như thế. Trước đó tôi không biết gì về bộ phim này hay Godard, và tôi nghĩ xem phim mà không chuẩn bị trước như vậy khiến tôi càng thêm sửng sốt,” ông nói.

Jung Sung Il cũng nói ông nhớ mình từng đến Trung tâm văn hóa Pháp như một phần công việc của mình.

Mặc dù muốn trở thành một đạo diễn phim nhưng những khó khăn sau khi tốt nghiệp đã khiến Jung Sung Il rẽ sang hướng khác. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sungkyunkwan chuyên ngành báo chí, Jung Sung Il bắt đầu công việc viết phê bình phim cho Mal, một tạp chí văn hóa của Hàn Quốc.

“Khi đó, thật khó tin khi các công ty truyền thông in ấn còn trả lương cao hơn nhiều so với các tập đoàn kinh tế. Tôi cần tiền và không thể chấp nhận công việc của một đạo diễn học việc hay nghề nào đó tương tự,” ông nói.

Sau khi những bài bình luận giúp ông có được sự kính trọng trong cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc chỉ trong vòng vài năm, ông trở thành tổng biên tập tạp chí điện ảnh KINO. Trong tám năm làm việc tại đó từ 1995 đến 2003, ông và các nhân viên đã giúp đưa phê bình điện ảnh chuyên nghiệp tại Hàn Quốc lên tầm cao mới, kết hợp triết học và kiến thức điện ảnh vào những bài bình luận phim. Trên hết, chính KINO là tạp chí đầu tiên khẳng định điện ảnh xứng đáng được coi là một môn nghệ thuật.

Hai cuốn sách phê bình phim của Jung Sung Il
Desperate Reading Someday the World Will Become a Movie

Ông nói một trong những câu hỏi nhận được nhiều nhất từ độc giả khi KINO bắt đầu là “cụm từ ‘mise-en-scene’ mà các ký giả liên tục nhắc đến nghĩa là gì?”, sau đó là những phàn nàn rằng tạp chí đã xa lánh độc giả bình dân bằng những từ ngữ nước ngoài khó hiểu và những bài bình luận phức tạp.

“Ngày nay, ‘mise-en-scene’ (nghệ thuật dàn dựng) đã trở thành một cụm từ phổ biến tại Hàn Quốc. Thậm chí còn có một nhãn hiệu dầu gội lấy tên mise-en-scene!”

“Tôi phản đối việc đánh giá các phim bằng số lượng sao và những thứ tương tự trong các bài bình luận. Chúng tôi ở KINO không dùng những ngôn ngữ hoa mỹ. Tôi nghĩ thật không công bằng với một bộ phim khi một nhà phê bình không có chút hiểu biết gì về văn hóa, nghệ thuật đương đại và cách các đạo diễn nhìn ra thế giới.”

Có nhiều phim và đạo diễn đã kích thích niềm đam mê của Jung Sung Il ngày hôm nay – theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Trong buổi phỏng vấn, ông có nói đùa về những phim “lo lắng cho tương lai của thế giới”. Cũng tương tự, có một cảnh trong Cafe Noir trong đó nhân vật chê bai D-War, một phim bom tấn kinh phí lớn nhưng thất bại của đạo diễn Shim Hyung Rae chiếu tại Hàn Quốc và Bắc Mỹ vào năm 2007.

“Mỗi mùa hè chúng ta lại xem hàng loạt phim cho thấy kết thúc của thế giới và làm thế nào để ngăn chặn điều đó,” ông cười mỉa mai. “Tôi phát ngán với những bộ phim như thế.”

Jung Sung Il phát ngán với những phim như D-War

Ông trở nên nhẹ nhàng hơn khi nói về những tác phẩm yêu thích của mình.

“Mỗi khi tôi trở thành một lão già ngốc nghếch và cô đơn, tôi thường xem phim một mình ở nhà - Late Spring của Yasujiro Ozu, Pierrot Goes Wild của Jean-Luc Godard, Notorious của Alfred Hitchcock, phim thập niên 50 của John Ford và nhiều phim khác nữa. Tôi xem những bộ phim này và nghiệm ra nhiều điều mới mẻ sau mỗi lần xem,” ông nói.

Có lẽ chính niềm tin mạnh mẽ vào điện ảnh đã giúp ông đủ dũng cảm chuyển hướng từ một nhà phê bình phim thành một đạo diễn mới vào nghề, yếu đuối trước một thế hệ phê bình phim mới.

“Tuổi 30–40 của tôi trôi qua quá nhanh, với những cuốn tạp chí và sách tôi đã viết. Dường như nếu chờ đợi lâu hơn nữa, tôi sẽ không bao giờ có thể làm được điều mình luôn mong muốn, đó là đạo diễn phim, tạo nên một điều gì đó đẹp đẽ. Tôi không muốn trốn sau những thành công với tư cách một nhà phê bình. Vì thế tôi đã mạo hiểm,” ông nói.


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily